Yên Bái: Vì sao xuất khẩu lao động chưa tương xứng với tiềm năng?

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2007, Yên Bái chỉ có 900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt có 60% kế hoạch đề ra. Con số này được Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng về nguồn cung lao động của tỉnh. Đây là một kết quả cụ thể biểu hiện cho rất nhiều những khó khăn mà công tác XKLĐ tại tỉnh gặp phải trong thời gian qua.

Sự chưa sâu sát và đầy đủ trong công tác thông tin tuyên truyền về XKLĐ là một trong những nguyên nhân chủ quan được nói tới. Trong công tác tổ chức thực hiện, theo đánh giá, nhiều vấn đề khó khăn của người xin đi LĐXK không được nắm bắt và giải quyết kịp thời, dứt điểm như những vướng mắc về vay vốn, làm hộ chiếu... Nó vừa gián tiếp tạo ra dư luận không tốt ảnh hưởng đến LĐXK, vừa trực tiếp dẫn đến tình trạng nhiều lao động đã đăng ký đi LĐXK đã được học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, thậm chí đã làm hộ chiếu nhưng không đi nữa. Mặt khác, địa phương chưa chủ động bám sát nhu cầu để đào tạo và đưa lao động có tay nghề đi LĐXK, còn các công ty XKLĐcũng chưa điều động được đơn hàng để hợp đồng đào tạo. Trong việc quản lý nhà nước về XKLĐ, còn một bộ phận người lao động tự đi LĐXK qua giới thiệu của người nhà hoặc về đăng ký đi tại các công ty ở Hà Nội, đi qua các công ty trước đây đã tuyển lao động tại Yên Bái nhưng địa phương không nắm và quản lý được.

Bên cạnh đó, những yếu kém từ phía doanh nghiệp góp phần không nhỏ vào sự hạn chế trong XKLĐ. Một số doanh nghiệp không thẩm định kỹ đơn hàng đưa lao động sang làm việc dẫn đến một số lao động không đủ việc làm, không có việc làm,  thu nhập hàng tháng rất thấp chỉ đạt 1-2 triệu đồng - chỉ đủ chi phí cho cuộc sống và làm việc ở nước ngoài. Một bộ phận lao động phải về nước trước thời hạn do doanh nghiệp phá sản. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm 2005, 2006, 2007 có 38 lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp, mất việc do doanh nghiệp phá sản, trả sai lương hợp đồng trong tổng số 129 lao động về nước trước thời hạn. Thông tin về tình trạng của số lao động này đã tạo tâm lý hoang mang trong gia đình người lao động làm giảm ý chí đi XKLĐ của nhân dân.

Cùng đó, theo khảo sát, thời gian qua, toàn tỉnh có trên 24 doanh nghiệp XKLĐ tuyển lao động trên địa bàn nhưng chỉ có 14 doanh nghiệp thường xuyên triển khai các hoạt động tư vấn tạo nguồn, 10 doanh nghiệp còn lại hầu như không hoạt động. Một số doanh nghiệp chưa tích cực chủ động, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết triệt để rủi ro phát sinh với người lao động, gây ra sự thiếu tin tưởng của người lao động. Có doanh nghiệp không sử dụng cán bộ của đơn vị tuyển lao động mà sử dụng cộng tác viên theo kiểu ăn chia, các cộng tác viên này hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận, dễ làm khó bỏ nên khi cộng tác viên không tuyển lao động nữa thì doanh nghiệp cũng ngừng hoạt động tại tỉnh.

Công tác tuyển chọn LĐXK của nhiều doanh nghiệp còn nặng về chỉ tiêu số lượng, chưa chú trọng đến yếu tố chất lượng, chưa giáo dục ý thức, tổ chức, kỷ luật, chấp hành pháp luật cho người lao động. Vì vậy, đã có một số lao động sau khi đi làm việc tại các nước đã vi phạm kỷ luật lao động của doanh nghiệp, pháp luật của nước sở tại nên bị trục xuất  về nước trước thời hạn. Vẫn theo số liệu thống kê trong 3 năm nói trên, có 25/129 lao động về nước trước thời hạn thuộc diện này. Số lao động phải về nước trước thời hạn này lại không được doanh nghiệp thông báo cho địa phương nguyên nhân, lý do, nên khi về đến gia đình họ đã đưa ra những thông tin thiếu tính chính xác.

Về phía người lao động và gia đình có con em đi LĐXK, hạn chế dễ nhận thấy nhất là lao động của tỉnh yếu kém về trình độ và thiếu vốn để có thể tham gia những công việc và thị trường có việc làm  ổn định và thu nhập cao như: Đài Loan, Nhật Bản…Nhiều lao động lại không có ý thức tiết kiệm, nên không tích luỹ được thu nhập. Một số gia đình sử dụng nguồn thu nhập  LĐXK không hiệu quả, cá biệt có những gia đình người đi LĐXK đã gửi tiền về nhưng chây ỳ, không trả nợ ngân hàng. Những điều này đã tạo ra sự thiếu tin tưởng của người dân vào hiệu quả kinh tế của  XKLĐ.

Cùng những nguyên nhân chủ quan trên, thì cũng khó có thể tránh khỏi việc một bộ phận doanh nghiệp ở những nước là thị trường XKLĐ làm ăn kém, thua lỗ, phá sản dẫn đến thu nhập và việc làm của người lao động không đảm bảo. Mặt khác, mức lương tối thiểu nước ta ký với nước bạn thấp (18 Ringít (tiền Malaysia)/ngày  tương đương 80.000 đồng Việt Nam), nếu người lao động không có việc làm thêm thì thu nhập chỉ đạt 2 triệu đồng/tháng, sẽ không thể trả nợ được ngân hàng sau 3 năm đi XKLĐ.

Trong khi đó, thị trường lao động trong nước đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ở miền Nam và Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội ở miền Bắc phát triển mạnh trong thời gian qua, thu hút nhiều lao động. Tuy có mức lương thấp thấp hơn so với đi XKLĐ nhưng chi phí đi rất thấp, ít rủi ro, thủ tục nhanh chóng, đơn giản. Năm 2007 có trên 8000 lao động của tỉnh đã di chuyển đi làm việc tại các tỉnh bạn.

Để khắc phục những hạn chế này đòi hỏi một giải pháp đồng bộ từ công tác lãnh, chỉ đạo, thông tin tuyên truyền, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm  công tác XKLĐ cho đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực , lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ và hỗ trợ về tài chính cho người đi LĐXK.                                               

T.H

Các tin khác
Tình trạng chăn thả gia súc tự do vẫn diễn ra hàng ngày tại xã Pá Lau (Trạm Tấu). (Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Đã từ lâu, việc thả rông gia súc là nguyên nhân cơ bản gây ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là các bệnh ngoài da, bệnh đường ruột.

Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, bảo dưỡng đường dây phục vụ nhu cầu dùng điện cho nhân dân.

YBĐT - Khi đề án tăng giá điện chưa được Chính phủ phê duyệt và hàng loạt các giải pháp vĩ mô cho bài toán năng lượng chưa được giải quyết thì cách hữu hiệu nhất để giúp ngành điện thoát khỏi gánh nặng quá tải, đó là tiết kiệm điện.

Hàng trăm ha rừng khoanh nuôi tái sinh đang bị tàn phá.  (Ảnh: C.T.V)

YBĐT - Thời gian gần đây, tại các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên… trong tỉnh Yên Bái liên tục xảy ra tình trạng xâm chiếm, khai thác, phá hoại hàng trăm ha đất rừng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở, các chủ rừng đã cùng vào cuộc và giải quyết, ngăn chặn, song chưa dứt chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên, hàng chục ha đất rừng, rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Không chỉ rừng bị mất mà còn làm xáo trộn an ninh trật tự địa phương!

YBĐT - “Sự chuyển dịch của một số y, bác sỹ sang làm việc ở khu vực ngoài công lập là tất yếu khách quan của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở ngành y tế mà ở các ngành nghề khác cũng vậy do quan hệ cung, cầu trên thị trường lao động. Song ngành y tế không thể đứng ngoài cuộc, thời gian qua, Công đoàn và chuyên môn đã có biện pháp tích cực và đồng bộ, tạo “rào cản” với “chảy máu chất xám” trong ngành”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục