Bài học của đầu tư và phát triển tràn lan

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2011 | 3:27:48 PM

YBĐT - Vài tháng trở lại đây, đi trên các vùng quê không còn thấy rộn rã, tấp nập xưởng sản xuất của những doanh nghiệp, công ty, xưởng sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, nhất là ván bóc nữa. Khá nhiều nhà máy, xưởng sản xuất không còn trụ vững được đã phải đóng cửa, tháo máy bán làm sắt vụn, thậm chí bán cả nhà để trả nợ ngân hàng.

Cho đến nay không ai có thể phủ nhận được tính hiệu quả của việc đầu tư xây dựng các công ty, xưởng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, nhất là ván bóc  không những làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn nâng cao giá trị kinh tế từ gỗ rừng trồng…

Trên 500 cơ sở, nhà máy, công ty chế biến gỗ rừng trồng giải quyết khá nhiều việc làm, nhất là lao động lúc nông nhàn. Tuy nhiên, việc phát triển tràn lan, phát triển theo phong trào các cơ sở chế biến đã gây tác động xấu đến môi trường, vốn đầu tư và sự phát triển bền vững của một ngành chế biến.

Với số vốn đầu tư không quá lớn, chỉ từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng là có thể mở được một xưởng chế biến ván bóc tuỳ ý. Do đó, nhà nhà đầu tư mở xưởng sản xuất, chế biến ai cũng cho rằng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng của Yên Bái là “vô tận” bởi Yên Bái có gần 200 ngàn ha rừng kinh tế, mỗi năm khai thác trên 200 ngàn m3 gỗ rừng trồng và hàng trăm ngàn tấn tre, vầu, nứa.

Từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, các cơ quan thông tin đại chúng đã cảnh báo việc đầu tư phát triển tràn lan các xưởng ván bóc nhưng không được các ngành chức năng chú tâm và có những giải pháp, biện pháp căn cơ cho ngành chế biến non trẻ này. Thực tế là chỉ với các cơ sở ván bóc hiện có cùng với các nhà máy chế biến gỗ đã đầu tư xây dựng trên địa bàn mỗi năm ngốn trên 300 ngàn m3 gỗ rừng trồng, vượt 100 ngàn m3 so với khả năng cung cấp vùng nguyên liệu.

Nguyên liệu thiếu dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán gây xáo trộn thị trường. Để có nguyên liệu cho sản xuất, buộc phải nâng giá thu mua, giá cao người dân đua nhau khai thác gỗ để bán, gỗ to, gỗ nhỏ chặt tuốt. Từ đó dẫn đến khai thác không đúng chu kỳ, lẽ ra phải từ 7 - 8 năm mới được khai thác, nhưng nhiều hộ thấy giá cao đã khai thác cây non để bán. Mà đã khai thác non đương nhiên năng suất thấp, lẽ ra đến kỳ khai thác sẽ đạt 50 - 70 m3/ha nhưng khai thác non chỉ đạt 40 - 45 m3/ha, dẫn đến không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái. Khai thác non giảm năng suất, nông dân thiệt đã đành mà ngay cả các cơ sở chế biến cũng thiệt thòi, bởi gỗ nhỏ bóc bỏ bì, bỏ lõi cũng chẳng được là bao mà chất lượng ván cũng rất kém, giá thành giảm.

Đặc biệt từ đầu năm 2011 trở lại đây để có nguyên liệu cho sản xuất các nhà máy, xưởng sản xuất đẩy giá thu mua lên cao nhưng vẫn không đủ nguyên liệu chế biến. Sản xuất cầm chừng, trong khi vốn đầu tư là vốn vay ngân hàng và vay ngoài với lãi suất cao luôn ở mức trên 20% năm. Không có nguyên liệu sản xuất, tiền lãi vẫn phải trả hàng ngày, giá bán sản phẩm lại xuống thấp, do đó đã có hàng loạt các cơ sở, xưởng sản xuất phải đóng cửa, dỡ máy bán sắt vụn thậm chí bán cả nhà để trả vốn cho ngân hàng.

Tuy chưa có ai thống kê và thông báo về việc giải thể, đóng cửa xưởng sản xuất nhưng con số này cũng lên đến hàng chục cơ sở. Ngay xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên từng là điển hình trong các báo cáo thành tích về việc xây dựng phát triển với vài chục cơ sở chế biến ván bóc nhưng hôm nay cũng đã có ngót chục xưởng phải đóng cửa và cũng đã có trường hợp đã phải bán máy làm sắt vụn.

Việc đầu tư tràn lan, không có quy hoạch, làm theo phong trào dẫn đến đóng cửa nhà máy, gây thiệt hại lớn về kinh tế là hậu quả tất yếu. Từ những việc các xưởng sản xuất chế biến ván bóc đóng cửa, giải thể hay ngay cả các xưởng sản xuất chế biến chè thiếu nguyên liệu sản xuất phải giải thể là bài học nhãn tiền cho các nhà đầu tư. Mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhất là đầu tư vào lĩnh vực Yên Bái có lợi thế là rất đáng hoan nghênh, nhưng trước khi đầu tư cũng cần có những tìm hiểu, phân tích từ thị trường, nguồn nhân lực đến khả năng cung cấp nguyên liệu hiện tại, tương lai... chứ không nên đầu tư ào ào, tràn lan, làm theo phong trào. Ngành chức năng cũng cần có những định hướng và làm tốt quy hoạch để doanh nghiệp, người dân biết để đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư sản xuất, đặc biệt là đầu tư sản xuất theo quy hoạch của từng cấp.

Thanh Phúc 

Các tin khác

YBĐT - Bước vào năm học mới 2011- 2012, nhìn lại tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm học trước ở Yên Bái, chúng ta không khỏi quan ngại!

YBĐT - Nhiều năm qua, cứ vào thời điểm tháng 6, tháng 7 hàng năm là các bậc phụ huynh ở thị trấn, thành phố lại đổ xô đi tìm trường chọn, lớp chọn rồi "vắt óc" lo toan, tính toán làm sao xin cho con em mình được vào học tại những trường điểm của địa phương.

Đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 334.000 người dân được sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ hơn 60%. Phấn đấu đến năm 2015, 85% dân số nông thôn trong tỉnh có nước sạch. (Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm nước sạch & VSMT Yên Bái kiểm tra đầu nguồn công trình nước sạch ở huyện Trạm Tấu).

YBĐT - Yên Bái phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 đạt 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

YBĐT - Công đoàn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong doanh nghiệp và với người lao động. Ba nhiệm vụ chính của công đoàn là: bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ; tham gia quản lý doanh nghiệp trong phạm vi quy định của pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục