Còn không cây chè cổ thụ Suối Giàng?

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/10/2011 | 10:01:09 AM

YBĐT - Mỗi lần đến Suối Giàng tự thấy mình vẫn nhận ra bao điều mới, lạ kì thú tiềm ẩn ở nơi này. Song, thú thật mỗi lần lên đây lòng mình lại quặn thắt khi phải nhìn những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi buộc phải lìa những cánh rừng cổ tích để về xuôi phục vụ thú chơi ngông của các đại gia.

Chính quyền địa phương có biết việc này không?
Chính quyền địa phương có biết việc này không?

Tôi mê vẻ đẹp cảnh quan, con người của một vùng văn hoá Mông, mê vùng chè Shan tuyết là một phần quan trọng đã tạo nên cảnh quan và sắc thái đặc thù riêng có ở Suối Giàng (Văn Chấn). Cho nên, mỗi năm dù bận đến mấy, tôi cũng ngược lên xã Suối Giàng vài lần. Mỗi lần đến Suối Giàng tự thấy mình vẫn nhận ra bao điều mới, lạ kì thú tiềm ẩn ở nơi này. Song, thú thật mỗi lần lên đây lòng mình lại quặn thắt khi phải nhìn những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi buộc phải lìa những cánh rừng cổ tích để về xuôi phục vụ thú chơi ngông của các đại gia.

Hiện tại, Suối Giàng có trên 300 ha chè Shan tuyết. Diện tích này nghe có vẻ rất lớn với một xã chỉ có khoảng 500 hộ dân là người Mông. Đồng thời, diện tích này cũng ẩn chứa tiềm năng kinh tế bởi chè Shan tuyết cổ thụ là của hiếm ở núi rừng Tây Bắc. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, nếu quy đặc lại thì số cây chè cũng không đáng là bao. Nhiều năm nay chè nguyên liệu mất giá, thương hiệu chè Suối Giàng chìm lắng, dân trồng chè chẳng sống được bằng chè. Người ta cũng vẽ ra những viễn cảnh du lịch hấp dẫn cho vùng chè đặc sản, thu hút đầu tư nâng cao hiệu quả cây chè… nhưng vùng chè đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Trước đây, gần lên trung tâm xã là ta đã được ngắm những cây chè cổ thụ tuyệt đẹp, nhưng giờ thì nó đã lần lượt dứng gốc mang về xuôi. Một người dân dưới xuôi lên đang chỉ đạo người Mông bứng chè cho biết, mốt chơi chè cổ thụ đang hấp dẫn các đại gia.

Nó hấp dẫn vì là của độc chỉ có ở một số vùng núi cao phía bắc nhưng chè Shan tuyết Suối Giàng là được ưa chuộng nhất vì dáng thế rất đẹp do con người và thiên nhiên trau chuốt cả trăm năm. Chè không rụng lá theo mùa. Lá chè tươi uống rất ngon, hoa nở ngát hương và luôn nảy những lộc non tua tủa biểu tượng cho sức sống trường tồn. Vì vậy, những khuôn viên biệt thự, trụ sở, văn phòng… rộng lớn mà có những cây chè Shan tuyết tọa lạc thì vô cùng thi vị, viên mãn. Người dám bỏ ra vài chục triệu đếm vài trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng để sở hữu một hay vài cây chè tuyết cổ thụ bây giờ thì nhiều vô kể. Thế nên, người lên Suối Giàng săn chè cổ thụ càng lúc càng đông, càng sôi động. Các ông chủ thì không cần phải lên mà chỉ cần xem dáng thế qua ảnh, kích thước cây và nếu đồng ý thì các  thợ săn cây cảnh sẽ đưa cây về tận nơi trồng và bảo hành cây không bị chết mới thanh toán hết tiền.

Người Mông ở Suối Giàng thì nhiều người nghèo quá. Hái một cây chè loại to mỗi năm được vài chục cân búp với giá từ 6 đến 7 nghìn đồng một ki-lô-gam thì biết khi nào một cây mới thu được vài triệu? Vậy là không ít người sẵn sàng bán chè cổ thụ để chi tiêu.

Chính quyền huyện Văn Chấn và xã Suối Giàng có biết chuyện này không? Chắc chắn là biết bởi vì đi ngay trên các tuyến đường trong xã Suối Giàng nếu ai để ý cũng sẽ thấy những gốc chè bị đào bới nham nhở chờ ngày di chuyển. Báo chí và không ít người đã lên tiếng về việc biến chè cổ thụ thành cây cảnh. Song, nếu chính quyền xã quản lý chặt chẽ thì sẽ chẳng ai có thể mua và vận chuyển những cây chè to như vậy ngang nhiên giữa ban ngày.

Thiện Tâm

Các tin khác

YBĐT - Cuộc khủng hoảng kinh tế đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng đến nền kinh tế nước ta, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phải chịu những hậu quả nặng nề nhất.

YBĐT - Trên thế giới, 45% trong số người mới nhiễm HIV/AIDS mỗi năm là thanh niên. Trung bình, khoảng 2.500 thanh niên dưới 30 tuổi bị nhiễm mới mỗi ngày nhưng 2/3 trong số họ không ý thức được nguy cơ này.

YBĐT - Vài tháng trở lại đây, đi trên các vùng quê không còn thấy rộn rã, tấp nập xưởng sản xuất của những doanh nghiệp, công ty, xưởng sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, nhất là ván bóc nữa. Khá nhiều nhà máy, xưởng sản xuất không còn trụ vững được đã phải đóng cửa, tháo máy bán làm sắt vụn, thậm chí bán cả nhà để trả nợ ngân hàng.

YBĐT - Bước vào năm học mới 2011- 2012, nhìn lại tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm học trước ở Yên Bái, chúng ta không khỏi quan ngại!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục