Tận tâm giữ "cơ nghiệp" cho nhà nông

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2013 | 9:00:41 AM

YBĐT - Những nơi như chuồng trâu, chuồng bò, họ không ngần ngại có mặt. Ở chỗ này có con lợn chết, chỗ kia con gà mắc dịch, họ đều đến kịp thời để "bắt bệnh". Họ là những thú y viên cơ sở tận tâm với nghề dù chỉ sống bằng những đồng phụ cấp ít ỏi.

Cán bộ thú y thành phố Yên Bái thường xuyên kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các chợ trên địa bàn.
Cán bộ thú y thành phố Yên Bái thường xuyên kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các chợ trên địa bàn.

Nỗi niềm thú y viên cơ sở

Bất kể nắng hay mưa, sáng nào anh Nguyễn Mạnh Đảm, nhân viên thú y xã Tân Thịnh (Văn Chấn) cũng bám sát chợ đầu mối Tân Thịnh để đóng dấu kiểm dịch hàng tươi sống, kiểm tra con giống vận chuyển gia cầm, gia súc. Đã hơn 12 năm nay, anh thầm lặng gắn bó với nghề. Sau khi học xong phổ thông, thi đại học không đỗ, mặc cho người nhà muốn đưa về Hà Nội học nghề rồi xin việc làm ổn định nhưng Đảm nhất quyết muốn làm việc ở quê. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Yên Bái, Đảm tham gia công tác ở xã với chức vụ Trưởng ban Thú y xã Tân Thịnh.

Đảm kể: "Từ năm 2004 - 2005, mỗi tháng, tôi được 30.000 đồng, ngoài ra không có một khoản nào thêm. Thỉnh thoảng, ai đó kêu đi tiêm phòng dịch, chữa bệnh cho gia súc trong dân thì được vài đồng tiền thuốc nhưng tiền công cũng chỉ đủ đổ xăng xe. Đến năm 2006, "lương" tăng lên 50.000 đồng/tháng, số tiền đó nuôi mình còn không xong. Năm 2009, tỉnh hỗ trợ và nâng mức phụ cấp lên hệ số 1,0 mức lương tối thiểu nhưng không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Nói thật lòng với anh, chỉ có ai yêu nghề thì mới trụ vững được".

Mức hỗ trợ thấp, khó có thể sống bằng nghề nên để thêm thắt cho cuộc sống, đa phần thú y viên cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Nguyễn Mạnh Đảm cho biết thêm: "Toàn xã Tân Thịnh có hơn 1.000 con trâu, bò, 30.000 con gia cầm. Tôi phải thường xuyên trực tiếp xuống các hộ dân để vận động bà con tiêm phòng, vệ sinh ngăn ngừa dịch bệnh. Mỗi khi ở đâu có con trâu, con bò ngã bệnh, không kể nắng mưa, tôi cũng phải đến".

Tôi hỏi Đảm:

- Có khi nào anh thấy nản lòng không?

Đảm cười hiền:

- Mình được đi học và được chữa bệnh cho gia súc ngày nào thì hay ngày ấy. Giá như mà được đóng bảo hiểm xã hội, sau này có đồng lương hưu thì thật tốt biết mấy!

Nhân viên thú y xã đã vậy, còn đội ngũ thú y viên thôn bản dường như chẳng có gì ngoài thu nhập từ tiền tiêm phòng cho gia súc, gia cầm với tiền công là 4.000 đồng một mũi cho trâu bò, lợn là 2.000 đồng/mũi. Tiền công tiêm không đủ tiền xăng xe, đặc biệt trong cái thời xăng tăng giá liên tục như thế này. Chẳng nói đâu xa, các xã Suối Quyền, Suối Giàng, Suối Bu, Nậm Mười, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn, có thôn cách trung tâm xã gần 20km nên công việc của nhân viên thú y rất vất vả.

Gặp chúng tôi trong tình trạng lấm lem mồ hôi cộng với mùi xú uế vì vừa ở trong chuồng lợn của một nhà dân đi ra, anh Nguyễn Mạnh Thắng - nhân viên thú y xã Nghĩa Tâm giãi bày: "Từ khi có quyết định hỗ trợ phụ cấp cho hệ thống nhân viên thú y xã, chúng tôi thêm phấn khởi lắm. Nhưng quả thật, với đồng lương mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, nhân viên thú y như chúng tôi chỉ có thể sống bằng lòng tâm huyết với nghề".

Mong quyền lợi gắn với trách nhiệm!

 

Nhân viên thú y xã Nghĩa An phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi.

Hiện nay, hệ thống nhân viên thú y "phủ sóng" ở 180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Trước đây, thú y viên cơ sở làm việc kiêm nhiệm nên trách nhiệm chưa cao. Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 4/6/2009 của UBND tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của mạng lưới thú y cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã làm cho đội ngũ thú y viên cơ sở thêm phấn khởi.

Theo quyết định này, nhân viên thú y xã được hỗ trợ phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định trong từng thời kỳ. Quyết định số 780 đã gắn chặt quyền lợi với trách nhiệm của mạng lưới thú y viên. Tuy nhiên, so sánh mặt bằng cuộc sống hiện nay, mức thu nhập này còn quá thấp. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ, công việc của các thú y viên cơ sở chỉ theo mùa vụ, một năm lên kế hoạch hai lần tiêm phòng hay thống kê đàn gia súc, gia cầm.

Ông Đặng Bình Nguyên - Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: "Hiện toàn tỉnh có 180 nhân viên thú y xã được hỗ trợ phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương tối thiểu; riêng hai huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu được hỗ trợ phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,1 và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian hợp đồng. Mong muốn của nhiều thú y viên cơ sở là được đóng bảo hiểm xã hội, sau này có đồng lương khi nghỉ hưu để yên tâm gắn bó với nghề".

Nhiều cán bộ thú y bảo rằng: "Tính chất công việc của thú y viên là thế này: sẵn sàng chui vào chuồng trâu, chuồng bò cũng như sẵn sàng lao vào những vùng có dịch". Nếu xét về vai trò và trách nhiệm công việc của hệ thống nhân viên thú y cơ sở, so với đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở thì chẳng khác nhau là bao nhưng quyền lợi lại quá chênh lệch. Dù công việc vất vả nhưng đội ngũ này không được đóng bảo hiểm xã hội nên họ không yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Đấy là chưa kể những tai nạn nghề nghiệp mà họ có thể gặp. Chẳng hạn, đi tiêm phòng, lỡ bị con trâu, con bò đá thì chắc chắn tự bỏ tiền túi ra chữa bệnh.

Như trường hợp của anh Nguyễn Mạnh Thắng, nhân viên thú y xã Nghĩa Tâm, trong đợt đi tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, cho bò thì bị ngã. Hay trường hợp của anh Lò Văn Định, nhân viên thú y xã Đại Lịch trong khi đi chữa bệnh cho gia súc không may ngón tay bị nhiễm trùng phải điều trị ở bệnh viện dài ngày rất tốn kém. Do không được đóng bảo hiểm y tế nên phải bỏ tiền túi chi trả khiến gia đình anh gặp không ít khó khăn.

Ông Phạm Anh Tú - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Chấn cho biết: "Hiện Văn Chấn có 31 nhân viên thú y xã và 354 thú y viên thôn bản. Đây là đội ngũ có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển đàn gia súc. Tuy nhiên, hiện nay, mức phụ cấp cho đối tượng này còn thấp đồng thời không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên nhiều người chưa yên tâm gắn bó với nghề. Đặc biệt, các thú y viên thôn bản, những người gần dân nhất, phát hiện dịch bệnh nhanh nhất lại chưa được hưởng bất cứ một đồng phụ cấp nào. Mong muốn của họ là được tăng phụ cấp hay ít ra cũng được đóng bảo hiểm y tế để thật sự yên tâm công tác. Họ mong muốn và chờ đợi được hưởng quyền lợi thỏa đáng gắn chặt với công việc, trách nhiệm của mình".

2. Nhiệm vụ của nhân viên thú y xã:  

Nhân viên thú y xã có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về công tác thú y tại địa phương; hoàn thành công việc chuyên môn thú y đúng thời hạn và đạt yêu cầu. Cụ thể:

a. Theo dõi, phát hiện, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho ủy ban nhân dân cấp xã và trạm thú y cấp huyện.

b. Tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi; tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các ổ dịch, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo kế hoạch và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan thú y cấp trên.

c. Tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức, thực hiện công tác điều tra thống kê đàn vật nuôi tại địa phương theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương.

d. Giám sát hoạt động hành nghề thú y của các thành viên trong mạng lưới thú y xã; các hoạt động kinh doanh động vật, giết mổ động vật, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn xã.

đ. Thực hiện các dịch vụ thú y theo quy định về hành nghề thú y và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hành nghề của mình hoặc của cơ sở do mình phụ trách.

e. Đề xuất với cơ quan cấp trên khen thưởng, kỷ luật đối với các thành viên trong mạng lưới thú y cấp xã theo quy định của pháp luật.

g. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các thông tin, pháp luật về thú y, đặc biệt là việc tiêm phòng và những biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác trên đàn vật nuôi.

h. Tổ chức họp định kỳ mạng lưới thú y cấp xã mỗi quý một lần và đột xuất khi cần triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật trên địa bàn quản lý.

i. Tham gia đầy đủ các cuộc họp định kỳ, đột xuất và tập huấn chuyên môn khi được phân công.

k. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề thú y.

(Theo Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 4/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

 Văn Thông

Các tin khác
Hoàng Trung Việt dạy chữ cho các bạn tù tại lớp xóa mù cho Trại giam Hồng Ca tổ chức.

YBĐT - Dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ là ngày đặc biệt vui mừng với những người hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng đối với những người còn đang chấp hành án phạt tại Trại giam Hồng Ca.

Trồng ngô và phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng thoát nghèo của người dân Bản Lềnh.

YBĐT - Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) cách quốc lộ 32C chưa đầy 2km, cách trung tâm huyện Văn Chấn chỉ vài cây số vậy mà nơi đây dường như cách biệt với bên ngoài. Đời sống người Mông Bản Lềnh còn nặng nề hủ tục khiến bà con không thể vươn lên. Trăn trở trước thực tế này, Bí thư Chi bộ thôn Sùng A Tỉnh đã không ngại dấn mình vào cuộc chiến xóa bỏ hủ tục những mong Bản Lềnh không còn nghèo khó.

Lũ trẻ nhà anh Lảnh giúp bố mẹ tẽ ngô đổi lấy gạo.

YBĐT - Gia đình ít thì 4 đến 5, còn đông cứ phải trên chục. Trong số 11 trường hợp sinh con thứ 3 của toàn xã từ đầu năm 2013 đến nay, chủ yếu là các thôn đồng bào Mông.

Tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều đang là vấn nạn ở vùng cao gây khó khăn trong xây dựng gia đình bền vững.
Trong ảnh: Một thanh niên ở bản Lìm Thái, xã Cao Phạ tay bế đứa con 2 tuổi và địu đứa con 1 tuổi sau lưng.

YBĐT - Từ trước đến nay, nhiều người thường cho rằng, nạn tảo hôn chỉ phổ biến ở người Mông nhưng thực tế, đây đang là “căn bệnh truyền nhiễm” của xã hội, là nỗi trăn trở của cấp uỷ, chính quyền những nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là những địa phương phía tây tỉnh Yên Bái có đông đồng bào Thái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục