"Ươm mầm" trên đỉnh Suối Giao

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/9/2013 | 8:25:38 AM

YBĐT - Vượt qua con đường ngoằn nghèo đất đỏ với hơn một giờ đồng hồ vật lộn lúc đủn, lúc đẩy chúng tôi cũng đến được điểm trường thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Thầy và trò điểm trường Suối Giao vệ sinh khu vực lớp học chuẩn bị cho năm học mới.
Thầy và trò điểm trường Suối Giao vệ sinh khu vực lớp học chuẩn bị cho năm học mới.

Năm 2005, điểm trường Suối Giao được xây dựng bán kiên cố đã xóa đi cảnh học nhờ, học tạm. Điểm trường có 4 phòng học thì 1 phòng dành cho lớp 1, 1 phòng cho lớp mầm non mượn ban ngày làm lớp học, tối là chỗ ngủ cho cô giáo, 1 phòng lớp ghép 2+3+4 và 1 phòng cho 3 thầy giáo ở. Mỗi phòng vài mét vuông nhưng cả thầy và trò đều rất vui vì trên địa bàn còn nhiều điểm trường khó khăn hơn thế. Chuẩn bị cho năm học mới, thầy và trò cùng đồng bào trong thôn cùng nhau tu sửa cơ sở vật chất. Niềm vui trở lại lớp học sau 2 tháng nghỉ hè hiện hữu trên gương mặt những học trò nghèo.

Chuyện học trò
Thào Thị Cu, học sinh lớp 2 do thầy giáo trẻ Đào Mạnh Hùng làm chủ nhiệm đi học phải mang theo đứa em hơn một tuổi. Cu cũng biết như thế là không nên nhưng ở nhà không có ai trông em. Địu đứa em trên lưng Cu vừa cất sách vở vừa khẽ ầu ơ mấy điệu dân ca Mông ru em ngủ. Nói với chúng tôi bằng tiếng phổ thông chưa sõi, Cu chia sẻ: “Nghỉ hè em ở nhà giúp gia đình, lấy củi, cho lợn, gà ăn và trông em, bố mẹ em bận đi nương cả ngày nên ở nhà mấy chị em trông nhau...".

Trả lời câu hỏi nghỉ hè em có được bố mẹ cho đi chơi ở đâu không, em cười lắc đầu: “Em rất thích đi học, đi học thầy giáo dạy em biết nhiều điều, biết múa, biết hát lại có thời gian chơi cùng bạn bè nhiều trò chơi rất vui, chứ mấy tháng hè em chỉ quanh quẩn ở nhà với đứa em và mấy con lợn, con gà nên rất buồn".

Với Thào Thị Giang -  học sinh lớp 4 ngoài việc đi học, ở nhà em cũng là một “lao động” cứng. Từ lấy củi, nấu cơm, chăn trâu, đến trông em, việc nào em cũng làm được. Trường học chót vót trên đỉnh núi nhưng Giang và các bạn không nghỉ buổi học nào. Để tiện cho việc học, Giang mang theo cơm để buổi trưa ăn luôn ở trường, rồi ngủ tại lớp để chiều học tiếp. Em tâm sự: "Em thấy cuộc sống của bố mẹ rất vất vả, em muốn sau này cuộc sống của mình sẽ khác nên cố gắng học tập thật tốt.

Ngoài việc học, em cũng làm tốt việc nhà như: nấu cơm cho ông bà, trông em… để bố mẹ yên tâm lên nương”. Không đảm đang như các anh chị lớp 3, lớp 4 nhưng các em ở lớp học mầm non của cô giáo Lê Thị Hường cũng được việc lắm. Thào Lua Phành năm nay 5 tuổi đã biết chơi và bón cơm cho em, Thào A Pháng biết bế em cho mẹ nấu cơm…
Những gương mặt học trò hồn nhiên chơi đùa với thầy giáo trong lớp học khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

Ở vùng thấp, bằng tuổi các em, bố mẹ còn phải đưa đón đi học, dỗ dành từng miếng ăn nhưng các em nơi đây “rắn rỏi” như những cây thông của núi rừng. Đường đến trường xa xôi khó khăn là vậy nhưng hàng ngày vẫn một chiếc cặp lồng cơm với rau cải, măng ớt, chị dắt em, em cùng chị đến lớp. Không kể trời mưa hay nắng vì mong ước con đường đến tương lai tươi sáng hơn các em vẫn hàng ngày vượt qua khó khăn ngược núi đến trường học chữ.

Chuyện của thầy

Lên với bản Suối Giao, cô giáo trẻ Lê Thị Hường gấp lại những trang lý thuyết học ở trường, vì với trò nghèo ở đây sẽ không có những "thiên thần nhí" sạch sẽ với áo váy thơm phức như những trường học ở phố thị mà cô từng gặp. Lần đầu lên đây cô phải cuốc bộ vì không dám đi xe máy. Mất gần 4 tiếng đồng hồ mới lên được đến điểm trường, bước vào căn phòng nhỏ vừa làm chỗ ở vừa làm chỗ dạy học, xung quanh bốn bề là núi, không có điện, sóng điện thoại lúc có, lúc không, chiếc điện thoại dùng cũng chỉ có việc cần mới dám gọi vì sợ hết pin.

Lớp ghép 2,3,4 của trường Suối Giao.

Cả điểm trường có 4 anh em, chỉ riêng mình cô là nữ, ban ngày có học trò nghe chúng nó bi bô còn đỡ buồn, đêm về một mình co ro trong căn phòng nhỏ khiến cô giáo trẻ nhiều lần bật khóc... Hường tâm sự: "Học trò của em ở đây nghèo lắm, vì ở lứa tuổi mầm non chưa làm được việc nhà nên bố mẹ các cháu rất thích gửi cho cô giáo. Cứ mang một cặp lồng cơm đến đây giao cho em là lên nương. Buổi chiều về lúc nào đón lúc đấy, nhiều hôm tối mịt mới thấy phụ huynh tới đón con.

Chỉ tiêu tuyển sinh em được giao là 28 cháu nhưng hiện nay đã có 30 cháu ở lứa tuổi từ 3 - 5 tuổi ra lớp. Có hôm phụ huynh còn mang cả những em chưa đến tuổi đi mẫu giáo cùng anh chị xuống lớp em cũng trông luôn, các cháu ở độ tuổi khác nhau nên cách dạy của em cũng phải đổi mới để các cháu thích đến trường. Có thế, việc đưa nội dung dạy học vào mới không gặp khó khăn...".

14 năm "cắm bản", cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nơi bản xa đã quá quen thuộc với thầy giáo Đỗ Mạnh Hồng và thầy giáo Lò Bành Tổ. Đầu năm học mới, ngoài sách vở, giáo án, trong ba lô của thầy lúc nào cũng có vài gói kẹo, túi cá khô, túi lạc và mấy gói mì tôm. Kẹo để cho học trò giúp chúng tỉnh ngủ và thích đi học. Cá khô, lạc là hai loại thức ăn chủ lực không cần bảo quản có thể để cả tuần, dù trời mưa bão không về được vẫn có thức ăn dự trữ trong nửa tháng.

Lớp của thầy Hồng năm học này có 9 học sinh. Lớp ghép 3+4 của thầy Tổ cũng có 9 học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới, thầy Hồng, thầy Tổ, thầy Hùng bỏ ra một buổi chiều cắt tóc cho mấy học sinh nam. Thầy Hồng chia sẻ: "Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi phải sống như những người con của bản, vui với lễ cơm mới, với lễ đặt tên con..., buồn với những gia đình mất đi người thân, đặc biệt, phải học tiếng Mông để chia sẻ với đồng bào. Giáo viên phải được già làng quý, được trưởng bản tin yêu, được người dân mến phục thì công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp mới thành công...".

Nhờ đó mà những năm gần đây, Suối Giao luôn đảm bảo 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 95%. Năm học này cả điểm trường Suối Giao có 48 học sinh. 4 thầy cô, 4 hoàn cảnh khác nhau nhưng cái chung ở họ là nghị lực vượt lên khó khăn, vượt lên nỗi cô đơn khi phải xa gia đình, xa người thân đem cái chữ đến nơi non cao này.

Thầy giáo trẻ Đào Mạnh Hùng tâm sự: "Nhiều lúc trời mưa to thấy đám học trò ướt sũng, chân bê bết đất đến lớp... chúng tôi thấy nghẹn lòng. Đầu năm học mới, học trò của chúng tôi nhiều em không có quần áo mới, không có giầy dép mới nhưng bằng những cuốn vở mới do Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi quyết tâm sẽ dạy cho các em cách sống mới, suy nghĩ mới, tư tưởng tiến bộ để các em sẽ là những con người mới, những chủ nhân có đức, có tài trong tương lai...".

Trưởng thôn Suối Giao  - Thào A Chểnh bắt tay chặt, anh nói: "Thầy cô ở đây là con của bản làng rồi, mình phải bảo con em của bản đi học đầy đủ để sau này sẽ là những người sống có ích cho xã hội như các thầy các cô…". Trưa mùa thu trên đỉnh Suối Giao gió thổi về mát dịu, thầy trò Suối Giao đang bước vào một năm học mới với niềm tin và quyết tâm mới. Chúng tôi về phố huyện vẫn còn nghe văng vẳng trong gió núi câu hát của học sinh Suối Giao: "Hôm nay đi học xa... đường tương lai đường gần...".

Phương Thùy

Các tin khác
Được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ cận nghèo đã đầu tư phát triển lâm nghiệp ổn định cuộc sống.

YBĐT - Giúp các hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, ngày 16/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Cán bộ thú y thành phố Yên Bái thường xuyên kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các chợ trên địa bàn.

YBĐT - Những nơi như chuồng trâu, chuồng bò, họ không ngần ngại có mặt. Ở chỗ này có con lợn chết, chỗ kia con gà mắc dịch, họ đều đến kịp thời để "bắt bệnh". Họ là những thú y viên cơ sở tận tâm với nghề dù chỉ sống bằng những đồng phụ cấp ít ỏi.

Hoàng Trung Việt dạy chữ cho các bạn tù tại lớp xóa mù cho Trại giam Hồng Ca tổ chức.

YBĐT - Dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ là ngày đặc biệt vui mừng với những người hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng đối với những người còn đang chấp hành án phạt tại Trại giam Hồng Ca.

Trồng ngô và phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng thoát nghèo của người dân Bản Lềnh.

YBĐT - Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) cách quốc lộ 32C chưa đầy 2km, cách trung tâm huyện Văn Chấn chỉ vài cây số vậy mà nơi đây dường như cách biệt với bên ngoài. Đời sống người Mông Bản Lềnh còn nặng nề hủ tục khiến bà con không thể vươn lên. Trăn trở trước thực tế này, Bí thư Chi bộ thôn Sùng A Tỉnh đã không ngại dấn mình vào cuộc chiến xóa bỏ hủ tục những mong Bản Lềnh không còn nghèo khó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục