"Nghìn lẻ một chuyện” xe quá tải

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2014 | 2:58:39 PM

YBĐT - Những ngày qua, câu chuyện về xe quá tải trở thành chủ đề “nóng” khi ngành giao thông vận tải đồng loạt ra quân cân tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ chính tại hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Và xung quanh chủ đề xe quá tải đang có rất nhiều chuyện đáng bàn!

Xe trọng tải lớn thực hiện cân kiểm tra tại trạm cân lưu động của lực lượng liên ngành.
Xe trọng tải lớn thực hiện cân kiểm tra tại trạm cân lưu động của lực lượng liên ngành.

Xe ô tô chở quá khổ, quá tải gần như là chuyện đương nhiên trong giao thông đường bộ Việt Nam hiện nay. Mức độ vượt tải trọng cao đến khó tin: 200, 300%, thậm chí còn cao hơn nữa. Xe được thiết kế 5 tấn chở đến 15 tấn, xe 7 tấn chở đến 21 tấn, xe 25 tấn chở đến trên 50 tấn... Các tuyến giao thông huyết mạch nối với cảng biển, cửa khẩu hoặc những tuyến đường dẫn tới các khu vực khai thác khoáng sản… phải oằn mình cõng những chiếc xe siêu trường, siêu trọng.

Trên các tuyến đường này thường xuyên có những chiếc xe “bốn chân” (loại bốn trục) được quy định chở 25 tấn nhưng cõng trên ben, trên thùng 50 - 60 tấn hàng, những chiếc xe đầu kéo thiết kế 39 tấn nhưng chở tới  90 hoặc 100 tấn. Đường càng nhanh lún, nứt, đứt gãy khi mật độ xe tham gia giao thông lớn và vào những ngày nắng nóng hay lũ lụt khi độ giãn nở của mặt đường không “gánh” được sức nặng “bom tấn” tới tấp của phương tiện.

Khi chở hàng hóa gấp hai, ba lần thiết kế cho phép đương nhiên phương tiện rất nhanh xuống cấp hoặc không thể đáp ứng được yêu cầu của người làm vận tải. Và bài toán đã được giải đáp bằng việc làm khỏe xe thông qua độn nhíp, lồng táp sắt xi, thay lốp, cơi ben, nới thùng, lắp thêm téc và giàn tưới nước cho lốp… Có cầu ắt sinh cung, dịch vụ cải tạo, nâng cấp ô tô ra đời sẵn sàng chiều lòng khách bằng việc độn thêm vài ba thanh nhíp, lồng táp sắt xi, lốp lót thêm bộ sơ mi (là chiếc lốp cũ được gọt bớt cho mỏng rồi lồng vào trong cho lốp thêm dày, tăng sức chịu đựng áp suất).

Ngoài độn nhíp, lồng sắt xi, việc cơi ben, nới thùng là chuyện đương nhiên của các xe vận tải dù chạy đường ngắn hay đường dài. Mua xe về việc đầu tiên các chủ xe sẽ nối thêm một đoạn thùng từ 50 cm đến 100 cm, đối với xe ben thì tối thiểu là chế thêm bộ hèm ở thành ben để có thể cài vào đó hai tấm gỗ hoặc sắt cao khoảng 30 đến 40 cm giúp ben thêm cao, chở thêm nhiều. Cũng là trường hợp cơi ben, nới thùng nhưng các “nhà cơ khí” ở ta lại có “sáng kiến” khi thay đổi thiết kế từ ben vát thành ben thẳng để mỗi chuyến đá, cát, quặng sắt… chở thêm được vài mét khối.

Anh Hùng làm nghề gầm, bệ ô tô ở phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái cho biết: “Hầu hết xe tải mua về dù có tốt, có mới đến mấy, trước khi đưa vào kinh doanh các chủ xe cũng đều độn nhíp, cơi ben hoặc nới thùng! Có người mua xe cũ đã độn nhíp rồi chưa thỏa mãn vẫn độn thêm để chở cho khỏe!”.

Xe chở quá nặng, đi đường dài dễ gây nổ lốp. Để khắp phục vấn đề này, người ta đã lắp thêm một téc nước với dung tích từ 1.000 đến 1.200 lít cùng hệ thống ống dẫn nước từ téc tới các lốp. Tình trạng tưới lốp phổ biến tới mức mặt đường quốc lộ lúc nào cũng ướt, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông.

Xe quá tải trở nên quá phổ biến, thành vấn nạn và là thủ phạm số một khiến các tuyến đường hư hỏng. Theo ghi nhận của chúng tôi, để lọt qua khâu đăng kiểm, chủ xe thường áp dụng nhiều chiêu như: trước khi đi đăng kiểm đã tháo bỏ phần cơi nới thùng bệ. Nhiều tỉnh, thành còn xuất hiện dịch vụ cho thuê thùng bệ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để các xe vi phạm đến kỳ đăng kiểm thuê lại đến khi đăng kiểm xong.

 

Xe ben được cơi thêm từ 30 - 40cm.

Ông Vũ Huấn - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái cho biết: “Chúng tôi có làm nghiêm đến mấy thì xe vi phạm vẫn lưu thông trên đường vì việc đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật giữa hai lần đăng kiểm thuộc trách nhiệm của lái xe”.

Được biết quý I năm 2014, Trung tâm đã thực hiện đăng kiểm 2.242 lượt phương tiện, trong đó có 299 lượt phương tiện không đủ điều kiện, phải khắc phục mới được cấp phép lưu hành. Vào lúc 14 giờ 30 phút, ngày 28/3/2014, đoàn thanh tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bất ngờ kiểm tra Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Yên Bái và tiến hành phúc tra ngẫu nhiên 2 phương tiện ô tô biển kiểm soát 21H - 4563 và 21C - 00313 nhưng không phát hiện sai phạm. Vậy bằng cách nào mà xe quá khổ, quá tải, xe hoán cải vẫn lưu thông trên đường?

Đó là vì xe quá khổ, quá tải còn xuất phát từ ý thức của các chủ phương tiện. Vì muốn xe chở được nhiều, muốn doanh thu lớn nên họ không ngần ngại tìm đủ mọi cách để chất hàng cho đầy. Ông Hoàng Thanh ở thành phố Yên Bái cho biết: “Cả làng, cả nước quá tải, mình tội gì không”. Một vấn đề không thể không nhắc tới đó là, nếu tất cả xe ô tô đều chở đúng trọng tải cho phép, không vi phạm gì hoặc không có biểu hiện vi phạm gì thì các lực lượng tuần tra, kiểm soát có tuần tự ra tín hiệu dừng xe, kiểm tra trong vòng mấy giây như báo chí đã từng phản ánh hay không? Hay như nhiều lái xe vẫn nói: “Chở nặng mới có tiền…”.

Thiết nghĩ, ngành giao thông cần duy trì thường xuyên và liên tục việc cân tải trọng xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng tuần tra nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong khi thi hành công vụ… Nhiều ý kiến cho rằng nên cho phép vượt mức tải trọng từ 5 đến 10% cho phù hợp hơn với tình hình thực tế bởi nhiều loại hàng hóa rất khó cân đong một cách chính xác khi bốc dỡ, đôi khi một chiếc xe tải lớn, chở đúng tải trọng nhưng trước khi vào cân đã bơm đầy bình dầu khiến tải trọng đã tăng thêm cả tấn. Tuy nhiên, trước khi ý kiến này được xem xét và cân nhắc từ phía ngành chuyên môn thì việc chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn phương tiện vẫn phải đặt lên hàng đầu và có sai có phạt chứ không vì bất cứ lý do biện hộ nào!

Tấn Đạt

Các tin khác
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

Đã 60 năm trôi qua nhưng cụ Nguyễn Đình Thường, 83 tuổi ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) không thể quên những ngày tháng hào hùng của cuộc chiến đấu 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xe thư viện lưu động đạt hiệu quả tích cực trong việc đưa sách về cơ sở.

YBĐT - Cuộc sống hiện đại đã mang theo nhiều sự thay đổi trong đó có văn hóa đọc. Nâng cao văn hóa đọc không chỉ là nâng cao tri thức mà còn nâng cao tính giáo dục. Phải làm gì để phát huy văn hóa đọc bên cạnh văn hóa nghe nhìn của thời buổi công nghệ thay đổi từng ngày quả không phải điều dễ dàng.

Di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

YBĐT - Đến với thị xã miền Tây trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi xúc động khi thắp nén tâm nhang trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ, cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt và cả những mất mát, hy sinh khó nói hết bằng lời... để thấy yêu hơn mảnh đất, con người Nghĩa Lộ, thấm hơn khúc tráng ca còn vang mãi giữa miền ban trắng.

Tổ trưởng bảo vệ rừng Vừ A Sang (thứ ba, phải sang) đã có mong muốn dời nhà ra khu ngoài cho có điện và đi lại dễ dàng nhưng chưa tìm được đất ở.

YBĐT - Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên có 1.359 hộ với 5.699 khẩu, gồm các dân tộc Tày, Mông và Kinh. Toàn xã có 17 thôn, trong đó có 4 thôn người Mông là: Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Tiến và Khe Ron. Trong khi cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong xã đang có những bước tiến đáng kể thì ở thôn Khe Tiến, trên bốn chục hộ dân đang cần hỗ trợ để thoát khỏi khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục