Xe ôm tự quản văn minh cùng mưu sinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/4/2014 | 2:39:40 PM

YBĐT - Không tranh giành khách, không hét giá, dừng đón khách theo qui định, những “xe ôm tự quản” ở thị trấn Mậu A huyện Văn Yên (Yên Bái) dần tạo dựng niềm tin và hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Tuy nhiên, vượt lên trên đó là những “chiến công” thầm lặng trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) và giúp đời, cứu người...

Các thành viên của đội xe ôm tự quản chờ, đón khách.
Các thành viên của đội xe ôm tự quản chờ, đón khách.

Xây dựng hình ảnh đẹp

Trong cơn mưa lâm thâm cuối tháng 3, ở ngã tư Công an (thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên) những người lái xe ôm vẫn nhẫn nại chờ khách. Chiếc xe khách tuyến Yên Bái - Trái Hút vừa dừng lại, ngay lập tức một “tài xế” xe ôm trong bộ quần áo giản dị tiến về một hành khách vừa xuống xe, giọng thân quen: “Vẫn về chỗ mọi khi chứ cháu?”. Sau cái nhoẻn cười và gật đầu của vị khách trẻ, người lái xe ôm đưa mũ bảo hiểm cho khách rồi cài số phóng về hướng cầu Mậu A.

Sau gần 30 phút, người lái xe ôm mới trở lại và dựng xe ngay ngắn trên hành lang theo vạch sơn kẻ sẵn. Lúc này, chúng tôi mới có dịp trò chuyện. Ông tên là Lương Văn Sơn (trú tại tổ 6, khu 2, thị trấn Mậu A), làm nghề xe ôm đã hơn chục năm.

Ông cho biết: “Tôi tham gia đội xe ôm tự quản đã hơn 1 năm nay. Từ đó, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều vì không phải giành giật khách, ồn ào, cãi vã vì “mối” hàng.

Sau hơn năm đi vào hoạt động, đội xe ôm tự quản thị trấn Mậu A đã vận chuyển khoảng 7.000 lượt khách, tổ chức thăm hỏi, động viên 8 gia đình các thành viên trong đội khi ốm đau, hiếu hỉ, giới thiệu cho 500 xe các đoàn đến thăm và dự lễ hội đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn..., giới thiệu cho trên 1.000 lượt khách về các địa điểm thăm quan du lịch trên địa bàn...

Lân la hỏi chuyện, chúng tôi được biết, tất cả những xe ôm dừng tại khu vực này đều thuộc Đội xe ôm tự quản thị trấn Mậu A. Từng chiếc xe từ Dream đến Wave hay Win đều gắn biển có hàng chữ đỏ “Xe ôm tự quản” và được dựng ngay ngắn trên vỉa hè trong vạch vôi kẻ sẵn.

Theo ông Lê Tiến Tài - Đội trưởng Đội xe ôm tự quản, đầu tháng 4/2013, được sự nhất trí của các cấp chính quyền, Đội chính thức thành lập và đi vào hoạt động với 40 thành viên. Tuy nhiên, cái khó đặt ra cho Đội là làm sao để các thành viên hoạt động có nền nếp, kỉ luật, để lại ấn tượng tốt với khách hàng; đặc biệt, thu nhập có thể giúp anh em trang trải được cuộc sống hằng ngày cho gia đình.

Sau khi bàn bạc, đội xe đưa ra quy chế hoạt động rõ ràng. Các thành viên không được lôi kéo, tranh giành khách, không được đu bám theo xe khách đang chạy, tránh gây tai nạn. Nếu ai vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị phát hiện, Đội sẽ họp nhắc nhở kiểm điểm, phê bình. Đội xe phân công nhau chia ra các ca làm việc từ sáng đến tối, công khai giá cả chung cho từng tuyến đường, để không “phá giá” mất uy tín của đội.

Đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, Đội xe ôm tự quản thị trấn Mậu A đã tạo những ấn tượng đẹp trong lòng khách đi xe và người dân địa phương về một nghề mưu sinh văn minh. Đặc biệt, các lái xe ôm tự quản còn được hành khách tin tưởng nhờ vận chuyển những chuyến hàng, tiền mặt có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.

Bác Nguyễn Văn Lịch, một thành viên đội xe ôm tự quản cho tôi xem chiếc điện thoại có cuộc gọi đến của một khách hành thân quen được lưu trang trọng là “Sếp”, rồi nói: “Sếp lại gọi rồi, bác phải đi đây, nói chuyện với các cháu sau nhé!”.

Giúp đời, cứu người...

Đến bây giờ, nhiều người tại khu vực ngã tư Công an vẫn không quên vụ tai nạn xảy ra vào ngày 9/12/2013. Do phóng nhanh, không quan sát, một thanh niên điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm đã va chạm với chiếc xe đạp đi cùng chiều. Tuy nhiên, ngay sau khi gây tai nạn, nam thanh niên vội vàng tăng ga bỏ chạy khỏi hiện trường. Ngay lập tức, bác Nguyễn Văn Tuấn, một thành viên của đội xe ôm tự quản ra hiện trường đưa người bị nạn ra bệnh viện cấp cứu.

Còn các thành viên khác nhanh chóng nổ máy, đuổi theo đối tượng bỏ chạy. Sau ít phút truy đuổi, đến khu vực thôn Hồng Phong, thị trấn Mậu A, nam thanh niên đã bỏ xe máy lại và lẩn trốn.

Đội xe đưa ra quy chế hoạt động rõ ràng. Các thành viên không được lôi kéo, tranh giành khách, không được đu bám theo xe khách đang chạy, tránh gây tai nạn. Nếu ai vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị phát hiện, Đội sẽ họp nhắc nhở kiểm điểm, phê bình. Đội xe phân công nhau chia ra các ca làm việc từ sáng đến tối, công khai giá cả chung cho từng tuyến đường, để không “phá giá” mất uy tín của đội.

Bác Đoàn Văn Trung, người trực tiếp tham gia truy đuổi đối tượng nhớ lại: “Sau khi đối tượng bỏ chạy, anh em chúng tôi đã tiến hành đưa phương tiện gây tai nạn về giao cho công an. Đến chiều cùng ngày, gia đình đã đưa đối tượng điều khiển phương tiện đến đầu thú”.

Theo anh Trần Xuân Phùng - Trưởng Công an thị trấn, khu vực ngã tư Công an là điểm giao của nhiều tuyến đường, lại gần chợ Mậu A nên lưu lượng người và phương tiện lưu thông rất đông. Cùng với đó, nhiều người dân thường lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Do vậy, khu vực này trở thành “điểm nóng” về ANTT và ATGT. 

Tuy nhiên, từ khi Đội xe ôm tự quản được thành lập và đi vào hoạt động,  tình hình lộn xộn ở đây đã không còn xảy ra, anh em hành nghề xe ôm đoàn kết, nương tựa vào nhau cùng mưu sinh.

Đặc biệt, anh em trong Đội luôn có ý thức bảo vệ ANTT tại địa phương. Nhiều người đã dũng cảm quên mình tham gia bắt cướp, phá án rất đáng hoan nghênh. Điển hình trong số này phải kể đến việc anh em thành viên đội xe ôm tự quản đã tham gia dập lửa tại một nhà dân.

Lái xe Bùi Xuân Hồng kể lại: “Khoảng 20 giờ ngày 1/2/2014, chúng tôi thấy có tiếng hô hoán cùng nhiều khói bốc lên tại ngôi nhà của anh Tùng, thuộc khu phố II. Không nghĩ lâu, tôi và anh Nguyễn Văn Quỵnh cùng bà con tiến hành dập lửa và di chuyển đồ đặc ra ngoài. Sau 15 phút, đám cháy đã được dập tắt, đồ đạc, vật dụng trong nhà được bảo vệ an toàn”.

Nói về những “chiến công” của đội xe ôm tự quản, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Văn Yên cho biết: “Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Đội xe ôm tự quản trở thành cánh tay đắc lực góp phần đảm bảo ANTT và ATGT trên địa bàn”.

Tiếp đó, anh liệt kê một loạt các “chiến công” của đội: nhắc nhở 170 ô tô, 820 mô tô dừng đỗ sai qui định tại khu vực ngã tư Công an, cổng chợ Mậu A, cổng bệnh viện..., thông báo 7 vụ ùn tắc giao thông tại các tuyến  tỉnh lộ 163, 164, 165, 12 vụ tai nạn và va chạm giao thông, thông tin 3 điểm thanh niên tụ tập, gây mất trật tự công cộng vào đêm, 1 vụ cháy nhà, 7 vụ đánh chửi nhau...

Lời giải cho bài toán quản lý

Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình “xe ôm tự quản” tại thị trấn Mậu A mang lại khẳng định, đây chính là lời giải cho bài toán quản lý đội ngũ những người hành nghề xe ôm cũng như trong công tác đảm bảo ANTT, ATGT và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Bởi, lâu nay “xe ôm” vốn là nghề tự do, hoạt động tự phát, không có tổ chức, không có cơ quan chức năng quản lý lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, cướp giật tài sản. Và thực tế, đã có nhiều vụ lái xe ôm đánh nhau để tranh giành khách, xe ôm bị cướp tài sản, bị tai nạn và hàng loạt những vấn đề phức tạp liên quan đến nghề này.

Để quản lý những người lái xe ôm, đã có nhiều giải pháp được các cấp, chính quyền thực hiện. Tuy nhiên, bài toán quản lý đối với ngành nghề này chưa có lời giải hữu hiệu.

Theo ông Mai Văn Bộ - Chánh Thanh tra Giao thông, Sở Giao thông Vận tải, đến nay, vẫn chưa có một điều tra chính thức nào về số lượng những người tham gia hành nghề xe ôm trên địa bàn. Tuy nhiên, những người hành nghề này thường tập trung tại các bến xe, ga tàu, khu vực đông dân cư. Đây đều là những khu vực phức tạp cả về ANTT và ATGT. Thậm chí, nhiều xe ôm còn dừng đón khách dưới lòng đường, tranh giành khách, hét giá, chở quá số người, hàng cồng kềnh, phương tiện không đảm bảo... gây mất mỹ quan đô thị và mất ATGT. Và quan trọng hơn nữa, ngành nghề này vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả để đảm bảo cuộc sống cho chính những người làm nghề này và an toàn cho hành khách.

Có thể thấy, việc thành lập các đội xe ôm tự quản tại các bến xe, ga tàu hay khu vực đông dân cư thực sự là một giải pháp hữu hiệu đưa nghề này vào diện quản lý. Đi liền với đó, để tạo dựng lòng tin cũng như hình ảnh đẹp trong mắt của nhiều người là những giải pháp cụ thể như: qui định nới dừng, đỗ, gắn biển và thông tin số điện thoại, quần áo đồng phục...

Hùng Cường

Các tin khác

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, từ khắp nơi trong cả nước, khách du lịch nườm nượp cùng nhau lên thành phố Điện Biên Phủ. Sau một chặng dài, Quốc lộ 6 trải dài trong sắc trắng hoa ban, đưa du khách về với với những ký ức hào hùng.

YBĐT - Đi dọc con đèo huyền thoại, cảm nhận sự hồi sinh trên mảnh đất một thời múa lửa này mới thấm thía giá trị của tự do - độc lập, để thêm trân trọng và quý yêu hơn mỗi tấc đất quê hương, Tổ quốc mình. Bia đá ghi danh Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô đặt trên đỉnh còn đèo này không chỉ là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái mà còn là sự tri ân đối với những người đã ngã xuống trên mảnh đất này...

Bia “Di tích trận đánh đèo Din”.

YBĐT - Trong không khí hào hùng những ngày tháng 4 lịch sử và cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi trở lại đèo Din, tìm lại ký ức về trận đánh năm xưa của Đội du kích xã Đại Lịch huyện Văn Chấn (Yên Bái) - một trận đánh táo bạo, nhiều ý nghĩa và mãi mãi lưu danh người anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ của quê hương Đại Lịch anh hùng.

YBĐT - Đấy là tập thơ do nhà thơ, soạn giả Gia Dũng dày công tuyển chọn và biên soạn nhân dịp cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuốn sách như thước phim tái hiện chiến công hào hùng của chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu: cùng cảnh vật và con người nơi đây (Nhà xuất bản Văn học năm 2014).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục