Tâm huyết lưu giữ nghề truyền thống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/5/2014 | 9:04:04 AM

YBĐT - Bằng sự quyết tâm gìn giữ vốn nghề truyền thống của người dân, có một làng nghề vẫn tồn tại và âm thầm phát triển bất chấp những đổi thay của thời gian. Đó là nghề đan rọ tôm của người dân xã Phúc An huyện Yên Bình (Yên Bái).

Gia đình anh Dương Ngọc Chinh ở thôn Đồng Tâm lúc nào cũng đông người đan rọ.
Gia đình anh Dương Ngọc Chinh ở thôn Đồng Tâm lúc nào cũng đông người đan rọ.

Những nan giang, nan nứa mềm mại có sẵn ở địa phương được các nghệ nhân chau chuốt đan thành những chiếc rọ bắt tôm. Ngoài việc tăng thêm thu nhập cho bà con, nghề này còn giúp họ lưu giữ một nét đẹp văn hóa.

Từ trẻ đến già, nhà nhà đan rọ

Thời gian gần đây, nghề đan rọ tôm phát triển mạnh ở các xã khu vực đông hồ Thác Bà như: Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai, Yên Thành. Nhưng nổi tiếng và chất lượng tốt nhất vẫn là sản phẩm của những nghệ nhân đan rọ ở xã Phúc An.

Theo một số cụ cao niên trong vùng thì nghề đan rọ tôm bắt đầu du nhập vào địa phương từ khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, người đầu tiên làm nghề là ông Thành Tin làm nghề chạy thuyền máy quê gốc ở Hưng Yên. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rọ tôm ở địa phương phát triển mạnh, hàng tuần, ông cùng vợ rong ruổi đạp xe về tận Yên Khê, Vũ Ẻn, Phú Thọ mua rọ mang lên chợ Phúc An bán kiếm lời.

Trước đây, rọ tôm được làm bằng thân cây tế và do làm bằng tay, không có khuôn nên cái thì to, cái thì nhỏ, hình dáng méo mó, khi vận chuyển lại dễ bị hỏng, khi sử dụng độ bền không cao, đánh được ít tôm, khi ngâm lâu trong nước rong rêu đến sinh sống bịt kín thân rọ, tôm ở trong đó lâu sẽ bị chết. Nhận thấy những nhược điểm của chiếc rọ tôm ở Phú Thọ, ông Thành Tin đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc khuôn rọ và dùng những cây giang, cây nứa có sẵn trong vùng làm nan.

Việc chế tạo ra chiếc khuôn rọ đã giải phóng được sức lao động của con người và chất lượng rọ cũng được đảm bảo. Dùng cật giang, cật nứa, tuổi thọ của rọ cao hơn. Trước đây, rọ làm bằng thân cây tế chỉ dùng khoảng 3 tháng là hỏng nhưng làm bằng cật nứa, cật giang, tuổi thọ tăng gấp đôi và có một ưu điểm vượt trội là rọ thoáng, rong rêu không bám và đánh được nhiều tôm hơn.

Theo chỉ tay của đám học sinh ngoài đường cái, chúng tôi men theo con đường làng văn hóa Đồng Tâm tới nhà anh Dương Ngọc Chinh. Đây là một trong những gia đình có thâm niên làm nghề đan rọ với số lượng vào loại bậc nhất so với cả làng.

Trước sân nhà ngổn ngang đủ các loại giang, tre, nứa lá cùng khoảng 200 thân rọ và hom. Anh Chinh vui vẻ: “Nghề này được cái dễ làm. Từ trẻ con đến người già, ai ai cũng tham gia được mà thu nhập lại khá đối với nông dân”.

Để minh chứng, anh kéo chúng tôi vào nhà. Trước mặt chúng tôi là ông cụ với mái tóc bạc phơ nhưng khuôn mặt vẫn hồng hào, phúc hậu đang ngồi vót những nan giang sột soạt.

“Năm nay, tôi 75 tuổi, chân tay dạo này chậm chạp lắm, không làm được những việc nặng nên hàng ngày, tôi vót nan đan rọ giúp đỡ gia đình”. Ông cụ cười móm mém để lộ hàm răng cái còn cái mất. Không chỉ ông cụ mà tất cả 4 người trong gia đình anh Chinh đều tham gia đan rọ vào bất cứ lúc nào khi mọi việc trong ngày đã hoàn tất.

Anh Chinh dẫn chúng tôi sang nhà ông hàng xóm tên Ngẫu. Ngay thềm nhà là một cậu bé khoảng 8 - 9 tuổi đang ngồi đan hom rọ với bàn tay thoăn thoắt luồn lách những nhành nan khá điêu luyện. Cậu bé có tên Dương Quang Tùng cho biết: “Mỗi chiếc hom, cháu đan chỉ khoảng 15 phút là xong. Ngoài giờ học, thỉnh thoảng cháu đan giúp gia đình, mỗi ngày cũng được 30 chiếc hom”.

Nghề đan rọ tôm có thể làm quanh năm nhưng rầm rộ nhất là vào tháng 6 Dương lịch đến hết tháng 12 rồi thưa dần nhường cho thu hoạch vụ xuân. Đến Phúc An vào những ngày người dân đang ở thời điểm nông nhàn, gần như cả xã tập trung đan rọ cả ngày lẫn đêm, đèn điện được bật lên sáng trưng cả trong nhà lẫn ngoài sân đến tận 11 giờ đêm. Người mới làm thì vót tre làm nan, người có kinh nghiệm thì đan thân rọ và đan hom. Mỗi người một công đoạn, ai cũng say sưa làm việc như thoi đưa.

Bình quân mỗi người một ngày đan được khoảng 40 chiếc rọ, giá bán bình quân 4.500 đồng/rọ, trừ chi phí nguyên liệu 1.000 đồng/rọ thì một ngày, mỗi người cũng có thu nhập khoảng 140.000 đồng.

Điều trân trọng nhất ở xã Phúc An này là mặc dù không có một cơ chế, chính sách hỗ trợ nào để phát triển làng nghề nhưng người dân vẫn tâm huyết với nghề, tự động viên nhau tăng thêm số hộ tham gia khắp cả xã, làm cho nghề không những không bị mai một mà ngược lại ngày càng phát triển mạnh hơn.

Chợ rọ tôm ở Phúc An (Yên Bình). Ảnh: Hoàng Đô 

Đầu ra qua chất lượng

Ngoài xã Phúc An thì hiện nay ở huyện Yên Bình còn có Vũ Linh, Xuân Lai, Yên Thành, Mỹ Gia, Cảm Ân làm rọ nhưng không phát triển bằng. Về chất lượng rọ, theo chị Trần Kim Oanh - cán bộ tư pháp xã đã có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề đan rọ tôm thì sản phẩm của Phúc An được người tiêu dùng ưa chuộng vì rọ tôm to, bền, đẹp, rong rêu ít bám, nứa đan hom nhỏ, hom mảnh, tôm dễ vào và đánh được nhiều tôm hơn những chiếc rọ ở nơi khác làm. Các nhà buôn rọ đến từ các tỉnh có thủy điện và nhiều hồ đập lớn như: Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa… cũng đều thừa nhận điều chị Oanh nói.

Đối với rọ tôm xã Phúc An, bà con xem chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đầu ra. Vì vậy, nguyên liệu làm rọ được chọn lựa kỹ càng, cộng với kỹ thuật tay nghề và một số bí quyết nhà nghề… Sau khi chọn được những cây giang, cây nứa vừa ý đem vót thành nan, sau đó ngâm với nước một thời gian nhất định để tránh mối mọt rồi qua bàn tay khéo léo của con người tạo thành những sản phẩm vừa bền lại vừa đẹp.

Nói đến thị trường tiêu thụ sản phẩm thì tất cả người dân đan rọ ở đây đều cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn. Vì vậy, sản phẩm của họ làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, nhất là vào khoảng mùa mưa, nước các sông hồ lên cao. Hàng làm ra được bà con đem ra bán ở chợ phiên xã, trung bình mỗi gia đình từ 500 - 1.000 rọ vào các buổi chợ phiên.

Ngoài ra, các bạn buôn trong và ngoài tỉnh còn đổ về lấy hàng không kể ngày đêm… Bà Mai - một người làm rọ, hớn hở: “Sướng nhất là đầu ra các chú ạ, trong nhà có cái nào là họ đến mua hết, vừa được giá lại khỏe re!”.

Không riêng gì Phúc An mà hầu như các xã khu vực Đông hồ đã và đang phát triển nghề truyền thống này. Điều đáng nói hơn là một xã nghèo vẫn duy trì được một nghề truyền thống.

Đúng như lời ông Nguyễn Công Nghĩa - Phó chủ tịch UBND xã Phúc An tâm sự: “Nghề đan rọ tôm của xã có lúc tưởng chừng như bị mai một dần bởi các phương tiện đánh bắt tôm cá hiện đại được đưa vào sử dụng nhưng nghề vẫn được người dân Phúc An gìn giữ và phát triển”.

Mong rằng, các cấp chính quyền sẽ có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích, động viên bà con phát triển nghề theo hướng tập trung, tạo thêm việc làm trong thời gian nông nhàn, nâng cao thu nhập và lưu giữ một nghề truyền thống.

Chia tay Phúc An khi ánh chiều soi bóng vàng xuộm xuống mặt hồ, chúng tôi mỗi người đều lưu giữ trong mình khao khát như một niềm tâm cảm: rồi người Phúc An không chỉ giàu lên từ rọ tôm mà con cháu sẽ tôn vinh họ như những người lưu giữ món nghề độc đáo này.

Quang Thiều

Các tin khác

YBĐT - Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ – TTg ngày 24/8/2006 được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Yên Bái, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn từ chính quyền các cấp.

Ngày mới ở Côn Đảo.

YBĐT - Từng miên man vui với Phú Quốc nhưng không hiểu sao gặp Côn Đảo tôi run rẩy, cảm giác như sắp tan biến vào chốn xa xăm kì bí của ký ức - nơi đương lưu giữ một trăm mười ba năm "địa ngục trần gian" của những người yêu nước thương nòi Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị pháo binh trong lễ mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ ngày 13/5/1954.

YBĐT - Thật tình cờ khi tôi gặp được ông - một trong những người lính pháo binh đầu tiên của quân đội Việt Nam khi ông từ Hà Nội về thăm lại bến Âu Lâu lịch sử. Người cựu binh ấy là ông Hoàng Tuấn Việt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Hãng phim Ngọc Khánh thuộc Viện Phim Việt Nam.

Anh Tăng Văn Việt báo cáo với công an huyện Lục Yên về quá trình đi lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.

YBĐT - Trong những năm gần đây, các làng quê từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện tình trạng lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những tưởng cuộc sống mới nơi đất khách đem đến cơ may đổi đời nhanh chóng, nào ngờ cuộc sống nơi "miền đất hứa" của họ luôn trong cảnh mất tự do, tai nạn rình rập...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục