Đầu xuân về "nông thôn mới" Liễu Đô
- Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2016 | 2:38:48 PM
YBĐT - Thực ra làm nông thôn mới là vì dân, cho dân, dân được hưởng lợi thì có gì mà dân lại không đồng tình, đồng thuận. Song để cho dân tin, dân ủng hộ lại là cả một vấn đề không dễ, vì khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân, phức tạp mới nảy sinh.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn nhân dân chăm sóc lúa (ảnh minh hoạ).
|
Liễu Đô là xã nằm ở phía đông nam huyện Lục Yên, gồm 9 dân tộc cùng chung sống tại 11 thôn bản, với 1.089 hộ, 4.647 nhân khẩu. Trong đó dân tộc Nùng chiếm 32, 4%, Tày 31,5%, Kinh 31%, còn lại là các dân tộc khác.
Xuất phát điểm là xã thuần nông, đời sống vật chất, tinh thần nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa đồng bộ, trình độ dân trí thấp, song qua hơn 3 năm phấn đấu Liễu Đô đã cán đích xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện Lục Yên.
Lên đến trụ sở xã, gặp các đồng chí lãnh đạo xã, tôi đặt vấn đề tìm hiểu về những khó khăn, thuận lợi của xã khi bắt đầu tiến hành xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và kinh nghiệm có ý nghĩa nhất là gì, anh Nguyễn Tiến Lộc - Chủ tịch UBND xã niềm nở chia sẻ: “Thực ra, quy hoạch ban đầu của huyện là xây dựng xã Lâm Thượng chứ không phải Liễu Đô, đến năm 2012, huyện mới chuyển sang quy hoạch Liễu Đô. Ngày đó anh Lệnh là Chủ tịch xã (đồng chí Hoàng Công Lệnh hiện giờ là Bí thư Đảng ủy xã) trực tiếp tiếp nhận chủ trương của huyện”.
Tôi quay sang Bí thư Hoàng Công Lệnh, anh mỉm cười nói: "Thú thực, vì khách quan mà nói, Liễu Đô còn nhiều khó khăn lắm. Tuy nằm ở vùng ven của thị trấn Yên Thế, có tuyến đường liên huyện Lục Yên - Yên Bình chạy qua nhưng Liễu Đô là một xã vùng núi, nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, tính bình quân thu nhập toàn xã chỉ đạt 5 triệu đồng/khẩu/ năm.
Là một xã thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp cơ bản là manh mún theo kiểu tự cấp, tự túc. Cơ sở hạ tầng cũng yếu kém, không đồng bộ, chỉ nói riêng về đường, trừ tuyến đường liên huyện, còn toàn bộ đường liên xã, liên thôn mấy chục cây số vẫn là đường đất, đường mòn; hệ thống thủy lợi cũng vậy, vẫn theo kiểu vỗ đất làm mương, cứng hóa chưa được là bao.
Khách quan là vậy, còn chủ quan cũng nhiều khó khăn, năng lực của cán bộ xã, nhất là cán bộ thôn bản rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Ban quản lý XDNTM của xã được thành lập nhưng còn lúng lúng việc cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của trung ương vào thực tiễn cơ sở, rồi cả chỉ đạo thực hiện cũng loay hoay vì chưa có tiền lệ.
Được đi tìm hiểu, tham quan một số nơi nhưng toàn là vùng thấp, đồng bằng không giống với điều kiện thực tế của Liễu Đô, không thể áp dụng được. Nói tóm lại, là xuất phát điểm của Liễu Đô là thấp. Tuy vậy, so với các xã khác trong huyện không phải là không có thuận lợi, khảo sát về cơ sở vật chất đã đạt 6/19 tiêu chí, lại được chọn làm xã điểm của huyện nên từ Huyện ủy, UBND huyện đến các ngành chức năng trong huyện đều tập trung lãnh đạo, giúp đỡ Liễu Đô tháo gỡ khó khăn, phát huy những tiềm năng, thế mạnh, nội lực của địa phương" - Bí thư Lệnh nói.
Tôi bắt tay Bí thư Lệnh cảm ơn và hỏi tiếp về nguyên nhân chính để Liễu Đô đạt chuẩn NTM sau 3 năm xây dựng là gì. Không phải nghĩ ngợi lâu, anh Lệnh trả lời ngay: "Lãnh đạo xã chúng tôi đã đúc rút được 6 bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất là cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự tâm huyết, trăn trở tìm ra giải pháp phù hợp.
Thứ hai là, phải tuyên truyền cho nhân dân chuyển biến về nhận thức, hiểu về NTM và triệt để thực hiện nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Thứ ba là, gắn XDNTM với các phong trào khác như xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thi đua yêu nước…
Thứ tư là, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, các thành phần xã hội và huy động trong dân, theo phương châm “Làm tới đâu, chắc tới đó”.
Thứ năm là, lấy cơ sở thôn bản, khu dân cư làm địa bàn chính để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đề án chung của xã, các thôn bản xây dựng kế hoạch của thôn trong cả giai đoạn và riêng từng năm. Địa bàn dân cư được phân chia thành các nhóm hộ tự quản, giúp đỡ nhau trong sản xuất, xây dựng quy chế hoạt động của nhóm, giao trách nhiệm cho người có uy tín trong cộng đồng quản lý.
Thứ sáu là, chủ động tìm tòi cách làm riêng phù hợp và hiệu quả với thực tiễn địa phương.
Nhấp ngụm trà thơm đậm, tôi lại đặt vấn đề tiếp: “Đúng là cả 6 cái mà anh vừa nêu ra đều quan trọng cả. Xin hỏi thêm, các anh đã làm gì để toàn dân trong xã chuyển biến về nhận thức, đồng tình, đồng thuận với chủ trương của trên?”.
Chủ tịch Lộc cũng nâng chén trà lên, xoay xoay cái chén trên tay rồi mới chậm rãi nói như tâm sự: "Thực ra làm NTM là vì dân, cho dân, dân được hưởng lợi thì có gì mà dân lại không đồng tình, đồng thuận. Đúng là như vậy, song để cho dân tin, dân ủng hộ lại là cả một vấn đề không dễ, vì khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân phức tạp mới nảy sinh. Ví dụ như, làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa thôn bản, đụng chạm đến đất vườn, đất ruộng, tài sản trên đất, có hộ mất nhiều, hộ mất ít, có hộ không mất, dễ xảy ra suy bì, tị nạnh. Nếu cứ để cán bộ xã đứng ra hô hào thì khó, nhưng giao cho thôn bản, cho nhóm tự quản trao đổi, bàn bạc thì dân lại tự giác hiến đất ngay.
Việc chúng tôi huy động được dân ủng hộ tới 16.000 m2 đất, cùng nhiều tài sản trên đất và trên 7.000 ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM cũng là nhờ vào cách đó. Chúng tôi cũng xác định, muốn xây dựng được NTM thì cán bộ, đảng viên và nhân dân đều phải thông suốt. Vì vậy, không thể xem nhẹ công tác tuyên truyền, dù không có kinh phí truyên truyền ở cấp xã vẫn phải thực hiện. Nội dung và cách thức tuyên truyền cũng phải linh hoạt.
Đối với cán bộ, đảng viên phải quán triệt về Chương trình mục tiêu quốc gia, công khai đồ án quy hoạch của xã, làm rõ thêm những nội dung liên quan trực tiếp tới xã rồi tổ chức thảo luận ở các chi bộ, gắn với thực tiễn từng cơ sở thôn bản; sau đó, mỗi đảng viên phải tự xác định trách nhiệm của mình trên tinh thần cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước và vận động nhân dân làm theo. Sau đó, tiến hành tuyên truyền trong dân, làm tại địa bàn 11 thôn bản, nội dung phải hết sức cụ thể".
"Đầu tiên là phải làm cho bà con hiểu 19 tiêu chí, không chỉ đọc mỗi văn bản của Nhà nước quy định về các tiêu chí là xong, mà phải làm rõ 19 tiêu chí ấy dân được hưởng lợi gì và phải có nghĩa vụ như thế nào, rồi thảo luận tìm cách thực hiện từng tiêu chí đối với thôn bản mình, bàn bạc và quyết định việc đóng góp xây dựng một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng, tiếp theo là hướng dẫn để dân bầu ra Ban phát triển NTM của thôn. Làm như vậy sẽ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước thành việc của dân, của bản" - anh Lộc cho biết thêm.
Khi anh Lộc dừng lời, thì anh Hoàng Công Lệnh mới góp thêm ý mình vào câu chuyện: “Công tác tuyên truyền đúng là quan trọng nhưng vấn đề mấu chốt của NTM không phải là tuyên truyền, cũng không chỉ có “Điện, đường, trường, trạm” là xong mà phải phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế, để nâng cao thu nhập của dân. Là một xã thuần nông nên Liễu Đô xác định vẫn phải dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng làm sao để sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao.
Muốn vậy phải đổi mới tư duy. Trước đây trồng lúa chỉ để lấy thóc cho người ăn và chăn nuôi giờ lúa phải trở thành hàng hóa, có chất lượng cao, cạnh tranh được với thị trường lúa gạo trong huyện, trong tỉnh thì phải thay đổi cách làm ăn. Chúng tôi quy hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn cao sản 2 vụ lúa/năm với diện tích 100 ha, tập trung ở các thôn Cây Thị, Chính Quân, năng suất lúa đạt 60tạ/ha, giá trị đạt tới 66 triệu đồng. Để tăng thu nhập, không chỉ trông vào cây lúa, nên đã hướng dẫn dân đưa cây ngô và cây màu vụ đông vào đất 2 vụ lúa trên 100 ha, thu nhập thêm 50 triệu/ha” - Bí thư Lệnh cho biết vậy.
Anh còn cho biết cùng với xây dựng cánh đồng mẫu lớn cao sản là hiện đại hóa sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, không thể mãi “con trâu đi trước, cái cày đi sau” và bì boong cối nước, phải khuyến khích hỗ trợ dân mua sắm công cụ sản xuất, hiện toàn xã có trên 55 máy cày, bừa, 15 máy tuốt lúa, 11 bình phun có động cơ, 12 máy xay xát.
Để nông nghiệp đi lên bằng 2 chân, cùng với trồng trọt là phát triển chăn nuôi hàng hóa. Hiện trong xã đã có trên 100 hộ chăn nuôi hàng hóa, trong đó có 15 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm mỗi mô hình có số lượng từ 30 tới 80 con/lứa, tổng đàn lợn là 5.500 con; trên 20 mô hình chăn nuôi gà có quy mô từ 300 đến 500 con/lứa, tổng đàn gà trên 32.500 con; phát huy điểm mạnh của trâu ngố Lục Yên, xã xây dựng mô hình chăn nuôi trâu cái sinh sản, đến cuối 2015 đàn trâu toàn xã có 332 con.
Đặc biệt đã gây dựng được một hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra, mỗi tháng nhập 1 vạn gà giống và cũng xuất ra 1 vạn gà thịt cho thị trường tại chỗ và thị trường Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai. Chủ nhiệm HTX là một thanh niên còn trẻ, anh Nguyễn Văn Mừng sinh năm 1985. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu khác như mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản của anh Hoàng Văn Bộ thôn Chính Quân, mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của anh Hoàng Văn Hơn thôn Ngòi Tàu... và một số mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở Cây Mơ, Kha Bán, Nà Nọi.
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của anh Nguyễn Văn Mừng xã Liễu Đô.
“Vậy còn sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề khác?” - tôi vừa hỏi thì anh Lộc cũng đáp ngay: “Để phá thế thuần nông xã cũng chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Hiện toàn xã có 69 hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ gồm chế biến các sản phẩm nông - lâm nghiệp, chế tác, kinh doanh đá phong thủy, mỹ nghệ, kinh doanh vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, may mặc. Chính điều này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và cả giảm nghèo bền vững nữa”.
Năm 2011, xã còn tới 15,98% hộ nghèo nhưng đến 2015 chỉ còn 5,68%, phấn đấu năm 2016 giảm 3,5% nữa. Nhờ tiến hành đồng bộ, nên diện mạo xã Liễu Đô đổi thay rõ rệt, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể; bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt gần 20 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2010 và thật hạnh phúc khi Liễu Đô vinh dự là 1 trong 6 xã của tỉnh Yên Bài và là xã đầu tiên của huyện Lục Yên được công nhận đạt chuẩn xã NTM trong năm 2015.
Chia tay Liễu Đô, trở về phố huyện tôi thấy lòng mình thật phấn chấn, thầm nghĩ, sự bứt phá vượt bậc đó chứng minh cho tinh thần tự tin, sự quyết tâm thực hiện, chủ trương đúng đắn, dám nghĩ dám làm, có cách làm phù hợp và sự đoàn kết đồng tâm nhất trí cao độ của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Liễu Đô. Ngày mai, tôi sẽ vào thăm Mai Sơn, xã đã được huyện Lục Yên chỉ đạo cán đích nông thôn mới trong năm 2016.
Nguyễn Hiền Lương
Các tin khác
YBĐT - Một ngày đầu xuân, chiếc xe Mezedes Benz 16 chỗ chở đoàn công tác chúng tôi lăn bánh rời thành phố Yên Bái đi về phía Tây chừng 180 km. Mù Cang Chải dần hiện ra với bao ngỡ ngàng, thích thú. Mù Cang Chải theo tiếng địa phương có nghĩa là "đất gỗ khô", nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, ngự trên độ cao chừng 1.000 m so với mực nước biển.
YBĐT - Với hệ thống bến, bãi, phương tiện tàu thuỷ, ca nô luôn sẵn sàng, Ruby không chỉ là địa chỉ được những cặp tình nhân tìm đến để lưu lại những khoảng khoảnh khắc thiêng liêng, đầy lãng mạn trong ngày cưới mà còn tổ chức các tour du lịch tham quan hồ Thác.
YBĐT - Đến Quyết Tiến hỏi thăm nhà Quân chẳng ai không biết: “Cứ đi vòng qua ao kia, khi nào nhìn thấy vườn chanh trĩu trịt quả là đúng đó. Trẻ thế mà rất giỏi làm ăn kinh doanh. Chẳng mấy thôi là giàu nhất làng đấy...".
YBĐT- Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã trồng lại cây cam sành - một trong những giống cây ăn quả đặc sản vốn nổi tiếng một thời trên đất Ngọc Lục Yên. Giờ đây cây cam đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân. Trong không khí của những ngày đầu xuân này, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi về thăm những triệu phú cam trên vùng đất Khánh Hòa qua ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái.