Nóng bỏng “cuộc chiến” giữ rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2016 | 9:40:02 AM
YBĐT - Đợt rét kỷ lục gây ra băng giá trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hồi cuối tháng 1 vừa qua đã làm trên 12.000 ha rừng chết và gãy đổ nhưng thời gian này chính là giai đoạn khốc liệt nhất của mùa khô.
Một điểm trực gác lửa rừng thuộc bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải.
|
Đợt rét kỷ lục gây ra băng giá trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hồi cuối tháng 1 vừa qua đã làm trên 12.000 ha rừng chết và gãy đổ, khiến nguy cơ cháy rừng lên đến đỉnh điểm. Những ngày này, lực lượng chức năng, chủ rừng đang “căng mình” phòng chống “giặc lửa”.
Sau băng tuyết lại đối mặt với “giặc lửa”
Mù Cang Chải mùa này, gió lào thổi suốt ngày đêm. Mới 8 giờ sáng, nắng đã chói chang, những cơn gió lào phả hơi nóng ngột ngạt. Theo chân cán bộ kiểm lâm Mù Cang Chải, chúng tôi lên đỉnh Kim Nọi thuộc xã Kim Nọi. Trên đường đi, ngước mặt lên nhìn những dãy núi trải dài xa tít, chỉ thấy một màu vàng úa, khô khốc, thi thoảng xuất hiện mảng màu trắng bạc, cán bộ kiểm lâm đi cùng bảo đó là thảo quả bị chết.
Dẫm chân lên lớp cỏ dưới chân dày cả gang tay, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải - Dương Anh Tuấn bảo rằng, sau trận mưa tuyết trút xuống cuối tháng 1 đến giờ, nơi đây không có lấy một trận mưa. Rừng khô hạn đến mức, lá rừng vò nhẹ là nát vụn qua kẽ ngón tay. Tôi trộm nghĩ, khô hạn thế này chỉ cần một tàn đóm là cả cánh rừng biến thành “Hỏa Diệm Sơn”.
Đồng chí Mùa A Súa - Chủ tịch UBND xã Kim Nọi cho biết: “Đợt rét hại cùng băng tuyết phủ kín các cánh rừng vừa qua đã làm cây cối chết rất nhiều. Ở trên đỉnh Kim Nọi, cây cối chết khoảng 80%, còn ở phía dưới thì nhiều diện tích cây đã chết 70%. Để giữ rừng, chúng tôi tổ chức họp dân tuyên truyền về công tác bảo vệ, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Xã đã phân công cho các tổ, đội tuần tra trong xã gồm 26 đồng chí cùng người dân đi canh rừng. Mỗi bản một ngày cử 2 đồng chí cùng cả dân đi lên rừng để trực các điểm nguy cơ cháy cao, xã cũng thường xuyên trực tại UBND xã để sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra; chuẩn bị hậu cần bảo đảm công tác chữa cháy từ 3 - 7 ngày”.
Không riêng gì Kim Nọi, thời điểm này, rừng ở hầu hết các xã trên địa bàn Mù Cang Chải đang báo cháy cấp V - cấp cực kì nguy hiểm. Đặc biệt, sau trận mưa tuyết lịch sử trút xuống các bản làng vùng cao đã làm cho trên 12.000 ha rừng bị chết và gãy đổ khiến nguy cơ cháy rừng ở đây lên đến đỉnh điểm.
Thực tế, trên địa bàn đã xảy ra các vụ cháy rừng, có vụ huyện đã huy động cả nghìn người lên rừng chữa cháy. Núi cao, gió mạnh, địa hình hiểm trở, thời tiết hanh khô nên việc cứu rừng rất khó khăn. Nguyên nhân cháy rừng do người dân bất cẩn đốt nương rẫy trên núi cao, nơi có gió to và có cả trường hợp có kẻ cố ý đốt rừng. Những ngày này, cán bộ kiểm lâm, tổ chức xuống các thôn, bản để ứng trực cũng như là tuyên truyền các biện pháp bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác PCCCR mùa khô hanh để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cháy rừng xảy.
Đồng chí Dương Anh Tuấn cho biết: “Trước nguy cơ cháy rừng, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện ra các chỉ thị, công điện và triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác PCCCR; phối hợp với các xã để thống kê diện tích thiệt hại cũng như diện tích nương rẫy, kiểm soát chặt chẽ việc đốt nương rẫy của bà con nông dân trong mùa khô hanh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tích cực cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải làm đường băng cản lửa mới, tu sửa đường băng cản lửa cũ và tích cực tuần tra, bảo vệ rừng 24/24 giờ. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở, đường đi lại rất khó khăn cộng thêm nắng nóng kéo dài, diện tích thiệt hại lớn ở những khu vực ở xa khu dân cư nên khó khăn trong công tác PCCCR. Chúng tôi đặt nhiệm vụ phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra”.
“Căng mình” gác lửa rừng
Cán bộ kiểm lâm huyện Mù Cang Chải kiểm tra rừng tại xã Kim Nọi.
Những ngày này, ngoài việc “căng mình” triển khai các giải pháp phòng chống cháy rừng của cơ quan chức năng, chủ rừng, người dân nơi nơi đây cũng đề cao ý thức chủ động tham gia cùng với địa phương trong công tác chống giặc lửa. Cùng kiểm lâm viên Nguyễn Quốc Toản, chúng tôi vượt núi lên đỉnh Chống Súa Chế, thuộc bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề - nơi đây đặt chốt canh lửa rừng.
Lên đến đỉnh, gió thổi xiêu người, từ đỉnh này có thể bao quát hầu hết các khu rừng. Đồng chí Toản cho biết, ngày nào cũng như ngày nào phải đi kiểm tra đột xuất các điểm trực, kiểm tra hoạt động của các tổ, đội xung kích. Điểm này dễ đi nhất vì có thể đi bằng xe máy, các điểm khác đều phải cuốc bộ. Hiện, xã Mồ Dề có 5 điểm trực như thế này, các điểm trực lúc nào cũng có người dân túc trực với chiếc điện thoại được trang bị kè kè bên mình. Hôm nay, đến lượt nhà Mùa A Say gác rừng.
Say bảo rằng: “Tôi có nhiệm vụ đứng gác từ 8 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều. Kết thúc buổi gác là bàn giao cờ và điện thoại cho hộ khác trực ngày hôm sau. Nhiệm vụ là đứng quan sát tứ bề xung quanh xem rừng có động tĩnh gì hay không? Cứ thấy khói là báo cáo về ngay lập tức”. Bí thư Chi bộ thôn Màng Mủ A - Lý A Thái cũng có mặt để kiểm tra người dân gác lửa rừng. Hai thôn Màng Mủ A và Màng Mủ B được biết đến là thủ phủ của cây màng mủ, một loại cây chịu lửa thuộc hàng bậc nhất. Tuy nhiên, nó cũng không chịu được sự băng giá của trận mưa tuyết vừa qua. Lẽ ra giờ này màng mủ xanh ngắt thế mà lại đen nhẻm, gãy cành, chết đứng.
Đồng chí A Thái cho biết: “Dân bản giờ sợ cháy rừng lắm! Vì họ bảo cháy rừng không có củi đun, thiếu nguồn nước để sản xuất”.
Anh Sùng Bla Ký - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Mồ Dề - người đi đầu trong công tác PCCCR cho biết: “Khoảng 6, 7 năm nay, trên địa bàn xã chưa để xảy ra vụ cháy nào. Nhưng khô hạn và cây chết nhiều như thế này cũng chẳng biết trước điều gì, chúng tôi chỉ làm hết sức có thể. Xã phân mỗi bản một tổ đi tuần tra rừng, gặp người đi vào rừng kiểm soát chặt chẽ.
Thời gian này, xã cấm bà con đốt nương, khi có mưa được sự cho phép của Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng của xã mới được đốt. Nhà nào bỏ trực phạt 200 nghìn đồng, cùng với đó là phạt trực thêm 2 - 3 buổi, trưởng bản thì bị kiểm điểm, vì thế nên chả hộ nào bỏ trực”. Sau chuyến đi rừng và đến các điểm trực, tôi mới thấy hết nỗi vất vả, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương và các chiến sỹ kiểm lâm nơi đây. Với họ, mỗi một ngày qua đi không có lửa rừng là một ngày thở phào nhẹ nhõm.
Khi chúng tôi rời Mù Cang Chải chiều ngày 18/3/2016, rừng ở bản Tu San, Nậm Có vẫn đang âm ỉ cháy. Huyện đã huy động cả nghìn người lên dập tắt đám cháy. Theo như các cán bộ kiểm lâm ở đây, đến hết tháng 5, Mù Cang Chải mới có mưa và thời gian này chính là giai đoạn khốc liệt nhất của mùa khô. Cuộc chiến chống cháy rừng vẫn đang diễn ra nóng bỏng ngày đêm ở Mù Cang Chải.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Quần thể chè Shan cổ thụ Suối Giàng được coi là tài sản vô giá của quốc gia, mang những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn.
Quần thể 400 cây chè Shan cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn) mọc tự nhiên ở độ cao 1.300 – 1.800m so vơi mực nước biển, là vùng chè cổ thụ lớn nhất nước ta. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đi đến kết luận cây chè Suối Giàng là một trong những thuỷ tổ của cây chè trên thế giới hiện nay. Đầu tháng 2 vừa qua, quần thể này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao quyết định công nhận là Cây di sản Việt Nam.
YBĐT - Thực ra làm nông thôn mới là vì dân, cho dân, dân được hưởng lợi thì có gì mà dân lại không đồng tình, đồng thuận. Song để cho dân tin, dân ủng hộ lại là cả một vấn đề không dễ, vì khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân, phức tạp mới nảy sinh.
YBĐT - Một ngày đầu xuân, chiếc xe Mezedes Benz 16 chỗ chở đoàn công tác chúng tôi lăn bánh rời thành phố Yên Bái đi về phía Tây chừng 180 km. Mù Cang Chải dần hiện ra với bao ngỡ ngàng, thích thú. Mù Cang Chải theo tiếng địa phương có nghĩa là "đất gỗ khô", nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, ngự trên độ cao chừng 1.000 m so với mực nước biển.