Không "để gió cuốn đi"
- Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2016 | 3:59:27 PM
YBĐT - "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Trong cuộc đời này vẫn luôn có những tấm lòng không "để gió cuốn đi" mà ở lại những nơi cần nó cho hoa trái thương yêu lan tỏa giữa cuộc đời.
Nơi ở của mẹ con em Vàng Thị Hiền trước và sau khi được Kết nối trẻ hỗ trợ xây dựng.
|
"Đó thực sự không thể gọi là nhà, em không biết có thể gọi nó là gì. Thực sự là thế…" - có thứ gì đó nghẹn lại nơi cổ họng của Lê Hoàng Anh - Trưởng nhóm thiện nguyện Kết nối trẻ, dâng lên trong lời nói khi mô tả lại cái hình ảnh mà có lẽ mãi Hoàng Anh không thể xóa bỏ trong tâm trí.
"Vậy mà, nó cũng thực sự là nơi ở của hai mẹ con em ý. Những ai đó chưa từng thấy chắc không thể nào tưởng tượng được". Hai mẹ con mà Hoàng Anh nhắc đến là mẹ con em Vàng Thị Hiền ở thôn Thác Hoa, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.
Những trớ trêu gây ra khó khăn cuộc sống rồi khó khăn lại khiến cuộc sống trở nên trớ trêu. Mẹ Hiền vốn thần kinh không được bình thường, bị ai đó không có lương tâm làm hại, sinh ra em. Cuộc sống vốn khó càng thêm khó. Ông bà ngoại dựng tạm cái nơi ở đó cho mẹ con Hiền, sức ông bà chỉ đến thế. Để duy trì cuộc sống, có những bữa, Hiền phải bẻ ngô non chưa đẫy hạt làm bữa ăn của hai mẹ con. "Em đã khóc ngay khi nhìn thấy nơi mà hai mẹ con em ý ở. Em ôm con bé mà khóc" - Hoàng Anh kể.
Chắc chắn sẽ là thế rồi, vì ngay lúc này đây, khi hình ảnh nơi ở tồi tàn ấy chỉ còn trong kí ức của cả Hoàng Anh và mẹ con Hiền mà nhắc lại cô gái này cũng đâu kìm nén nổi xúc cảm.
"Em đã tự hứa nhất định phải giúp hai mẹ con em ý có chỗ ở mới, phải làm". Và những tấm lòng đã gặp những tấm lòng. Hình ảnh nơi ở, hoàn cảnh của hai mẹ con em Hiền cùng lời vận động hỗ trợ mà Lê Hoàng Anh đăng trên mạng xã hội facebook đã nhanh chóng được một nhà hảo tâm sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh lưu tâm.
Chị ấy tên Thủy, vốn cũng là người Yên Bái. Chị Thủy nhanh chóng đến Yên Bái, cùng Hoàng Anh thăm nhà em Hiền. Và cũng ngay khi vừa nhìn thấy căn nhà, chị Thủy thốt lên: "Phải làm thôi, làm nhanh, càng sớm càng tốt".
"Nghe những lời chị ý, tự dưng em cứ ôm lấy Hiền mà khóc, cứ thế…" - Hoàng Anh nhắc lại giây phút mừng rớt nước mắt ấy cho niềm vui chia sẻ, cho một điều kiện tử tế hơn với hai mẹ con em gái nhỏ sắp thành hiện thực. Cũng nhanh chóng, Hoàng Anh liên hệ với tất cả những nơi cần thiết để có thể tiến hành xây nhà.
Chị Thủy và mẹ - hai người phụ nữ có tấm lòng thơm thảo ở hẳn Sơn Thịnh trong suốt quá trình làm nhà cho mẹ con em Hiền. Chỉ gần một tháng kể từ hôm chị Thủy ra xem nhà, căn nhà mới của mẹ con Hiền đã hoàn thành, trị giá 30 triệu đồng. Ngày bàn giao căn nhà cho mẹ con Hiền, cả người nhận, người kết nối, người cho cùng chung giọt nước mắt của sự sẻ chia. Chị Thủy còn hỗ trợ thêm cho mẹ con Hiền một con trâu để có kế sinh nhai lâu dài. Vậy là, thêm một cảnh đời bớt đi khốn khó.
Làm thế nào để có được nơi ở mới cho nhiều cảnh đời có lẽ là mong muốn lớn nhất trong quá trình hoạt động thiện nguyện của Hoàng Anh và nhóm Kết nối trẻ, đó cũng là lý do cho chương trình "30 triệu đồng - xóa nhà dột nát" mà Hoàng Anh cùng Kết nối trẻ đang kêu gọi ủng hộ để thực hiện.
Lê Hoàng Anh cho biết: "Đó là chi phí tối thiểu chúng em cần để có thể làm một căn nhà. Cũng hơi khó tin phải không ạ? Nhưng chúng em sẽ huy động được thêm chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể góp công xây dựng. Hơn nữa, chúng em có thể mua vật liệu được với giá ưu ái vì làm nhà ở từ thiện. Ban đầu chúng em dự kiến huy động ủng hộ làm 8 căn nhưng giờ qua khảo sát đang muốn làm đến 11 căn, vì thấy quá nhiều người mình không thể không làm".
Những phận người khốn khó, sống trong những nơi ở có khi chỉ như cái chòi, cái lều rách, có khi thông thốc mục nát, có khi chỉ là những miếng bạt quây quanh bốn chiếc cột… "Không biết thì thôi, chứ biết rồi, gặp rồi mà không làm gì thì thấy lòng mình bất ổn" - suy nghĩ ấy của Hoàng Anh cũng như các thành viên Kết nối trẻ đều như một, là sự thôi thúc cho Kết nối trẻ nỗ lực để tìm kiếm cơ hội làm mới nơi ở cho những phận đời như thế.
Hoàng Anh vui lắm khi kể: "Tới đây chúng em sẽ làm nhà cho hai bố con em Nông Thị Thanh ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình. Căn nhà của hai bố con em ấy đã quá cũ nát với tài sản có được chỉ là duy nhất một con gà mái và một chiếc giường. Bố em bị tâm thần nhẹ, mẹ thì đã bỏ đi". Tôi tin, với nỗ lực của Kết nối trẻ, những “căn nhà 30 triệu đồng” sớm thành hiện thực. Rồi sẽ không chỉ có mẹ con em Hiền, bố con em Thanh mà sẽ còn những phận người khốn khó khác cũng sẽ có nơi ở mới tử tế hơn.
Làm nhà, chữa bệnh, hỗ trợ cuộc sống, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường… Hoàng Anh cùng các bạn của mình trong Kết nối trẻ đã nỗ lực vì những điều đó. Cho đi để nhận lại được niềm vui khi biết những hoàn cảnh mình kết nối hỗ trợ có kết quả tốt.
Có thể như em Nguyễn Thanh Nhàn, xã Yên Phú (Văn Yên) học lớp 4. Sự vận động hỗ trợ của Kết nối trẻ giúp gia đình em có thêm tiền chữa bệnh ung thư máu cho em. Giờ đây các chỉ số của em trở lại bình thường.
Có thể như hai chị em Mè Thị Bằng, Mè Thị Bình, bị HIV, mẹ mất, nhà nghèo. Kết nối trẻ đã giúp các em có được sự hỗ trợ dài hạn, có được cuốn sổ tiết kiệm nhỏ và quan trọng hơn là trở lại hòa nhập với bạn bè, tự tin trong cuộc sống.
Cũng có thể là em Nguyễn Ngọc Hưng mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với bà ở xã Bảo Hưng thành phố Yên Bái. Hoàng Anh và nhóm của mình đã giúp em có được sự hỗ trợ khá ổn định hàng tháng…
Lê Hoàng Anh (bên phải sang) trong một dịp thăm trẻ em mồ côi.
Tính ra, đến nay, Kết nối trẻ đã kết nối để ủng hộ 33 trường hợp, kết nối ủng hộ xây dựng xong 3 ngôi nhà và chuẩn bị khởi công 3 ngôi nhà khác trong tháng 5 tới, kết nối hỗ trợ chữa bệnh cho 6 em nhỏ, kết nối cho gần 100 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các dịch vụ xã hội một cách triệt để, vận động thực hiện 42 chương trình thiện nguyện cho khoảng 4.750 đối tượng hưởng lợi. Đó là một kết quả không nhỏ cho một tổ chức thiện nguyện chỉ mới vừa hình thành từ tháng 9/2014. Có lẽ, cách làm quy củ, bài bản là điều mấu chốt cho hiệu quả hoạt động của Kết nối trẻ.
Người sáng lập ra Kết nối trẻ Lê Hoàng Anh chia sẻ: "Bài học đầu tiên về làm từ thiện mà em học được của một người có kinh nghiệm là phải làm bài bản và quy củ đến từng chi tiết mới có thể hiệu quả và bền vững. Ý thức làm từ thiện có thể xuất phát từ cảm xúc nhưng hình thức làm từ thiện phải được thực hiện bằng lý trí".
Cũng bởi quan điểm đó mà ngay từ khi thành lập, Kết nối trẻ đã chuyên môn hóa hoạt động bằng việc phân thành viên thành các ban như: ban tài chính, ban hậu cần, ban quà tặng, ban vận động, ban vận chuyển. Chính vì sự chuyên môn hóa đó mà các thành viên hoạt động nhịp nhàng, thấu đáo trong suốt quá trình tìm hiểu đối tượng, vận động, kết nối… Ban đầu Kết nối trẻ chỉ có Lê Hoàng Anh và hai thành viên chính thức khác. Đến nay, nhóm đã có 12 thành viên chính thức và khoảng 40 thành viên không chính thức ở cả Hà Nội và Yên Bái.
Sự bài bản, chuyên nghiệp mang lại cho Kết nối trẻ những thành công nhất định trong hoạt động từ thiện nhưng đó lại không phải là điều được nhất mà Lê Hoàng Anh nhận thấy.
"Có lẽ, với em, điều quan trọng nhất mà chúng em mang đến cho những phận đời còn nhiều khó khăn đấy là cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ cộng đồng, để họ có thêm tinh thần mà vượt qua những khó khăn cuộc sống".
Suy nghĩ ấy của cô gái này thật đúng cái tâm của một người ham thiện nguyện. Cũng vì thế mà trong những chương trình thiện nguyện, Kết nối trẻ còn tổ chức cả những buổi chiếu phim, những hoạt động văn hóa… ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa chứ không chỉ đơn giản là mang tặng những món quà vật chất.
Hoàng Anh bảo thật khó để nói rõ cơ duyên thiện nguyện bắt đầu từ đâu. Tôi thì nghĩ, một cách trực tiếp, có thể công việc của một cán bộ công tác ở Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái) khiến em liên quan hoặc được biết đến những mảnh đời khốn khó. "Vì duyên nên đã gặp thì không thể coi như không" là suy nghĩ khiến Hoàng Anh phải làm điều gì đó, có thể bắt đầu từ những sự giúp đỡ rất nhỏ của cá nhân. Và một cách gián tiếp, ấy chính là cái tâm thiện nguyện trong con người cô gái này đã đưa em đến con đường thiện nguyện.
Có lẽ, tôi sẽ nhớ mãi điều mà Hoàng Anh - cô gái có đôi mắt sáng trong nói trước câu hỏi của tôi rằng có lúc nào cảm thấy cuộc sống ảm đảm, bi quan khi gặp những cảnh đời đó không. Em cười: "Em luôn lạc quan và phải lạc quan, bởi mình là người đến giúp còn không lạc quan, còn không vượt qua được xúc cảm thì làm sao người trong cuộc như họ có thể vượt qua được. Có thể có suy nghĩ nhưng xúc cảm để rồi hành động chứ không chỉ ở đó mà bi lụy".
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Chỉ một lần thôi đã đủ để người đến đây cảm nhận muôn bề khó khăn, thiếu thốn, mới thấy được sự hy sinh, lòng yêu nghề, mến trẻ của những người gánh vác trên vai trọng trách nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang của nghiệp “trồng người” ở bản Háng Tày - nơi xa xôi nhất huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Rau - món ăn không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Nhưng hiện nay, rau đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi thị trường rau đang “nhập nhằng” giữa rau sạch và rau không sạch.
YBĐT -“Thời buổi này, người ta quan niệm muốn làm ăn buôn bán thì cứ phải ở mặt đường, chả mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ đường lên núi như vợ chồng Păn – Anh bao giờ. Ấy thế mà họ đang thành công đấy, nhiều ý tưởng táo bạo và sáng tạo lắm” – anh Vũ Đăng Quỳnh – Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu nói.
YBĐT - Cả chục dự án đang triển khai đã biến xã Nghĩa Lợi - một xã thuần nông của thị xã Nghĩa Lộ trở thành “đại công trường”. Mai này, Nghĩa Lợi sẽ thành phường trọng điểm, thôn Sang Thái, Sang Háng, Sang Đốm... sẽ thành tổ dân phố.