Nông dân Nghĩa Lợi cần sử dụng tiền đền bù, bồi thường hiệu quả
- Cập nhật: Thứ tư, 6/4/2016 | 10:07:25 AM
YBĐT - Cả chục dự án đang triển khai đã biến xã Nghĩa Lợi - một xã thuần nông của thị xã Nghĩa Lộ trở thành “đại công trường”. Mai này, Nghĩa Lợi sẽ thành phường trọng điểm, thôn Sang Thái, Sang Háng, Sang Đốm... sẽ thành tổ dân phố.
San tạo mặt bằng làm khu dân cư mới trên cánh đồng thôn Bản Xa, xã Nghĩa Lợi.
|
Trước hết, có thể khẳng định việc mở rộng không gian Mường Lò, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phát triển các khu dân cư... để thị xã miền Tây trở thành đô thị loại III vào năm 2020, mở ra cơ hội phát triển cho cả một vùng rộng lớn, trong đó có xã Nghĩa Lợi - một xã nghèo nhất của thị xã Nghĩa Lộ. Nhưng đó là câu chuyện của ít nhất là 3 đến 4 năm hoặc lâu hơn nữa, còn trước mắt thì người dân trong vùng dự án như ở Nghĩa Lợi, những người đã dành một phần hoặc toàn bộ diện tích đất của mình cho sự phát triển cần chi tiêu, dành dụm số tiền đền bù, hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề, ổn định việc làm và đời sống.
Ông Lường Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: “Diện tích tự nhiên của xã Nghĩa Lợi là 373 ha; gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái sống trong 10 thôn với 167 ha lúa. Hơn 10 dự án đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển quỹ đất đã và đang triển khai ở Nghĩa Lợi đã lấy đi khá nhiều diện tích đất, trong đó phần lớn là đất lúa (ông Hà nhấn mạnh từ “khá nhiều” vì ông thừa nhận mình không biết chắc số đất, loại đất đã và sẽ bị thu hồi là bao nhiêu), chỉ tính riêng đất ruộng đã lên tới trên 50 ha”.
Trước hết, có thể khẳng định rằng, nhờ sự cố gắng của các cấp, các ngành, nhất là Thị ủy, UBND và các phòng, ban của thị xã Nghĩa Lộ nên quá trình thu hồi, đền bù, hỗ trợ được triển khai một cách rất nghiêm túc, không phát sinh tiêu cực và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Theo quy định, mỗi mét vuông đất lúa bị thu hồi được đền bù 35.000 đồng, hộ nào bị thu hồi từ 30 đến 70% diện tích đất lúa sẽ được hỗ trợ 30 kg gạo/người/tháng, trong vòng 6 tháng; hộ nào bị thu hồi trên 70% diện tích lúa sẽ được hỗ trợ 30 kg gạo/người/tháng, trong thời gian một năm; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề với số tiền 87.500 đồng/m2 đất bị thu hồi.
Thực hiện Quyết định 15/2015/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2015 của UBND tỉnh Yên Bái, mỗi mét vuông đất bị thu hồi sẽ được hỗ trợ thêm 15.000 đồng nữa. Sau khi các quỹ đất mới hình thành, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho các hộ bị thu hồi 80 m2 đất ở được mua 1 thửa đất (tại khu vực quỹ đất phát triển mới) bằng giá sàn mà không phải qua hình thức đấu giá.
Chính sách là rất tốt, quá trình triển khai khá bài bản; đặc biệt, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ còn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền rất kỹ chủ trương, chính sách, trong đó có việc khuyên nhủ người dân quản lý số tiền đền bù, hỗ trợ một cách cẩn trọng, có kế hoạch cụ thể, ưu tiên việc ổn định nơi ở, chuyển đổi ngành nghề ổn định cuộc sống, tránh hiện tượng có tiền trong tay là đi mua sắm những vật dụng đắt tiền, không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình.
Rất nhiều cán bộ ở thị xã Nghĩa Lộ và cả ở Nghĩa Lợi mà chúng tôi tiếp cận đều tỏ ra lo lắng: “Tuyên truyền, nhắc nhở cả rồi đấy, nhưng việc thực hiện như thế nào là quyền của bà con. Không ít nhà cầm vài trăm đến cả tỷ đồng trong tay là lên phố mua ngay mấy cái xe máy đắt tiền, nhiều nhà làm nhà sàn cột bê tông quá to”.
Cùng ông Chủ tịch xã xuống thôn Bản Xa, thôn Nà Làng (những khu vực dân cư bị thu hồi đất ruộng nhiều nhất), chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà sàn bằng bê tông, rộng vài trăm mét vuông vừa mọc lên. Trên tuyến đường bê tông đã gãy nát vì xe chở vật liệu đã xuất hiện những trai làng, gái bản đi những chiếc xe mô tô mới coóng, nhiều bạn sử dụng Smartphone bật 3G vừa đi vừa lướt Web.
Nhiều hộ dân nâng cột nhà lên từ 1,2 - 2 mét để cao hơn đường và khu dân cư mới.
Dừng chân trước hiên nhà ông Lò Văn Chựa ở thôn Bản Xa, nghe thấy ông Chủ tịch xã giới thiệu, ông Chựa chạy xuống cầu thang đón khách và cho biết: “Nhà có 2.400 m2 ruộng thì tất cả đã nằm trong vùng dự án. Tôi đã được nhận đền bù hơn 400 triệu đồng”.
Khi chúng tôi hỏi gia đình đã dùng tiền được đền bù vào việc gì thì ông chỉ sang ngôi nhà sàn mới làm và chiếc ô tô tải Benz bảo: “Chia cho các con làm nhà và mua cho thằng con trai cái xe để chạy là hết”. Có lẽ, bố con ông Chựa là người khá nhanh nhạy và ông là một trong số ít trường hợp ở thôn Bản Xa này đã sớm chủ động chuyển đổi ngành nghề, tất nhiên cái xe tải này giỏi lắm là tạo được việc làm cho 2 trong tổng số 6 lao động của gia đình. Còn lại 4 lao động cần phải có giải pháp tích cực hơn, nếu không sẽ nghèo đói trong ngôi nhà xây khang trang này.
Song song với việc tuyên truyền để người dân dành dụm số tiền bồi thường, hỗ trợ chi tiêu một cách hợp lý, ưu tiên đầu tư chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống các cấp chính quyền cần quan tâm, ưu tiên triển khai các chính sách chung hiện có và nếu được thì ban hành cơ chế, chính sách riêng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2015, thị xã đã mở cho xã Nghĩa Lợi 1 lớp sửa chữa máy nông cụ với 20 người tham gia; 1 lớp nghiệp vụ nhà hàng cho 35 người và 1 lớp sản xuất rau an toàn cho 30 người theo học.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 135 và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phòng Kinh tế thị xã đã triển khai được một số mô hình nuôi trâu sinh sản, gà đẻ, lợn nái... với tổng kinh phí 500 triệu đồng.
Người dân Nghĩa Lợi đã sử dụng tiền đền bù xây dựng nhà cửa khang trang.
Nhìn cánh đồng Nghĩa Lợi, xem hệ thống chuồng trại của bà con và tìm hiểu các chương trình, giải pháp của tỉnh, của thị xã sẽ thấy người dân Nghĩa Lợi cần chuyển nhanh từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, phát triển mạnh, công nghệ cao.
Các cấp chính quyền cần ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp cho Nghĩa Lợi như: về vốn, lãi suất, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật nhất là về chăn nuôi như nuôi lợn, gà, trâu bò; xây dựng các khu trồng rau sạch, hoa... Có các chương trình đào tạo nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm hiệu quả; trong việc thu hút đầu tư cần ưu tiên những dự án sử dụng nhiều lao động và ưu tiên người lao động đến từ Nghĩa Lợi và những vùng đang đô thị hóa, công nghiệp hóa...
Bà con Nghĩa Lợi cũng cần tích cực, chủ động chuyển đổi ngành nghề theo hướng công nghiệp, thương mại và dịch vụ; nếu muốn gắn bó với nghề nông thì cần mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng cấy theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, quy mô lớn; không thể quẩn quanh vài sào ruộng nước, mảnh ao nhỏ, đôi lợn thịt, con trâu nái như bây giờ.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Đợt rét kỷ lục gây ra băng giá trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hồi cuối tháng 1 vừa qua đã làm trên 12.000 ha rừng chết và gãy đổ nhưng thời gian này chính là giai đoạn khốc liệt nhất của mùa khô.
YBĐT - Quần thể chè Shan cổ thụ Suối Giàng được coi là tài sản vô giá của quốc gia, mang những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn.
Quần thể 400 cây chè Shan cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn) mọc tự nhiên ở độ cao 1.300 – 1.800m so vơi mực nước biển, là vùng chè cổ thụ lớn nhất nước ta. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đi đến kết luận cây chè Suối Giàng là một trong những thuỷ tổ của cây chè trên thế giới hiện nay. Đầu tháng 2 vừa qua, quần thể này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao quyết định công nhận là Cây di sản Việt Nam.
YBĐT - Thực ra làm nông thôn mới là vì dân, cho dân, dân được hưởng lợi thì có gì mà dân lại không đồng tình, đồng thuận. Song để cho dân tin, dân ủng hộ lại là cả một vấn đề không dễ, vì khi đụng chạm đến quyền lợi cá nhân, phức tạp mới nảy sinh.