Rau sạch, bẩn chờ đợi “lương tâm”
- Cập nhật: Thứ ba, 26/4/2016 | 10:07:23 AM
YBĐT - Rau - món ăn không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. Nhưng hiện nay, rau đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi thị trường rau đang “nhập nhằng” giữa rau sạch và rau không sạch.
Mô hình sản xuất rau sạch của một số hộ dân tại xã Yên Hợp (Văn Yên).
|
Trước những thông tin về các loại rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, hóa chất với “công nghệ trồng rau một đêm” cũng như cảnh báo gây bệnh ung thư đã khiến việc chuẩn bị một bữa ăn đảm bảo sức khỏe cho mỗi thành viên gia đình của người nội trợ chưa bao giờ khó khăn đến thế!
Nhập nhằng rau sạch, bẩn
Một lần bị ngộ độc do ăn rau muống khiến chị Lan Dung ở phường Yên Thịnh, thành phố Yen Bái bức xúc: “Mua rau về tôi đã rửa rất kỹ rồi ngâm nước muối, vậy mà ăn xong một lúc thì bụng đau, miệng nôn, trôn tháo”. Làm thế nào để mỗi món rau trên mâm cơm đều là rau an toàn? Đó là câu hỏi không dễ trả lời trong lúc này. Bởi vì, trước “ma trận” rau, củ, quả, các bà nội trợ thật khó có thể trở thành người tiêu dùng thông thái khi mà bề ngoài của các sản phẩm này không có gì để phân biệt được là rau phun thuốc hay không phun thuốc.
Bà Thỏa - một người bán rau ở chợ Yên Thịnh khẳng định: “Rau tôi là rau sạch đấy chị ạ! Nhà tôi có vườn nên tự trồng chứ không lấy rau từ bên ngoài để bán. Khách đến mua rau của tôi toàn khách quen. Họ ăn mãi không thấy sao thì họ sẽ quay lại hàng mình thôi”. Dạo một vòng quanh chợ Yên Thịnh, dễ dàng thấy trong chợ các sạp bán rau đa dạng các loại rau phục vụ nhu cầu khách hàng. Khi được hỏi rau này các chị lấy ở đâu?
Chị Nhung - một chủ sạp rau ở đây cho biết: “Rau chúng tôi lấy ở đây đều có nguồn gốc cả. Đều là của bà con ở quanh thành phố này thôi. Mình lấy quen rồi nên rau phải đảm bảo chất lượng thì lần sau khách mới mua tiếp chứ”.
Lời khẳng định của những người bán rau là thật hay không thật? Ai là người đứng ra để kiểm chứng, nên người tiêu dùng vẫn lực bất tòng tâm. Nhiều bà nội trợ đã rỉ tai nhau kinh nghiệm để tự đối phó với việc rau không sạch là không nên ăn rau trái vụ; không mua rau non mướt quá mà chọn rau có hình thức "xấu mã" mới an toàn...
Theo quan điểm của chị Hồng Vân, phường Đồng Tâm: “Mình thì chỉ tin tưởng những người bán rau nắm, rau mớ thôi. Vì mình nghĩ, gia đình nhà người ta có ít nên thỉnh thoảng có vài mớ mang ra bán thì đó là rau sạch. Tuy nhiên, tự tin tưởng thế thôi chứ cũng chẳng biết thế nào. Còn mua đại trà như người ta đi hàng sọt thì mình có cảm giác không yên tâm vì nghĩ người ta phun thuốc”.
Dẫu vậy, vì lợi nhuận, nhiều người bán hàng đã đánh vào tâm lý chung của người tiêu dùng là không thích rau xanh, non quá nên cũng bó thêm một vài lá rau bị sâu cắn, rau cằn để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Và trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn” giữa rau bẩn và rau sạch thì người tiêu dùng không thể biết tin ai, chỉ còn cách trông chờ vào sự may, rủi hoặc lựa chọn theo cảm quan.
Quan sát chợ rau ở ngã ba km6, phường Đồng Tâm dễ dàng thấy “ngồn ngộn” các loại rau, củ quả với phong phú, đa dạng các mặt hàng. Người dân Yên Bái quen gọi khu vực này là chợ rau Vĩnh Tường, chuyên đổ buôn rau nên giá rẻ hơn nhiều so với các hàng sạp trong chợ hay người bán rong.
Ngày nào cũng thế, cứ 6 giờ đến 7 giờ sáng, hàng trăm ki-lô-gam rau được ô tô từ dưới xuôi chở đến đổ xuống đây. Và chất lượng rau ở đây thế nào thì chỉ có... trời mới biết được. Có ai dám chắc rằng, với số lượng rau đổ về nhiều như thế thì các cơ quan chức năng hàng ngày vẫn kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của những sản phẩm này?
Muôn cách kiếm rau sạch
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thực trạng bị ngộ độc do thực phẩm xảy ra chưa nhiều nhưng cũng không phải là không có. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ngày càng trở nên nhức nhối. Người dân Yên Bái cũng không khỏi lo lắng nên nhiều người đã tự kiếm tìm cho gia đình mình sản phẩm rau sạch bằng đủ cách có thể. Có cung, ắt có cầu và nhiều cửa hàng thực phẩm rau an toàn, cửa hàng online... đã xuất hiện trên thị trường Yên Bái.
Ông Nguyễn Thế Sự - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Yên Bái: Dù đã cố gắng trong việc giám sát chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, có nguy cơ cao như rau, củ, quả, thịt, sản phẩm từ thịt nhưng do lực lượng cán bộ của Chi cục mỏng, cấp huyện, cấp xã không có cán bộ chuyên trách quản lý về chất lượng nông lâm sản nên không thể kiểm soát hết được. Qua kiểm tra mỗi năm, xác suất có một vài mẫu rau có hàm lượng Nitrat vượt mức cho phép, còn chưa phát hiện trường hợp nào có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Một cái khó nữa đối với Chi cục là khi muốn xét nghiệm, kiểm tra mẫu thì Chi cục phải gửi mẫu đó về Hà Nội hoặc Hải Phòng nên việc kiểm tra còn nhiều hạn chế. |
Vì Yên Bái chưa có chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện, chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chị Bùi Hằng - chủ cửa hàng RCQ Food đã nhập rau, củ, quả ở mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc Dự án Xây dựng mô hình sản xuất rau, quả an toàn trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Chị Hằng trăn trở: “Bữa ăn hàng ngày giờ đang trở thành áp lực lớn với các gia đình khi mà thực phẩm không an toàn ngày càng tràn lan. Mong muốn mang đến cho người tiêu dùng một nguồn rau an toàn và sạch, mình đã đi tìm nguồn rau an toàn và chuẩn để phục vụ các khách hàng”. Ngoài ra, với xu hướng ngày càng hiện đại, nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng còn đi chợ online hàng ngày với niềm tin là mua được những loại rau, củ, quả với lời quảng cáo rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gốc quê, nhà trồng...
Chị Nguyễn Ngọc Bích - phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Khi mà thị trường ngày càng lẫn lộn giữa thực phẩm an toàn và không an toàn thì chúng tôi tự phải tìm giải pháp cho mình là đến những cửa hàng được gắn mác “sạch”.
Là người tiêu dùng, chúng tôi không thể kiểm chứng được thực phẩm có sạch thật hay không nên cũng chỉ trông chờ vào lương tâm của những người bán hàng quen biết thôi”. Nhưng vấn đề được lật lại là có khi người bán không dối người mua nhưng đầu mối cung cấp hàng cho người bán có thật sạch hay không thì thật khó kiểm chứng được nhưng cũng giúp người tiêu dùng giải tỏa phần nào về mặt tâm lý.
Trước sự báo động về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì nhiều người lại tìm cho mình cách đi riêng để có được những đĩa rau thực sự sạch trên mâm cơm gia đình. Không ít người lựa chọn phương thức trồng rau ở mảnh đất gần nơi cư trú hoặc dành những diện tích ít ỏi của gia đình, sử dụng sân thượng, hộp xốp để trồng rau sạch. Cứ chiều chiều, sau giờ đi làm về, chị Hoàng Thị Thương Hà - phường Yên Ninh lại ra xới đất để trồng rau sạch ở khu đất trống cạnh nhà.
Chị cho biết: “Thông tin cảnh báo về tình trạng thực phẩm bẩn quá nhiều, trong đó không loại trừ các loại rau nên tôi tranh thủ thời gian rỗi để trồng rau, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo chất lượng bữa ăn cho gia đình”.
Ai cũng muốn biến mình thành nhà tiêu dùng thông thái trước ma trận thực phẩm giăng như mạng nhện hiện nay. Nhưng dường như điều đó trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú và mắt thường thì thật khó có thể phân biệt được đâu là hàng thực sự an toàn trước công nghệ ngày càng tinh vi. Ngay cả các cơ quan chuyên môn cũng rất vất vả phải mất thời gian để xét nghiệm, kiểm định bằng hệ thống máy móc tinh vi thì mới có thể đưa ra kết luận.
Vậy, bao giờ người dân mới thoát khỏi nỗi lo về thực phẩm không an toàn? Câu hỏi này sẽ còn bỏ ngỏ nếu các chế tài xử lý chưa đủ răn đe và các cấp, các ngành vẫn còn buông lỏng, thiếu sự quyết tâm trong việc quản lý chất lượng thực phẩm. Và như thế, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta sẽ lại càng trở nên ngắn và dễ dàng hơn bao giờ hết như câu nói bức thiết của một đại biểu Quốc hội mới đây!
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT -“Thời buổi này, người ta quan niệm muốn làm ăn buôn bán thì cứ phải ở mặt đường, chả mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ đường lên núi như vợ chồng Păn – Anh bao giờ. Ấy thế mà họ đang thành công đấy, nhiều ý tưởng táo bạo và sáng tạo lắm” – anh Vũ Đăng Quỳnh – Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu nói.
YBĐT - Cả chục dự án đang triển khai đã biến xã Nghĩa Lợi - một xã thuần nông của thị xã Nghĩa Lộ trở thành “đại công trường”. Mai này, Nghĩa Lợi sẽ thành phường trọng điểm, thôn Sang Thái, Sang Háng, Sang Đốm... sẽ thành tổ dân phố.
YBĐT - Đợt rét kỷ lục gây ra băng giá trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hồi cuối tháng 1 vừa qua đã làm trên 12.000 ha rừng chết và gãy đổ nhưng thời gian này chính là giai đoạn khốc liệt nhất của mùa khô.
YBĐT - Quần thể chè Shan cổ thụ Suối Giàng được coi là tài sản vô giá của quốc gia, mang những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn.