Lên Lao Chải, Mù Cang Chải - xã xa xôi và khó khăn chỉ sau Chế Tạo, tôi mới vỡ ra những tầng nghĩa đầy đủ của cụm từ "công bộc của dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới trong thư gửi "Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, khi tận tai được nghe, tận mắt được thấy những việc làm bình dị mà cao cả, xuất phát từ cái tâm chân thành luôn trăn trở, lo lắng cho dân và trách nhiệm với chính mình của những cán bộ vùng cao ngày đêm lăn lộn, gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Ở Lao Chải, tôi đã gặp những cán bộ, đảng viên người Mông mẫn cán, lặng lẽ nêu gương lo gánh vác công việc chung với bà con dân bản...
Tháng Ba, Lao Chải hãy còn sương lạnh. Hoa táo (sơn tra) - bà con người Mông ở đây gọi thế, đã lác đác bung hoa, khoe sắc trắng tinh khôi như chính sự thuần khiết, nguyên sơ của mảnh đất này. Đường lên Lao Chải mười phần khó khăn trước đây, nay chỉ còn năm, sáu. Phong trào phát triển giao thông nông thôn được tỉnh Yên Bái đẩy lên thành nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa bằng Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, được huyện Mù Cang Chải triển khai thực hiện hiệu quả.
Chủ trương huyện hỗ trợ xi măng, các địa phương huy động nguồn lực sức dân và nguồn xã hội hóa để làm đường bê tông liên xã, liên thôn bản, ngõ xóm..., thực sự trở thành đòn bẩy, động lực thúc đẩy nhân dân các địa phương hăng hái hưởng ứng. Lao Chải nằm trong tốp những xã làm tốt.
Thành quả và cách làm linh hoạt của địa phương được Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải Trần Minh Vấn chia sẻ cặn kẽ. Câu chuyện về những bí thư chi bộ, trưởng thôn tận tình, trách nhiệm đứng ra tín chấp bằng chính tài sản của mình với ngân hàng để vay tiền hay cắm chịu xi măng, vật liệu xây dựng ở các quán - nói một cách dân dã là họ gánh nợ thay cho cả bản để làm đường bê tông, khiến Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên vô cùng xúc động. Tận tai được nghe, tận mắt được thấy trách nhiệm của những cán bộ cơ sở chất phác ấy, anh thêm tin tưởng, tự hào về đội ngũ cán bộ của mình...
Bản Cồ Dề Sang A và Cồ Dề Sang B có hơn 200 hộ đồng bào Mông sinh sống. Ước mơ có con đường bê tông sạch sẽ để đi lại, nhất là khi mùa mưa tới là niềm khát khao bao đời của những người dân sống trên mảnh đất này.
Nhà Chủ tịch Hội Nông dân xã Giàng A Tông ở bản Cồ Dề Sang A. Gần 30 năm công tác ở địa phương, ấp ủ mong ước ấy, ông cũng như bà con 2 bản, đón đợi chủ trương của huyện của xã với quyết tâm cao. Năm 2019, nguồn xi măng hỗ trợ từ huyện không còn mà lòng dân háo hức làm đường thì khí thế lắm.
Ông bảo: "Huyện còn nghèo, nguồn kinh phí hỗ trợ có hạn. Huyện chưa có hỗ trợ thì bà con mình phải cố gắng làm đường tốt để đi. Không có đường thì không phát triển kinh tế được. Mình cứ huy động dân đóng góp làm trước, huyện có huyện hỗ trợ sau...”.
Suy nghĩ thế, ông cùng Trưởng bản, Bí thư Chi bộ thống nhất bà con cho họp dân. Dân đồng thuận thì mình huy động làm. Khó là nguồn tiền trong dân huy động đóng góp một lúc chưa thể có ngay. 2 bản Cồ Dề Sang A và Cồ Dề Sang B, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới trên 65%. Khoản tiền dân có nhìn thấy rõ nhất đó là khoản chi trả từ nguồn phí dịch vụ trông coi bảo vệ rừng, thu hoạch sơn tra, thảo quả nhưng phải giữa năm hoặc cuối năm mới có.
"Chỉ có cách là đứng ra tín chấp vay tiền ngân hàng để bản có tiền làm đường trước. Tính đều mức đóng góp cho các hộ, dân có tiền thì bản thu về để trả nợ sau” - ông Giàng A Tông chia sẻ.
Cách nghĩ, phương pháp làm của ông, của Bí thư Chi bộ và Trưởng bản được bà con nhất trí cao. Ông cùng cán bộ của bản đứng tên tín chấp vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 100 triệu đồng, cộng thêm hơn 70 triệu đồng huy động dân bản đóng góp, ngay trong tháng 3/2019, tuyến đường bê tông bản Cồ Dề Sang A và Cồ Dề Sang B dài hơn 4 km được hoàn thành trong niềm hân hoan mừng vui của bà con 2 bản…
Chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, từng bước đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy, chính quyền xã Lao Chải cụ thể hóa thành nhiệm vụ trọng tâm của từng bản, gắn với đó là trách nhiệm và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng bản.
Chủ tịch UBND xã - Giàng A Lử cho biết: "Chủ trương này được xã triển khai thực hiện trong năm 2018. Ba bản đầu tiên đăng ký thực hiện là Séo Dìn Hồ A, Séo Dìn Hồ B và bản Hồ Dí Pá được hỗ trợ 180 tấn xi măng từ nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp; cộng thêm nguồn lực huy động đóng góp của nhân dân trong xã với mức từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/hộ, nhân dân 3 bản hăng hái góp sức, góp công khai thác vật liệu cát, sỏi hoàn thành con đường bê tông dài 6 km đường liên bản do dân đóng góp, mở ra phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Hết năm 2018, xã Lao Chải bê tông hóa được 8,5 km đường giao thông”.
Thành công bước đầu ấy thêm củng cố niềm tin và khí thế thi đua của nhân dân các bản. Năm 2019, Cồ Dề Sang A, Cồ Dề Sang B và nhiều bản trên địa bàn đồng loạt đăng ký thực hiện bê tông hóa giao thông của bản.
Có thể thấy, chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân tham gia đóng góp làm đường bê tông liên thôn bản, ngõ xóm của Đảng ủy xã Lao Chải, trong đó giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho bí thư, trưởng bản thêm một lần nữa khẳng định vai trò, ý thức nêu gương của đội ngũ cán bộ cơ sở được đề cao.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Hú Trù Lình - Giàng A Thái ý thức lắm về điều này. Trách nhiệm là cán bộ của bản, được bà con tin tưởng giao, anh tình nguyện đứng tên mua chịu hơn 70 tấn xi măng để bà con dân bản làm đường.
Bí thư Giàng A Thái bảo: "Xã giao nhiệm vụ cho mình, bà con cũng nhìn vào mình thì phải cố gắng làm thôi. Dân đang hăng hái, nhiệt tình làm đường mà mình không đứng ra gánh vác việc của bản thì nói ai còn nghe”. Với mức đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ, con đường bê tông của bản Hú Trù Lình nối liền với trục đường bê tông của xã dài 2,7 km đã hoàn thành ngay trong tháng 4.
Bí thư Giàng A Thái chia sẻ: "Trong bản, tuy số hộ nghèo vẫn còn nhiều nhưng hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi. Đường làm xong rồi, đi lại thuận tiện bà con phấn khởi lắm! Dân chưa có tiền để đóng góp nhiều ngay một lần thì mình phải huy động làm mỗi đợt một ít. Cuối năm nay, có nguồn thu, bà con dự tính lại đóng góp để tiếp tục bê tông hóa tuyến đường của bản”.
Cùng suy nghĩ và chung cách làm ấy, anh Lờ A Giàng - Bí thư Chi bộ bản Dào Cu Nha đã đứng ra chịu nợ thay cho bà con dân bản khi tín chấp tài sản của gia đình vay ngân hàng 150 triệu đồng và đứng tên mua nợ các cửa hàng vật liệu xây dựng gần 150 triệu đồng để công trình bê tông hóa tuyến đường giao thông của bản dài 3 km trị giá gần 300 triệu đồng kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm nay.
Bí thư Giang bộc bạch: "Nói thật là đi vay nợ cũng lo lắm nhưng bà con quyết tâm rồi, mình phải có trách nhiệm cho cùng bà con. Bản Dào Cu Nha dân có nguồn thu ổn định từ thảo quả và sơn tra. Một số hộ có thu nhập cao từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm từ trồng sơn tra và thảo quả như gia đình ông Giàng A Pháo, Giàng A Gia… Gia đình mình cũng trồng được 4 ha sơn tra, riêng 3 ha thảo quả thì một hai năm nữa mới cho thu hoạch. Nói chung, làm cán bộ ở đây là phải chịu hy sinh tý. Tuyên truyền tốt nhưng còn phải trách nhiệm làm trước, gương mẫu trước, không thế thì không hoàn thành được nhiệm vụ giao”.
Giao thông nông thôn - nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế bền vững ở Lao Chải đang được đồng bào người Mông các thôn, bản chung sức tạo lập bằng ý thức tự lực, tự cường, với sự đầu tàu gương mẫu của những cán bộ, đảng viên mẫn cán, biết lo cho dân và dám chịu trách nhiệm trước dân. Chẳng thế mà ngay trong những tháng đầu năm 2019 này, Lao Chải đã hoàn thành bê tông hóa trên 10 km đường liên thôn, bản. Lên Lao Chải, tôi đã vỡ ra đầy đủ của cụm từ "công bộc của dân”.
Và ở đâu đó còn suy nghĩ làm cán bộ là để hưởng thụ thì ở mảnh đất vùng cao khắc nghiệt đầy nắng và gió xứ Mù Cang này, có nhiều lắm những cán bộ đang ngày đêm lăn lộn với cơ sở, cần mẫn thực hành làm "công bộc của dân”.
Minh Thúy