Cấp thiết bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2019 | 8:15:22 AM

YênBái - Vẫn biết khi xử lý mạnh tay với tình trạng khai thác tận diệt cá trên hồ Thác Bà sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cả trăm hộ gia đình, đời sống của cả nghìn nhân khẩu nhưng pháp luật phải được thực thi nghiêm minh...

Hàng chục chiếc thuyền mang ngư cụ kích điện cập bến cảng Km 11.
Hàng chục chiếc thuyền mang ngư cụ kích điện cập bến cảng Km 11.

Là một tỉnh miền núi nhưng Yên Bái lại có tiềm năng phát triển ngành nghề thủy sản với hàng loạt sông suối, đặc biệt là hồ Thác Bà có diện tích mặt nước dao động từ 19 đến 23 nghìn héc-ta. Nghề nuôi thủy sản ở Yên Bái đã sớm ra đời và phát triển, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng ở Vân Hội, Minh Quân, trên hồ Thác Bà với các giống như: trắm cỏ, chép, diêu hồng, lăng, nheo… Sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm.


Cùng đó, người dân sống ven sông suối, gần hồ lớn vẫn duy trì việc đánh bắt tự nhiên với sản lượng hàng năm cũng rất lớn. Tuy nhiên, việc đánh bắt cá tự nhiên không được kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng đánh bắt bằng các hình thức mang tính hủy diệt diễn ra khá phổ biến và không bị ngăn chặn và xử lý. 

Có thể kể ra hàng loạt các hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt như: dùng chất nổ (đánh mìn), phương pháp này diễn ra khá nhiều vào các thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, thời gian gần đây, thi thoảng vẫn diễn ra, phần lớn do lượng chất nổ công nghiệp bị thất thoát trong quá trình khai thác đá vôi trắng. Các biện pháp đánh bắt hủy diệt khác như: vó bè kết hợp với đèn chiếu sáng, lưới mắt nhỏ; đặc biệt là dùng kích điện diễn ra rất phổ biến.

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đến bến cảng Km11, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. "Giờ người khôn của khó, không dùng kích thì bắt sao bắt nổi cá nữa hả anh?” - một ngư dân biện minh cho hành vi đánh cá bằng kích điện của mình. 

Chiếc thuyền của anh ta không lớn, gắn động cơ xăng, trong khoang là hai bình ắc quy lớn, một bộ kích điện và một đoạn tre dài khoảng 6, 7 m, dòng theo dây điện, dây cáp, phía đầu là chiếc vợt, đường kính khoảng 50 cm. Tôi đưa điện thoại ra để chụp hình thì một người đàn ông ở thuyền kế bên liền cản lại. 

Tôi liền hỏi về nghề cá trên hồ như sản lượng, con nào to nhất, mẻ nào nhiều nhất hay có hôm nào đi đánh bắt phải về tay không hay không. Đúng chuyện nghề, những ngư dân ở các thuyền gần đó cùng rôm rả tham gia vào câu chuyện. 

Trước đây, Thác Bà đúng là vựa cá, nhiều nhất là măng, mè. Tàu khách về cảng Hương Lý có cả vạn con cá từ ngão, mương, mè, có con nặng vài ký bâu quanh. Ngày ấy bắt được con mè 60, 70 cân là chuyện thường. Rồi người khôn, của khó, phương pháp đánh bắt tận diệt xuất hiện, thế là cá hết dần. 

Anh Tuấn vẻ đượm buồn thêm vào câu chuyện: "Tuổi tôi càng lớn, cá hồ này càng hiếm cho dù phương pháp đánh bắt càng tinh vi, hiện đại hơn. Chưa tới mức đánh cả đêm mà không được con nào nhưng mùa này nước cạn, cá đã ít lại ở tầng nước sâu nên đi cả đêm được vài cân là chuyện thường”. 

Chuyến thực địa tại cảng Km11 kết thúc, gặp gỡ hàng chục ngư dân, tận mắt nhìn thấy khoảng 40 chiếc thuyền, chiếc nào cũng mang ngư cụ đánh bắt hủy diệt, cụ thể là kích điện… có thể thấy: tình trạng đánh bắt cá bằng kích điện là phổ biến, công khai. 

Cho dù đã sử dụng tới biện pháp tận diệt nhưng ngư dân vẫn rất khó bắt được cá; không ít người trong số họ nhận thức được đánh bắt như thế này là vi phạm, ít nhất là tự làm khó chính bản thân mình nhưng họ không muốn hoặc không thể dừng lại vì "tất cả vẫn làm theo cách này, áp dụng cách khác thì không có cá” và cuối cùng là các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thiếu cương quyết trong việc xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tại buổi làm việc với Đội Kiểm ngư, Trung tâm Dịch vụ phát triển dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Bình, cả ông Đinh Quang Tuấn – Đội trưởng và ông Phạm Văn Nhân – công nhân lái tàu đều cho rằng, nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất khó khăn, lý do là hồ rộng trên dưới hai vạn héc-ta, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, chưa kể eo, ngách, bán đảo thuộc mấy chục xã thuộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên. 

Lực lượng kiểm ngư chỉ có 4 người, phương tiện cũ kỹ, lạc hậu, tốc độ chậm, kinh phí mua sắm mới, sửa chữa nâng cấp rất hạn hẹp… 

Người dân quanh hồ sống bằng nghề cá nên họ tìm đủ mọi cách để đánh bắt và chống đối với lực lượng chức năng. Trong các ngày từ 11 – 16/6 vừa qua, Công an huyện Yên Bình và Đội Kiểm ngư thực hiện một loạt chuyến tuần tra trên hồ, đi tới nhiều xã như: Tân Hương, Mông Sơn… nhưng kết quả mới phá được 4 chiếc vó bè và hủy 3 lưới mắt nhỏ.

Đúng là việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và trên hồ Thác Bà nói riêng là rất cần thiết và ít nhiều có những khó khăn. Tuy nhiên, pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, phải thấy lợi ích trước mắt cũng như lâu dài đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên tập trung vào việc đấu tranh, ngăn chặn hành vi sử dụng kích điện để bắt cá. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này vì tình trạng đánh mìn đã giảm đi rất nhiều, hiếm khi xảy ra, việc sử dụng vó điện rất dễ phát hiện, dễ xử lý, cần giao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương. 

Đối với hành vi sử dụng kích điện, đây là hành vi mang tính hủy diệt, được ngư dân sử dụng khá phổ biến, chỉ riêng khu vực cảng Km11 đã có hàng chục thuyền máy trang bị kích điện (theo giải thích của nhân viên kiểm ngư thì vùng thấp không nhiều như ở vùng cao, mùa này còn ít hơn mùa lũ). 

Chế tài để xử lý hành vi dùng kích điện đánh bắt thủy sản đã được quy định hết sức cụ thể và rõ ràng tại Nghị định số 42 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2019.

Có lực lượng, có chế tài đủ mạnh, vấn đề là chúng ta cần phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, thành lập tổ liên ngành, xây dựng quy chế phối hợp, dành một khoản kinh phí đáng kể hoặc có cơ chế trích tỷ lệ phần trăm tiền xử phạt hành chính hoặc thanh lý phương tiện vi phạm thu giữ… cho việc tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm. 

Vẫn biết khi xử lý mạnh tay với tình trạng khai thác tận diệt cá trên hồ Thác Bà sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cả trăm hộ gia đình, đời sống của cả nghìn nhân khẩu nhưng pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, không để những hình thức đánh bắt hủy diệt tồn tại, hủy hoại môi trường sinh thái, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, gây phản cảm cho du khách đến tham quan, du lịch.

Điều 28, Nghị định số 42 của Chính phủ nêu rõ: 

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. 

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản. 

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản như sau: a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét; c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên. 

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. 

5. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; b) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

Lê Phiên

Tags Yên Bái hồ Thác Bà thủy sản mặt nước nghề nuôi cá cá lồng đánh bắt hủy diệt

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải thăm khu trang trại chăn nuôi gà đen.

Chuyến công tác thực tế cùng lãnh đạo huyện Mù Cang Chải nắm tình hình phát triển kinh tế địa bàn các xã khó khăn nhất huyện, chẳng riêng tôi mà những cán bộ trong đoàn công tác của Huyện ủy và của xã Lao Chải đều trầm trồ khi được “mục sở thị” trang trại của chàng kỹ sư lâm nghiệp Phạm Quang Thọ.

Áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi theo hàng hóa và thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sản xuất nông nghiệp Yên Bái cần thiết phải vượt qua những rào cản và tiếp tục hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản là vấn đề sống còn trong giai đoạn hiện nay!

Hè đến các lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải lại tăng giờ, tăng buổi.

Tháng 6, khi những chú ve hòa tấu bản giao hưởng của tự nhiên, học sinh đã nghỉ hè thì những lớp học xóa mù chữ lại vào thời kỳ cao điểm, bắt đầu tăng giờ, tăng buổi. Từ những lớp học này, mỗi năm lại có thêm hàng nghìn người biết chữ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ dân trí cho người dân vùng cao Mù Cang Chải.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu xuống cơ sở nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của hộ nghèo.

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu, đến đâu cũng thấy cán bộ từ huyện đến các xã, thị trấn và người dân nói về chuyện chung tay giúp hộ nghèo, giảm nghèo bền vững năm 2019. Năm nay, cùng với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của địa phương thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, các hộ nghèo ở Trạm Tấu đang tích cực thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục