Một trang trại nông nghiệp nên thơ giữa điệp trùng núi đồi, đẹp như thể chỉ có ở đất nước Nhật Bản xa xôi lại hiển hiện ngay ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải. Khỏi phải nói, cán bộ ở đây tự hào như thế nào về những công dân ưu tú, tiên phong, dám nghĩ, dám làm trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương mình.
Thọ năm nay tròn 40 tuổi, quê gốc Phú Thọ, đang công tác tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện. Gần 20 năm gắn bó với núi rừng Mù Cang Chải, bước chân của người kỹ sư lâm nghiệp này đã in dấu trên khắp các bản làng vùng cao, nuôi lớn trong anh niềm đam mê và ước mơ khát khao tạo lập một trang trại nông nghiệp sạch trên núi.
Thọ bảo: "Ban đầu không có đất, mua gom dần của bà con trong bản mỗi năm một ít. Gắn bó với đồi đất, với công việc trồng rừng hàng ngày nên thực tình thích có một trang trại của riêng mình kết hợp chăn nuôi với trồng trọt theo một chu trình khép kín”.
Năm 2017, Thọ đã có trong tay trên 5ha đất đồi tại bản Háng Gàng, xã Lao Chải, đủ để anh xây dựng một trang trại tổng hợp khép kín, nuôi gà đen kết hợp với trồng rau sạch, trồng sơn tra. Năm đầu tập trung kiến thiết chuồng trại, bắt tay chăn nuôi gà, Thọ gần như lỗ vốn do thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
Năm 2018, anh đầu tư chỉ nuôi 1 lứa gà đen 1.000 con, kết hợp trồng các loại rau củ, quả theo mùa, trừ chi phí đầu tư, bước đầu anh đã có được chút ít lãi, trên 100 triệu đồng. Thọ cho biết, mặc dù gà đen là giống gà bản địa của người Mông, có khả năng kháng bệnh tốt và được trang trại nhập con giống từ Viện Chăn nuôi. Thế nhưng, với đặc thù vùng tiểu khí hậu, từ tháng 7 trở đi, thời tiết mưa nhiều, nếu không nắm bắt tốt về kỹ thuật chăm sóc thì rủi ro rất lớn. Minh chứng là lứa gà đầu tiên nuôi chết quá nửa.
Theo anh, nếu hiệu quả chỉ nên nuôi 1 lứa trong năm, tránh nuôi vào mùa mưa khi gà còn nhỏ. Để hạn chế rủi ro, Thọ thuê riêng một kỹ sư nông nghiệp đảm trách các vấn đề về kỹ thuật của trang trại kể cả trồng trọt và chăn nuôi.
Đồng thời, thuê thêm gần chục nhân công là người Thái, người Mông trong vùng làm công việc chăm sóc trang trại gà; thu hoạch, trồng, chăm sóc các loại rau quả theo mùa. Thăm trang trại của Thọ quả là một quy trình khép kín kết hợp chăn nuôi và trồng trọt.
2 khu chăn nuôi gà thịt được quy hoạch xây dựng căn cơ, công tác phòng dịch bài bản. Toàn bộ diện tích sản xuất rau xanh gần 2 ha được đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ. Diện tích trồng sơn tra được san gạt hoàn toàn bằng máy múc, phân bố hợp lý theo các đường đồng mức, tạo vành đai xanh bao quanh trang trại... Thọ dự tính, nguồn thu lâu dài của trang trại chính là sơn tra.
Chấp nhận khó khăn: vợ con ở Khao Mang, còn mình ở Lao Chải, một chốn đôi nơi, chàng kỹ sư lâm nghiệp này chưa khi nào hết bận rộn. Tối tối, anh lên mạng nghiên cứu, tìm kiếm thông tin để mở rộng mối bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm của trang trại. Thọ bảo rằng, các sản phẩm của trang trại hiện nay chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa tại huyện và một số địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để có giá trị cao, có thương hiệu thì nhất định phải đưa được sản phẩm vào các thị trường lớn, như hệ thống các nhà hàng, siêu thị. Khó khăn lớn nhất hiện nay của anh đó là vấn đề bảo quản, vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.
"Đây là vấn đề mình trăn trở nhất. Trang trại nằm cách xa trung tâm huyện và các chợ thương mại trong vùng, do vậy chi phí vận chuyển lớn. Muốn không lỗ, nhất thiết phải tăng giá thành sản phẩm, mà làm như vậy thì giá sản phẩm mình sản xuất ra rất khó cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Mặt khác, các sản phẩm của trang trại đều là những mặt hàng tươi sống, khó khăn trong vấn đề bảo quản, nhất là vận chuyển tiêu thụ tại địa bàn xa như Hà Nội và các tỉnh lân cận... Để cạnh tranh được, bắt buộc phải đầu tư”.
Theo Thọ, tổng vốn đầu tư vào trang trại của gia đình đã lên đến hơn 2 tỷ đồng. Giải quyết vấn đề sản phẩm của trang trại, anh dự tính tới đây sẽ đầu tư mua xe ô tô đông lạnh đưa các sản phẩm sạch của trang trại tiếp cận hệ thống các siêu thị, nhà hàng tại Hà Nội và một số tỉnh. Muốn vậy, các sản phẩm của trang trại phải đạt được chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2019, Phạm Quang Thọ tăng quy mô chăn nuôi gà đen lên 2.000 con. Anh cũng đang bắt tay triển khai dự án hợp đồng cung cấp rau xanh, sản lượng 2 tấn/ngày cho một số doanh nghiệp khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ.
Thọ bộc bạch: "Có được hợp đồng lớn này với mình thực sự là cơ hội. Trước mắt, còn rất nhiều việc phải làm và phải lo: nào đất sản xuất, trình độ nhân công, vấn đề vận chuyển, bảo quản sản phẩm bảo đảm chất lượng... Cứ vừa làm vừa học hỏi, khó đến đâu gỡ đến đó”.
Trang trại của Phạm Quang Thọ được đầu tư xây dựng khá bài bản.
Thăm mô hình của Thọ, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên không giấu nổi niềm vui. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, đây thực sự là một mô hình nông nghiệp sạch mang tính bền vững, khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân công và thế mạnh cây, con đặc sản của địa phương.
Còn nói như lãnh đạo xã Lao Chải, cái mà cộng đồng được hưởng lợi nhìn thấy rõ nhất từ mô hình trang trại được xây dựng bài bản này của kỹ sư Phạm Quang Thọ là đã tạo ra môi trường thực hành chuyên nghiệp, giúp đồng bào học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi trong phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, nguồn thu nhập ổn định từ những nhân công là người bản địa làm việc tại trang trại của anh, đã khuyến khích người dân tham gia vào thị trường lao động, xóa bỏ tư tưởng ngại đi làm thuê, nhất là với đồng bào Mông...
Bước qua tuổi 30, thành công bước đầu với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch kỳ vọng sẽ đền đáp thành quả xứng đáng cho người đảng viên trẻ này. Thế nhưng, theo Thọ, không thể "chân trong, chân ngoài”, làm việc gì cũng phải toàn tâm toàn ý mới mong có được thành công.
Anh dự định tới đây, sẽ gác lại công việc của một công chức nhà nước, trở về nông trại làm nông dân thực thụ để thực hiện cho được ước mơ làm nông nghiệp sạch. Được biết, mô hình kinh tế trang trại của Phạm Quang Thọ đã được huyện Mù Cang Chải lựa chọn xây dựng điển hình tiêu biểu học và làm theo Bác.
Minh Thúy