Nhật ký Trường Sa - Bài 2: Trường Sa thân yêu

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/1/2020 | 9:16:58 AM

YênBái - Trải qua hải trình hơn 30 giờ đồng hồ vượt biển với trên 300 hải lý (khoảng gần 600 km), chúng tôi đến được đảo Song Tử Tây - một trong những đảo nổi lớn nhất của quần đảo Trường Sa - nơi sắp kỷ niệm tròn 45 năm Ngày giải phóng đảo.

Phóng viên Tô Anh Hải của Báo Yên Bái (thứ 2 từ phải qua) cùng thành viên của Câu lạc bộ tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tập văn nghệ cùng các chiến sỹ hải quân trên đảo Song Tử Tây.
Phóng viên Tô Anh Hải của Báo Yên Bái (thứ 2 từ phải qua) cùng thành viên của Câu lạc bộ tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tập văn nghệ cùng các chiến sỹ hải quân trên đảo Song Tử Tây.


Tạm biệt đất mẹ, chúng con lên đường

Đúng 14 giờ ngày 21/12/2019, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức lễ tiễn chân các cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các tuyến đảo thuộc quần đảo Trường Sa và đưa trên 150 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, các bộ, ban, ngành trên cả nước ra đảo tác nghiệp. 

Trong chuyến công tác này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân sẽ thực hiện thay, thu quân tại 3 tuyến đảo: Nam Trường Sa, Bắc Trường Sa và tuyến giữa Trường Sa; đồng thời, kết hợp tổ chức các chương trình tặng quà tết cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ, lao động và học tập trên các đảo. 

Các lực lượng được biên chế vào 3 tàu, chia làm 3 mũi di chuyển: tàu kiểm ngư KN 490 đi tuyến Bắc Trường Sa; tàu kiểm ngư KN 491 đi tuyến Nam Trường Sa và tàu hải quân HQ 561 đi tuyến giữa Trường Sa. 

Vào mỗi dịp cuối năm, đây vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng vừa là hoạt động thiết thực góp phần động viên, giúp cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên các đảo đón một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc… Tôi cùng hơn 40 phóng viên, nhà báo được biên chế lên tàu kiểm ngư KN 490, theo lịch trình sẽ đi đến 6 điểm đảo, là: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn Đông. 

Đúng 16 giờ 45 phút, cả 3 tàu cùng nhổ neo, xuất phát, bắt đầu hải trình dự kiến sẽ kéo dài 23 ngày đêm trên vùng biển đảo quê hương. Tạm biệt đất mẹ, chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc trong tâm thái hết sức háo hức, đợi chờ.

Song Tử Tây - đảo anh hùng

Trải qua hải trình hơn 30 giờ đồng hồ vượt biển với trên 300 hải lý (khoảng gần 600 km), chúng tôi đến được đảo Song Tử Tây - một trong những đảo nổi lớn nhất của quần đảo Trường Sa - nơi sắp kỷ niệm tròn 45 năm Ngày giải phóng đảo. 

May mắn cho chúng tôi trên suốt hải trình ra đảo, trời mây trong xanh, sóng yên gió lặng nên đại đa số đều không bị say sóng, kể cả những người lần đầu tiên đi biển như tôi. Tàu kiểm ngư KN 490 buông neo cách đảo khoảng hơn 2 hải lý để đón tàu nhỏ từ đảo ra vận chuyển hàng và người. 

Giữa mênh mông trùng điệp biển khơi, trong ngập tràn hơi thở mùa xuân những ngày cuối năm, những thùng hàng mang biết bao tình cảm gửi gắm của quân, dân từ đất liền được chuyển lên đảo trong niềm hân hoan chào đón của những người lính đảo cùng bà con nhân dân… Nào lá dong gói bánh chưng, nào bánh kẹo, đường sữa, rồi hoa quả tươi, thịt gia súc, gia cầm các loại… được anh em chiến sĩ khuân vác chuyển lên bờ, chia cho các đơn vị đóng quân trên đảo và các hộ dân. 



Lãnh đạo Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Song Tử Tây du xuân ngày đầu năm mới. 

Trong bồi hồi xúc động ngày gặp gỡ thay, thu quân, chàng lính trẻ Nguyễn Thanh Mông người tỉnh Phú Yên tâm sự: "Được phục vụ trong lực lượng hải quân, canh giữ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là niềm vinh dự vô cùng to lớn không chỉ với cá nhân em mà còn với quê hương Phú Yên - nơi gia đình, người thân của em luôn dõi theo em, ân cần chia sẻ, động viên để em hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc. Em cùng các đồng đội xin hứa sẽ nỗ lực rèn luyện hết mình, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tất cả cống hiến cho sự bình yên của biển đảo quê hương”. 

Bước chân lên Song Tử Tây, chúng tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của câu nói: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương” vẫn từng được nghe. Quả đúng như vậy, với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, từng tấc đất, từng hạt cát, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thực sự là máu đỏ chảy trong huyết quản từng người. Họ yêu biển, yêu đảo như yêu chính bản thân và gia đình mình. 

Điều đó được chứng minh từ lời nói đến hành động, thông qua dòng cảm xúc dâng trào khi nhắc đến tình yêu biển, đảo của anh Đặng Văn Đoàn - người đã 3 năm cùng gia đình định cư trên đảo, anh bảo: "Có ra đảo ở, được cùng cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám biển, bám đảo mới thực sự thấm thía tình yêu biển đảo quê hương. Ở đây, quân với dân là người cùng một nhà, cùng nhau chia sẻ mọi thứ, từ bữa ăn, giấc ngủ đến tâm tư, tình cảm cá nhân…, tất cả cùng chung một ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, dù khó khăn đến mấy cũng không bao giờ lùi bước, nản lòng”.

Xuân sớm nơi đảo xa

Trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với tôi cũng như nhiều nhà báo, phóng viên khác trong chuyến công tác Trường Sa lần này có lẽ chính là được cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Song Tử Tây đón tết sớm. Dù đã được thông báo từ trước nhưng chúng tôi thực sự không thể tưởng tượng được không khí đón xuân trên đảo lại xúc động, ấm cúng, vui tươi đến như vậy. 

Vào buổi sáng sớm, khi bình minh trên biển vừa thức giấc, những hạt sương đêm còn đọng lại trên cánh hoa bàng vuông nở muộn, những chú chim hải âu còn đang bận rỉa lông, tắm cánh trên các ghềnh đá thì người dân trên đảo đã kịp diện những bộ quần áo đẹp nhất của mình để chuẩn bị du xuân. 

Đàn ông mặc comple, phụ nữ diện áo dài truyền thống, trẻ em xúng xính trong những bộ lễ phục màu sắc sặc sỡ, tiếng nói râm ran, lan tỏa tiếng cười khắp khu dân cư…, hình như họ cũng vừa trải qua một đêm không ngủ, háo hức đợi chờ ngày đón tết cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo và đoàn công tác từ đất liền. Sáng hôm ấy, thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các nhà báo, phóng viên cùng nhau du xuân quanh đảo, đến thắp hương báo công tại tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người 3 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi nước Nam; cùng nhau đi lễ chùa Song Tử Tây, thắp hương niệm Phật, cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc… 

Các hoạt động vui chơi, đón Xuân Canh Tý 2020 trên đảo Song Tử Tây thực sự phong phú và ấn tượng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đi chân rết, đua mủng bắt vịt… trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo khán giả. Thắng, thua không quan trọng, phần thưởng được trao là những quả bàng vuông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và lòng thủy chung sắt son trên biển, đảo. 

Điều đọng lại sâu sắc chính là không khí vui tươi, gắn bó, rộn ràng sắc xuân của quân, dân trong những ngày đầu xuân, đón tết. Hình ảnh đẹp nhất chính là lúc gói bánh chưng tết bằng lá dong mang từ đất liền và lá bàng vuông trên đảo. Những chiếc bánh chưng truyền thống của dân tộc được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo gói bằng 2 loại lá thật vuông vức, gọn gàng, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa biển đảo với đất liền thân yêu; là sự khẳng định sắt son một ý chí vững vàng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước... 

Với cá nhân tôi - một người khá yêu thích văn hóa văn nghệ và cũng đã từng được tham gia rất nhiều buổi biểu diễn văn nghệ từ trước đến nay nhưng đêm giao lưu văn nghệ đón Xuân Canh Tý 2020 trên đảo Song Tử Tây hôm ấy chính là đêm văn nghệ hay nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng được chứng kiến. 

Không xúc động sao được khi được nghe các cháu nhỏ đồng thanh hát vang những lời ca: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”; "Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”… 

Rồi các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn” của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo về chủ đề biển đảo, thể hiện tình cảm, tình yêu thương gắn bó keo sơn…, tất cả đều nói lên tinh thần xả thân cống hiến, nguyện hết mình hy sinh cho biển đảo quê hương, dù có khó khăn, gian khổ thế nào đi chăng nữa, những người lính ở nơi đảo xa vẫn ngày đêm giữ vững ý chí, chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; để mỗi khi tết đến, xuân về, mọi người, mọi nhà đều được đón xuân trong bình an, hạnh phúc.

Tô Hải
Bài 3: Những dấu ấn không thể nào quên

Tags Nhật ký Trường Sa thân yêu

Các tin khác
Nông dân xã Khánh Hòa thu hoạch cam.

Trên triền đồi xanh ngát, những trái cam chín vàng như điểm tô hêm sắc màu cho mùa xuân nơi đất ngọc Lục Yên. Cam sành - loại cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân huyện Lục Yên rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng “đất ngọc” đã mang đến những mùa quả ngọt cho mảnh đất này.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đón tiếp người dân đến khám bệnh.

Việc mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo mới, đào tạo lại, thực hiện dự án đào tạo cán bộ, luân chuyển cán bộ đã được ngành y tế Yên Bái căn cứ theo nhu cầu của các đơn vị cùng các dự án đào tạo, tham mưu và thực hiện chính sách thu hút bác sĩ và được sĩ đại hoc...

Người Mông Nà Hẩu đã quan tâm việc học của con em.

Nà Hẩu- xã vùng cao 434/439 hộ là đồng bào Mông, cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30 km về phía Tây Nam, nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, có diện tích tự nhiên 5.639,52 ha nhưng đất nông nghiệp chỉ có 73,3 ha. Giờ đây, giữa thung lũng này, đường nhựa, trụ sở, trường học, nhà dân tạo nét chấm phá, sinh động về một cuộc sống mới giữa núi rừng.

Biểu diễn khèn Mông khai mạc Tuần khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Ngày cuối năm, lên Mù Cang Chải, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cái cảm giác rạo rực, lâng lâng khi đắm mình trong không gian mênh mông, bồng bềnh của xứ sở sương mờ, mây trắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục