Trồng tre măng Bát Độ, Việt Hồng nuôi ước mơ xanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/3/2023 | 7:50:09 AM

YênBái - Mưa xuân và tiết trời ấm áp cho người nhà nông có cảm giác chỉ đặt cây xuống đất là bén rễ, đâm chồi. Tôi ngược về Việt Hồng, Chiến khu cách mạng năm xưa để chứng kiến đồng bào các dân tộc trong xã bắt tay vào vụ trồng tre măng Bát độ, một đối tượng cây trồng mà mấy anh cán bộ kỹ thuật nói với tôi rằng; “Với người dân Việt Hồng đây là cây trồng mới mà cũ, lạ mà quen”.

Cán bộ và nhân dân xã Việt Hồng tham gia trồng tre măng Bát độ tại bản Chao.
Cán bộ và nhân dân xã Việt Hồng tham gia trồng tre măng Bát độ tại bản Chao.

Chủ tịch xã Việt Hồng - Kỹ sư nông nghiệp Triệu Khánh Thiện, nguyên cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Trấn Yên, người đã gắn bó với chương trình trồng tre măng Bạt độ cả chục năm, người có mặt khắp các núi đồi từ Kiên Thành, Quy Mông, sang Hồng Ca, Lương Thịnh để hướng dẫn bà con nông dân trồng, chăm sóc và thu hoạch cây tre măng, góp sức giúp hàng nghìn, hàng vạn hộ nông dân có cuộc sống no đủ, nay được tổ chức điều động về tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy, đảm trách vị trí Chủ tịch UBND xã. 

Vẫn phong cách dễ mến, dễ gần, anh chia sẻ: "Như đã tâm sự với các anh từ trước, bà con Việt Hồng hiền lành, chất phác, truyền thống cách mạng…, cái yếu ở đây là chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thiếu đất sản xuất và xa thị trường tiêu thụ nên kinh tế còn nhiều khó khăn”. 

Rồi Chủ tịch xã đưa ra dẫn chứng: Đồi rừng ở Việt Hồng trồng chủ yếu các giống cây keo, bồ đề, mỡ… toàn những cây hiệu quả kinh tế thấp, các xã bạn đã chuyển thành công từ cây nguyên liệu giấy sang cây đặc sản quế từ rất lâu, đã làm giàu nhờ cây quế thì nơi đây mới lác đác trồng. Đặc biệt, cây tre măng Bát độ với rất nhiều ưu thế như suất đầu tư thấp, cho thu nhanh, trồng một lần rồi thu mãi, thị trường ổn định… thế mà diện tích tre măng trên địa bàn xã vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. 


Xác định rõ, kinh tế lâm nghiệp vẫn là chủ lực trong phát triển kinh tế, thường trực Đảng ủy, UBND xã đã thảo luận và đi đến thống nhất lựa chọn cây tre măng Bát độ làm đối tượng cây trồng chính trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Phấn đấu toàn xã đến năm 2025 có ít nhất từ 100 ha trở lên. 

Với người dân Việt Hồng thì tre măng Bát độ quen mà lạ, mới mà cũ. Nói như vậy thật chẳng sai, bởi đây là cây trồng nổi tiếng ở mảnh đất Trấn Yên. Nhiều xã trên địa bàn huyện đã rất thành công với đối tượng cây trồng này. 

Tại xã Việt Hồng, trước đây đã từng triển khai trồng thí điểm tại một số hộ gia đình, thực tiễn cho thấy cây phát triển rất mạnh, cho măng nhiều, đáng tiếc là Việt Hồng chưa có một vùng măng rộng lớn như Hồng Ca, Kiên Thành hay Y Can, Hưng Khánh bởi nhiều lý do khác nhau. 

Một yếu tố không thể không kể tới nữa là khi nghiệm vận động và tổ chức cho người dân trồng tre măng Bát độ có thể nói là rất dày dặn đối với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các cán bộ kỹ thuật trong khối nông - lâm nghiệp huyện Trấn Yên. 

Giờ Việt Hồng mới phát triển cây tre măng là hơi chậm nhưng chắc chắn không muộn, lãnh đạo xã Việt Hồng đã nhận thức đúng như vậy bởi đây là đối tượng cây trồng dễ tính, dễ làm, suất đầu tư thấp (tổng chi phí cho mỗi ha khoảng 15 triệu đồng, trong đó có 3,5 triệu đồng tiền củ giống, còn lại là phân bón và nhân công xử lý thực bì và đào hố. 

Tham gia chương trình phát triển tre măng, bà con được hỗ trợ củ giống, nếu tự sản xuất phân bón bằng cách tận dụng phân chuồng thì chi phí chỉ còn là công sức phát dọn, đào hố và trồng cây). Ưu thế lớn của tre măng Bát độ chính là cây lâu năm nhưng cho thu ngay từ năm thứ 2, nhờ đó mà người dân có việc làm và thu nhập ổn định khoảng từ 40 đến 60 triệu đồng/ha; đặc biệt, thị trường tiêu thụ măng tre luôn rộng lớn, giá bán chưa bao giờ giảm. 


Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên và cán bộ khuyến nông huyện kiểm tra chất lượng cây giống trước khi trồng. 

Để chương trình phát triển tre măng Bát độ phát triển ổn định và bền vững, UBND xã đã xây dựng kế hoạch trồng 25 ha trong năm 2023, lựa chọn những gia đình hăng hái nhất, đặc biệt là vận động những gia đình cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng làm trước. 

Theo đó, 40 hộ gia đình tập trung ở bản Chao, bản Din, bản Phạ đã tham gia chương trình trồng tre măng Bát độ với tổng diện tích 25 ha. Mọi yêu cầu kỹ thuật như lựa chọn củ giống (nguồn giống từ xã bạn Kiên Thành, khoảng cách gần nên tránh được tình trạng để quá lâu, hư hại trong quá trình vận chuyển); tổ chức tuyên truyền, vận động, lên danh sách đăng ký, tổ chức tập huấn kỹ thuật, nghiệm thu, kiểm tra, đánh giá giai đoạn thật đầy đủ. 

Việc chuẩn bị đất đã hoàn thành từ tháng Chạp, sang xuân là đồng loạt xuống giống trong khung thời vụ tốt nhất. Nhằm tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, động viên bà con nông dân hăng hái trồng cây gây rừng, đặc biệt là trồng tre măng Bát độ, ngày 16/2/2023, một buổi lễ phát động trồng cây trang trọng, tươi vui và rất thực chất đã được xã Việt Hồng tổ chức với sự tham gia của nhiều lãnh đạo huyện Trấn Yên và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cùng đông đảo bà con nông dân trong xã. 

1,5 ha tre măng Bát độ của gia đình ông Nguyễn Hồng Quang, người bản Chao đã được trồng xong trong một buổi sáng đã khích lệ tinh thần cán bộ, đảng viên và đồng bào Việt Hồng đối với một chương trình kinh tế giúp người dân đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ. 

Thống kê cho thấy, đến ngày 19/2, toàn xã Việt Hồng đã trồng được hơn 10 ha tre măng, với tiến độ hiện nay, 100% diện tích tre măng theo kế hoạch năm 2023 sẽ được trồng xong trước ngày 31/3/2023. 

"Tháng Giêng trồng trúc, tháng lục trồng tiêu”, các cụ xưa đã truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm quý, 100% diện tích tre măng Bát độ ở Việt Hồng trồng xong trước ngày 3/3, đó là khung thời vụ tốt nhất; mưa xuân và tiết xuân ấm áp, cây tre măng trồng xuống là đâm rễ, nảy mầm, tỷ lệ cây sống đạt gần như tuyệt đối.

 Một khởi đầu thuận lợi là cơ sở vững chắc để triển khai thực hiện chương trình phát triển cây tre măng Bát độ ở Việt Hồng thành công. Tuy nhiên, không phải chương trình kinh tế quan trọng của vùng quê cách mạng này đã hết khó khăn. 

Đơn cử như, Việt Hồng có diện tích đất lâm nghiệp lên đến cả vạn ha nhưng chủ yếu là rừng tự nhiên; núi đồi nơi đây có độ dốc khá lớn, nhiều vị trí không phù hợp với  cây tre măng Bát độ; đặc biệt tại xã Việt Hồng có một diện tích đất khá lớn có thể triển khai trồng tre măng Bát độ, tuy nhiên phần diện tích đất này thuộc chương trình Dự án 327 nên không thể triển khai dự án trồng tre măng. 

Vấn đề này cần được UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và huyện Trấn Yên xem xét xử lý, để Việt Hồng có điều kiện triển khai vùng tre măng Bát độ quy mô lớn; các địa phương khác triển khai thực hiện các chương trình kinh tế mà không gặp phải những vướng mắc. 

Vùng quê Chiến khu đã có những nét khởi sắc, tiềm năng, lợi thế đang được khai thác như phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng; trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó cây khôi nhung là chủ đạo; tận dụng nguồn nước trong, sạch để nuôi cá đặc sản và giờ là cây tre măng thay thế những mảnh vườn kém hiệu quả… 

Con đường đi lên của đồng bào vùng Chiến khu xưa cần có sự gúp đỡ, hỗ trợ và cả tháo gỡ của các cấp, các ngành và rất cần đội ngũ cán bộ, đảng viên nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm.

Dưới những khu rừng tự nhiên, phòng hộ kỳ vĩ là những vườn măng Bát độ xanh tươi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những mầm măng tua tủa cựa mình đội đất vươn lên mang lại cuộc sống no ấm cho người dân làng Vần, làng Dọc. Đó là ước mơ xanh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng, ước mơ ấy sẽ sớm trở thành hiện thực, tôi tin chắc là như vậy. 

Hẹn gặp lại những cán bộ tâm huyết, những bác nông dân hăng hái, cần cù lao động khi Việt Hồng có những rừng măng Bát độ tốt tươi, có những mùa vụ bội thu và những gia đình giàu có nhờ cây trồng mang thương hiệu Trấn Yên này. 

Lê Phiên

Tags tre măng Bát Độ Việt Hồng ước mơ xanh Trấn Yên Chiến khu Kiên Thành Quy Mông sang Hồng Ca Lương Thịnh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục