“Kỳ tích” ở Hồng Ca - Bài 3: Thành công của những “người hùng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2023 | 5:57:48 PM

YênBái - Có thể nói, việc 4 thôn người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trở thành khuôn mẫu, tâm điểm để đồng bào người Mông từ nhiều nơi trong tỉnh đến thăm, học hỏi kinh nghiệm hiện không còn là chuyện lạ nữa. Bởi lẽ giờ đây, những gì họ làm được xứng đáng gọi là “đột phá”, là tiên phong cho một phong trào tiến bộ - phong trào thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, cách xây dựng đời sống văn hóa.


Về xuất phát điểm, so với đại bộ phận người dân các dân tộc khác ở xã Hồng Ca thì đây là những thôn mới định cư, với điều kiện cơ sở hạ tầng thiết yếu đều thiếu, nhân dân mới hạ sơn và bước đầu được làm quen với việc trồng cây lúa nước, kết hợp với chăn nuôi và trồng rừng… Vậy làm thế nào mà họ lại có thể vươn lên mạnh mẽ đến như vậy chỉ trong một thời gian ngắn?! Câu trả lời rất rõ ràng, đó là: những nhân tố hạt nhân! 

Việc xây dựng các thôn: Khuôn Bổ, Khe Tiến, Khe Ron, Hồng Lâu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thậm chí đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… đòi hỏi quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đây là điều đương nhiên.

Nhưng, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của các đoàn thể địa phương… thì với cả một núi công việc đồ sộ từ việc vận động con em người Mông tới trường, huy động lực lượng giúp người Mông trồng cây gây rừng, chuyển giao công nghệ nông - lâm nghiệp, đặc biệt là mở rộng diện tích tre măng Bát độ, diện tích quế, diện tích khôi nhung, vận động người Mông hưởng ứng hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM… 

Ai là người cả ngày "cầm tay chỉ việc” cho được?! Xin thưa rằng, không ai có thể đảm đương nổi tất cả những việc đó nếu không có sự vào cuộc của chính những người Mông tiến bộ nơi này. Chính họ là những người đầu tiên thay đổi tư duy, nhận thức để làm theo cái mới. Cũng chính thành công của họ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những người Mông khác trong vùng học tập, làm theo. Để rồi đến hôm nay, chỉ tính riêng 4 thôn người Mông nơi này đã có hàng chục triệu phú đúng nghĩa... 



Người Mông tiến bộ nơi này chính là những người đầu tiên thay đổi tư duy, nhận thức để làm theo cái mới. Cũng chính thành công của họ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những người Mông khác trong vùng học tập, làm theo. Đó là những cái tên như Cháng Thị Nhà - Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ, Vàng A Sò - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Ron...

Cháng Thị Nhà - Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ là một trong những người đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến khi nói về việc xây dựng thành công thôn NTM kiểu mẫu vùng người Mông nơi này. Khi còn ở cái tuổi ngồi trên ghế nhà trường, Nhà là nữ sinh người Mông đầu tiên của thôn dám vượt qua rào cản phong tục của đồng bào Mông - không đi lấy chồng sớm để quyết tâm học xong trung học phổ thông, rồi tiếp tục tham gia khóa đào tạo sơ cấp công tác xã hội. 

Tiếp xúc gần, Bí thư Nhà là người khá sắc sảo nhưng vẫn giữ được vẻ chất phác của người phụ nữ Mông truyền thống. Giọng nhẹ nhàng, Nhà chia sẻ: "Làm công tác dân vận tuy khó nhưng mình gương mẫu trước nhân dân, cố gắng động viên, giúp đỡ thì sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Sau đó, mỗi việc càng làm càng có lợi, đời sống nhân dân được nâng cao, người dân sẽ ngày càng tin tưởng và làm theo chủ trương đúng thôi”. 

Nói rồi, Nhà kể thêm, ví như trước kia, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người Mông rất lạc hậu, nhà ở không gọn gàng, chuồng trại chăn nuôi ngay gần nhà..., ngay cả bản thân gia đình Nhà cũng vậy. Sau khi được cán bộ tuyên truyền, gia đình mới thay đổi nhận thức, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp hơn. Gia đình gương mẫu làm trước, sau đó Nhà mới đi vận động mọi người trong thôn cùng làm. Giờ thì gia đình nào cũng có ý thức vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ… 

Cháng Thị Nhà khoe, năm 2021, Khuôn Bổ đã được công nhận là thôn NTM kiểu mẫu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ: 100% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, đường ngõ xóm cứng hóa đạt trên 80,2%; trên 91% số hộ gia đình có nhà đạt chuẩn; 90% hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn theo quy định… 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, trong số gần 90 hộ của thôn Khuôn Bổ thì có tới 80% số hộ kinh tế khá; nhiều hộ làm kinh tế giỏi, với thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm như gia đình các anh: Sổng A Dũng, Sổng A Sông... 

Dự sinh hoạt tại Chi bộ thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, ngày 27/3/2022, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đánh giá: "... Nhiều người dân, hộ gia đình trong thôn dám nghĩ dám làm, không cam chịu đói nghèo, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, đã đạt những thành quả nhất định, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần… Khuôn Bổ đã vinh dự trở thành thôn người Mông đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu và tiếp tục khẳng định là "hình mẫu" xây dựng NTM của cả nước…”.



Đấy là ở Khuôn Bổ, còn với thôn Khe Ron thì Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vàng A Sò chính là nhân tố hạt nhân. Là nơi sinh sống của 115 hộ với 560 khẩu đều là đồng bào Mông. Những năm trước, người dân trong thôn chủ yếu trồng lúa, trồng ngô trên nương, năng suất thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn, bởi vậy, nhiều hộ thường xuyên hết gạo những tháng giáp hạt. 

Nhưng nay, dưới sự tuyên truyền, vận động của Vàng A Sò, sự thay đổi nhận thức từ nhân dân, bức tranh nông thôn nơi đây đã khởi sắc nhanh chóng, bà con chuyển đổi tư duy chăn nuôi, trồng trọt manh mún sang hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, bao tiêu sản phẩm. 

Thôn đã hình thành được vùng trồng quế với 265 ha, vùng tre măng Bát độ 65 ha; hàng chục héc-ta cây ăn quả, cây dược liệu khôi nhung dưới tán rừng trồng…; mỗi năm bà con trong thôn ước tính có tổng thu nhập lên đến trên 10 tỷ đồng từ rừng; nhiều hộ có nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng từ kinh tế rừng như hộ gia đình các ông: Sùng A Vư, Sùng A Câu, Sùng Giả Po, Thào Chờ Tủa..., góp phần đưa thu nhập bình quân của thôn đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. 

Vàng A Sò tâm sự: "Trước đây người dân được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cây quế, cây tre măng Bát độ giống để trồng, nhưng những năm gần đây, với sự nhận thức tiến bộ và làm quen với khoa học kỹ thuật, bà con đã chủ động ươm cây giống để trồng thay thế, lợi thế từ kinh tế rừng trồng đã giúp đời sống bà con nâng lên, nhà nào cũng có xe máy để đi, gần 10 hộ đã mua được ô tô, nhiều nhà đã mua được máy móc, công cụ hỗ trợ nông nghiệp, xây được nhà khang trang… Bà con ai cũng rất cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước đã tạo cho nhân dân có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Kinh tế phát triển tạo đà cho văn hóa - xã hội phát triển, đến nay, 100% trẻ em ở 4 thôn người Mông xã Hồng Ca đến tuổi đều được ra lớp, nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các giá trị văn hóa tốt đẹp cổ truyền được bảo tồn và phát triển, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt hơn, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ… Qua bình xét năm 2022, có gần 80% số hộ đạt gia đình văn hóa. 

Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình xây dựng NTM, thôn NTM kiểu mẫu, đến nay ngoài Khuôn Bổ đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, các thôn: Khe Ron, Khe Tiến, Hồng Lâu đều đã đạt 8/10 tiêu chí, thời điểm được công nhận thôn NTM kiểu mẫu không xa.

Trong đó, 100% đường trục thôn, trục đường xóm được bê tông hóa, các phần đường từ nhà ra đường trục thôn cũng được cứng hóa khang trang sạch đẹp, nhiều tuyến đường được bà con thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ xi-măng, bà con tự đóng góp tiền, vật liệu, công lao động để thi công; 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 97,4%; số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, có đủ 3 công trình nhà tiêu, nhà tắm, téc nước sinh hoạt đạt 95%...

Còn rất nhiều những "đầu tầu” như Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà, Vàng A Sò trong công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới ở 4 thôn người Mông xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể kể hết.

Nhưng có một thực tế, người Mông nơi đây thực sự đã trở thành những "người hùng” trong cộng đồng dân tộc của chính mình. Họ là những người đang mang đến cho đồng bào người Mông nơi khác nguồn cảm hứng thay đổi bản thân, thay đổi cộng đồng để cùng nhau đoàn kết và phát triển.



Những người Mông nơi đây thực sự đã trở thành những "người hùng” trong cộng đồng dân tộc của chính mình. Họ là những người đang mang đến cho đồng bào người Mông nơi khác nguồn cảm hứng thay đổi bản thân, thay đổi cộng đồng để cùng nhau đoàn kết và phát triển.

Rời những bản làng người Mông Hồng Ca trong bảng lảng mây chiều xen lẫn những làn khói bếp từ những mái nhà nằm san sát bên dòng Ngòi Lâu thơ mộng, vẳng theo gió ngàn tiếng ngân nga những ca từ đầy mộc mạc trong ca khúc Người Mèo ơn Đảng của nhạc sĩ Thanh Phúc: "Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no; không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời. Từ nay dân Mèo sống chung, bản Mèo vui trong tiếng khèn, người Mèo ơn Đảng suốt đời”…, mỗi chúng tôi hân hoan vô bờ bến khi được chứng kiến tận mắt những đổi thay có thể gọi là "kỳ tích” của những con người nơi này. Họ chính là những người tiên phong, những "đứa con” trung thành tuyệt đối theo Đảng, theo sự tiến bộ của cộng đồng để đặt nền móng cho cả một chặng đường dài thay đổi phía trước. Tất cả rồi sẽ tốt đẹp hơn rất rất nhiều!

Bài: Tô Hải - Thành Trung
Ảnh: Thành Trung - Tô Hải- Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung
Bài cuối: Sức lan tỏa từ vùng cao kiểu mẫu

Tags Hồng Ca Hồng Ca Trấn Yên bản sắc văn hóa. nông thôn mới

Các tin khác

Tạm gác lại câu chuyện về những người đầu tiên đặt nền móng cho cộng đồng người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Công lao của họ là không thể phủ nhận, họ xứng đáng được tặng thưởng và ngợi khen. Giờ đây, thế hệ con, cháu của họ đang đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Những gì được “tận mục sở thị” ở những thôn người Mông như: Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến… của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã cho chúng tôi một cái nhìn rất khác về người Mông nơi này. Họ chính là những người đang làm nên một “kỳ tích” ở Hồng Ca với giác ngộ cách mạng cao, đi theo chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiến bộ chẳng kém gì những dân tộc khác, thậm chí, tư duy thay đổi còn rất mạnh mẽ, rất thực tế…

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

Vào lúc 7 giờ sáng, hơn 100 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị của huyện Trạm Tấu đã có mặt đông đủ tại thôn Mù Thấp, xã Bản Mù để tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân”.

Đến trung tuần tháng Giêng, Nhà máy Sắn Văn Yên mới chỉ đủ nguyên liệu cho một dây chuyền chế biến.

Mối "lương duyên” giữa Nhà máy Sắn và vùng nguyên liệu đang nảy sinh nhiều bất cập. Nếu không khắc phục được những bất cập này, chắc chắn sẽ phá vỡ mục tiêu mà Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái - đơn vị tiên phong theo đuổi trong nhiều năm qua...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục