“Kỳ tích” ở Hồng Ca - Bài cuối: Sức lan tỏa từ vùng cao kiểu mẫu

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2023 | 3:38:30 PM

YênBái - Bây giờ, đâu đâu cũng nghe người Mông nói chuyện với nhau về những thôn người Mông văn hóa ở Hồng Ca. Những cái tên: Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến, Hồng Lâu dường như đã trở nên quá nổi tiếng trong cộng đồng người Mông Yên Bái. Sự lan tỏa từ nếp nghĩ, cách làm đến cách chia sẻ của những người Mông Hồng Ca đã phần nào giúp vùng cao phát triển, loại bỏ cái lạc hậu...


Thực tế ở những bản làng người Mông văn hóa kiểu mẫu ở Hồng Ca chúng tôi tự hỏi: "Liệu những tiến bộ, văn minh ở những bản Mông vùng cao này có lan tỏa đến những vùng đồng bào người Mông xa xôi khác không, hay chỉ gói gọn ở đất này”?! Tôi nhớ lại, lúc trò chuyện với Cháng Thị Nhà - nữ Bí thư Chi bộ Khuôn Bổ, chị nói một ý, đại thể là: "Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng. Người Mông đã quyết tâm thì việc khó mấy cũng cố gắng làm được”. Quả vậy! Cái chính là phải làm thật tốt công tác tư tưởng cho người dân. Họ nghe, họ biết, họ hiểu, họ làm, họ bảo nhau cùng theo... Đấy mới chính là điều cốt lõi. 



Mang theo mình câu hỏi về "kỳ tích” ở Hồng Ca chúng tôi lên hai huyện vùng cao: Trạm Tấu - nơi có tới 77% dân số là người Mông và Mù Cang Chải với 91% dân số là người Mông, là 2/74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để tìm ra câu trả lời. 

May mắn thay, một trong số những người cũng đã "tận mục sở thị” câu chuyện của Hồng Ca là đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Vừ. Anh là người Mông, cũng là vị lãnh đạo huyện đầu tiên "đưa người” về Hồng Ca tham quan, học hỏi mô hình xây dựng bản người Mông văn hóa. 

Anh Vừ hào hứng kể: Khi nghe về chuyện những người Mông xây dựng bản văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh ở Hồng Ca, huyện Trấn Yên là mình tò mò lắm. Vì để thực hiện được điều đó, cái gốc suy nghĩ phải thực sự tiến bộ, phải trải qua nhiều cách tuyên truyền, vận động để nhân dân có chung suy nghĩ ấy mà làm theo… 

Quả là cực kỳ khó. Vì vậy, mình đã tập hợp các lãnh đạo xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở Mù Cang Chải để đi tham quan, học hỏi. Trong chuyến tham quan đó, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng huyện Mù Cang Chải đã được giới thiệu về các mô hình làm kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, mô hình nhà sạch, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông - lâm sản của người Mông Hồng Ca, ai cũng trầm trồ tâm đắc, ghi chép đầy đủ lắm!… 



Tôi lại hỏi: "Mình là người Mông, bên ấy họ cũng là người Mông, mình đi học tập họ thì có thấy bị "lép vế” không anh”?! Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Vừ xua xua tay: "Ấy ấy, làm gì có chuyện lép vế. Người dân chúng tôi thấy cái hay, cái đúng là cố gắng để học làm theo, chứ không ai nghĩ đến chuyện thiệt cái này, cái khác đâu. Cái tiến bộ thì phải theo ngay chứ!”…

Và rồi, hiệu ứng tích cực xuất phát từ chuyến tham quan, học tập ở Hồng Ca ấy đã đẩy nhanh tiến độ để huyện Mù Cang Chải ra mắt xây dựng 4 "Bản người Mông hạnh phúc” là gồm: Bản Trống Là, xã Hồ Bốn; Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang; Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình và Púng Luông, xã Púng Luông... 

Rồi huyện Trạm Tấu cũng tổ chức một đoàn gồm các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người Mông về Hồng Ca học tập, sau đó về lên kế hoạch triển khai xây dựng các bản người Mông văn hóa như: bản Tà Chử, xã Phình Hồ; bản Tàng Ghênh, xã Pá Lau; bản Tà Xùa, xã Bản Công… 

Khắp nơi, phong trào xây dựng bản người Mông văn hóa như những ngọn lửa bùng cháy hừng hực khí thế tiếp thu tinh hoa văn hóa mới như chính khao khát của người Mông về một tương lai tươi sáng, ấm no, hạnh phúc hơn. 

Mỗi địa phương có một cách làm khác nhau, nhưng tựu chung lại, tại những bản người Mông văn hóa này, những hương ước, quy ước về các mặt trong đời sống đều được đưa vào một cách đầy đủ, rất khoa học. Người dân tham gia một cách tự nguyện, tự mỗi người trở thành tấm gương trong gia đình, dòng họ, thôn bản và cả cộng đồng. 



Từ việc người Mông tham gia xây dựng nếp sống mới, đến việc hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; từ phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo, đến chỗ giúp nhau cùng phát triển kinh tế theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; rồi việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, đến việc cùng nhau tham gia góp ý vào các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, những chính sách ưu đãi, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tham gia vào những sự kiện chính trị trọng đại của địa phương, đất nước… 

Mới thấy cái được lớn nhất, sức lan tỏa kỳ diệu nhất chính là từ bản thân những người Mông tiến bộ. Họ luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, tạo nên phong trào và trở thành sức mạnh tổng hợp không gì ngăn cản được. 

Để nếp sống văn hóa mới trở thành cơm ăn, nước uống, hơi thở cuộc sống hàng ngày. Đến nỗi, nếu ai đó không thực hiện sẽ tự cảm thấy lạc lõng giữa một xã hội văn minh đang từng ngày, tiến bước hướng về phía trước.


Người Mông ở Hồng Ca được tuyên truyền và thực hiện tốt việc chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
Nói về việc các bản người Mông Hồng Ca Trấn Yên, hay ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải hiện đang từng ngày, từng giờ thay đổi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, lại nhớ chuyện người Mông "ăn chung một tết”. 

Cũng như đồng bào Mông cả nước, người Mông Yên Bái ăn tết truyền thống của dân tộc mình vào dịp cuối tháng 12 dương lịch. Việc tổ chức tết thường kéo dài cả tháng trời, làm ảnh hưởng đến mùa màng, gây lãng phí tiền của... Nhưng hôm nay, thực hiện nếp sống mới, người Mông Yên Bái đã cùng ăn chung tết với người Kinh, cùng đón giao thừa chào năm mới… 

Và điều đặc biệt chúng tôi muốn nói là những thôn người Mông văn hóa ở Hồng Ca chính là những nơi khởi đầu thực hiện ăn chung một tết, góp phần xây dựng nên một phong trào rộng khắp trong cộng đồng người Mông Yên Bái… 

Dĩ nhiên, để làm được điều đó không phải một sớm một chiều, cũng không phải chỉ là riêng kết quả từ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà quan trọng nữa, công tác dân vận, tuyên truyền, thuyết phục, sự thấu hiểu trong chính nội bộ người Mông đóng vai trò quyết định hàng đầu. 

Trong đó, nổi bật là sức ảnh hưởng của các bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng người Mông trong việc làm gương, vận động gia đình, anh em, dòng họ - đây chính là mấu chốt để thành công.

Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, mỗi dân tộc đều có gốc tích, cội nguồn, có cho mình những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa đặc trưng khác nhau. Đó gọi là bản sắc! Với rất nhiều người, khi nhắc đến người Mông, họ sẽ chỉ nhớ đến rằng "người Mông làm nhà ở trên núi cao; đốt nương làm rẫy; du canh, du cư”…, những nét "bản sắc” ấy từ lâu đã thấm đẫm vào tư duy, sự hiểu biết đại trà của chúng ta về người Mông. 



Nhưng, những người Mông của Hồng Ca Trấn Yên, của Trạm Tấu, Mù Cang Chải, của Yên Bái hôm nay thực sự khác rồi! Họ đang đồng tâm hiệp lực, nguyện đi theo chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của địa phương để cùng chung tay, góp sức xây dựng một Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đúng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. 

Không chỉ là một vùng đất, một cộng đồng dân cư mà cái được lớn nhất, là "kỳ tích” ở Hồng Ca, là đã góp phần hình thành nên một hệ tư tưởng mới - hệ tư tưởng của những người Mông tiến bộ, học và làm theo cái hay, cái mới với một tư duy tiến bộ dưới sự dẫn đường, lãnh đạo của Đảng. Chúng tôi tin tưởng và thầm chúc cho cuộc sống của người Mông nơi đây với "trang sử” mới của mình, cùng những tiến bộ "vô tiền khoáng hậu” này sẽ gặt hái được thật nhiều những thành công. Thành tích lớn hơn hạnh phúc tràn đầy đang đón chờ phía trước! 

Bài: Tô Hải - Thành Trung
Ảnh: Thành Trung - Tô Hải - Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung

Tags Hồng Ca Trấn Yên Yên Bái nông thôn mới vùng cao Khuôn Bổ Khe Ron Khe Tiến Hồng Lâu

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục