Thương thay thân phận cây hồng!
- Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bao vườn hồng trĩu quả tháng 8 và vị ngọt giòn của nó còn mãi trong ký ức những người con xa quê theo năm tháng. Nhưng cây hồng không hạt có thời làm giàu cho người dân xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) hôm nay lại đang mắc một căn bệnh lạ. Người ta chỉ còn biết đau đáu nhìn vườn hồng lúc lỉu rũ lá, rụng quả mà xót xa!
Những vườn hồng không hạt mắc bệnh trơ cành trụi lá ở xã Vĩnh Lạc.
|
Một thời để nhớ
"Trời ơi, tiếc lắm, đau xót lắm! Nhà báo xem có tiếng nói thế nào để cứu cây hồng, cứu cánh cho bà con được không?". Chủ tịch UBND xã Hoàng Sơn Tính thấy tôi hỏi tới cây hồng không hạt, anh như tìm được người tri âm chia sẻ. Giọng khi sôi nổi, lúc trầm buồn, anh nói về cái buổi ngày xưa của cây hồng đặc sản quê mình: "Lâu lắm rồi người dân ở cái đất Vĩnh Lạc này đã trồng hồng không hạt.
Bắt đầu từ cây hồng tổ, nay đã trên trăm tuổi do ông nội ông Hoàng Ngọc Đế ở thôn Làng Mường đi phu cho Pháp lấy rễ ở đâu đó về trồng. Thấy giống hồng ngon, lại dễ trồng; chỉ cần bứng rễ vào mùa xuân rồi ươm cho nảy lộc trồng xuống đất là cây lên xanh tốt, chừng dăm bảy năm là cho trái. Vậy là nhà nào cũng trồng; gần ngàn hộ dân trong xã nhà trồng ít dăm bảy cây, nhà nhiều trên dưới trăm cây.
Không chỉ trồng hồng, nhiều nhà còn ươm cây giống để bán. Có thời điểm, cây hồng phát triển nhất vào năm 1996 xã có trên 160 ha. Vào năm hồng sai trái, toàn xã đạt sản lượng tới 160 tấn; chỉ bán với giá 3000 đến trên 3000 đồng một kg đã cho bà con trong xã nguồn thu trên dưới 500 triệu đồng. Nhiều nhà, trong đó có hộ ông Hoàng Văn Nông trồng gần trăm cây hồng lớn, bé mỗi năm cũng thu được trên 40 triệu đồng.
Nhà tôi ngày ấy cũng có ít thôi, nhưng mỗi năm cũng được gần 3 tấn, bán rẻ cũng được gần chục triệu. Ngày ấy, từ hồ Thác Bà tàu thuyền vào theo đường bộ xe tải tấp nập tới mua hồng xuôi về Hà Nội, sang Trung Quốc tiêu thụ. Nếu cứ đà ấy duy trì được đến giờ dân mình không những có bát ăn, bát để có khi còn giàu rồi... Ai ngờ...!".
Bệnh lạ phát tán?
Khi cây hồng không hạt ở Vĩnh Lạc thịnh nhất vào năm 1996 thì cũng là lúc nó suy. Đầu xuân, những vườn hồng trổ lộc, đơm hoa, kết trái xanh tơ. Tháng 5, hồng vẫn trĩu cành; nhưng gần đến rằm Trung thu sắp cho thu hoạch, bỗng quả và cành có một vài chấm đen bằng hạt đu đủ, rồi lá khô, cành, quả rụng đầy gốc. Ban đầu, hồng chỉ rụng ở một vài hộ, sau đó lan ra nhiều hộ, rồi cả xã. Những năm đầu nghĩ do thời tiết, nhưng rồi sự lặp lại liên tục khiến nhiều hộ ngao ngán. Ông
Lãnh đạo huyện Lục Yên kiểm tra cây hồng không hạt được trồng ở xã Lâm Thượng. |
Còn nhớ vào cuối năm 2005, khi thấy hiện tượng cây hồng rụng quả, tôi hỏi chuyện anh Hoàng Văn Thon - Trưởng phòng Kinh tế huyện nhưng khi ấy anh nói: "Cây hồng mắc bệnh rụng quả là do người dân chưa chú ý chăm sóc bón lót phân hữu cơ cho hồng vào thời điểm cây rụng lá tích tụ cho trái". Nhưng qua lần thực tế này mới thấy đâu phải là như vậy! Người dân không chỉ chăm sóc mà đã tìm đủ phương cứu chữa, nhưng vô vọng.
Giờ đây diện tích hồng của xã từ 160 ha đã thu hẹp lại chỉ còn khoảng 100 ha do một số hộ dân đã chặt bỏ chuyển sang đào ao thả cá và trồng cây khác.
Ai cứu giống hồng quí?
Giờ đây, người dân vẫn đang hy vọng bởi trong xã hiện vẫn còn một số hộ như: hộ ông Hoàng Văn Quế, Hoàng Trung Hoà ở thôn Làng Mường hay hộ ông Hoàng Văn Kính ở thôn Vĩnh Đông, có vườn hồng vẫn chưa mắc bệnh, không rụng quả đang cho thu bảy, tám tấn. Có điều lạ là trong hai giống hồng không hạt gồm: hồng tròn và hồng dài thì chỉ riêng giống hồng dài bị rụng quả còn hồng tròn ăn dai hơn, không ngon bằng hồng tròn, bán không được giá lại không rụng".
Được biết, ngay sau khi phát hiện cây hồng có hiện tượng mắc bệnh rụng quả hàng loạt, xã đã nhanh chóng báo cáo lên trên. Phòng Kinh tế, Khuyến nông huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả Viện Nghiên cứu cây ăn quả Trung ương đã trực tiếp về lấy cả rễ, vỏ, lá...cây hồng ở nhà chủ tịch xã về nghiên cứu. Rồi ngày mong đợi cũng đến, Phòng Kinh tế huyện nói, hồng mắc bệnh thán thư đưa thuốc về phun, nhưng buồn thay, quả rụng vẫn rụng. Nghe nói, Phòng Kinh tế huyện Lục Yên cũng đã xây dựng cả đề án phục tráng cây hồng không hạt tốn khá nhiều tiền của, công sức, lấy mắt hồng không hạt ở các cây tốt ghép sang cây hồng hạt, nhưng kết quả lại không được như mong muốn, hồng không hạt...thành có hạt.
Còn người dân Vĩnh Lạc hôm nay bán tín, bán nghi không rõ nguyên nhân. Đến Chủ tịch xã Hoàng Sơn Tính còn đoán già đoán non: "Có thể đợt nhập giống lúa Tiên ưu của Trung Quốc trước đây mắc bệnh đạo ôn, dân mình phủ rơm rạ vào gốc hoặc có thời gian hồng bán chạy dân mình bón mạnh phân đạm làm đất nó mất chất gì đó nên rụng quả?". Đó là tâm tư vì muốn cứu giống hồng quý không chỉ của riêng anh mà tất cả những người trồng hồng Lục Yên bởi sự gắn bó đến mức thân thiết với loại cây đặc sản này.
Không biết rồi đây ai sẽ cứu được chúng và những day dứt về căn bệnh lạ ở cây đặc sản này bao giờ mới có lời giải?
Minh Đức