Mùa xuân lên đỉnh Phiêng Nhe

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đỉnh Phiêng Nhe chưa phải là đỉnh núi cao của Trạm Tấu, song Phiêng Nhe đã đi vào lịch sử, Phiêng Nhe trở nên thân quen, mãi mãi sống trong lòng dân Trạm Tấu và nhân dân cả nước. Nơi đây 51 người con anh dũng đã yên nghỉ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chúng tôi lên Trạm Tấu hôm nay trong những ngày xuân rực rỡ, bỏ lại phía sau con đường dốc ngoằn nghèo lượn quanh sườn núi, tất cả như chững lại bên chiếc cầu vòm Hát Lừu tựa một cổng thành vững chắc trước khi bước vào địa danh phố núi Trạm Tấu. Đẹp đến ngỡ ngàng khi những dải núi cao nơi đây giang rộng cánh tay ôm gọn cả thị trấn với những dãy nhà cao tầng hiện đại, những nhà hàng, cửa hiệu chật ních hàng hóa, chợ Trung tâm tíu tít người, ngựa, xe máy qua lại, những công trình văn hóa thể thao chất lượng chẳng kém miền xuôi. Nắng xuân làm cho phố núi thêm trẻ lại, soi mình xuống dòng suối Hát mộng mơ. Xung quanh, những bản Thái đẹp đến huyền diệu. Mùa xuân như dồn cả về đây. Từ trên cao nhìn xuống như ngập bản hoa đào, hoa mận và những cây hồng trĩu quả đỏ tươi rực rỡ. Từng đàn trâu, bò, ngựa, dê thấp thoáng ẩn hiện trong rừng hoa. Bên những con đường liên bản nhấp nhô, san sát những ngôi nhà sàn lớn, cột vuông vắn bóng lộn. Đẹp hơn là những cô gái Thái gọn ghẽ trong áo trắng, váy nhung đen óng ả, bó chặt tấm thân lộ những đường cong gợi cảm, đầy sức sống. Phố núi đẹp, cái đẹp của hoang sơ, cổ truyền hòa quyện cùng cái đẹp của hiện đại.

Lên đỉnh Phiêng Nhe hôm nay vừa vặn mùa xuân thứ 60, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu ra lời kêu gọi toàn dân làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Trong hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, Trạm Tấu đã không ít những con người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường, những người cha, người mẹ sẵn sàng tiễn con đi nhưng không có ngày được đón con trở về, những chiến binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã để lại một phần thân thể ngoài chiến trường, giờ đây họ đã và đang đứng vững và vươn lên trong cuộc sống xây dựng quê hương, làng bản. Mẹ Nguyễn Thị Lộc ở thị trấn Trạm Tấu, đã gần 80 tuổi, khi đứa con thứ hai của mẹ còn đang ẵm ngửa, mẹ đã tiễn người chồng thân yêu lên đường nhập ngũ, để rồi hai năm sau mẹ nhận được tin chồng đã hi sinh trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1968. Mẹ Lương Thị Len, tháng 7/1967 đứa con thứ hai còn chưa chào đời mẹ tiễn chồng lên đường ra trận, tháng 10/1969 anh đã hi sinh anh dũng trên chiến trường Thượng Lào, mẹ ở vậy nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành trong bao khó khăn vất vả để hôm nay cả con đẻ, con rể, con dâu và cháu ngoại đều có bằng đại học, công tác trong các cơ quan nhà nước. Mẹ Lò Thị So, mẹ liệt sỹ ở bản Lừu, ông Lò Văn Nối, ông Lò Văn Pầng, ông Lò Văn Kè, ông Lò Văn Qúy... những chiến sỹ dũng cảm năm xưa đã để lại một phần thân thể mình trong những cuộc chiến đấu ác liệt ở Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Ninh, Xuân Lộc, nay đã và đang trở thành tấm gương vượt lên thương tật, tàn nhưng không phế, cần cù lao động vượt lên đói nghèo, nuôi dạy con cháu trưởng thành, khôn lớn tiếp tục phục vụ, cống hiến cho xã hội. Các mẹ, các ông cũng đã và đang được Đảng, chính quyền địa phương và bà con chòm xóm chăm lo theo truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tu sửa nhà cửa khang trang, sạch đẹp, chăm sóc sức khỏe hàng ngày, ổn định đời sống vật chất và tạo niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.

Cả huyện Trạm Tấu đã tập trung xây dựng khu nghĩa trang liệt sỹ và đài tưởng niệm với nguồn kinh phí Nhà nước và nhân dân cùng làm tới trên 450 triệu đồng. Nơi đây quy tụ về 51 liệt sỹ của các dân tộc anh em trong toàn huyện đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Xã Hát Lừu chiếm tới 65% số liệt sỹ đã hy sinh. Chúng tôi đến Hát Lừu giữa lúc các anh cũng đã chuẩn bị công việc như hàng năm khi mỗi mùa xuân về. Anh Lò Văn Tiếp - Phó chủ tịch xã, phụ trách khối văn hóa - xã hội cho biết, ở đây đồng bào Mông đón xuân và ăn tết sớm hơn nên việc sửa sang, vôi ve lại cho khu nghĩa trang, đài tưởng niệm chuẩn bị cho hương hồn các anh về vui tết với làng bản, quê hương cũng sớm hơn nơi khác và lễ thăm viếng của các gia đình, các tổ chức cơ quan đoàn thể cũng kéo dài qua tết Nguyên đán cổ truyền. Và sáng nay chúng tôi theo đoàn của xã lên viếng hương hồn các anh. Ngoài ban lãnh đạo xã, đại diện các tổ chức quần chúng còn có nhiều già làng, trưởng bản, các ông thày uy tín trong làng, cả các mẹ liệt sỹ, các thương binh chân gỗ khập khiễng cũng cùng đi. Nghĩa trang nằm uy nghi trên đỉnh Phiêng Nhe.Trung tâm nghĩa trang hoành tráng một tượng đài nổi lên dòng chữ thiêng liêng: “Tổ quốc ghi công”.

Sau hồi thỉnh trống, thỉnh cồng của các thày, chúng tôi kính cẩn làm lễ dâng hương: Các anh! 51 người con dũng cảm, dù người có tên có tuổi, dù người chúng tôi chưa biết họ tên, quê quán, song tất cả các anh đều là những người con ruột thịt của bản làng, những người con anh hùng của đất nước. Phiêng Nhe như say trong hương, trong hoa, trong nắng, say trong tình người hôm nay và mai sau mãi mãi nhớ về các anh.

Vũ Quang Trung

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục