Sức vươn ở xã nghèo Suối Quyền

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/6/2023 | 7:48:23 AM

YênBái - Suối Quyền, một xã vùng cao của huyện Văn Chấn đã không còn xa lạ với nhiều người. Song ít ai biết xã vùng cao đặc biệt khó khăn này với 98% dân số là đồng bào Dao, những hủ tục tưởng đã ăn sâu bám rễ trong cuộc sống người dân…, giờ đã và đang từng ngày đổi mới, vươn lên trở thành một miền quê đáng sống theo đúng nghĩa.

Lãnh đạo xã Suối Quyền nắm bắt tình hình sản xuất trong nhân dân tại thôn Suối Bó.
Lãnh đạo xã Suối Quyền nắm bắt tình hình sản xuất trong nhân dân tại thôn Suối Bó.

Chưa phải là xa, những năm trước đây, sự trì trệ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã đã khiến Suối Quyền vẫn mãi là xã nghèo. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn đã tăng cường các đồng chí cán bộ huyện về xã để xốc lại đội ngũ và đề ra các kế hoạch xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, đưa Suối Quyền dần thoát khỏi xã nghèo. 

Dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh xã, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hồng Dương cho biết: "Khoảng 10 năm trước, Suối Quyền là xã nghèo nhất nhì huyện, đường đến trung tâm xã chủ yếu là đường đất, 5/5 thôn bản chủ yếu là đường mòn lối mở; trình độ dân trí không đồng đều, nhiều hủ tục trong đời sống kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vậy nhưng từ nhiệm kỳ 2015 - 2020, rồi đến nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Những con đường bê tông liên thôn vượt núi đến tận thôn xa nhất; nhà cửa của nhân dân khang trang hơn, cuộc sống no đủ…”. 

Quả đúng như lời Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hồng Dương chia sẻ khi chúng tôi được "mục sở thị” gia đình ông Đặng Tiến Phúc, thôn Suối Bó, gần 76 tuổi. Nhìn ngôi nhà gỗ khang trang với khá nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, không nói ra nhưng chúng tôi đều hiểu cuộc sống người dân đã khá hơn trước rất nhiều. 

Ông Phúc cho biết: "Là người Dao sinh sống gần hết đời người ở nơi đây, nhà đông con, cái ăn cái mặc luôn là nỗi lo thường nhật hàng ngày. Đất rừng nhiều song không biết trồng cây gì cho hiệu quả, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên cuộc sống của không riêng gì gia đình ông luôn luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo. Vậy nhưng nay đã khác, đường rộng mở, điện sáng đến khắp bản làng, cán bộ huyện, xã đến giúp đồng bào vay vốn, trồng lúa, trồng ngô, trồng cây quế, cuộc sống đã khá lên rất nhiều. Một vụ quế hơn 3 ha khai thác trắng, tôi đã có tiền làm nhà, mua xe máy, ti vi, tủ lạnh - điều mà trước đây chưa dám nghĩ tới, nay đã thành hiện thực”.

 Không chỉ có ông Phúc, nhiều hộ khác ở thôn Suối Bó cũng đã khá lên nhờ cây quế với mức thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm như gia đình ông Phùng Xuân Thắng gần 10 ha quế, ông Phùng Xuân Tiến hơn 10 ha quế... 

Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân đổi thay, thế nhưng để có được thành quả như hiện nay không phải một sớm một chiều có được mà cả một quá trình để vực dậy một Suối Quyền nghèo và nhiều hủ tục. Kết quả đó là sự kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của thế hệ cán bộ đi trước đã có những quyết sách đúng đắn, chỉ đạo kịp thời để Suối Quyền hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. 

Theo như chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Dương - Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền thì tháng 7 năm 2022, đồng chí được Huyện ủy chỉ định về làm Bí thư Đảng ủy xã. Với thời gian 19 năm công tác tại Hội Nông dân huyện, 15 năm trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện nên Bí thư Dương đã cơ bản nắm tường tận những lợi thế của từng xã trong huyện. Khi về nhận nhiệm vụ tại xã, điều đầu tiên Bí thư Dương làm là kiện toàn lại bộ máy chủ chốt lãnh đạo; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể trong cấp ủy, chính quyền đến các hội, đoàn thể và đến tận các chi bộ thôn, bản; xây dựng các chương trình hành động của Đảng bộ xã theo từng năm, từng giai đoạn được tập trung quán triệt trong thường trực Đảng ủy và đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong xã. 

Căn cứ trên các kế hoạch của tỉnh, của Huyện ủy Văn Chấn, Đảng ủy xã Suối Quyền đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Gắn nhiệm vụ chính trị của địa phương với các phong trào như "Ngày cuối tuần cùng dân”, Phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... 

Từ điều kiện thực tế của địa phương, Đảng ủy xã ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế, xây dựng và quy hoạch vùng sản xuất cây lâm nghiệp, trọng tâm là cây quế, cây chè Shan, vùng canh tác lúa nước; khảo sát, đánh giá phân loại hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ người dân vay vốn, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật… 

Đảng ủy xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách từng khu vực; các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách từng thôn, bản; các đảng viên trực tiếp phụ trách giúp đỡ 1 - 2 hộ dân kết hợp với các hội, đoàn thể, tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan trong huyện, các sở, ngành trong tỉnh cùng nhau giúp đỡ các hộ nghèo bằng cây, con giống. 

Xã tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các quy ước, hương ước làng xóm, xây dựng gia đình văn hóa, mạnh dạn xóa bỏ những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới; tuyên truyền để đồng bào nhận thức đúng, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có ý thức tự giác vươn lên thoát nghèo. 


Nhân dân xã Suối Quyền bê tông hóa đường giao thông nông thôn. 

Bí thư Nguyễn Hồng Dương cho biết thêm: "Ngoài việc quán triệt trong các cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã, các buổi sinh hoạt chi bộ thôn, bản, thay vì nói nhiều, từng đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong xã đã thực hiện "3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Vậy là rừng trồng kinh tế mà chủ yếu là quế đã phủ kín bằng một màu xanh no ấm”.

 Đến thôn Vàng Ngần, từng là thôn khó khăn nhất của Suối Quyền nay đã trở thành thôn giàu nhất. Ông Triệu Văn Lý - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Vàng Ngần cho biết: "Nếu nói về cây quế thì thôn có diện tích nhiều nhất, hơn 300 ha quế, bình quân nhà nào cũng có từ 5 - 10 ha quế; những hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm cũng chiếm tới hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người trong thôn năm 2022 đạt 30 triệu đồng/người/năm”. 

Quả đúng như lời Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vàng Ngần chia sẻ, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Đặng Nho Tài - hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế đồi rừng. Cuộc sống của gia đình ông Tài đã khá hơn trước rất nhiều: ngôi nhà khang trang trị giá tiền tỷ với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. 

Ông Tài cho biết: "Diện tích đồi rừng nhà tôi nhiều, trước đây chỉ trồng cây lâm nghiệp như keo, bồ đề hiệu quả kinh tế không cao. Được cán bộ xã vận động tập trung phát triển cây quế, gia đình tôi đã chuyển sang trồng 6 ha quế kết hợp phát triển chăn nuôi. Mừng nhất là đường sá thuận lợi, điện lưới quốc gia kéo về tận thôn, bản, lại được cán bộ xã tận tình giúp đỡ nên người dân đã biết khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế gia đình”. 

Từ vài chục héc ta quế vài năm trước, đến nay xã Suối Quyền đã có 630 ha quế, tập trung nhiều nhất ở thôn Suối Bó, thôn Vàng Ngần, mỗi năm giá trị kinh tế từ cây quế mang lại cho người dân trên 3,5 tỷ đồng. 

Cùng với cây quế, với 61 ha cây chè Shan, 45 ha sắn, 65 ha lúa nước 2 vụ cũng đã mang lại cuộc sống no đủ cho người dân. Hiện nay, xã đã thành lập được 13 tổ hợp tác xã, trong đó 6 tổ hợp tác trồng rừng kinh tế, 7 tổ hợp tác chăn nuôi. 

Đi trên con đường bê tông rộng thênh thang, nghe những câu chuyện về người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, trồng rừng kinh tế mà trong lòng thấy phấn chấn hẳn lên. 

Một xã vùng cao nghèo khó trước kia đang dần đổi mới, người dân đang khá dần lên là điều không phải bàn cãi. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Suối Quyền giảm nhanh từ 72,5% năm 2015 theo tiêu chí cũ xuống còn 45,15% năm 2022 theo tiêu chí mới, bình quân giảm 9,68%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 21 triệu đồng/năm. Những thành quả ấy là nền tảng vững chắc và là động lực để Suối Quyền vượt khó vươn lên. 

Thanh Tân

Tags xã nghèo sức vươn Suối Quyền

Các tin khác
Toàn cảnh bản làng Cu Vai trong mây.

Dạo bước trong bản Cu Vai, tôi cảm nhận rõ một cuộc sống mới no ấm đang hiện hữu. Những ngôi nhà sạch đẹp, hoa trồng hai bên đường rực rỡ khoe sắc trong nắng mới, đường trong bản đang được Nhà nước đầu tư bê tông hóa, các hộ mở rộng chăn nuôi, trồng trọt… Có được kết quả đó là nhờ những năm qua, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Trạm Tấu đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phong trào dân vận khéo đi vào thiết thực, hiệu quả làm cho đồng bào Mông nơi đây đổi thay tư duy, chăm chỉ, nhạy bén trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Bản làng trở nên khang trang, sạch đẹp, đời sống bà con vùng cao được cải thiện rõ nét nhờ dân vận khéo.

Sản xuất tinh bột sắn tại Nhà máy Sắn Văn Yên.

Niên vụ sắn 2022 - 2023 đã kết thúc nhưng nhìn vào những con số thống kê nhiều người không khỏi giật mình khi vùng nguyên liệu sắn Văn Yên đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Diện tích, năng suất cây trồng này liên tục bị thu hẹp trong thời gian qua. Bên cạnh sự "cạnh tranh” khốc liệt của các cây trồng khác thì tình hình sâu bệnh cũng như giá cả bấp bệnh khiến nhiều người nông dân không còn mặn mà với cây sắn.

Cán bộ nông nghiệp huyện Mù Cang Chải trao đổi, hướng dẫn nhân dân xã Hồ Bốn phát triển vùng mía hàng hóa.

Ở huyện Mù Cang Chải ngày càng có nhiều hộ đồng bào Mông chuyển mạnh tư duy và hành động từ tự cung, tự cấp sang phát triển hàng hóa. Bằng sự chăm chỉ, nhanh nhạy, họ đang tự mình làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.

Tháng 4, kỷ niệm 123 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái, thêm một dấu mốc thời gian để tôi nghĩ về những chặng đường đã qua và những gì đang đến của Yên Bái. Mặc dù quê cha, đất tổ tôi là xứ nhãn Hưng Yên nhưng Yên Bái mới là nơi chôn rau, cắt rốn của tôi. Yên Bái mới là nơi nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành, bồi đắp lên tâm hồn tôi. Tôi thực sự yêu và tự hào về vùng đất và con người Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục