Chuyện đổi mới tư duy, mở lối thoát nghèo của người dân Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/5/2023 | 7:29:09 AM

YênBái - Ở huyện Mù Cang Chải ngày càng có nhiều hộ đồng bào Mông chuyển mạnh tư duy và hành động từ tự cung, tự cấp sang phát triển hàng hóa. Bằng sự chăm chỉ, nhanh nhạy, họ đang tự mình làm chủ kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Cán bộ nông nghiệp huyện Mù Cang Chải trao đổi, hướng dẫn nhân dân xã Hồ Bốn phát triển vùng mía hàng hóa.
Cán bộ nông nghiệp huyện Mù Cang Chải trao đổi, hướng dẫn nhân dân xã Hồ Bốn phát triển vùng mía hàng hóa.

Trận mưa cuối xuân vừa qua đã giúp hơn 50 gốc su su của anh Vừ A Gừ ở bản Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn thêm vươn dài như chính khát vọng vươn lên làm giàu từ đất của người nông dân này. Nhiều năm trước, anh Gừ cũng như bao hộ dân nơi đây, nhà nào cũng trồng một vài gốc su su để phục vụ bữa ăn gia đình. 

Su su hợp đất, hợp tiết trời, chẳng cần chăm bẵm nhiều mà vẫn cho năng suất, sản lượng cao. Rồi chuyện gì cũng đến, khi dư thừa ắt sẽ trở thành hàng hóa. Chỉ từ một vài ba cân bán ở quanh bản, khi thấy được hiệu quả thì ắt sẽ nhân rộng. 


Anh Gừ cho biết: "Mình bắt đầu trồng su su trở thành hàng hóa từ khoảng 5 năm trước. Khi ấy, cũng chỉ bắt đầu từ 10 gốc rồi vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa nhân rộng. Mặc dù trước đây trồng su su rồi nhưng khi trồng nhiều lại rất khác, từ việc trồng thời điểm nào, chăm sóc, phòng bệnh ra sao, khi nào thu hoạch để đạt sản lượng, giá thành cao cho đến bán ở đâu đều phải tính toán. Không để cây  tự sinh, tự diệt nữa mà phải coi là tài sản cần chăm chút, quan tâm để nó phát triển, tạo thu nhập cho gia đình mình”. 

Với suy nghĩ ấy, anh Gừ đã dành nhiều tâm huyết để phát triển "tài sản” của mình. Anh tự rút kinh nghiệm để lựa chọn thời điểm trồng thích hợp. Anh đầu tư làm giàn bằng sắt để sử dụng lâu dài; đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Anh đã biết hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ phun một lần lúc ra hoa và sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Anh cũng chủ động nghiên cứu kỹ thuật, hỏi cán bộ mỗi khi gặp khó khăn và tích cực kết nối, tìm đầu ra để tiêu thụ hết sản phẩm. 

Anh Gừ bộc bạch: "Chẳng biết mình thu nhập được bao nhiêu nhưng trung bình cứ 2 - 3 ngày trong vòng 6 - 7 tháng, mình hái được gần 1 tạ quả mang xuống chợ Than Uyên (Lai Châu) đổ buôn cho thương lái; còn lại bao nhiêu thì mình bán lẻ, giá bán buôn được 7.000 đồng/kg, lẻ thì từ 10.000 - 12.000 đồng/kg”. 

Nhờ phát triển su su thành hàng hóa, anh Gừ không những thoát nghèo, mua sắm được những vật dụng cần thiết trong gia đình mà còn có tiền gửi tiết kiệm. 

Ở bản Háng Đề Chu có khoảng 10 hộ nhờ trồng su su mà đã có cuộc sống thay đổi như anh Gừ. Cũng tại xã Hồ Bốn, vùng ngô nếp "mini” hàng hóa rộng tới 100 ha đã từng bước hình thành mà ít ai biết rằng diện tích ấy chỉ được bắt đầu từ 200 m vuông trồng thử của anh Mùa A Lù - nguyên Trưởng bản Trống Là. 

Diện tích này tăng dần theo mỗi năm đã khẳng định sức hút không hề "mini” của sản phẩm mang thương hiệu đồng bào. Ngày nay, giống ngô này đã theo chân thương lái nhiều tỉnh đi khắp nơi, được người tiêu dùng săn đón, tìm mua mỗi khi đến mùa. Trung bình mỗi vụ, 1 ha giống ngô này cho thu trên 30 triệu đồng - đây là nguồn thu không hề nhỏ với đồng bào. 


Hộ anh Giàng A Cheo, xã Lao Chải đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi hàng hóa theo hướng an toàn sinh học. 

Không chỉ ở Hồ Bốn, tư duy về hàng hóa cũng được ngày càng nhiều hộ đồng bào ở 14 xã, thị trấn áp dụng. Từ chỗ phải vận động, giờ đây, phần lớn người dân đã chủ động sản xuất 2 vụ lúa, trong đó vụ xuân sẽ cấy các giống lúa lai nhằm đảm bảo an ninh lương thực; còn vụ mùa thì cấy một số giống chất lượng cao để trở thành hàng hóa. 

Hiện, 2 xã Khao Mang và Hồ Bốn đã gây dựng được vùng trồng lúa Séng cù hàng hóa với diện tích 400 ha, năng suất đạt 40 - 45 tạ/ha, giá trị đạt 55 triệu đồng/ha. 2 xã Nậm Có và Cao Phạ cũng hình thành được vùng lúa nếp tan Khau Phạ với diện tích gần 500 ha, năng suất đạt 35 - 40 tạ/ha, giá trị đạt 77 triệu đồng/ha. 


Không chỉ tư duy, cách làm cũng dần thay đổi. Hình thức kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập, hình thành chuỗi liên kết giá trị, bao tiêu sản phẩm gạo, góp phần tạo công ăn việc làm, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hướng đến thị trường lớn. 

Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Sản phẩm gạo đặc sản truyền thống của đồng bào đã và đang được định hướng phát triển hàng hóa và nâng tầm sản phẩm với OCOP. Theo đó, ngoài sản phẩm gạo nếp Tan đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao thì gạo Séng cù đang được hướng dẫn, đôn đốc để đạt sản phẩm OCOP trong năm nay. Huyện sẽ hỗ trợ các thủ tục về giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm mẫu nước, đất, phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng, quy hoạch vùng trồng..., tiếp tục đồng hành giúp các chủ thể tháo gỡ khó khăn”. 

Cũng theo ông Thư, khi sản xuất lúa hàng hóa, nhiều hộ đồng bào đã chủ động sản xuất theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển dần sang sử dụng phân hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Họ còn trồng lúa kết hợp nuôi cá ruộng, mang lại thu nhập kép, lợi ích kép. 

Anh Giàng A Chang ở bản Khao Mang, xã Khao Mang chia sẻ: "Nhà mình có khoảng 1.000 m vuông đất ruộng. Vào vụ mùa, mình thả thêm cá chép ruộng. Cá sẽ giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng, sâu bọ có hại và thải phân làm tốt lúa. Muốn cá phát triển thì lại cần hạn chế các chất hóa học hoặc các chất gây hại khác trong quá trình canh tác. Bởi vậy, lúa và cá đều phát triển sạch, bán được giá. Thóc, gạo của mình còn được nhiều người ở dưới xuôi đặt mua và đã trở thành khách quen nên 30 bao thóc thu mỗi vụ đều không đủ bán. Nhờ đó mà trung bình một năm, mình thu được 40 triệu đồng từ thửa ruộng này”.

Trong chăn nuôi, đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải cũng đã thay đổi tư duy chuyển nhanh sang hàng hóa. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ (Nghị quyết số 69, ngày 16 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025) còn tạo động lực để đồng bào mạnh dạn phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa gắn với an toàn sinh học, giúp đồng bào sản xuất bền vững. 

Sau 2 năm thực hiện chính sách này, toàn huyện đã có 298 cơ sở chăn nuôi được nghiệm thu với tổng kinh phí hỗ trợ 5,6 tỷ đồng. 

Anh Giàng A Cheo ở bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải - một trong những hộ được hỗ trợ từ Chính sách chia sẻ: "Được hỗ trợ và sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ địa phương, tôi đã mạnh dạn hơn đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng mô hình lợn lai lợn rừng hàng hóa. Ngoài hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu về diện tích, vệ sinh, có bể biogas, tôi còn xây dựng hệ thống sân chơi cho lợn thoải mái di chuyển và chú trọng đến phòng bệnh an toàn. Đến nay, một số thương lái và nhà hàng ở thị trấn đã biết đến mô hình của tôi để đặt hàng. Nhờ đó, tôi đã xuất bán được trên 3 tấn lợn hơi, thu về gần 300 triệu đồng”. 

Trải qua một quá trình dài tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nhận thức cùng những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải đã hình thành được một số vùng hàng hóa tiêu biểu như: sơn tra với gần 5.000 ha, cây dược liệu gần 2.500 ha, 18 ha su su, vùng mía 25 ha, vùng cây ăn quả (hồng, lê, mận...) khoảng 200 ha; gà đen đạt 52.000 con, lợn bản địa đạt 47.000 con... 

Rõ ràng, khi tư duy hàng hóa phát triển, người dân sẽ tự tạo được thu nhập và từng bước thoát nghèo. Điều này được minh chứng bằng những con số cụ thể như: tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 8,6%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và gần đây nhất là năm 2022, giảm 8,51% (đạt 130,9% kế hoạch tỉnh giao) dù áp dụng chuẩn nghèo mới với nhiều tiêu chí khó và cao hơn. Trên tất cả, đó còn là nghị lực, mong muốn thoát nghèo cùng ý chí, khát vọng làm giàu của người Mông xứ này.

Hoài Anh

Tags đổi mới tư duy mở lối thoát nghèo người dân Mù Cang Chải hàng hóa OCOP

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục