Từ quyết tâm chính trị đó, cùng những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, những năm qua, hoạt động du lịch của huyện Mù Cang Chải có những chuyển mình, khởi sắc, tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng cao. Mù Cang Chải đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước với con số ấn tượng.
Năm 2022, Mù Cang Chải đã đón và phục vụ 350.000 lượt khách, đạt 175% mục tiêu nghị quyết, tăng 75% so với năm 2020, doanh thu đạt 270 tỷ đồng; số lượng khách du lịch hàng năm trung bình đạt 227.000 lượt người, đạt 113,8% so với mục tiêu nghị quyết...
Nhằm kích cầu du lịch, huyện đã chỉ đạo thực hiện phương án mở cửa du lịch phù hợp, tranh thủ sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch triển khai chương trình kích cầu giảm giá từ 10 - 50% các dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng dịch vụ.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng phục vụ sẵn sàng đón tiếp khách du lịch. Đặc biệt, huyện đã nhanh chóng thực hiện chương trình ứng dụng chuyển đổi số nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các gia đình làm dịch vụ du lịch đầu tư nâng cấp, mở mới phát triển kinh doanh các dịch vụ về du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Năm 2022, có 9 cơ sở lưu trú mới đi vào hoạt động, nâng tổng số homestay, nhà nghỉ trên địa bàn huyện lên 104 cơ sở, có khả năng phục vụ trên 3.000 người nghỉ/đêm; nhà hàng, quán ăn có 70 cơ sở, các hộ homestay còn phục vụ du khách ăn tại nhà đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt trên 5.000 khách; toàn huyện có 1.126 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 434,2 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm 2020…
Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch dù lượn tại đèo Khau Phạ theo hướng chuyên nghiệp là một trong những điểm nhấn hấp dẫn du khách đến với Mù Cang Chải.
Năm 2022, có trên 100 phi công trong nước và quốc tế đến thăm, tham gia bay dù lượn; phát triển sản phẩm du lịch bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng "Mu Cang Chai heli tours” với 1 máy bay trực thăng chất lượng cao được đưa vào khai thác; tổ chức thành công giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” với trên 760 vận động viên tham gia…
Bên cạnh đó, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, rất nhiều đội văn nghệ mang tính bản sắc đã được thành lập, tham gia luyện tập và biểu diễn phục vụ khách du lịch, đem lại nguồn thu từ hoạt động biểu diễn góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, có rất nhiều điểm đến hấp dẫn đã được Mù Cang Chải tập trung đầu tư, phát triển thành điểm đến du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, như: triển khai đưa vào vận hành, khai thác khu nghỉ dưỡng ruộng bậc thang La Pán Tẩn; tour du lịch sống lưng khủng long, rừng thông, thác Rồng xã Dế Xu Phình, rừng trúc Mồ Dề, Púng Luông; di tích nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ, bãi đá cổ Lao Chải, đỉnh Lùng Cúng xã Nậm Có...
Song song đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã được Huyện ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Năm 2022, UBND huyện đã đề xuất mở 2 lớp truyền dạy biểu diễn khèn Mông cho tổng số 20 học viên; cử 36 lượt học viên tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng cho các hộ kinh doanh du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.
Trong đó, có 1 lớp tổ chức tại huyện; mở 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về du lịch với tổng số hàng trăm học viên… Ngoài ra, huyện cũng triển khai thực hiện mô hình "Chợ phiên vùng cao” tại khu vực trung tâm huyện, duy trì hoạt động thường xuyên và tăng cường trong dịp 30/4, 2/9, mùa nước đổ, Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang… Xây dựng cảnh quan môi trường, chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào trồng hoa, tạo cảnh quan tại khu vực có điểm tham quan du lịch, các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình trồng trong các chậu tạo khuôn viên xanh.
Đến nay, hình thành các tuyến đường hoa trên nhiều địa bàn khu vực thị trấn Mù Cang Chải; trồng hoa khu vực di tích nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ, đường lên khu vực võng lúa, thác Mơ, sống khủng long tại bản Phình Hồ, đường vào thác Rồng tại bản Háng Cuốn Rùa, đường lên khu vực đồi Mâm Xôi, bãi đá cổ và các điểm trục đường lên trung tâm xã...
Nhằm đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian tới, Mù Cang Chải đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch mang tính định hướng phát triển du lịch, duy trì và mở rộng thị trường du lịch nội địa.
Huyện đã lên phương án tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa như du lịch cuối tuần, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng; chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm; khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ - du lịch lịch sử, văn hóa…
Năm 2023, Mù Cang Chải đặt mục tiêu đưa tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 36% GDP, doanh thu từ du lịch đạt 300 tỷ đồng; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, lưu trú phát triển du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng tuyến phố đi bộ, văn hóa, ẩm thực gắn với hoạt động kinh tế đêm tại trung tâm thị trấn Mù Cang Chải; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch theo mùa gắn với dịch vụ nông nghiệp, làng nghề; gìn giữ các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa nhằm tạo nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hướng tới thực hiện hiệu quả, hoàn thành mục tiêu Đề án xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX vào cuộc sống.
Bài: Anh Dũng - Thiên Cầm
Ảnh: Anh Dũng - Thiên Cầm - Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung
Bài cuối: Chính sách phù hợp - kinh tế bứt phá