Ý nghĩa Ngày Sách Việt Nam 21/4
Ngày 21/4/1927, cuốn sách "Đường Kách Mệnh” được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản. Đây là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Chính vì vậy, ngày 21 tháng 4 được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào năm 2014. Hơn 10 năm qua, ngày 21 tháng 4 luôn là một sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển của đất nước.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn "Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận.
Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Năm 2025 là năm đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 mang đến 3 thông điệp: "Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, "Đọc sách – làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.
Các hoạt động phong phú, thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gồm: Chương trình khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025, được tổ chức tại trường THPT Nguyễn Huệ nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong học đường, kết nối sách tới các em học sinh – sinh viên, những đối tượng trực tiếp thụ hưởng và tạo dựng thói quen đọc sách bền vững; Trưng bày, triển lãm và Hội chợ sách diễn ra từ ngày 21 - 27/4/2025 tại Trường THPT Nguyễn Huệ; triển khai xe thư viện lưu động đến các điểm trường trên địa bàn tỉnh; mời diễn giả giao lưu, giới thiệu sách tại một số trường học; phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo sách dành cho học sinh, đây là một hình thức sáng tạo giúp các em thể hiện cảm nhận về sách thông qua hội họa …
Bên cạnh đó, Sở cũng đã phát động và tổ chức 02 Cuộc thi ý nghĩa gồm Cuộc thi "Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” và Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Yên Bái năm 2025”. 02 Cuộc thi này dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát hiện và tôn vinh những cá nhân có tinh thần yêu sách, có khả năng lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đây là cuộc thi hướng đến các gia đình trên địa bàn toàn tỉnh, khuyến khích sự tham gia của nhiều thế hệ cùng đọc sách và chia sẻ giá trị của sách trong đời sống gia đình nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về gia đình để góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong mỗi gia đình, cộng đồng; giới thiệu mô hình "Tủ sách gia đình”; khuyến khích tham gia xây dựng "Tủ sách gia đình”, "Tủ sách dòng họ”... nhằm khuyến khích thói quen đọc sách trong gia đình, xây dựng môi trường học tập suốt đời, góp phần gắn kết các thế hệ thông qua sách.
Ngoài các hoạt động của cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức với nhiều hoạt động hưởng ứng như: Ngày hội đọc sách; trưng bày sách chuyên đề; tặng sách cho học sinh; tổ chức giờ đọc sách tại trường, tại thư viện cơ sở...
Với tinh thần "Gieo mầm văn hóa đọc – Bồi đắp tri thức – Chắp cánh ước mơ" và thông điệp "Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; "Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hy vọng rằng, thông qua chuỗi hoạt động này, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 không chỉ là dịp để tôn vinh sách và người đọc, mà còn là cơ hội để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, khẳng định vai trò của sách trong phát triển tri thức, văn hóa và con người Việt Nam hiện đại.
Hoàng Ngọc (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch)