Tâm nguyện của một con người

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhìn chồng sách cổ, ông Lò Văn Biến lắc đầu cố nén tiếng thở dài. Thời gian trôi đi quá nhanh trong khi ông chưa làm tròn tâm nguyện của mình. Ông sinh năm 1933, năm nay đã 75 tuổi rồi. Chưa bao giờ ông thấm thía câu châm ngôn của ông bà như lúc này: "Không tự nhìn thấy gáy mình/Ngày chết không ai biết trước".

Ông Lò Văn Biến đang dịch sách Thái cổ.
Ông Lò Văn Biến đang dịch sách Thái cổ.

Thắp tuần hương trên bàn thờ người con út Lò Văn Thư, ông nói với linh hồn con mà như nói với chính mình:

 

- Con ơi! Ngày nào cha còn khỏe, cha sẽ làm hết sức mình thay cả cho con.

 

Từ khi người con út vĩnh viễn ra đi trong một tai nạn đáng tiếc, ông như đứt từng khúc ruột. Ông cố nén nỗi đau để sống và làm việc, để bà Pong - vợ ông có một chỗ dựa. Ông xót con, thương bà vô cùng. Ông bà, dòng họ và bà con bản mường đặt biết bao niềm tin và hy vọng vào người con trai thông minh, chăm ngoan, hiếu thảo. Chính ông đã bền bỉ dạy con chữ Thái cổ Mường Lò, uốn nắn cho con từng tiếng khèn, điệu pí, truyền cho con ngọn lửa tình yêu nền văn hóa dân tộc. Khi con trai ông bà được đi học lớp cao đẳng âm nhạc của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, ông bà càng yên tâm hơn vì tin rằng, con sẽ kế tục sự nghiệp của ông. Vậy mà…

 

Bà đã đến bên ông tự lúc nào, ân cần:

 

- Hãy cố lên ông, kẻo con nó không vui !

 

Thế rồi bà giúp ông xếp ngay ngắn những tác phẩm ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật: "Quámk tốk mướng" - Chuyện bản mường, cuốn sử của dân tộc Thái; "Táy púk sấc" - Bước đường chinh chiến của cha ông; "Căm Hánh tặp sấc cớ lương" - Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, viết về cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc của người Thái Mường Lò... Rồi còn biết bao công trình góp phần vào việc khôi phục và bảo tồn nền văn hóa Thái như: "Tìm hiểu một số tục cúng vía của người Thái Đen Mường Lò", lễ hội "Xên bản xên mường" - tức cúng bản cúng mường, một mỹ tục thờ cúng các bậc đã có công khai phá nên đất Mường Lò được nhân dân tôn làm Thành hoàng và cầu phúc cho bản mường; sinh hoạt "Hạn khuống" - tức sàn hoa ngoài trời, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên; lễ hội "Síp sí" - tức tết 14 tháng 7, nhưng theo lịch Thái cổ là 14 tháng Giêng với lễ "Tám khuôn quái" - cúng vía trâu độc đáo… Rồi còn biết bao những tác phẩm thơ, kịch, bài hát… đã được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương. Trong đó, nhiều tác phảm đã được bà con người Thái Tây Bắc thuộc lòng và vẫn ngâm nga mỗi khi vui chơi, hội hè văn nghệ.

 

Bỗng một tờ giấy đã ố vàng vì thời gian rơi xuống chiếu, ông nhặt lên xem và bỗng mỉm cười, khuôn mặt ưu tư chợt sáng lên với dòng hồi ức: "Thuở còn thơ, ông được người mẹ yêu quý nuôi bằng dòng sữa ngọt lành cùng những ru dịu dàng, sâu lắng. Lớn lên hơn, đã bao lần ông lắng nghe như nuốt lấy từng lời những điệu "khắp" - hát, ngâm, hò - của bà, của mẹ. Tất cả như suối nguồn tưới mát tâm hồn ông và khơi dậy một tình yêu vô bờ bến với nền văn hóa của dân tộc mình. Thấy con thông minh, lại ham học hỏi, bố mẹ cho con đi học. Ngày ấy, cả vùng chỉ có ông mo Lò Văn Phớ là giỏi chữ Thái. Mỗi đêm học phải trả công một bung thóc 15kg. Chữ Thái cổ khó học bởi không có dấu ngắt câu và dấu thanh điệu, hệ thống phụ âm thay thế cho dấu thanh lại rất phức tạp. Được hai đêm, người bạn cùng học bỏ không theo được. Còn ông, chỉ sau năm đêm miệt mài với than củi viết trên mo cau đã bắt đầu biết ghép vần và đọc được".

 

Có được chút vốn liếng ban đầu ấy, ông bắt đầu cuộc hành trình lặn lội bản dưới, mường trên sưu tầm sách cổ về mày mò đọc, tự học và tập dịch sang quốc ngữ. Ông hiểu rằng, theo thời gian, số sách cổ sẽ ngày một ít đi. Chồng sách của ông bây giờ, cuốn thì ông bớt ăn bớt mặc mua lại, cuốn ông được bà con yêu quý nên tặng cho như: "Chương han" - tức dòng họ Chương dũng cảm, "Xống chụ xon xao" - Tiễn dặn người yêu, "Khun Lú náng Ủa" - tức Chàng Lú nàng Ủa, "Í ưởi í noọng" - Cô chị cô em… Sách cổ của ông nhiều đến nỗi, ông dành gần trọn cuộc đời để ghi lại bằng phiên âm và dịch sang quốc ngữ cũng chỉ được một phần nhỏ.

 

Ông nâng niu tờ giấy nhỏ, đây là bài thơ đầu tay ông sáng tác khi 18 tuổi, cái tuổi đêm đêm hồi hộp mang khèn "pay ỉn xao bặc chòng" - đi chọc sàn tìm hiểu bạn tình. Bài "Púc xao" - Thức gái, ông sáng tác từ thuở ấy mà nay đọc lại vẫn rộn ràng, tình tứ như nhịp đàn tính thiết tha gọi bạn: "Dậy đi em, hỡi em/ Dậy đi em/ Chạy ra "sík" ngắm sao mai/ Chạy ra "quản" ngắm sao hôm/ Sao hôm rơi trên nóc nhà em đó/ Áng mây hồng đậu trên nóc nhà em đó/ Áng mây hồng đậu trên nóc nhà em/ Dậy đi em/ Dậy đi em hỡi !".

 

Cuộc đời của ông thay đổi rất nhiều từ khi đi học sư phạm ở khu học xá Tây Bắc (1954 - 1957), rồi lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và quá trình dạy học. Ngay khi đã nghỉ chế độ năm 1984, ông vẫn tham gia làm Trưởng ban Văn hóa - Giáo dục của xã Nghĩa Lợi quê hương ông 19 năm liền. Ông thường bộc bạch với mọi người:

 

- Ngày trước gia đình cho đi học, đọc được cái chữ của tổ tiên đã mừng lắm, đã biết quý trọng vốn văn hóa của tổ tiên để lại. Từ khi được Đảng và Nhà nước cho đi học, mắt như sáng thêm, biết yêu quý hơn tài sản vô giá của dân tộc để lại và cũng biết cách sưu tầm, nghiên cứu và truyền bá vốn văn hóa ấy.

 

Dân bản kính trọng ông, người nhờ ông xem ngày tốt để dựng nhà, cưới hỏi, ma chay; người nhờ ông hòa giải những xích mích… Ông vui cùng niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình.

 

Một kỷ niệm làm ông nhớ mãi, chính là quá trình sưu tầm và phổ biến sáu điệu xòe cổ. Mường Lò - nơi ông sinh ra và lớn lên chính là đất tổ của người Thái Tây Bắc Việt Nam, là quê hương của sáu điệu xòe cổ, khởi nguồn cho hơn ba mươi điệu xòe của người Thái Tây Bắc. Ông đã không quản nắng mưa, một mình đạp xe lặn lội tìm hiểu, chỉnh lý rồi dạy cho các đội văn nghệ của các xã, phường, trường học trong toàn thị xã Nghĩa Lộ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Nghĩa Lộ (1952-2002), sáu điệu xòe cổ được công diễn làm nức lòng bà con khắp các bản, mường. Còn các du khách trong và ngoài nước không giấu được sự khâm phục.

 

Biết tiếng ông, quý trọng cái tài, cái tâm của ông, các bạn xa gần đều đến học hỏi, các cháu sinh viên đến nhờ ông chỉ bảo giúp đỡ, nhiều nghiên cứu sinh từ Pháp, Nhật, Thái Lan, Đức… đến xin học, tất cả đều được ông chỉ dạy tận tình. Ông vẫn tâm sự:

 

- Lớp trẻ biết yêu vốn văn hóa dân tộc thật đáng quý và trân trọng biết bao. Tôi không tiếc gì sức lực, chỉ mong bà con người Thái sẽ biết đọc, biết viết cái chữ của dân tộc mình, biết "khắp" biết "xòe", biết thổi khèn thổi pí, biết làm theo những điều ông bà dạy, trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa phải trải qua bao đời mới có được.

 

Khi lớp "Bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò" được tổ chức, ông mừng lắm. Cùng lúc, ông lại được UBND tỉnh Yên Bái tín nhiệm giao trọng trách là chủ biên, biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò để dạy cho cán bộ, viên chức đang công tác ở vùng dân tộc miền núi tỉnh Yên Bái. Ông say mê làm việc quên cả thời gian, bởi ông biết rằng rồi sẽ có rất nhiều người thông thạo tiếng và chữ Thái, góp phần bảo tồn vốn văn hóa dân tộc. Bởi vậy, ngay cả khi đứa con yêu của ông bà đột ngột ra đi, chỉ một tuần sau, ông lại nén đau thương lao vào công việc. Đến nay, lớp học đã thu được kết quả tốt đẹp, 100% đạt yêu cầu và có tới 80% học viên đạt loại khá, giỏi. Còn bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò cơ bản đã hoàn thành và được đánh giá có chất lượng cao.

 

Người viết bài này có hiểu chút ít về văn hóa Thái nên được ông tin tưởng và mời cộng tác viên biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò. Hiểu và thông cảm lẫn nhau nên ông không giấu mong muốn chảy bỏng của mình:

 

- Tôi ước ao có một lần tổ chức được cuộc gặp gỡ với các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu yêu văn hóa Thái cả trong và ngoài nước tại Mường Lò. Đây không chỉ là cuộc hành hương về cội mà còn là dịp giao lưu, học hỏi và quảng bá hình ảnh Mường Lò trong công cuộc đổi mới. Thông qua đó, mỗi người được nâng cao lòng tự hào dân tộc, có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc.

 

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh - Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, trong lần lên dự lễ khai giảng lớp "Bảo tồn chữ Thái cổ Mường Lò" (11/01/2007), khi nằm ngủ gác chân lên nhau như đôi bạn thân thiết đã chân tình nói với ông Biến:

 

- Hãy cố mà sống để còn giữ gìn và truyền lửa cho con cháu !

 

Còn bất cứ ai tiếp xúc với ông, dù là lần đầu đều thấy rất dễ gần và kính trọng khi thấy ở tuổi 75 mà ông vẫn dồn hết tâm huyết vào công việc như chạy đua với thời gian. Khuôn mặt cương nghị của ông rạng rỡ hẳn lên mỗi khi nói về văn hóa dân tộc. Ai cũng khâm phục khi thấy ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, dáng người thanh mảnh xương xương, mái tóc trắng, dài bồng bềnh như áng mây trên đỉnh núi. Ông vẫn dẻo dai, tiếng nói sang sảng như người trẻ hơn hàng chục tuổi. Ai cũng thầm cầu mong ông khỏe mạnh, đừng vội về mường Trời !

 

Trần Vân Hạc

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục