Phát hiện gần 10 tấn thuốc bảo vệ thực vật quá hạn: Bài học rút ra cho công tác quản lý

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hơn một tuần nay, kho chứa hàng của Trạm Vật tư nông nghiệp huyện Trấn Yên ở khu 4, thị trấn Cổ Phúc nhập kho 9,8 tấn thuốc trừ sâu đã quá hạn sử dụng đến hàng chục năm. Điều kinh khủng là một lượng lớn thuốc trừ sâu đã thoát chảy ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân…

Cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra mẫu nước khu vực bị ô nhiễm.
Cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra mẫu nước khu vực bị ô nhiễm.

Chúng tôi đến khu 4, thị trấn Cổ Phúc vào một ngày cuối tháng 5, cơn mưa rào đêm hôm trước không thể xóa được mùi nồng nặc của thuốc trừ sâu bao trùm cả khu phố. Con suối nhỏ dẫn nước qua kho chứa thuốc của Trạm Vật tư nông nghiệp, qua 11 hộ dân rồi đổ xuống cánh đồng Miếu Vòi và cánh đồng Gốc Dọc cũng nồng nặc đến khó chịu.

 

Anh Nguyễn Xuân Tiến nhà gần kho thuốc sâu cho biết: "Từ hôm Trạm Vật tư nông nghiệp nhập về 9,8 tấn thuốc bảo vệ thực vật do thiếu trách nhiệm đã để một lượng lớn thuốc chảy ra ngoài làm gia đình anh và 11 hộ gia đình gần đó phải "sơ tán" đi nơi khác sống nhờ vì không chịu được mùi nồng nặc của thuốc". Trời mưa, thuốc bảo vệ thực vật từ kho chứa theo rãnh nước chảy xuống khu dân cư sủi bọt trắng xóa.

 

Hàng ngày, anh chị ăn uống, sinh hoạt nhờ người thân, còn với gia súc, gia cầm anh chị đi xin nước ở nơi khác về nấu.

 

Chỉ tay sang nhà bên cạnh anh Tiến cho biết thêm, do không chịu được mùi của thuốc bảo vệ thực vật, hơn một tuần hai mẹ con chị Hà Thị Thiện (giáo viên) chuyển lên tập thể nhà trường ở nhờ.

 

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống người dân khu vực, mà còn ảnh hưởng tới nhân dân các vùng lân cận. Chị Nguyễn Thị Mến thôn Đầm, xã Minh Quán (Trấn Yên) cho biết: "Gia đình chị có 2 sào ruộng lúa ở cánh đồng Gốc Dọc đang đến kỳ thu hoạch, nhưng do thuốc bảo vệ thực vật từ kho của Trạm Vật tư nông nghiệp theo nước mưa chảy xuống cánh đồng gây ô nhiễm nguồn nước nên đành "bó tay"."

 

CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG VÀO CUỘC

 

 

Kho chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Đội quản lý thị trường số 3 tiến hành khám kho hàng tại Trạm Vật tư nông nghiệp Trấn Yên, do ông Nguyễn Minh Phong làm Trạm trưởng, đã phát hiện trong kho cất giấu 33.175 chai thuốc bảo vệ thực vật trọng lượng 9.806 kg không có nhãn, không hóa đơn chứng từ.

 

Vào khoảng 13h ngày 22/5/2007 ông Phong có nhận điện thoại của ông Toàn - Trạm trưởng Trạm Giống cây trồng, qua trao đổi được biết Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Trấn Yên có một ít thuốc sâu muốn gửi vào kho của Trạm, lát sau lại có người vào giới thiệu tên là Sơn công tác ở Công ty cổ phần Dâu tằm tơ và trình bày xin gửi một ít thuốc sâu vào kho thời gian khoảng 2 tháng.

 

Ông Phong đã dẫn Sơn xuống bàn giao kho và đi về nhà, không kiểm tra xem thuốc sâu gửi là loại nào, số lượng là bao nhiêu, có được phép tiêu thụ trên thị trường hay không? Nếu quả thực ông Phong và Toàn không biết gì thì đây cũng là hành động vô trách nhiệm! Để giải quyết vụ việc, ngày 30/5/2007 các cơ quan chức năng gồm Chi cục Quản lý thị trường, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, Chi cục Bảo vệ thực vật, Đội Quản lý thị trường số 3, Công ty Vật tư nông nghiệp... đã tiến hành bàn phương án xử lý.

 

Tại đây, chúng tôi được biết: nguồn gốc lô hàng này do Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ mới có địa chỉ tại Hà Nội xuất nội bộ các loại thuốc trừ sâu, bàn giao cho ông Nguyễn Hồng Sơn - tổ 16 phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái  nhận tại kho phân vi sinh HTX Ngọc Thạch (Vĩnh Phúc) chuyển về để phun thử nghiệm không tính tiền trên 1.000 ha cây Rê mi (một dạng họ cây gai lấy sợi) và gửi nhờ Trạm Vật tư nông nghiệp Trấn Yên.

 

Nhưng cũng tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Đinh Đăng Luận - Phó giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: "Ngành không ký bất kỳ một quyết định nào cho ai trồng thử loại cây này".

 

Vậy số lượng gần 10 tấn thuốc bảo vệ thực vật không nhãn mác sẽ được ông Sơn sử dụng vào mục đích gì? Các ngành chức năng đã yêu cầu ông Sơn và ông Phong chuyển toàn bộ lô hàng 33.175 chai thuốc bảo vệ thực vật để tại kho của Trạm Vật tư nông nghiệp huyện Trấn Yên về nơi xuất xứ theo Điều 33 Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm làm sạch môi trường khu vực.

 

THAY CHO LỜI  KẾT

 

 

Những chai thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng trên 10 năm.

Việc xử lý hành vi vi phạm đã được các ngành chức năng tiếp tục bàn bạc, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng sự việc trên đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Nếu không có một lượng lớn thuốc trừ sâu bị vỡ tràn ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu phố 4 thị trấn Cổ Phúc thì các cơ quan chức năng liệu có phát hiện ra lô hàng trên?

 

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, việc tiêu hủy mất rất nhiều tiền của. Do vậy, các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cần thận trọng, tránh để địa bàn trở thành "bãi rác thải" thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng.

 

Được biết hiện nay ở miền Bắc chỉ có Bộ Tư lệnh hóa học mới đủ điều kiện để tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn và kinh phí tiêu hủy phải mất trên 50 triệu đồng/tấn. Với  lượng thuốc sâu gần 10 tấn không nhãn mác trên đưa ra tiêu hủy sẽ mất gần 500 trăm triệu đồng!

 

Vụ việc này đã vậy, nếu xảy ra những vụ việc khác, hàng có xuất xứ ở nước ngoài (như Trung Quốc chẳng hạn) thì ai sẽ bỏ tiền chi trả đây?

 

Quang Thiều - Anh Dũng

(Dự thi ký, phóng sự trên Báo Yên Bái)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục