10 năm với tình yêu biển đảo

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/1/2025 | 7:22:02 AM

YênBái - Trong suốt thập kỷ qua, cột cờ Trường Sa tại một ngôi trường ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đã trở thành biểu tượng của tình yêu biển đảo, lòng tự hào dân tộc. Được xây dựng vào năm 2014, cột cờ không chỉ là dấu mốc vật chất, mà còn là biểu tượng tinh thần gắn kết cộng đồng với biển đảo quê hương. Hành trình 10 năm qua, đã chứng minh sức mạnh của tình yêu, niềm tự hào dân tộc từ những trái tim nhiệt huyết của người dân nơi đây.

Các học sinh bên cột cờ theo mô hình cột cờ Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)
Các học sinh bên cột cờ theo mô hình cột cờ Trường Sa. (Ảnh: Thanh Miền)

Có một "Trường Sa trên núi"

Từ tình yêu quê hương

Năm 2014, trước tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, mong muốn đưa Trường Sa, biển đảo về gần hơn với những người Mông trên núi, đặc biệt là đồng bào Mông ở Nà Hẩu - xã được Tỉnh ủy giao cho Báo Yên Bái phụ trách, những người làm báo đã chọn cách cũng thật đặc biệt là xây dựng mô hình cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa trên đất núi với đúng khuôn mẫu chính trên đảo Trường Sa Lớn. Đó là cách mà những người "lấy cây bút làm vũ khí" tuyên truyền xa hơn cả những bài viết hay, đó là tình cảm với Trường Sa với Nà Hẩu. 

Hơn một tháng sau khi ý tưởng ra đời, rất nhiều công việc được gấp rút chuẩn bị như: quyên góp, khảo sát, xây dựng... mô hình cột cờ chủ quyền Trường Sa đã được khánh thành vào đúng ngày khai giảng năm học mới 2014 - 2015 trong khuôn viên ngôi trường liên cấp mầm non, tiểu học và THCS Nà Hẩu. Trẻ em dân tộc Mông, bấy lâu chân quen đường núi, quanh năm thấy mây mù, lần đầu tận mắt nhìn thấy cột cờ chủ quyền Trường Sa, đứa nào cũng háo hức ngắm nhìn vừa lạ, vừa quen. Năm 2020, Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu chuyển sang cơ sở mới. Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa giờ thuộc khuôn viên của Trường Mầm non Nà Hẩu nhưng cột cờ vẫn là điểm kết nối hai trường với nhau. Lễ chào cờ sáng thứ Hai hằng tuần hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về biển, đảo Tổ quốc, các em lại trở về sân trường vui đùa dưới chân cột mốc. 

Có lẽ, tình yêu với biển đảo quê hương của người dân Nà Hẩu cũng như của các thầy giáo, cô giáo, các các em học sinh ngày càng được bồi đắp từ khi cột cờ biển đảo Trường Sa được dựng lên. Tình yêu ấy được lan tỏa, bồi tụ thành thứ tình cảm rất thiêng liêng và đặc biệt đó chính là tình yêu biển đảo. Trường Sa đã trở nên thật gần với đồng bào dân tộc Mông và các thầy giáo, cô giáo, các các em học sinh nơi đây. Mặc dù, đồng bào Mông và các thầy, cô giáo ở Nà Hẩu đều chưa một lần được đến đảo ở Trường Sa, nhưng sự hiện diện của cột cờ biển đảo Trường Sa đã khiến biển đảo Trường Sa trở nên thật gần gũi, thân thuộc. 

Cô giáo Đào Thị Nga - một giáo viên trẻ của Trường Mầm non Nà Hẩu chia sẻ: "Nghe 2 tiếng Trường Sa, tôi luôn nghĩ về sự cống hiến các chiến sĩ hải quân nơi đảo sa. Các anh không màng khó khăn ngày đêm chiến đấu, luôn mang trong mình tư thế tay cầm súng, luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy giữ vững ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các bài dạy minh họa chủ điểm về quê hương đất nước, thông qua các giờ hoạt động làm quen với các tác phẩm văn học, hoạt động ngoại khóa, khi các em học sinh được nghe cô giáo kể chuyện hay dạy các em về biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng thì các em rất hào hứng, vui vẻ và phấn khởi tiếp thu kiến thức. Sau các tiết học, chúng tôi đều rất xúc động trước tình cảm đặc biệt của các em đã có những món quà nho nhỏ, đó là ghi lại các bài hát, bài thơ, vẽ những bức tranh do chính tay các em vẽ muốn dành tặng các chú bộ đội hải quân, dành cho biển đảo quê hương”.

Đến những trái tim trẻ

Với đôi bạn thân Thào Thị Dủ và Vàng Thị Thanh Xuân lớp 9A Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu thì cột cờ biển đảo Trường Sa trong sân trường mầm non hết sức thân thuộc, cột cờ đã chứng kiến sự lớn lên của đôi bạn nhỏ. Tình yêu biển đảo được hun đúc từ lúc các em học mầm non tại đây. Tại Trường Tiểu học và THCS xã Nà Hẩu, cột cờ Trường Sa đã trở thành nơi truyền cảm hứng cho các em học sinh. Dủ chia sẻ: "Em chưa bao giờ được đến Trường Sa nhưng khi nhìn thấy cột cờ, em cảm thấy như mình đang ở rất gần biển đảo. Em muốn trở thành một người lính hải quân để bảo vệ Tổ quốc”. 

Câu nói của Dủ không chỉ thể hiện ước mơ của một cô bé, mà còn là tâm tư của nhiều học sinh nơi đây. Các thầy cô giáo đã khuyến khích các em tìm hiểu về biển đảo; từ đó, thắp lên ngọn lửa yêu nước trong mỗi trái tim trẻ. Các trường học tại đây thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa về biển đảo, giúp các em hiểu rõ về chủ quyền của Tổ quốc. Cột cờ biển đảo Trường Sa là một phần không thể thiếu trong giáo dục lòng yêu nước cho các em. Và những hoạt động đó trở thành những kỷ niệm đẹp, là nền tảng cho sự phát triển, vun đắp những ước mơ cháy bỏng vươn cao và vươn xa hơn. 

Thanh Xuân chia sẻ: "Em nhớ mãi lần được giao lưu gặp gỡ các chú bộ đội hải quân tại đây. Đó là lần đầu tiên em nhìn thấy chú bộ đội hải quân ngoài sách vở, ngoài tivi, tranh ảnh. Lúc đó, chú đứng cạnh cột cờ y chang như hình ảnh cô giáo vẫn thường cho chúng em xem trong tranh, ảnh. Chúng em biết ơn các chú đã bảo vệ biển đảo quê hương cho chúng em được sống và học tập trong hòa bình”. 


Cô và trò Trường Mầm non Nà Hẩu, huyện Văn Yên bên cột cờ biển đảo Trường Sa.

Lan tỏa tình yêu biển đảo

Người dân Nà Hẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và chưa một lần đặt chân đến Trường Sa nhưng cột cờ đã giúp họ cảm nhận được sự gần gũi với biển đảo. Anh Thào A Sáng, 45 tuổi ở bản Ba Khuy cũng giống như cha, ông của anh chưa từng biết tới biển, nhưng giờ thì anh đã biết về đất nước của anh rộng lớn lắm. Không chỉ có đại ngàn nơi anh đang ở, mà còn rộng tít ra ngoài biển kia - nơi có cái cột cờ như cái cột cờ trong trường học của con trai anh. 

Anh chia sẻ: "Từ ngày có cột cờ biển đảo Trường Sa ở trường học, tôi thấy mình hơn ông cha mình là đã biết đất nước mình rộng lớn hơn đại ngàn này và còn có cả biển đảo. Nhưng giờ thì con tôi biết nhiều hơn tôi nữa, rồi chúng còn ước được canh giữ biển đảo cho quê hương như những chú bộ đội hải quân hay thấy trên tivi nữa”. Chính quyền xã Nà Hẩu cũng rất quan tâm đến việc phát huy ý nghĩa của cột cờ biển đảo Trường Sa. 

Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cột cờ không chỉ là công trình mang tính biểu tượng, mà còn là nơi để tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, bảo vệ biển đảo không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là của mỗi công dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Chúng ta giữ rừng trên núi, còn các đồng chí hải quân giữ biển đảo quê hương. Chúng tôi hy vọng rằng, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối tình yêu biển đảo, gìn giữ và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”. Cột cờ Trường Sa đã, đang và sẽ mãi là sợi dây kết nối cộng đồng, mang mọi người xích lại, đoàn kết với nhau hơn. 
 
Có lên với Nà Hẩu mới biết, Nà Hẩu không chỉ cuốn hút bởi đại ngàn xanh mướt cùng những câu chuyện ly kỳ về tục cúng rừng, mà còn có cả những câu chuyện về tình yêu biển đảo rất đặc biệt của những người dân chất phác nơi đây. Đã 10 năm cột cờ biển đảo Trường Sa mang trong mình sứ mệnh lan tỏa tình yêu biển đảo. Tình yêu ấy không ngừng được bồi đắp qua từng thế hệ, từ các thầy giáo, cô giáo đến các em học sinh, từ những người dân nơi đây đến cả cộng đồng rộng lớn.

Thanh Ba

Tags Nà Hẩu Văn Yên cột cờ Trường Sa

Các tin khác
Nhà văn hóa thôn được xây mới là nơi tổ chức các hoạt động của người dân Ngàn Vắng.

Cuối năm 2024, thôn Ngàn Vắng nằm ẩn mình trong những đồi quế xanh của xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên đã chính thức bước ra khỏi diện nghèo. Hành trình ấy không chỉ là sự đổi thay về kinh tế mà còn là câu chuyện đầy cảm hứng về sự quyết tâm, nỗ lực của từng người dân nơi đây.

Lò tiêu hủy rác hữu cơ do người dân cụm 6, thôn Khe Sừng đóng góp xây dựng góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Thôn Khe Sừng đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu trong năm 2024. Kết thúc năm, mục tiêu này vẫn còn ở phía trước bởi tiêu chí sử dụng điện và khuôn viên nhà văn hóa chưa như mong muốn. Mặc dù cần có sự quan tâm của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhưng nhìn chặng đường vừa qua, mới thấy sự đóng góp của người dân nơi đây thật đáng trân trọng!

Anh Nguyễn Đức Linh giới thiệu đồi cam chín rộ đang đến kỳ thu hoạch.

Theo người dân địa phương, Khe Sừng con đường từ trung tâm thôn đi sâu vào 2 nhánh chính theo khe nước có hình dạng giống như cặp sừng. Đơn giản vậy, nhưng ở thôn Khe Sừng, xã Tân Thịnh (Văn Chấn) lại có những câu chuyện đáng nói. Ấy là những đồi cam bạc tỷ đang dần nổi lên.

Anh Nguyễn Văn Tiến lái thuyền chuyên chở lực lượng và hàng cứu trợ đến vùng lũ

Khi thiên tai, lũ lụt xảy ra, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và đặc biệt là người dân bằng tình thương và trách nhiệm cộng đồng của mình, không quản khó khăn, nguy hiểm, không tiếc tiền bạc... đã gắng sức mình cứu giúp đồng bào. Bài viết nhỏ này chắc chắn không thể nói hết được tinh thần cao thượng của tất cả những tấm gương cao quý, những tấm lòng thảo thơm vì cộng đồng. Xin kể lại một số câu chuyện nhỏ sau cơn bão số 3, để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân những tấm gương sáng ấy!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục