Vài chục năm trước, Khe Sừng và một số thôn khác là đất chè của xã Tân Thịnh - một trong những xã nằm trong vùng nguyên liệu của các nhà máy chè tên tuổi. Thị trường chè bấp bênh, diện tích chè ở Tân Thịnh thu hẹp dành đất cho cây ăn quả, cây nguyên liệu gỗ, giờ chắc còn non 200 ha.
Tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi đất chè là rất khó nhưng không ít người dân đã mạnh dạn thay đổi bởi họ đang làm chủ diện tích đất của gia đình. Năm 2006, anh chàng Nguyễn Đức Linh của gia đình có 4 chị em mới hăm hai tuổi. Nhiệt huyết tuổi trẻ cùng với những điều học hỏi được về cây ăn quả, Linh đã hy sinh diện tích chè gắn bó với gia đình nhiều năm để đặt xuống dăm bảy trăm gốc cam giống đầu tiên, chủ yếu là cam Canh và cam Valencia (cam V2). Những năm tiếp, cứ ken dần từng bãi nhỏ, cam lên kín đất gia đình.
Biến nương chè, đồi cây lâm nghiệp thành những vườn quả nằm ngoài tưởng tượng của người dân trong vùng. Đồi khá cao, độ đốc lớn, Nguyễn Đức Linh phải thuê máy vào đánh đất, tạo băng. Đất đồi sau bao năm vắt dinh dưỡng cho cây chè phải đầu tư cải tạo, bón lót với một lượng phân khá lớn. Vốn liếng hạn hẹp, nên khoản vay vài chục triệu đồng trong những năm đầu kiến thiết vườn cam đã giúp anh vượt qua khó khăn ban đầu. Cũng nhờ vậy, cam đủ chất mà sinh trưởng tốt, sau ba năm cho những lứa thu đầu tiên để mang lại niềm tin cho người trẻ.
Sau chục năm miệt mài vừa chăm bón, vừa mua đất trồng thêm, khoảng năm 2017, vườn cam của gia đình Linh đã cho thu hoạch 20 tấn, rồi lên 30 tấn - một sản lượng được coi là "khủng” ở thời điểm đó. Đến giờ thì cam của nhà Linh đã phủ kín hai quả đồi với tổng số trên 2.000 gốc cam. Đồi Cột điện và đồi Cây mít mà Linh gọi quen là tên 2 đồi cam đã trở nên dễ nhớ với người dân Khe Sừng và thương lái.
Lang thang vào tới chân đồi Cây mít thì bắt gặp cậu thanh niên Trần Tuấn Thành cùng ở thôn Khe Sừng đang chất 3 - 4 tải phân lên xe máy. Thành cho biết: "Gia đình tôi cũng trồng cam, nhưng chỉ có gần 700 gốc. Hôm nay vào chở phân hỗ trợ nhà Linh bón thúc sau vụ thu hoạch”.
Nếu không tận mắt nhìn thấy những bao phân bón chất cao dưới chân đồi thì ít ai có thể hình dung được việc thâm canh cây cam cũng nhiều phân gio đến thế.
"Thời điểm này, thu hoạch xong tôi thuê nhân công làm cỏ gốc rồi vào phân. Cứ mỗi gốc một bao phân rải quanh, cho nên chúng tôi thường đếm gốc cam để ra lượng phân, chứ không tính diện tích như làm ruộng. Tổng lượng phân hàng năm đưa lên đồi bón cam khoảng 120 tấn đấy anh ạ!”.
Vừa dẫn khách tham quan diện tích đang bón phân, Linh vừa giải thích. Sau bón phân quanh gốc, gia đình anh thường dùng chế phẩm Trichoderma để tưới gốc nhằm tác động tích cực cho bộ rễ và tăng cường dinh dưỡng cho cây. Giáp tết, cam lại được bón thêm một lượt phân bón sinh học đậu tương. Ngoài bón phân, bảo đảm nước tưới thì việc giám sát tình hình sâu bọ hại cây được thực hiện thường xuyên, cứ hai - ba ngày là chủ vườn lại có mặt để "vạch lá tìm sâu”, kiểm tra từng ly từng tý để xử lý kịp thời.
Kỹ là vậy, nhưng khi bệnh vàng lá, thối rễ xuất hiện và gây hại diện tích cam bên địa bàn thị trấn Trần Phú liền kề cũng làm Nguyễn Đức Linh thoáng chút băn khoăn. Nhưng anh xác định, làm nhiều chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, rồi suy nghĩ, tìm hiểu để đưa ra những phương án phòng trừ. Kinh nghiệm rút là không "chặt rễ bắt quả” như biện pháp một số vùng trồng áp dụng, mà Linh thực hiện việc "khoanh gốc triết nước” để đậu quả.
Theo Linh, vùng này sau tết sang xuân thường mưa nhiều, nếu không làm công đoạn này khó tránh thất thu. Một năm ba lần vào phân; tưới ẩm thì khá vất vả trong mùa khô, bởi mỗi lần tưới hết diện tích cam, gia đình Linh phải mất tới ba, bốn lao động làm việc cật lực trong 3 ngày. Để có nước tưới, anh phải đầu tư xây ở mỗi đồi cam một bể chứa dung tích 20 - 25 mét khối; đường điện kéo lên đỉnh đồi dài 400 - 500 mét phục vụ 2 máy bơm tưới công suất lớn; đường ống nước rải khắp các băng cây với khoản tiền hàng trăm triệu đồng cho hệ thống tưới ở 2 đồi cây này. Đường đi trong vườn được khai mở dần, Linh đầu tư gần trăm triệu để đổ bê tông rộng 50 cm, dày 8cm. Mỗi năm làm vài trăm mét, giờ đường quanh đồi cam có tổng chiều dài trên ngàn mét, bảo đảm cho xe máy lên xuống chở vật tư thuận lợi.
Vào đầu xuân có dịp đi bộ trên đồi Cột điện để trải nghiệm, tận hưởng không khí trong lành, ấm áp trong màu xanh - thơm ngút ngát của những băng cam Canh, cam V2 đang độ ra hoa và kết những trái non li ti thật chẳng gì bằng. Rồi đến tháng 11, 12, cam rộ chín lúc lỉu kéo trĩu cành mới cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đón nhận thành quả sau những tháng ngày vất vả của chủ vườn. Sức trẻ của hai vợ chồng không đảm đương hết việc, Nguyễn Đức Linh phải thuê nhiều lao động theo thời vụ bón phân, khoanh gốc triết nước, nhưng nhiều nhất là khi vụ thu hoạch đến. Có thời điểm gia đình phải thuê tới 28 lao động mới kịp cắt đủ hàng cho những chuyến xe xuôi.
"Ở Yên Bái chắc mọi người không được ăn cam nhà tôi! Xe toàn chở đi Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội anh ạ! Giá cam thương lái đặt của gia đình tôi bao giờ cũng hơn thị trường một chút!” - Linh chia sẻ.
Khâu chăm sóc, nhất là bón phân cho cam luôn được anh Nguyễn Đức Linh chú trọng đầu tư.
Có lẽ chất lượng quả cam của gia đình đã mang lại giá trị ấy, Linh bảo: "Anh em trồng cam vẫn thường xuyên trao đổi biện pháp thâm canh nhưng không cũng chưa hiểu sao cam nhà tôi vẫn được chấp nhận bán giá cao hơn!”.
Trái to đều, vỏ mỏng, múi căng mọng, nhiều nước, ngọt thanh… là những yếu tố khiến quả cam của Linh và nhiều hộ trồng ở Khe Sừng có được. Không chỉ chất, sản lượng của hộ Nguyễn Đức Linh đã tăng dần theo từng vụ. Vụ cam 2023, anh thu 54 tấn, năm 2024 khoảng 70 tấn quả, bán đều từ đầu vụ với giá 25.000 đồng/kg thu gần 2 tỷ bạc.
Sau bước đi mạnh dạn với những vụ đầu thắng lợi của Nguyễn Đức Linh, bà con trong thôn cứ vậy làm theo, đến giờ thì có tới hơn nửa số hộ dân trong thôn trồng cam, góp phần nâng tổng diện tích cây ăn quả của thôn lên 50ha. Từ những vườn cam Canh, cam V2 nhà Linh, trong thôn đã xuất hiện một số hộ thu bạc tỷ, đó là gia đình anh Phạm Văn Bình, Phạm Văn Vương, Nguyễn Văn Quân. Chưa dừng lại, không ít hộ tiếp tục mở rộng diện tích trên đất đồi kém hiệu quả như nhà Nguyễn Mạnh Hiếu, Phan Văn Dũng, Đoàn Văn Luân. Riêng Nguyễn Đức Linh thì đã thực hiện mục tiêu của mình bằng việc trồng thêm 4 ha cam mới trên diện tích quế mua được ngoài thôn Đèo Bẳn với tổng đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.
Kết thúc câu chuyện trên đồi cam bạc tỷ, người viết xin có đôi điều để ngỏ: Đầu tư lớn thì cũng có những việc mà Linh và các hộ trồng cam phải lo liệu, toan tính trong thời gian tới. Cụ thể là: Thực tế ở thôn cũng đã có những diện tích cam nhiễm bệnh chết cây; hộ ít vốn cần những khoản vay ưu đãi, nhà làm nhiều mong có hình thức bảo hiểm cho cây trồng. Với ông chủ của 2 đồi cam bạc tỷ Nguyễn Đức Linh thì việc làm thương hiệu để giữ giá trị của sản phẩm cam Khe Sừng, Tân Thịnh hay Văn Chấn đã có trong ý tưởng. Dù biết diện tích cũng chưa được bao nhiêu, nhưng đó là mong muốn của người làm nông nghiệp mà Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp phải hết sức quan tâm.
Quang Tuấn