Những chiến sĩ áo trắng nơi đảo tiền tiêu

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/2/2025 | 8:50:14 AM

YênBái - Giữa muôn trùng sóng vỗ, những bác sĩ quân y trên quần đảo Trường Sa không chỉ là những người thầy thuốc tận tâm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên đảo, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho những ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các y, bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo
Các y, bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo


Ấm áp nghĩa tình quân dân

Xa đất liền hàng trăm cây số, những bệnh xá ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe của CBCS và người dân trên đảo. Mặc dù trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, song đội ngũ y, bác sĩ nơi đây luôn khắc phục khó khăn, hết lòng chăm sóc sức khỏe quân và dân, trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển; giúp CBCS yên tâm công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Sinh sống trên xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa gia đình chị Nguyễn Thị Lơ cũng như nhiều người dân nơi đây rất yên tâm mỗi khi cần thăm khám sức khỏe, bởi vì bệnh xá trên đảo đã có những y, bác sĩ tay nghề cao, luôn trách nhiệm và tận tâm với người bệnh. Các bác sĩ còn là những người hướng dẫn cho người dân về các biện pháp chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh, phòng ngừa bệnh tật. 

Chị Lơ cho biết: "Gia đình tôi có con nhỏ nên thường đến bệnh xá để bác sĩ thăm khám. Bác sĩ ở đây rất tận tình quan tâm đến các cháu, các cháu cũng rất thích bác sĩ. Ở đây, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ được các bác sĩ cấp miễn phí. Chúng tôi rất yên tâm, không còn lo lắng mỗi khi trái gió trở trời”.

Hiện nay, bệnh xá đảo Song Tử Tây được trang bị khá đầy đủ trang thiết bị y tế nhằm đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và Nhân dân trên đảo cũng như ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển. Bên cạnh đó, bản thân các thầy thuốc nơi đảo xa không ngừng tự học tập và học hỏi lẫn nhau để nâng cao trình độ bản thân. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh xá đã khám và cấp phát thuốc cho gần 800 lượt CBCS và ngư dân; cấp cứu và điều trị 45 trường hợp. Trong đó kết hợp với Bệnh viện 175 chuyển bằng trực thăng 2 trường hợp để kịp thời điều trị trong đất liền. 

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Huy - Bệnh xá đảo Song Tử Tây chia sẻ: "Mặc dù cơ sở vật chất ở đây còn nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế không thể đủ như trong bờ. Tuy nhiên, với sự cố gắng của quân, dân và kíp quân y trên đảo thì chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng về tinh thần lẫn chuyên môn, trách nhiệm để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân cùng với ngư dân vươn khơi bám biển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn đặt ra”.

Với đội ngũ thầy thuốc được tăng cường từ các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 105, Bệnh viện Quân y 175 và một số bệnh viện khác. Những chiến sĩ áo trắng nơi đảo tiền tiêu được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng chấp nhận gian khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. 

Với mục tiêu thu dung, điều trị cho quân và dân trên đảo, bệnh xá của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trách nhiệm được giao, thực sự là điểm tựa vững chắc cho quân, dân trên đảo và ngư dân. Nếu như trước đây, với các ca bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị, bệnh nhân phải chờ tàu hàng, tàu cá vào đất liền, thì nay, với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, có kỹ thuật chuyên môn sâu nên đã thực hiện được nhiều ca phẫu thuật khó, nhiều bệnh nhân nặng được cấp cứu kịp thời, mang lại niềm vui cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, hạn chế thấp nhất việc chuyển bệnh nhân vào đất liền. 

Thiếu tá Trần Văn Tuần - Kỹ thuật viên X-Quang - Bệnh xá đảo Song Tử Tây bày tỏ: "Tôi rất tự hào khi được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CBCS và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa bởi đây là nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý. Đội ngũ bác sĩ chúng tôi xem mọi người trên đảo, các ngư dân như người thân của mình, luôn tận tâm, tận tình chăm sóc, điều trị”.

Còn tại bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông, dù trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh còn nhiều khó khăn, song đội ngũ y, bác sĩ trên đảo luôn nỗ lực hết mình chăm sóc sức khỏe cán bộ, Nhân dân. Với các chiến sĩ, người dân ở đảo tiền tiêu thì trách nhiệm này còn nặng nề hơn do trang thiết bị không được hiện đại như đất liền. Gần đây nhất, Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông chữa trị thành công 3 trường hợp ngư dân bị giảm áp - bệnh nguy hiểm thường gặp ở những người lao động trên biển. 

"Dù cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng chúng tôi luôn tận dụng tối đa những gì hiện có. Khi trang thiết bị hỏng hóc, chúng tôi phải tự sửa chữa để đảm bảo công việc khám chữa bệnh không bị gián đoạn. Đặc biệt có sự hỗ trợ từ bệnh viện trong đất liền, thực hiện hội chẩn thông qua hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa Telemedicine khi cần thiết, nên việc khám chữa bệnh cũng thuận lợi hơn. Tình yêu dành cho quê hương và Trường Sa là động lực thôi thúc tôi trở thành một người thầy thuốc tốt, luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho Tổ quốc" - Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Phú - Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn Đông xúc động bày tỏ.

Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Cách đất liền hàng trăm hải lý, công tác khám, điều trị bệnh cho bộ đội và người dân trên đảo không hề dễ dàng, điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng các chiến sĩ quân y đã vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "Lương y như từ mẫu”, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, nhiều ca bệnh khó đã được xử lý kịp thời để cứu giúp ngư dân khi bị nạn. Mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu của Vùng 4 Hải quân thực sự là điểm tựa, là niềm tin vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. 


Các y, bác sĩ bệnh xá đảo Sinh Tồn tiếp nhận và cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn lao động khi khai thác hải sản trên biển.

Cụ thể, tối 29/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), quân y đảo Sinh Tồn đã tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Huỳnh Văn Đủ (sinh năm 1974, tỉnh Bình Định) bị thoát vị bẹn trái. Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 29/1, khi đang khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Sinh Tồn khoảng 5 hải lý, ngư dân ngư dân Huỳnh Văn Đủ đang kéo cá, thấy khối u gần bẹn trái dần to lên, căng cứng, đau nhiều, nghỉ ngơi không đỡ, nên được các ngư dân trên tàu cá KH 96543 TS đưa vào đảo Sinh Tồn cấp cứu. Khi đưa vào đảo, cán bộ, chiến sĩ và quân y trên đảo đã thăm hỏi, động viên và vận chuyển đưa bệnh nhân vào bệnh xá đảo cấp cứu. 

Qua thăm khám, quân y đảo Sinh Tồn chẩn đoán, bệnh nhân bị thoái vị bẹn trái kích thước lớn, dọa nghẹt và đã tiến hành phẫu thuật. Sau hơn 3 giờ tiến hành, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, trở về đất liền. 

Sau đó vài ngày, vào ngày 4/2, Bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận và cấp cứu cho một ngư dân tàu cá tỉnh Bình Định, ngư dân Võ Xuân Vĩ bị tai nạn lao động. Trong khi đang làm việc trên tàu, bàn tay phải của anh Vĩ bị cuốn vào máy xay đá gây chảy máu nhiều. Ngư dân được các thuyền viên trên tàu BĐ 98524 TS sơ cứu, băng bó vết thương. Đến 9 giờ 30 phút ngày 4/2, ngư dân được đưa vào đảo Song Tử Tây cấp cứu.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn trường hợp ngư dân được cấp cứu kịp thời khi đang đánh bắt hải sản trên biển thuộc quần đảo Trường Sa. Đại tá Đỗ Hải Đăng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân đánh giá: "Trong điều kiện khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết giữa biển khơi, đội ngũ thầy thuốc tại các đảo trên quần đảo Trường Sa đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CBCS, Nhân dân và ngư dân. Nhờ đó, góp phần để CBCS, Nhân dân và ngư dân an tâm, luôn vững chắc tay súng, bám giữ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Giờ đây, quân dân trên quần đảo Trường Sa và ngư dân hoạt động trong ngư trường rất yên tâm về điều kiện khám chữa bệnh, tin tưởng vào tay nghề của lực lượng y bác sỹ quân y nơi đây. Nhiều trang thiết bị hiện đại đã được trang bị để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh như: Hệ thống khám chữa nha khoa, máy chụp X-Quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4 chiều, máy gây mê kèm thở… Và đặc biệt là hệ thống Telemedicine - khám chữa bệnh từ xa, giúp các bác sỹ đầu ngành từ trong đất liền có thể hỗ trợ tối đa cho việc chẩn đoán, điều trị hay những ca mổ phức tạp. 

Trung tá Vũ Mạnh Hải - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân nhận xét: "Các y, bác sĩ quân y ở đây là những người có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc. Họ đã xung phong ra các đảo tiền tiêu để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và Nhân dân, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Các y, bác sĩ  trên đảo đều là những cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, nhiệt tình, thích nghi nhanh với môi trường biển đảo và đặc thù của các hoạt động khắc nghiệt nơi tuyến đầu thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân và ngư dân”,

Trường Sa không chỉ là nơi bảo vệ chủ quyền biển đảo, mà còn là nơi tình người gắn kết, nơi những bác sĩ quân y hết lòng chăm sóc sức khỏe cho CBCS và Nhân dân xứng đáng với danh hiệu cao quý "Lương y phải như từ mẫu”. 

Mạnh Cường

Tags Yên Bái cán bộ chiến sĩ quân y thầy thuốc Trường Sa Sinh Tồn Song Tử Tây

Các tin khác
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh kiểm tra mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực, từng bước thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội.

Tiết học của học sinh Trường THCS Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Từ ngày 14/2/2025, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch ôn tập của học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 và học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc dừng dạy thêm, học thêm trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa đến các kỳ thi quan trọng khiến nhiều học sinh lo lắng về khả năng củng cố kiến thức và kết quả các Kỳ thi.

Hộ ông Đặng Quý Sơn ở thôn Tháp Cài, xã Viễn Sơn là hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới năm 2025.

Ngôi nhà không chỉ là nơi ở mà còn nuôi dưỡng, nung nấu những ước mơ vươn lên từ nghèo khó. Tại huyện Văn Yên - một vùng đất nổi tiếng với những rừng quế xanh mướt, hàng trăm hộ dân từng sống trong cảnh tạm bợ nay đã có mái ấm kiên cố. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho họ mà còn là minh chứng cho chính sách nhân văn của chính quyền địa phương “Không để ai bị bỏ lại phía sau”!

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng đường nối quốc lộ 32 với tỉnh lộ 174.

Hơn 60 năm kể từ ngày thành lập, huyện Trạm Tấu không ngừng chuyển mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hành trình đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xem là ưu tiên chiến lược hàng đầu, mở ra những con đường kết nối vùng miền, khơi thông "huyết mạch" kinh tế. Đây chính là động lực mạnh mẽ giúp đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại Trạm Tấu có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, trọn vẹn ước vọng mùa xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục