Trên đỉnh Háng Blaha B
- Cập nhật: Thứ hai, 7/6/2010 | 9:18:18 AM
YBĐT - Chiếc xe đổ dốc, thời tiết vùng cao sớm hè thật mát mẻ, dễ chịu nhưng hình ảnh đám trẻ con bên nồi cơm nhà anh Vàng A Chu và chị Lù Thị Dê cứ ám ảnh mãi, cái sự đói nghèo như thể sẽ còn kéo dài phía chân trời mờ xa.
Bữa cơm sáng của gia đình anh Chu.
|
Anh Lù A Páo – cán bộ Trung tâm Dân số/ Kế hoạch hoá gia đình (DS/KHHGĐ) huyện Mù Cang Chải bảo: “Bây giờ, bà con người Mông đang chuẩn bị cho vụ mùa nên khó gặp lắm, nếu không sáng sớm tinh mơ thì phải tối mịt. Đi 5 giờ, 6 giờ tới nơi, họ còn ở nhà. Đi buổi tối thì hơi bất tiện vì mùa này, chiều tối rất hay mưa…”.
Con đường ngoằn nghèo, chon von lưng chừng núi, rẽ một lối mòn nhỏ là đến nhà của gia đình Vàng A Chu và Lù Thị Dê, thôn Háng Blaha B thuộc xã Khau Mang.
Ngôi nhà được lợp bằng tấm phi brô xi măng do thuộc diện nghèo nhất thôn nên được Nhà nước cho 60 tấm lợp để xoá nhà dột nát. Trong nhà không có thứ gì đáng giá ngoài con dao, cái giường ọp ẹp và mấy bó rau vất ngổn ngang phía cửa ra vào… Chưa đến 6 giờ sáng, nhà Vàng A Chu bếp lửa đã bập bùng. Người con dâu thứ 2 nhà Chu đang ngồi đảo chảo canh, thức ăn sáng đi nương của cả nhà. Đứa nhỏ chừng hơn 1 tuổi khuôn mặt ngoe nguếch, không mặc quần để lộ đôi bàn chân nhỏ xíu đen đúa ghì chặt lấy chân mẹ nó, mắt hau háu nhìn nồi canh mà nhìn từ xa ngỡ tưởng là nồi cám lợn. Trên chiếc giường ọp ẹp, chiếc chăn đã ngả màu khói quây tròn mấy đứa nhỏ đang nồng giấc. Giường bên trái nhà là cu cậu Vàng A Ninh, thỉnh thoảng lại hét toáng rồi lên cơn co giật.
Người anh thứ 2 Vàng A Thao 22 tuổi, tóc tai xũ xượi, mặt vẫn đang ngái ngủ nhanh tay với lấy cái điều cày làm một mồi thuốc. Thở khói dài, đôi mắt dài dại, Thao bảo: “Thằng Ninh nó bị bệnh co giật cách đây 2 năm rồi. Gia đình không có tiền mua thuốc cho nó. Lúc nó khoẻ thì nó chạy đi chơi, lúc ốm thì cứ nằm ở góc giường đó thôi!”. Mẹ của Thao và Ninh là Lù Thị Dê mới có 36 tuổi nhưng thoạt nhìn phải tưởng ngoài 50: đuôi tóc bỏ thõng nom như cái đuôi bò, khuôn mặt xanh xao thêm hàng răng lô nhô. Chị Dê uể oải: “Đói lắm! Gia đình thường thiếu ăn từ 4 đến 5 tháng. Lúc ấy, người lớn thì đi làm thuê hoặc lên rừng kiếm củ mài, cái rau ăn qua bữa. Rau nhiều khi cũng hiếm, không thì chỉ có muối thôi à! Mà nhiều khi muối cũng chẳng có mà ăn”.
- Thế gia đình mình có mấy người?
- 14 người. 2 con đầu đã có vợ và sinh cháu, cùng với vợ chồng tôi và 8 đứa con.
- Các cháu có được đi học không?
- Không! Từ đứa lớn Vàng A Lu 25 tuổi cho đến nhỏ nhất Vàng A Thế 4 tuổi chưa đứa nào biết cái chữ ra sao!
- Sao không cho chúng đi học?
- Ăn còn chẳng đủ lấy tiền đâu mà đi học!
- Khó khăn thế sao cứ thích đẻ nhiều?
Không câu trả lời, sự im ắng bao trùm căn nhà nhỏ. 14 miệng ăn trông vào chưa đầy 5 sào ruộng, có cơm vài tháng còn lại là những ngày sống bằng củ sắn, củ mài, rau rừng. Không hiểu anh Chu, chị Dê có bao giờ nghĩ đến những đứa con của mình không được học hành và thằng nhỏ bị co giật kia chính là hệ quả tất yếu của việc đẻ quá nhiều không có điều kiện chăm sóc? Tôi dám chắc là có, bởi cha mẹ nào chẳng thương con. Điều đó là nỗi chua xót trong những câu chuyện chị xẻ chia với chúng tôi mà nhờ có anh Páo phiên dịch, tôi cũng hiểu phần nào.
Trước kia, chị Dê cũng thuộc diện xinh đẹp nhất, nhì trong bản. Trong số nhiều chàng trai để ý chị, anh Chu là người may mắn hơn cả. Thế rồi từ ngày lấy anh Chu đến giờ, không ngày nào chị không phải thức khuya dậy sớm quần quật kiếm cái ăn. Con cứ đứa này sinh ra tiếp đứa khác. Nhiều lần cũng được hội phụ nữ, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên của thôn, xã xuống động viên, tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, chị Dê cũng đã đặt vòng song chẳng hiểu nghĩ thế nào lại tháo ra, đến hôm nay anh chị đã có 8 mặt con.
“Cái vợ thằng thứ 2 đang đảo rau kia kìa, sao mà giống mình trước đây quá? Cứ nhìn thấy nó mà mình tủi thân. Mình nghèo quá không giúp gì được chúng nó, thôi thì có gì ăn nấy. Nhưng mình lo nhất vẫn là đứa con của chúng nó, đời nó chắc lại giống bố mẹ mà thôi!”. Hai vệt nước mắt khẽ rỉ ra từ hốc mắt thâm quầng của người mẹ. Câu chuyện bỗng ngừng hẳn khi chồng chị, anh Vàng A Chu từ ngoài bước vào. Chẳng là sớm nay khi chúng tôi đến thì anh đã đi rồi. Anh đi ra nương coi nước để làm mạ chuẩn bị cấy lúa mùa. Đám trẻ thấy ông, bố chúng về thì mừng lắm! Mừng vì sắp được ăn. Không đứa nào bảo đứa nào, bỗng chốc cứ thoăn thoắt đứa bưng chậu cơm, đứa lấy ghế, lấy bàn…
Chưa đầy 5 phút sau, một bữa ăn gọi là “cực thịnh soạn” của gia đình để đãi khách. Anh Chu xuề xoà: “ Đã đến đây thì phải ngồi ăn với nhau một bát…”. Tôi gắng không để anh chị phật lòng. Bữa ăn ngoài một chậu cơm nương trắng muốt, ruồi nhặng bám đầy còn 2 bát rau nấu lúc trước và mấy chiếc đũa, thìa lỏng chỏng. Đám trẻ mắt cứ đổ dồn về phía nồi cơm, có đứa bụng không chịu được phát ra tiếng òng ọc.
Chúng nhìn chúng tôi vẻ mời mọc lắm, vì chúng tôi có ngồi thì chúng mới được ăn. Cái cảnh chúng ăn, tôi dám chắc các bà mẹ, các gia đình dưới thành phố, thị xã mà thấy không rơi nước mắt mới là lạ. Xong cơm đến giờ lên nương. Cô con dâu thứ 2 và mấy cô em chồng đã chuẩn bị xong cơm nắm và ít muối buộc chặt trong gùi để bữa trưa ăn luôn tại nương. Vợ chồng anh chị Chu muốn tiếp chúng tôi lắm, trước khi đi họ vẫn cố ngoái lại: “Các anh thông cảm, không đi thì không có cái ăn đâu!”. Những lời nói mộc mạc khiến lòng người day dứt.
Chiếc xe đổ dốc, thời tiết vùng cao sớm hè thật mát mẻ, dễ chịu nhưng hình ảnh đám trẻ con bên nồi cơm nhà anh Vàng A Chu và chị Lù Thị Dê cứ ám ảnh mãi, cái sự đói nghèo như thể sẽ còn kéo dài phía chân trời mờ xa. Đúng như lời anh Vàng A Trở - cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ xã Khau Mang, nhà chỉ cách gia đình anh Chu chừng hai chục mét: “Đó là một trong những gia đình nghèo và đông con nhất của thôn Háng Blaha B. Mùa này các anh đến còn có cái ăn đấy, chứ cách đây chừng 3 tháng thì cả nhà vào rừng đào củ hết!”.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với 16.500 ha mặt nước và 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Để nhường đất cho việc đắp đập ngăn sông xây dựng Thuỷ điện Thác Bà, hàng nghìn hộ dân vùng hồ đã hy sinh những mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” để tới định cư trên những dải đất đồi gò ven hồ.
YBĐT - Trong bản chỉ cần có một đám cỗ là tất cả lũ trẻ lại bỏ học. Những ngày mưa hay vào mùa giáp hạt lớp học chỉ có vài em, đó là thực trạng của điểm trường Khe Mạ, thuộc Trường tiểu học và trung học cơ sở Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái).
YBĐT - Vài năm trở lại đây, cứ vào mùa nước cạn, người dân ở nhiều nơi lại đổ về hồ Thác Bà đánh bắt cá, đặc biệt nghiêm trọng là họ sử dụng các phương tiện hủy diệt nguồn thủy sản trên hồ. Những người dân sống ở khu vực quanh hồ Thác Bà nói rằng, chỉ vài năm nữa nguồn thủy sản vùng hồ sẽ cạn kiệt...
YBĐT- Một con đèo nổi tiếng góp phần dệt nên huyền thoại Điện Biên Phủ mà chỉ được ghi danh qua những tấm biển chỉ đường thì quả là không xứng với tầm vóc lịch sử của nó! Chợt nghĩ, nếu ở đoạn bằng phẳng, rộng rãi nơi ngã ba gần đỉnh đèo có một tượng đài hay một tấm biển lớn “trích ngang” lịch sử đèo Lũng Lô để mọi người qua đây nghỉ chân chiêm ngưỡng sẽ thật ý nghĩa biết bao...