Vượt lên nỗi đau da cam

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2010 | 10:13:38 AM

YBĐT - Cầm súng đi khắp các chiến trường, đối mặt với kẻ thù gian ác nhưng cũng không thể làm cho ông chùn bước. Rồi hoà bình lập lại, ông trở về quê hương lập gia đình và sinh ra những đứa con thì lại là lúc cuộc đời ông rơi vào tuyệt vọng, cả 6 người con ông dứt ruột đẻ ra đều ít nhiều nhiễm chất độc mang tên màu da cam. Nhưng dù đắng cay những con người đó vẫn cố gắng vượt lên, sống bằng chính nghị lực trái tim. Ông là Sầm Văn Sơn, thôn 7 Tân Lập, xã An Phú - Lục Yên.

Sinh con trong nước mắt

Chúng tôi tìm về nhà ông trong một cơn mưa cuối hạ. Một ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm nép mình bên cánh đồng lúa, bước chân vào nhà cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là ba con người đang co ro bên một chiếc giường nhỏ, bao gồm bà Lộc Thị Chầng vợ ông Sơn và hai người con gái tật nguyền. Ông Sơn cùng người con trai đi làm mướn nên chúng tôi phải chờ đến trưa mới gặp được ông.

Đó là một người đàn ông nhỏ thó xanh xao, toàn thân ngập ngụa trong bùn đất. Nỗi đau da cam đã làm cho ông trở nên tàn tạ cùng đôi mắt quầng thâm. Bên ấm chè xanh, cuộc trò chuyện đầy xúc động theo những trang ký ức đau đớn về gia đình ông Sơn cứ dần bung ra trong tiếng nấc.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1972 ông Sơn đã cùng bao thanh niên khác trong làng nhập ngũ và tham gia kháng chiến chống Mỹ ác liệt. May mắn hơn biết bao người, đến năm 1974 hoàn thành nhiệm vụ, ông lành lặn trở về quê hương. Rồi ông cũng lập gia đình và sinh con để mong có người nối dõi tông đường. Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao đó đã không đến khi những đứa con lần lượt sinh ra trong sự èo oặt và ốm yếu. “Đẻ đứa đầu lòng là con trai, cả nhà vui lắm, rồi cả 5 đứa sau đứa nào cũng lành lặn cả tưởng chừng như gia đình sẽ được yên vui. Nhưng khi lớn lên mới biết chúng không bình thường như những đứa trẻ khác. Đứa thì chân tay cứ teo tóp đi, đứa thì yếu ớt bệnh tật, đứa thì mặt mày biến dạng. Nhìn con mà vợ chồng tôi chỉ biết khóc!” bà Chầng nói trong nghẹn ngào.

Tuy đến nay đã có hai người con trai lớn là anh Sầm Văn Liên (SN 1978), anh Sầm Văn Việt (SN 1982) và chị Sầm Thị Lý (SN 1980) may mắn đã lập gia đình. “Chúng nó dù có lấy vợ lấy chồng, không sống ở cái nhà này nữa nhưng cũng vẫn khổ cả thôi vì bệnh tật như chúng nó thì gia cảnh giờ còn khổ hơn cả tôi”, ông Sơn nghẹn lời. Nhìn khắp nhà không một đồ dùng nào đáng giá, không đài, không ti vi, không quạt điện, rồi chiếc xe đạp cũng không có nổi. Từng đó cũng đủ để hiểu rằng họ đã phải sống thiếu thốn và khổ cực đến chừng nào.

Vượt lên nỗi đau

Hiện nay hai vợ chồng ông Sơn đã gần 60 tuổi, ở cái tuổi này khi con cái đã lớn đáng lẽ ông bà đã được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu, thế nhưng hai ông bà vẫn phải là lao động chính làm lụng vất vả nuôi hai người con gái tật nguyền. Hai người con gái là Sầm Thị Chì (SN 1985) và Sầm Thị Luật (SN 1989) ở cái tuổi đẹp nhất của thời con gái nhưng đắng cay thay khuôn mặt các chị lại mang hình nỗi đau màu da cam.

Bao năm tháng cống hiến nơi chiến trường ngày về lại gồng mình chống chọi với nỗi đau da cam sức khỏe của ông Sơn nay gần như đã kiệt. Nhưng còn đó hai đứa con tội nghiệp ông bà ngày ngày vẫn phải ruộng nương, làm thuê làm mướn kiếm từng đồng mắm muối và thuốc thang cho hai con. “Mình còn cố được thì cố mà làm thôi, sức khoẻ của vợ chồng tôi nay yếu lắm rồi, cả tôi và bà ấy đau ốm suốt. Nhưng nhìn con đau đớn mỗi khi trái gió trở trời, nếu lại thêm đói ăn nữa vợ chồng già tôi không đành lòng. Nhiều hôm đi làm được một buổi thì nằm cả tuần nhưng đỡ mệt là vợ chồng tôi lại phải đi làm” - ông Sơn nói.  

Còn hai người con gái của ông tuy không lành lặn và đau ốm liên miên nhưng thương cha mẹ hai cô đã mạnh dạn mở một sạp hàng con con để kiếm thêm đồng mắm muối. Sạp hàng chỉ có vài gói muối, mì tôm, một chút hàng khô nhưng với hai chị em đó lại là một gia tài lớn, là công việc mà hai chị em thể hiện được quyền làm người của mình. “Mình mở quán nhỏ không có hàng mấy, nhưng hàng xóm thấy thương mình thi thoảng lại ghé qua mua nên có ngày cũng kiếm được tiền rau, cháo”, chị Lý cười tươi. Không đi làm đồng cùng cha mẹ được nhưng việc nhà hai chị em luôn chu tất, nấu cơm, nấu nước rồi quét dọn  cửa nhà.

Với hai vợ chồng ông Sơn thì việc về đến nhà được ăn miếng cơm của hai con nấu đã là quá đủ, chính điều đó là động lực khiến cho hai vợ chồng ông vượt lên bao nỗi đau bệnh tật gần 30 năm qua để lo cho các con không đói dù chỉ là một bữa. Bữa cơm chỉ là rau cháo qua ngày nhưng nó đã thể hiện một nghị lực lớn lao, một ý chí không chịu gục ngã trước cuộc đời. Nhưng rồi ông Sơn cũng không khỏi lo lắng khi nhắc đến tương lai: “Nếu vợ chồng tôi chết đi không biết chúng sẽ sống ra sao?”.

Triệu Huấn

Các tin khác
Ông Quang rất chịu khó nghiên cứu sách kỹ thuật và các biện pháp phòng trừ bệnh trong chăn nuôi.

YBĐT - Nhờ nuôi thỏ, năm 2008, trang trại thỏ của ông Nguyễn Huy Quang cho thu nhập trên 100 triệu đồng, năm 2009 là 180 triệu đồng và năm 2010 này sẽ là cao hơn nhiều khi số lượng thỏ nuôi theo dự định sẽ tăng lên gấp đôi.

Tháp Bayon 4 mặt người ở Angkor Thom (Siêm Seap).

YBĐT - Angkor Wat (hay Ăng-kor Vat), còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom thì được gọi là đền Đế Thích, cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. >>>Cao Miên ký sự

AngkorWat nhìn từ phía sau.

YBĐT - Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ láng giềng và tình hữu nghị thuỷ chung Việt Nam – Campuchia vẫn không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.

Phân trại quản lý phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh.

YBĐT - Cách có một bước chân, một cánh cổng, một cánh tay vẫy mà lại là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Thế giới của những phạm nhân đang lầm lũi cải tạo, của những bị can đang chờ ngày phán quyết và cũng là thế giới của một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an không quản ngày đêm đối mặt với khó khăn, với những nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn nghề nghiệp khi trực tiếp tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với các đối tượng mà xã hội đã phải cho sống cách ly...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục