Bên trong cổng trại
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/7/2010 | 9:19:30 AM
YBĐT - Cách có một bước chân, một cánh cổng, một cánh tay vẫy mà lại là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Thế giới của những phạm nhân đang lầm lũi cải tạo, của những bị can đang chờ ngày phán quyết và cũng là thế giới của một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an không quản ngày đêm đối mặt với khó khăn, với những nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn nghề nghiệp khi trực tiếp tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với các đối tượng mà xã hội đã phải cho sống cách ly...
Phân trại quản lý phạm nhân ở Trại tạm giam Công an tỉnh.
|
Chuyện về những "kho người sống"
Hò hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng dành được một ngày đến thực tế tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Từ đường quốc lộ 37 theo hướng Yên Bái – Hà Nội, đoạn Km 8, theo biển chỉ dẫn, rẽ trái chưa đầy 500 mét là tới Trại tạm giam Công an tỉnh. Cách cổng trại một đoạn là căng tin bán đồ thăm gặp dành cho người nhà phạm nhân. Có hai người phụ nữ đang lúi húi trả tiền và lỉnh kỉnh xách những túi đồ vào phòng chờ làm thủ tục.
Chị là Lê Minh A... ở thành phố Yên Bái cùng con gái vào thăm chồng là phạm nhân vô ý làm chết người đang cải tạo trong trại. Chị cho biết, đây là lần thứ hai chị vào thăm người thân và đều được cán bộ công an Trại tiếp đón ân cần, lịch sự. Mặc dù không được phép mua đồ từ ngoài vào tiếp tế để đảm bảo an toàn như quy định của trại, nhưng mua ở căng tin giá cả cũng không khác gì giá bán của các đại lý bên ngoài, trừ một vài thứ đồ không có. Đúng là phải được "mục sở thị" mới biết, trại tạm giam này thực sự là một "kho người sống" với đầy đủ ý nghĩa của những ái, ố, hỷ, nộ.
Kẻ táo tợn, hung bạo mới bị bắt vào, kẻ côn đồ, du đãng lên gân anh chị khi bị giam lâu, kẻ như câm điếc giữa "kho người" đầy những toan tính, âm mưu, mánh khóe tìm đủ cách vượt ngục, thậm chí có kẻ giả ngây giả ngô, giả cả ốm đau để được vào bệnh viện “nằm điều trị”. Chúng tôi còn được thấy ánh mắt, sự hối cải muộn màng của những người bừng tỉnh sau tội ác đang thấy ngấm, thấy đau, thấy sợ cảnh tù đày và cay đắng nuốt nước mắt vào trong khi cánh cổng trại sập khóa. Đối nghịch với đó lại là nét mặt hân hoan, tâm hồn phấn chấn của những người cải tạo tốt may mắn có tên trong danh sách bình chọn mà Trại vừa lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét đặc xá, giảm án.
Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh – Thượng tá Tạ Khắc Hồng vừa đi vừa bổ sung thêm cái nhìn tổng quan của tôi về nhiệm vụ của những cán bộ, chiến sỹ Trại giam, vừa tiết lộ: “Còn một hình ảnh nữa mà phải đợi đến dịp Quốc khánh 2/9 này nhà báo sẽ được chứng kiến sau khi lãnh đạo Trại công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Đó sẽ là hình ảnh ấn tượng nhất, nó góp phần đem lại niềm vui lớn nhất cho tập thể cán bộ, chiến sỹ của Trại”. Rồi anh kể cho tôi về hình ảnh mà không thể bút nào diễn tả nổi sự sung sướng đến vỡ oà khi một phạm nhân nam được trở về đoàn tụ với gia đình. Giọng của thượng tá Hồng trầm xuống: “Thằng bé chạy như bay, nhưng đôi chân nó vẫn muốn phải thật nhanh hơn nữa để mau chóng thoát ra khỏi cánh cửa trại mà phía trước là vòng tay giang rộng hết cỡ của những người thân yêu ruột thịt...”.
Thì ra, các anh, các chị ở Trại tạm giam mà người dân vẫn quen gọi là “Trại cây tám” không đáng sợ, không lạnh lùng như người ta vẫn tưởng. Rằng “Họ suốt ngày tiếp xúc, ăn ngủ cùng “thế giới riêng” của tù làm gì chẳng ghê gớm? Rằng: “Vào đấy á? Xong rồi. Công an “tẩn” chết”. Vân vân và vân vân, những điều bên ngoài mà bất kể ai nghe được nếu chưa từng một lần vào Trại giam thì chưa thể khẳng định có hay không những lời thị phi đồn đại của thế gian ấy là thật hay giả. Có lẽ tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Bởi chưa có một cơ sở nào, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn nào mà một nhà báo có trên 15 năm công tác như tôi phải đi thực tế tới 2 lần mới dám đặt bút cho 1 bài viết như lần thực tế tới Trại tạm giam này.
Và những "thủ kho" dày kinh nghiệm
Trại tạm giam Công an tỉnh có nhiệm vụ quản lý giam giữ phạm nhân, giáo dục bị can, phạm nhân đảm bảo phục vụ hoạt động điều tra của các cơ quan chức năng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, giám thị trại đã cùng tập thể lãnh đạo trại thường xuyên chỉ đạo trinh sát và cán bộ quản giáo tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình phạm nhân, ngăn chặn kịp thời những âm mưu trốn trại, đánh lộn trong phòng giam bằng những biện pháp cứng rắn, cương quyết. Ban ngày quản lý đã khó vì các khu giam giữ rộng lại cách xa nhau, nhưng ban đêm, nhất là những đêm trời mưa gió, bão lũ, giám thị và lãnh đạo trại phải phân công nhau cùng với trinh sát đi tuần tra, giám sát kỹ lưỡng từng khu, từng phòng, buồng giam đề phòng các đối tượng đào tường, khoét ngạch bỏ trốn. Những đối tượng giả ốm đòi đi viện, ít nhất phải có 3 cán bộ, chiến sỹ cùng ra giám sát và cảnh giác trước âm mưu bỏ trốn của đối tượng.
Phạm nhân trong trại tất cả đều được đưa đến từ các địa bàn khác nhau của tỉnh, họ mang theo vào trại đủ mọi thói hư, tật xấu với các tội danh ngoài xã hội như: đánh chửi vợ con, hành hung, ngược đãi cha mẹ, trộm cắp, cướp của, giết người... nên cũng thừa mánh khóe đối phó với cán bộ quản giáo.
Ở Trại tạm giam này, song song với việc quản lý tốt các đối tượng bị tạm giam theo yêu cầu nhiệm vụ, trại còn có nhiệm vụ giáo dục các phạm nhân lao động cải tạo để sớm được hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng. Mặc dù số lượng phạm nhân đang lao động cải tạo tại trại chỉ chiếm 15% nhưng công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở đây luôn được lãnh đạo và các cán bộ quản giáo coi trọng.
Theo chân một chiến sỹ trinh sát tới khu trồng rau xanh của đội 2 chúng tôi được tiếp xúc với nữ Trung tá Đào Thị Hoa, Đội phó Đội quản giáo của Trại tạm giam, là một trong những “thủ kho” giàu kinh nghiệm với bề dày 25 năm làm công tác quản giáo. Trước mắt tôi là một nữ công an mặc quân phục chỉnh tề, gương mặt cương nghị với đôi mắt sắc đang giám sát các phạm nhân lao động. Sau tiếng hô ngắn gọn của chị, tất cả đều răm rắp tuân lệnh, ai vào việc nấy. Người làm đất, người nhổ cỏ, xới gốc, người xách nước tưới rau.
Đến bên một phạm nhân trẻ tuổi nhất tôi hỏi: Cháu tên gì? Dạ thưa, Trần Văn Cảnh. Nhà cháu ở đâu? Dạ ở xã Sơn Thịnh (Văn Chấn). Cháu phạm tội gì, án bao lâu? Dạ thưa tội của cháu là trộm cắp vặt, án 9 tháng. Cháu lao động thế nào, có thấy vất vả không? Lúc đầu vào cháu rất sợ. Là con thứ 3 trong gia đình 4 anh em, những công việc này ở nhà cháu chưa từng làm bao giờ nhưng vào đây có cán bộ Hoa chỉ dạy cháu đã làm được hết. Cán bộ bảo cháu cải tạo tốt sẽ trở về làm người có ích, tự lao động và không đi trộm cắp nữa. Cháu rất biết ơn cán bộ.
Còn phạm nhân Phan Văn Chiến, nhà ở xã Hợp Minh lĩnh án 2 năm về tội danh ma tuý lại thật thà: “Có được sự giáo dục của cán bộ, được tham gia lao động cải tạo tôi mới biết tội đó nguy hiểm cho xã hội thế nào. Nói thực, tôi đã cải tạo được 20 tháng, thời gian cải tạo, lao động ở trại đủ để tôi suy nghĩ, thấu hiểu và ghê sợ những hành vi mình đã làm ngoài xã hội mà quyết tâm sửa đổi lỗi lầm”.
Cách giáo dục người lầm lỗi hướng thiện của chị Hoa rất khắt khe, cương quyết nhưng cũng thật chân tình như người mẹ, người chị trong một gia đình lớn nên các phạm nhân ở đây đều tâm phục, khẩu phục. 25 năm trong nghề quản giáo, chưa hề có một trường hợp nào phạm nhân của chị chạy trốn, đó là điều mà không phải bất cứ một cán bộ trại giam nào cũng làm được nếu không có lòng yêu nghề và tâm huyết với nghề như chị. Với cách giáo dục ấy, qua những năm công tác trực tiếp, chị Hoa và các cộng sự của mình đã giúp cho hàng trăm lượt phạm nhân được giảm án, đặc xá và ra tù trước thời hạn.
Trung tá Đào Thị Hoa hướng dẫn các phạm nhân lao động.
Phần thưởng nào có hậu?
với Trung tá Đào Thị Hoa, với những cán bộ, chiến sỹ công an đang trực tiếp làm nhiệm vụ tại Trại tạm giam Công an tỉnh chúng tôi mới thực sự thấu hiểu những vất vả cũng như khó khăn mà họ phải đối mặt để vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Bởi phía sau cổng trại ấy là những “kho hàng” khổng lồ. Trong cái “kho” ấy chẳng phải một mặt hàng cố định mà nó là thứ hàng hóa đặc biệt biết vận động thường xuyên liên tục, là những đối tượng đặc biệt cần cách ly khỏi đời sống xã hội, nhiều trường hợp ngay cả người thân gia đình đã ruồng bỏ, bó tay vì nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV. Có trường hợp đối tượng bị chuyển giai đoạn AIDS chết ngoài bệnh viện, gia đình không đến nhận, các cán bộ, chiến sỹ của Trại lại phải trực tiếp đứng ra làm thủ tục mai táng mà không đòi hỏi bất kỳ một chế độ, chính sách nào.
Nói như Trung tá Đào Thị Hoa muốn quản lý, giáo dục tốt cái “kho người” ấy thì mỗi cán bộ chiến sỹ của trại vừa phải là cái tay hòm chìa khoá cẩn mật lại vừa phải là "người thầy giáo" có tâm thì mới có thể làm thay đổi từ nhân cách, hành vi cho đến lối sống của mỗi con người một thời lầm lỗi khi trở về tái hoà nhập cộng đồng.
Quản lý, giáo dục một người bình thường, có nhân cách đã khó nhưng giáo dục, cảm hóa và quản lý sát sao những người phạm tội còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Nhưng, đó lại là công việc hàng ngày, hàng giờ, là những đóng góp, những chiến công thầm lặng của tập thể cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh, góp phần giữ gìn an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Chiến sỹ Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”, gần 30 năm qua, kể từ khi thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh với đặc thù công việc đã làm tốt công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Đảng bộ Trại tạm giam với sự đóng góp tích cực của hơn 40 cán bộ, đảng viên liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, đơn vị nhiều năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến với trên 80% cán bộ, chiến sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Công an tỉnh trao tặng cờ đơn vị thi đua quyết thắng. Xã hội ngày càng tiến tới công bằng, dân chủ, văn minh, song để có được một xã hội trong sạch như vậy, để trong nhân cách mỗi phạm nhân cái thiện giành chiến thắng phải nhờ vào những đóng góp lớn lao của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ công an đang ngày đêm sống, chiến đấu, lao động và rèn luyện cảm hóa, giáo dục phạm nhân ở bên trong cánh cổng Trại tạm giam hôm nay.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Trong vòng 3 năm trở lại đây, rừng Làng Khay thuộc dãy núi Con Voi không ngày nào yên ả. Với 18 cưa máy, chỉ cần một phần ba số đó hoạt động thường xuyên thôi cũng đủ thổi bay vài cây mỗi ngày.
YBĐT - Điều đáng lo ngại nhất là đội quân kích điện lại xuất hiện, nguồn thủy sản của hồ Thác Bà lại một lần nữa đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thực trạng này, YBĐT đã cảnh báo nguy cơ sử dụng mìn, kích điện, lưới vét nhằm tuyệt diệt nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Và lần này, mùa cá vật đẻ, những nỗi lo này lại càng “trầm trọng”.
YBĐT - Chiếc xe đổ dốc, thời tiết vùng cao sớm hè thật mát mẻ, dễ chịu nhưng hình ảnh đám trẻ con bên nồi cơm nhà anh Vàng A Chu và chị Lù Thị Dê cứ ám ảnh mãi, cái sự đói nghèo như thể sẽ còn kéo dài phía chân trời mờ xa.
YBĐT - Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với 16.500 ha mặt nước và 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Để nhường đất cho việc đắp đập ngăn sông xây dựng Thuỷ điện Thác Bà, hàng nghìn hộ dân vùng hồ đã hy sinh những mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” để tới định cư trên những dải đất đồi gò ven hồ.