Gặp người giải tù binh Nghĩa Lộ năm ấy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/9/2010 | 3:20:55 PM

YBĐT - Hỏi chuyện ông, tôi còn biết chính tiểu đội ông giải viên quan tư, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ Ti-ri-ông và viên quan ba, Chỉ huy phó Boa-lô.

Đội du kích Khau Phạ.
(Tranh sơn mài của Đặng trần Sơn). (Ảnh: Đình Thi)
Đội du kích Khau Phạ. (Tranh sơn mài của Đặng trần Sơn). (Ảnh: Đình Thi)

Sinh ra, lớn lên ở Nghĩa Lộ, từ nhỏ tôi đã được nghe nhiều chuyện về Chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ. Lớn lên, nghe nhiều, đọc nhiều mà lòng tôi vẫn tự hỏi: Ta giải tù binh địch từ Nghĩa Lộ về chiến khu Việt Bắc bằng đường qua Khau Vác, hay đường qua Cửa Nhì ra Yên Bái? Sáng ngày 18-7-1952, binh lính địch bị bắt còn ngồi la liệt ở chân đồn Nghĩa Lộ, mấy giờ sau máy bay đã đánh xuống đồn, đổ bom đạn xuống phố, nhà cháy, người chết, số tù hàng binh đã được đưa đi đâu?... Những câu hỏi ấy đeo đẳng theo tôi mấy chục năm trời...

Cho đến ngày tôi vào thăm bác sĩ Nguyễn Minh Thông,  nguyên là Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hoàng Liên Sơn, đã nghỉ hưu nhiều năm. Ông vốn ở Lụ Điền, Hợp Minh (nay thuộc TP Yên Bái), hiện trú sinh sống ở tổ 15, thị trấn Yên Bình. Vô tình tôi được ông "hé lộ" chuyện đã giải tù binh đồn Nghĩa Lộ.

Hỏi chuyện ông, tôi còn biết chính tiểu đội ông giải viên quan tư, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ Ti-ri-ông và viên quan ba, Chỉ huy phó Boa-lô. Dù tuổi đã cao, ông vẫn còn minh mẫn. Ông nói chắc chắn: Tối 20-7-1951, từ trên chòi cao làm bằng những cây tre gần nhà vang lên tiếng "a lô" từ chiếc loa làm bằng mo cau thông báo: "Mai xã ta có tuyển bộ đội. Anh thanh niên nào hăng hái, tình nguyện tòng quân giết giặc hãy đến nhà bà Tế ghi tên"... Thế là từ ngày 21-7-1951 ấy, ông đã là bộ đội thuộc Đại đội 87 của huyện Trấn Yên.

Tháng 3-1952, Đại đội được lệnh lên Đại Bục, Đại Phác, vào Dốc Quế, Đá Luồn, Ba Khuy, Khau Vác, bảo vệ con đường bí mật cho bộ đội chủ lực vào Nghĩa Lộ chuẩn bị chiến trường. Tháng 10-1952, Đại đoàn 308 vượt Khau Vác vào mở chiến dịch, Đại đội 87 cũng vượt đèo lên chiếm giữ Suối Lo, chặn không cho địch từ Tú Lệ, Gia Hội kéo về Nghĩa Lộ.

Chiều ngày 17-10-1952, nhìn về Nghĩa Lộ, đơn vị thấy máy bay lên nhiều, khói lửa mù mịt, biết là chiến dịch đã mở màn. Hôm sau, Đại đội nhận tin chiến thắng và được lệnh lên Cao Sơn xây dựng cơ sở, cũng là đón bắt tàn quân địch chạy lên Ít Ong, sang Sơn La. Chưa đầy một tuần, Đại đội 87 lại nhận lệnh cấp tốc hành quân xuống Bản Bon.

 Khoảng 8 giờ tối, về đến suối nước nóng Bản Bon, Đại đội gặp ba cán bộ của mặt trận Nghĩa Lộ. Đại đội 87 được giao nhiệm vụ giải toàn bộ tù hàng binh địch ra Yên Bái.

Con đường từ Nghĩa Lộ ra Yên Bái, cầu cống đã phá tiêu thổ kháng chiến, những năm địch tạm chiếm, không người đi lại, đã rậm rạp, đất lở đường hỏng. Chuẩn bị làm nhiệm vụ, Đại đội 87 được phổ biến chính sách tù hàng binh của Chính phủ. Ông Thông vẫn còn nhớ rất kỹ những ý: "Cho ăn uống đầy đủ". "Đi đường không để dân công đánh". "Không để ai đổi chác đồ dùng của tù hàng binh". "Lệnh của Bác Hồ: Không được ngược đãi tù hàng binh!".

Mới nhận tù hàng binh, Đại đội 87 đã gặp chuyện. Bỗng  nhiên bọn địch nhốn nháo, tiếng tăm của nhau không biết, khi có người biết tiếng Pháp đến, hỏi ra mới biết: các sĩ quan da trắng bắt binh lính da đen phải khuân vác hộ hành trang. Ta phải giải thích: ai có thứ gì phải tự đem theo. Bây giờ đã là tù hàng binh, dù cấp bậc nào, hay là lính, đều bình đẳng, không còn có sự phục vụ như khi còn ở trong đồn.

Đêm đến, đi trên vùng đất địch đã quen thuộc, đã hoạt động mấy năm, ta yêu cầu chúng xếp hàng một, điểm danh. Bộ đội lấy cuộn dây bện bằng vỏ cây dó, vẫn đeo sau ba lô, dự phòng bắt tù binh, bảo các "quan" tự trói nhau thành dây cho chắc ăn. Đêm đầu, ra đến Bản Hốc thì nghỉ. Đến bữa, ta cùng nấu cơm ăn chung. Quan lính địch cao to hơn, được chia khẩu phần nhiều gấp rưỡi, kể cả cơm và cá mắm.

Đêm thứ hai, ra đến Ba Khe, bất ngờ gặp đoàn dân công đi ngược chiều, số đông là phụ nữ. Chị em quê ở trung du, đồng bằng, đã từng bị quân Pháp càn qua, đốt phá nhà cửa, bắn giết người, cướp bóc, hãm hiếp dã man. Nay gặp giữa đường, cũng gương mặt, màu da, râu ria nhang nhác, các chị la hét, chửi rủa, vác đòn gánh xông tới.

Dù rất có trách nhiệm với công việc, nhưng trong hoàn cảnh ấy, làm thế nào để giải thích chính sách? Cả một đám đông ồn ào, nói chắc gì nghe được. Trong lúc ấy, đồng chí chỉ huy Đại đội nói như hét: "Cầm tay nhau! Quay lưng lại!...". Hiểu ý, bộ đội ta nắm chặt tay nhau thành hàng rào, quay lưng lại phía dân công chịu đòn thay tù hàng binh. Không nỡ đánh vào anh em bộ đội, rồi dân công cũng phải giải thích chính sách... Qua việc làm, cả tù hàng binh địch cũng hiểu thêm bộ đội Cụ Hồ. Rồi chúng nhận tự đem theo gạo ăn đường, tự cầm đuốc…

Đêm thứ ba, từ Ca Vịnh ra đến Đồng Bằng, thấy trời còn khuya, có thể cố qua sông sang làng Yên Bái, Đại đội nói rõ ý định, địch vui vẻ làm theo. Thế là đoàn dẫn giải kịp về nơi giao nhận tù binh ở xã Cường Thịnh. Lại một việc hú vía xảy ra. Khi ta chuẩn bị giao tù hàng binh thì máy bay địch lao đến rất thấp, tiếng gầm đinh tai. Chẳng lẽ đã có gián điệp chỉ điểm? Nhưng rồi nỗi lo qua nhanh. Đó chỉ là chiếc máy bay vận tải. Cán bộ địch vận đến nhận tù hàng binh khá giỏi tiếng Pháp. Anh nói chuyện, điểm danh, hỏi chuyện đi đường vui vẻ. Đại đội 87 đã giao đủ tù hàng binh...

Kể đến đây, ông Thông tỏ vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Tôi đọc được trong đáy mắt ông niềm tự hào pha chút tiếc nuối về những ngày gian lao mà hào hùng và vinh quang ấy…

Trần Cao Đàm

Các tin khác

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Hát “Chiều Mátxcơva”- hát để không bao giờ quên đất nước vốn thanh bình, nồng ấm tình yêu nhường ấy nhưng đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng, làm nên Cách mạng Tháng Mười chói lọi.

YBĐT - Cầm súng đi khắp các chiến trường, đối mặt với kẻ thù gian ác nhưng cũng không thể làm cho ông chùn bước. Rồi hoà bình lập lại, ông trở về quê hương lập gia đình và sinh ra những đứa con thì lại là lúc cuộc đời ông rơi vào tuyệt vọng, cả 6 người con ông dứt ruột đẻ ra đều ít nhiều nhiễm chất độc mang tên màu da cam. Nhưng dù đắng cay những con người đó vẫn cố gắng vượt lên, sống bằng chính nghị lực trái tim. Ông là Sầm Văn Sơn, thôn 7 Tân Lập, xã An Phú - Lục Yên.

Ông Quang rất chịu khó nghiên cứu sách kỹ thuật và các biện pháp phòng trừ bệnh trong chăn nuôi.

YBĐT - Nhờ nuôi thỏ, năm 2008, trang trại thỏ của ông Nguyễn Huy Quang cho thu nhập trên 100 triệu đồng, năm 2009 là 180 triệu đồng và năm 2010 này sẽ là cao hơn nhiều khi số lượng thỏ nuôi theo dự định sẽ tăng lên gấp đôi.

Tháp Bayon 4 mặt người ở Angkor Thom (Siêm Seap).

YBĐT - Angkor Wat (hay Ăng-kor Vat), còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên, trong khi đó, Angkor Thom thì được gọi là đền Đế Thích, cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. >>>Cao Miên ký sự

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục