Tiếc nuối dòng Thia

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/9/2010 | 2:29:01 PM

YBĐT - Cuối tháng 7 Dương lịch, nhờ mấy trận mưa to thì dòng Thia mới có nhiều nước hơn. Còn trước đó, dòng suối cạn chưa từng thấy trong lịch sử. Già làng Lò Văn Nhe ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) năm nay đã 80 tuổi, là chứng nhân của bao biến đổi trên dòng suối này nói về dòng Thia với một tâm trạng đầy tiếc nuối.

Dòng Thia thuở trước...

Già Nhe bảo rằng, cách đây quãng ba chục năm dòng suối Thia quanh năm vẫn rất nhiều nước và cá tôm cũng vẫn còn dễ kiếm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời trẻ của cụ thì từ cảnh quan thiên nhiên đến nguồn lợi thuỷ sản đã khác xa lắm rồi. Cái thuở ấy, dân mỗi bản chỉ có hơn chục nóc nhà mà cá nhiều vô kể. Trời nóng nực, mỗi khi đi làm về dân bản thường ùa ra suối để tắm giặt.

Dưới bóng những thân cây sung, sổ, vối, cơi cổ thụ vươn là là mặt nước dưới dòng suối sâu trong vắt, là những đàn cá nhỏ to bơi lội. Đi làm về mà nhà hết thức ăn thì trước khi ra suối tắm, đặt lên bếp nồi măng chua và tắm xong nếu may mắn chỉ cần quăng hai lượt chài là đủ bữa cho cả nhà gần chục miệng ăn.

Con suối khi ấy không chỉ có nhiều cá mà còn có rất nhiều loại cá ngon, trong đó có cá chiên nhưng giờ nhiều loại nay không còn thấy nữa. Riêng với loài cá xỉnh, người dân chỉ thích bắt những con to bằng bàn tay chụm để nướng với lá phắc ma thành món ăn cực kỳ hấp dẫn. Có loài cá rất lạ là cứ mưa rào tháng ba là mò theo lũ lên những đám ruộng một vụ lắp xắp nước ở ven suối, cá đực cá cái bật chồng đống lên nhau đến hàng tạ để đẻ trứng, thụ tinh nên dân địa phương thường gọi là cá đống. 

Trong ký ức của người già thì dòng suối Thia đẹp nhất là từ mùa xuân đến hết mùa thu. Thời gian này, hai bên bờ suối và sâu vào trong đất liền, các loài cây to nhỏ, dây rừng sum suê luôn nở hoa thơm ngát. Trai gái sau tết Nguyên đán thường ra bờ suối vui chơi trong dịp lễ cầu mưa hoặc hái hoa bó phón háng cáy mang về nhà bà Then làm lễ.

Không biết bao nhiêu thế hệ gái trai người Thái đã phải lòng nhau nơi các bến tắm của dòng suối thơ mộng này để rồi nên duyên chồng vợ. Chim chóc, rồi bướm ong theo hương hoa xuân bủa về lấy mật xây tổ rất nhiều trong những thân cây rỗng dọc theo bờ suối. Rau rừng đủ loại mọc quanh năm để hái về đồ xôi. Người đặt bẫy chỉ cần đặt ở ven bờ cũng kiếm được cầy, dúi, gà rừng…

Già Nhe cho biết thêm: tiếng là nhiều cá như vậy nhưng người xưa không bao giờ bắt cá bừa bãi mà chỉ bắt đủ ăn và dụng cụ phổ biến nhất là quăng chài. Quan phìa, quan tạo cấm ngặt dân đánh bắt cá bằng chất độc từ các loại cây và dọc theo dòng Thia, quan cấm đánh bắt ở rất nhiều vực sâu để khỏi ảnh hưởng đến các loài cá tôm sinh sản. Duy nhất vào dịp Tết Síp sí, quan cho phép dân mang chài ra đánh cá ở vực cấm và ai được nhiều hay ít thì tuỳ tâm biếu lại nhà quan.

Nghe chuyện mới thấy dòng Thia xưa kia không chỉ mang lại cho người dân nhiều nguồn lợi gắn liền với đời sống mà nó còn là con suối của văn hoá tộc người và văn hoá ứng xử của con người với thiên nhiên.

… Dòng Thia bây giờ

Đi dọc dòng Thia hàng chục cây số trong lòng chảo Mường Lò, bây giờ rất hiếm gặp cây cổ thụ. Dòng nước vốn trong mát là thế mà nay bến tắm hầu như không còn. Bác Lò Văn Pầng ở bản Xa và các con bảo rằng, chẳng còn mấy ai dám tắm nữa vì tắm xong ngứa lắm. Bao nhiêu nước thải, rác thải sinh hoạt của dân ở dọc theo con suối và nhất là thị xã Nghĩa Lộ đều theo mương đổ vào dòng Thia nên nước bị ô nhiễm.

Thêm nữa, suối Xuân, ngòi Nhì chạy qua thị trấn Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn) cũng nhập vào ngòi Thia khiến cho từ đoạn hợp lưu càng thêm phần ô nhiễm. Đáy của dòng suối vốn rất phẳng nhưng do khai thác cát sỏi, lũ quét đã bào nạo hết lớp cát mịn, sỏi nhỏ lấp đi các vực sâu hoặc trôi về hạ lưu để trơ lại những tảng đá to.

Bờ Thia giờ được xây kè vững chãi, tránh lũ ác phá hủy bản làng. Ảnh M.Q

Bờ suối hết cây rừng nên nước đổi dòng, lở lói khủng khiếp nhà nước phải đầu tư không biết bao nhiêu tỷ đồng để làm kè bờ suốt từ các xã: Hạnh Sơn, Thạch Lương, Thanh Lương (huyện Văn Chấn) xuôi về phường Cầu Thia và xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ).Rất nhiều hộ dân bao đời cư trú bên bờ ngòi Thia êm đềm, nay phải di dời khỏi vùng nguy hiểm của mưa lũ.

Già Nhe giọng trầm buồn bảo: Xưa kia, rừng đầu nguồn nhiều cây nên mưa lớn cả ngày mà nước chỉ dâng lên từ từ nên chẳng ai lo mất nhà mất cửa. Còn bây giờ hễ mưa to thì chỉ một lúc sau nước cuồn cuộn đổ về rồi cũng rút đi rất nhanh kéo theo sự tàn phá của sức nước cũng khốc liệt hơn. Bao nhiêu thửa ruộng màu mỡ ở ven suối đã bị lở, đất đá lấp vùi mặt ruộng  hoặc nhẹ thì hỏng hết lúa và hoa màu...

Ai cũng bảo dòng suối bị tàn phá nghiêm trọng như vậy đều do con người gây nên. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có cứu được dòng Thia? Chắc chắn là cứu được nếu như rừng đầu nguồn được quan tâm nghiêm túc. Nước thải, rác thải tại các khu vực đông dân được xử lý tốt và người dân được giáo dục cách sống thân thiện với môi trường.

Cũng có nhiều người hiến kế nên vận động trồng tre và trồng lại những loại cây như: vối, sung (vú bò), phèn đen…ở ven bờ để chống sạt lở và làm sạch dòng suối. Còn chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải đưa ra được giải pháp khoa học thật đồng bộ để cứu lấy dòng suối như cứu lấy một báu vật của thiên nhiên. Nếu làm tốt điều này thì dòng Thia trong tương lai còn mang trong nó cả những ý nghĩa lớn về kinh tế từ du lịch.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Lục Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nhưng đến năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của Lục Yên vẫn chiếm tới 47,69%.

Đội du kích Khau Phạ.
(Tranh sơn mài của Đặng trần Sơn). (Ảnh: Đình Thi)

YBĐT - Hỏi chuyện ông, tôi còn biết chính tiểu đội ông giải viên quan tư, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ Ti-ri-ông và viên quan ba, Chỉ huy phó Boa-lô.

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Hát “Chiều Mátxcơva”- hát để không bao giờ quên đất nước vốn thanh bình, nồng ấm tình yêu nhường ấy nhưng đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng, làm nên Cách mạng Tháng Mười chói lọi.

YBĐT - Cầm súng đi khắp các chiến trường, đối mặt với kẻ thù gian ác nhưng cũng không thể làm cho ông chùn bước. Rồi hoà bình lập lại, ông trở về quê hương lập gia đình và sinh ra những đứa con thì lại là lúc cuộc đời ông rơi vào tuyệt vọng, cả 6 người con ông dứt ruột đẻ ra đều ít nhiều nhiễm chất độc mang tên màu da cam. Nhưng dù đắng cay những con người đó vẫn cố gắng vượt lên, sống bằng chính nghị lực trái tim. Ông là Sầm Văn Sơn, thôn 7 Tân Lập, xã An Phú - Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục