Ơn Đảng, ơn Bác Hồ, đồng bào ấm no!

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2010 | 2:41:39 PM

YBĐT - Sau hơn một năm “cắm” bản Tà Ghênh xây dựng cơ sở chính trị, anh đã trở thành “người mang hai họ”. Lễ nhận bộ đội Giang làm con trong gia đình họ Sùng đơn giản nhưng đậm đà tình cảm quân dân và hết sức ý nghĩa.

Lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào nhân dịp mở đường lên bản Làng Giàng.
Lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào nhân dịp mở đường lên bản Làng Giàng.

Chiếc U-oát thùng ì ạch vượt qua dốc Yên Ngựa cao ngất rồi từ từ tiến về trung tâm bản Làng Giàng. Xe vừa đỗ xịch, mọi người chưa xuống hết đã thấy các cụ già, trẻ nhỏ vây quanh. Nhiều đứa trẻ chỉ mặc độc chiếc áo trên người, trầm trồ, ngắm nghía chiếc xe như một vật thể lạ. Chắc đây là lần đầu tiên chúng nhìn thấy ô tô vì đây cũng là lần đầu tiên, có ô tô về tận nơi non cao này…

 Chuyện trên bản nghèo

Trưởng bản Làng Giàng - Dình A Thào ra đón đoàn bộ đội lên công tác, chuẩn bị cho lễ thông đường, vui vẻ cho hay: “Bản Làng Giàng cách trung tâm xã Nậm Có của huyện Mù Cang Chải gần 12 cây số. Trước đây, đến được bản phải mất gần nửa ngày đường đi bộ đấy. Nay có đường rồi, đồng bào vui quá! Hiện bản đã có thêm 1 hộ, thành 34 gia đình rồi và đều là dân tộc Mông cả”.

Rót chén nước chè nóng hổi mời bộ đội xong, A Thào chậm rãi kể lại: năm 2004, nghe một số người rủ rê, 20 hộ ở đây cùng 1 hộ ở xã Cao Phạ đã di cư sang bản Khe Mạng của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, cách Làng Giàng 8 cây số để làm ăn, sinh sống. Sau khi di cư sang Khe Mạng, các hộ tự ý khai phá rừng làm nhà, trồng lúa nương, dẫn đến tình trạng triệt phá trên 25 ha rừng đặc dụng phòng hộ đầu nguồn. Cuối năm 2006, được chính quyền, bộ đội về tuyên truyền, vận động, đồng bào đã dần hiểu ra nên quyết định cùng nhau hồi cư, ổn định cuộc sống.

Ngày các hộ di cư, nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện đã đến tuyên truyền, vận động đồng bào về nơi ở cũ. Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái cũng đã tham gia các đoàn công tác đồng thời cử cán bộ, chiến sỹ trực tiếp vận động, giúp đỡ các hộ hồi cư từ bản Khe Mạng trở về bản Làng Giàng. Các cán bộ, chiến sỹ đã thực hiện “3 cùng” với nhân dân để nắm tình hình địa bàn, tư tưởng của đồng bào; triệu tập các hộ đang định cư để phân tích, động viên các gia đình phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ các hộ hồi cư về bản.

Lúc đầu thì gặp không ít khó khăn do tập quán du canh du cư còn ăn sâu trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào nhưng sau nhiều đợt phối hợp, các lực lượng tham gia vận động, phân tích, đồng bào đã nghe ra lẽ phải, quyết tâm trở về bản cũ. Hồi đó, các hộ đầu tiên bán hết nhà cửa để di cư như: Giàng Vảng Pao, Lù A Chú, Dình A Vừ, Lù A Sinh… khi hồi cư được bộ đội giúp đỡ có nhà ở tạm, hỗ trợ tiền, gạo nay vẫn không quên “Cảm ơn bộ đội nhiều lắm!”.

Trước năm 2009, bản Làng Giàng có duy nhất một đảng viên. Năm 2009, thực hiện chủ trương xóa chi bộ ghép, bảo đảm 100% thôn, bản có chi bộ, Đảng ủy xã Nậm Có đã cử 2 đảng viên ở Chi bộ Tà Ghênh lên sinh hoạt để thành lập Chi bộ Làng Giàng. Đồng chí Sùng A Nhà - Xã đội phó kiêm Bí thư Chi bộ bản Làng Giàng giãi bày: “Quả thực, lúc đầu chuyển lên sinh hoạt tại Làng Giàng, tôi thấy lo nhiều lắm. Đường xa, mỗi lần họp Chi bộ phải đi bộ hơn chục cây số, mang theo cả lương thực, thực phẩm nữa chứ. Bởi bản Làng Giàng thuộc diện nghèo nhất xã, với 100% hộ nghèo, nhiều gia đình vẫn phải ăn mèn mén thay cơm”.

Thế rồi, từ khi có Chi bộ, mọi hoạt động của bản đều được lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra xem xét, đề nghị lên cấp trên. Bản đã có nhiều đổi thay nhờ được qui hoạch đầu tư tương đối đầy đủ công trình nhà lớp học 9 gian gồm 4 phòng học, 1 phòng ở; công trình nước sinh hoạt... Đặc biệt là công trình thủy lợi được cứng hóa dài trên 3 km phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Nhà khẳng định, nếu công trình bảo đảm được nước tưới, chắc chắn Làng Giàng sẽ khai hoang được ba chục héc - ta diện tích sản xuất lúa ruộng một vụ. Trong 4 năm (từ năm 2007 đến năm 2010), Làng Giàng đã được Nhà nước đầu tư trên 8,5 tỷ đồng, chưa kể tuyến đường ô tô lên bản do bộ đội làm mới hoàn thành. Đây sẽ là điều kiện tốt để đồng bào Làng Giàng từng bước thoát nghèo.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Yên Bái giúp dân làm nền chuồng nuôi nhốt gia súc.

Quyết tâm xây dựng cơ sở chính trị

Có được như ngày hôm nay, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh đã không quản ngại khó khăn, vất vả bám bản, mở đường, giúp dân xây dựng cuộc sống mới. Thượng tá Hoàng Trung Thiềng - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mù Cang Chải không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chuyến về bản. Anh như con sóc nơi non cao này. Có khi sáng vừa gặp anh ở huyện, trưa đã thấy bóng dáng người chỉ huy ấy ở xã, rồi lại phăm phăm leo bản...

Những dịp hành quân cùng bộ đội lên “3 cùng” tại bản là lúc tôi được chứng kiến, trao đổi nhiều vấn đề với cán bộ, chiến sỹ về với nơi vùng cao này. Việc làm của họ hết sức thiết thực, gần gũi và được đồng bào yêu quí.

Như bộ đội Hà Long Giang chẳng hạn, sau hơn một năm “cắm” bản Tà Ghênh xây dựng cơ sở chính trị, anh đã trở thành “người mang hai họ”. Lễ nhận bộ đội Giang làm con trong gia đình họ Sùng đơn giản nhưng đậm đà tình cảm quân dân và hết sức ý nghĩa đối với Sùng Long Giang trong cuộc đời quân ngũ. Những gốc sắn anh mang từ nhà lên trồng nay đã xòe to củ trên đất vùng cao, gợi mở một hướng phát triển kinh tế đúng đắn cho đồng bào.

Gặp lại bộ đội Trường trên bản, anh nhắc luôn: “Chúng mình có duyên với bản quá!”. Đã gần 2 năm, anh Trường được Đảng ủy Quân sự huyện giao nhiệm vụ tăng cường xuống giúp xã Nậm Có xây dựng cơ sở chính trị. Tháng nào anh cũng ít nhất có 2 tuần “cắm xã” giúp chính quyền, ban, ngành theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chưa kể những đợt về bản đột xuất.

Như việc chuẩn bị cho lễ bàn giao đường Nậm Có - Làng Giàng, anh Trường hăm hở cùng đoàn cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh đi U-oát thùng chở cờ, tượng Bác, băng rôn, máy chiếu phim… lên bản. Thế rồi, bất đắc dĩ, anh cùng một số đồng chí phải túc trực tại bản nhiều ngày do trời mưa, đường trơn nên không thể “hạ sơn” bằng ô tô được. Các đợt đi tuyên truyền, vận động đồng bào ở Tà Ghênh rồi Làng Giàng, anh đều có mặt. Người nhỏ nhắn nhưng được cái dẻo dai, cộng với sự rèn luyện, kinh nghiệm nhiều năm công tác ở vùng cao khiến bộ đội Trường không quản ngại xông pha trận tuyến.

Những lần đến với vùng cao Nậm Có, chúng tôi đều được lãnh đạo xã tận tình cùng lên cơ sở. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có - Sùng A Lử tâm sự: “Cán bộ, đảng viên trong xã hầu hết đều tâm huyết cả nhưng nhiều khi “cái khó vẫn bó cái khôn” ở nơi non cao này. Phải có quyết tâm nhiều lắm của các cấp, các ngành mới tạo được sự chuyển biến ở xã”.

Trong triển khai nhiệm vụ, Đảng bộ chú trọng công tác xây dựng Đảng; duy trì sinh hoạt của 15 chi bộ cơ sở, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đảng ủy, chính quyền xã đã chủ động tổ chức các tổ công tác xuống thôn, bản tuyên truyền ổn định tình hình dân cư, tập trung vào 3 bản khó khăn, xa trung tâm nhất như: Làng Giàng, Lùng Cúng, Phình Ngài...

Trong nhiệm kỳ qua, xã Nậm Có đã nỗ lực chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt 100% như: sản xuất lúa nước, trồng cây ngô vụ đông, chăn nuôi… Một xã vùng cao nghèo nhất huyện nay đã có bước chuyển tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 78% xuống còn 57% như Chủ tịch UBND xã Hàng A Sa khẳng định cũng đáng mừng lắm rồi!

Cơn mưa cuối hè bất chợt đổ xuống núi rừng Nậm Có. Xe ô tô chưa thể rời bản vì đường quá trơn trượt. Một số cán bộ, chiến sỹ được lệnh “hạ sơn” bằng xe “căng hải”. Tạm xa Làng Giàng, mọi người đều thấy vui vì nơi đây đã đổi thay rất nhiều nhờ những cán bộ, chiến sỹ tâm huyết đã không quản ngại vất vả, khó khăn để bám bản, bám dân, giúp xã, giúp bản.

Đại tá Đỗ Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái phấn khởi: “Lực lượng vũ trang tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao là giúp đỡ xã Nậm Có, quyết tâm xây dựng cơ sở chính trị nơi đây ngày một vững mạnh. Với tấm lòng của người lính, chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng một số công trình trường, trạm… cho Làng Giàng, giúp bản khó khăn này có diện mạo mới”. Ngày về, thiếu tá Đinh Xuân Công rất vui và nhớ mãi hình ảnh một buổi trưa, có hai cụ già người Mông ở Làng Giàng ngủ ngon lành bên bức tượng Bác Hồ do bộ đội mới chuyển lên. Đúng vậy, ơn Đảng, ơn Bác, đồng bào vùng cao đã có cuộc sống ổn định, no ấm và hạnh phúc!

 Văn Trung

Các tin khác

YBĐT - Cuối tháng 7 Dương lịch, nhờ mấy trận mưa to thì dòng Thia mới có nhiều nước hơn. Còn trước đó, dòng suối cạn chưa từng thấy trong lịch sử. Già làng Lò Văn Nhe ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) năm nay đã 80 tuổi, là chứng nhân của bao biến đổi trên dòng suối này nói về dòng Thia với một tâm trạng đầy tiếc nuối.

Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Lục Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nhưng đến năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của Lục Yên vẫn chiếm tới 47,69%.

Đội du kích Khau Phạ.
(Tranh sơn mài của Đặng trần Sơn). (Ảnh: Đình Thi)

YBĐT - Hỏi chuyện ông, tôi còn biết chính tiểu đội ông giải viên quan tư, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ Ti-ri-ông và viên quan ba, Chỉ huy phó Boa-lô.

Bút ký của Hoàng Thế Sinh

YBĐT - Hát “Chiều Mátxcơva”- hát để không bao giờ quên đất nước vốn thanh bình, nồng ấm tình yêu nhường ấy nhưng đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng, làm nên Cách mạng Tháng Mười chói lọi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục