Chạm vào da thịt Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/12/2010 | 9:54:21 AM

Chiều Tây Bắc nắng nghiêng nghiêng, chếnh choáng như say, như mơ. Tôi đã vốc đầy tay ngụm nước ngọt suối Thia và chạm chân vào đất của xứ Mường Lò. Chợt nhớ câu hát xa xưa: "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Cô gái Mường Lò trước giờ biểu diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách.
Cô gái Mường Lò trước giờ biểu diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách.

Mây mù và sương trắng lãng đãng rong chơi khắp cánh đồng Mường Lò, bồng bềnh nổi trôi. Cảm giác se lạnh len lỏi, mơn trớn trên từng milimet thịt da rất tuyệt vời, mơ hồ như "với tay bắt mây, xòe tay hứng sương" ở vựa lúa lớn thứ hai của Tây Bắc huyền thoại vào tiết đầu đông.

Bác sĩ Hoàng Đức Quế -Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái nắm chặt tay, nói trong hơi khói sương: "Vào đến Nghĩa Lộ phải "nhập mường" bằng rượu táo mèo. Lên độ cao 1.400 m của suối Giàng ngắm những gốc chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, tối vào Thanh Lương xòe cùng các cô gái Thái… như thế mới gọi là đến Yên Bái".

Chẳng biết có phải vì những lời mời gọi hấp dẫn như thế này, mà cả cung đường Tây Bắc, xứ Mường Lò - Nghĩa Lộ luôn có sức hấp dẫn, say đắm mọi người đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn dù chỉ một lần trong đời.

Thị xã Nghĩa Lộ nhỏ bé miền tây Yên Bái, nằm lọt thỏm giữa lòng chảo cánh đồng Mường Lò bao la, bao bọc bởi dãy Hoàng Liên ngàn năm mây trắng. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44% với bao bí ẩn, hấp dẫn về văn hóa khiến người đời mê mẩn khám phá.

Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?

Phía Bắc của lòng chảo Mường Lò thơ mộng, có một dòng suối lớn tên gọi suối Thia. Tiếng Thái, Thia có nghĩa là nước mắt. Truyền thuyết kể rằng, từ ngày xưa, có một cô gái Thái yêu một chàng trai miền xuôi, khi chàng trai về xuôi không trở lại. Cô gái ngồi khóc một mình, khóc mãi, nước mắt chảy thành dòng suối.

Có thể chưa cần múa xòe, chưa cần nhấp chén rượu táo mèo ấm lòng xua tan đi cơn lạnh se buốt của miền Tây Bắc, cũng không cần làm người đồng hương Văn Chấn - Nghĩa Lộ, chỉ cần nghe bài hát “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?” (nhạc Trọng Loan, phổ thơ Hoàng Thị Hạnh) đã thấy đây cũng là quê hương mình vậy:

Chiều mùa thu, nắng vàng như mật
Khi đã nghe đèo Ách, cửa Nhì
Khi đã nghe tiếng rừng gió hút
Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?

Nghe câu hát da diết, thổn thức mà lòng người đã tan đi mọi ngại ngần. Quyết phải vào Nghĩa Lộ cho dù không có em. Bài thơ hay còn một lẽ khác, tác giả từng là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, lại hát rất hay. Chỉ riêng việc ấy thôi cũng đã vô cùng thú vị.

Mường Lò còn nổi tiếng với đội xòe ở bản Thanh Lương. Đêm hội xòe, dưới ánh trăng rực rỡ, các cô gái Thái trong trang phục áo chẽn trắng, hàng khuy bạc trên thắt lưng thổ cẩm xanh lục, váy dài thướt tha, vừa cầm tay các chàng trai và du khách nhảy quanh đống lửa vừa hát mời:

Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng,
Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em...
Đừng để em cô đơn một mình...

Xòe Thái nhịp nhàng uyển chuyển, dễ hòa nhập, làm cho người lạ phút chốc hóa quen, ngồi trên nhà sàn, vừa uống rượu vừa ngắm các thiếu nữ Thái nõn nà như tiên, trắng hồng như hoa ban, múa say sưa, xòe say sưa cảm giác đó không gì sánh được.

Theo sách Quám tố mướng - tức Chuyện bản mường của người Thái đen Tây Bắc: Ngày xưa, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đưa người Thái từ "xíp xoong pắn ná" (vùng đất có mười hai nghìn ruộng) từ phương Bắc xuôi theo sông Hồng xuống phía Nam tìm vùng đất mới. Khi tới Mường Lò dừng chân, khai khẩn đất hoang. Khi đã ổn định cuộc sống, Tạo Ngần chia tay anh trở về quê cũ, tiếp tục đưa một nhóm người Thái theo đường khác vào Việt Nam. Tạo Xuông cùng con trai là Tạo Lò lãnh đạo người Thái khai phá nên đất Mường Lò. Do vậy, trên đầu hồi nhà người Thái luôn mang biểu tượng "khau cút", là hai thanh gỗ bắt chéo nhau có trạm trổ hình hoa sen và hai vầng trăng khuyết hướng vào nhau, ngụ ý người Thái đen hay Thái trắng dù ở đâu cũng là con cháu hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần luôn vọng tưởng đến nhau.

Sóng sánh ly chè Shan tuyết

Lễ cúng cây chè tổ trong Lễ hội văn hóa Suối Giàng.

Đến Suối Giàng (Văn Chấn) trên độ cao hơn 1.400 m, mọi người như lạc vào một thế giới thần tiên: sừng sững bạt ngàn những gốc chè cổ thụ trên các sườn đồi. Có những gốc chè cổ thụ hai, ba người ôm không xuể. Theo Chủ tịch xã Suối Giàng Giàng A Đằng: Suối Giàng có trên 84.000 gốc chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi. Những rừng chè cổ thụ có tuổi dưới 100 rất nhiều, đếm không hết.

Người dân ở đây không thể biết cây thần tồn tại ở đây từ bao giờ mà được gọi là cây chè tổ của Suối Giàng. Theo truyền thuyết, một nàng tiên tên là Gâux Njuôz (tiếng Mông nghĩa là "nàng tiên xanh"), bay khắp trời đất để gieo hạt sự sống, khi bay đến vùng núi cao này thì hạt giống đã hết, chỉ còn vài hạt thuốc quý, nàng tiên bèn rắc mấy hạt giống thuốc lên vùng núi này, mọc lên cây chè Shan Tuyết.

Vào những năm 1960, Viện sĩ K.M Djemmukhatze (Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ) khi đến Suối Giàng nghiên cứu đã phải thốt lên kinh ngạc: "Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới". Hương chè rất thơm, thơm đến sực nức, quyện trong từng hơi thở, truyền đi cảm giác lâng lâng bay bổng.

Là khách phương Nam, bấy lâu chỉ thưởng thức mấy hương vị trà Ô Long, Tâm Châu, Tiến Đạt (Lâm Đồng), khi nhấp chút vị chè Shan tuyết Suối Giàng từ tay cô gái Mông mời, mới tận cùng cảm nhận dư vị trà ngon trên đất Việt. Có người bảo, chè Shan Tuyết Suối Giàng ngon vì được nấu nước suối và chỉ hái một búp mỗi đọt từ khi sương trắng còn phủ quanh trên tán lá, ngọn cây.

Có quá nhiều cảnh đẹp, quá nhiều điều thú vị để khám phá về văn hóa, con người, thiên nhiên Tây Bắc. Mọi thứ được thiên nhiên hào phóng ban tặng, nhưng rất tiếc ngành du lịch tỉnh Yên Bái vẫn chưa đầu tư, qui hoạch và phát huy những giá trị văn hóa, xã hội, du lịch, dịch vụ để biến nơi đây thành một nam châm mạnh, hút du khách trong và ngoài nước về với vùng đất tuyệt vời này.

Say sưa với xòe Thái cho đến khi nghe câu hát: Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo... Thì không ai muốn về, không ai muốn xa Mường Lò. Anh bạn đồng nghiệp Thanh Tân - Báo Yên Bái còn úp mở thêm: Lên Mù Cang Chải, qua đèo Khâu Vai còn bao điều thú vị khác nữa…

Quả nhiên câu nói người xưa muôn đời vẫn đúng: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc) là bốn xứ Mường nổi tiếng vùng Tây Bắc với giai nhân diễm lệ, sản vật thơm ngon.

Tây Bắc đầu đông 2010   (TP)

Các tin khác
Nhiều thanh niên xã Tân Lĩnh có thêm thu nhập bằng nghề chế tác đá. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Tính đến tháng 6 năm 2010, có 38 công ty đã và đang tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lục Yên (Yên Bái) với tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng.

Quầy giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để biến tiềm năng thành hiện thực, những năm qua đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng Yên Bái đã bám sát địa bàn, bám từng hộ dân, thẩm định, cho vay và bảo toàn nguồn vốn, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm.

Một giờ học nhận biết đồ vật của cô và trò Trường mầm non xã Sùng Đô (Văn Chấn) rất ít đồ chơi.

YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 177 trường mầm non (trong đó: 168 trường công lập, 9 trường tư thục) với 1.500 nhóm, lớp và 37.324 trẻ. Đến nay trong toàn tỉnh vẫn còn 16/180 xã, phường thị trấn chưa có trường mầm non độc lập (đã có nhóm, lớp mầm non trong các trường tiểu học).

Thanh bình Tú Lệ.

YBĐT - Thung lũng Tú Lệ nằm giữa 3 ngọn núi cao sừng sững là: Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song, đây cũng là nơi cư trú của trên 1.112 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Tú Lệ còn nổi tiếng với sản phẩm nếp tan nức tiếng gần xa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục