Non cao có La Pán Tẩn

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/12/2010 | 2:56:03 PM

YBĐT - La Pán Tẩn - một trong ba “viên ngọc quý” của Mù Cang Chải - nơi nổi tiếng vùng Tây Bắc với lớp lớp, tầng tầng ruộng bậc thang đã xếp hạng danh thắng quốc gia của Việt Nam. Ở nơi lúa cấy ngang trời

La Pán Tẩn đang vào vụ thu hoạch Ảnh MQ
La Pán Tẩn đang vào vụ thu hoạch Ảnh MQ

Tôi lên La Pán Tẩn đương mùa gặt. Tháng Mười - ngẩn ngơ trước ngàn vạn lát cắt điệu nghệ vào núi để vẽ nên những thảm vàng mềm như nhung lụa trải giữa đại ngàn.

Hầu hết lớp thanh niên ở La Pán Tẩn không biết rõ người Mông về sống ở đây từ bao giờ. Tôi càng mù tịt. Lần đó lên La Pán Tẩn tôi tìm ngay ông Hờ Khua Giàng, Lý Súa Tính - đều là nguyên Bí thư Đảng ủy xã. Cũng không lưu giữ gì cụ thể để minh chứng cho những lần di cư của người Mông về đây lập nghiệp.

Lớp người như ông Tính tin rằng người Mông mình đặt chân về La Pán Tẩn cách đây khoảng 200 năm. Ông nói, nghe các cụ xưa kể, ban đầu chỉ có chục hộ về gây dựng cơ nghiệp - điểm dừng của một cuộc di cư. Nơi họ chọn để gây cơ nghiệp, sinh con đẻ cái đời đời chính là bản Chống Tông hiện nay. Tiếng Mông, Chống Tông chỉ một vùng có nhiều cây thân gỗ lớn. Những hộ người Mông di cư chọn vùng đất này vì rừng tốt, nước nhiều, thuận làm nương rẫy. Từ chục hộ di cư về Chống Tông hai thế kỷ trước, La Pán Tẩn giờ là nơi quần cư của cộng đồng người Mông với gần 500 hộ, trên 3.600 nhân khẩu.

Những “thang vàng” - danh thắng Quốc gia trên núi kia đơn giản là kết quả của những cuộc khai phá làm lúa nước hàng chục thập kỷ để làm no cái bụng. La Pán Tẩn cũng có những chuyện riêng. Những năm đầu thập kỷ chín mươi , đây là nơi ngự trị của cây Anh túc. Ông Lý Súa Tính có lần kể: “Thời ấy, dân La Pán Tẩn nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Mùa thu nhựa, nhà ít cũng 10 bao, nhà nhiều 20 - 30 bao. Có năm,  thu về ngót tấn nhựa thuốc phiện”.

Những thảm vàng mềm như nhung lụa trải giữa đại ngàn.

Cái màu mỡ của đất đai, dồi dào của nước nguồn bỗng thành ra thừa thãi. Người Mông như quên những mảnh nương màu mỡ và việc khai phá ruộng nước trên núi như ước muốn bao đời là làm cho no cái bụng… Rồi cây anh túc không còn ngự trị, người La Pán Tẩn nghe theo Đảng quay lại làm ăn, khai phá đất hoang làm ruộng nước. Đó chính là lần khởi tạo quyết định để hôm nay trên 200 ha ruộng bậc thang đẹp như mơ kia đang trổ vàng trên núi.

Hôm lên La Pán Tẩn, tôi và Hờ Chớ Sử - Chủ tịch UBND xã đi Chống Tông. La Pán Tẩn có 7 bản thì Chống Tông là nơi có những thửa vàng đẹp nhất. Chúng tôi ngồi nghỉ trên bờ ruộng chờ Giàng Chứ Sinh xong ca máy tuốt.

Dừng tay nghỉ, Sinh tả: “Bắt đầu là mình phải đi tìm đất tốt, có nguồn nước này. Xong rồi thì mình lấy đá chồng lên mà không thì chặt ngang cây gỗ to đánh dấu để bà con khác biết là mình chọn rồi này.  Xong thì mình đào và san ruộng cho bằng, làm bờ để tháo nước vào. Xong thì cấy thôi!”.

Nghe thì nhẹ tênh nhưng khai phá ruộng bậc thang là công việc nặng nhọc, người Mông La Pán Tẩn từ năm này qua năm khác, từ đời này sang đời khác đã cần mẫn làm nên mấy trăm ha ruộng nước trên núi. Nhờ trên 200 ha ruộng bậc thang và những đổi mới trong cung cách làm ăn, mà hơn 3.600 nhân khẩu ở La Pán Tẩn đã vượt qua thiếu đói đeo bám nhiều đời.

Bí thư Đảng ủy xã Hờ Chờ Sử  nói: “Bình quân lương thực của xã đã đạt 360 kg/người/năm. Bà con còn trồng thêm thảo quả thu về 150 tấn/năm, nuôi trên 1.000 con trâu bò, 2.000 con lợn, hơn 11.000 con gia cầm để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống”.

Bây giờ, lên La Pán Tẩn, trong cái giá lạnh của trời đông trên núi, không gì thú hơn ngồi bên bếp lửa của người Mông nâng bát rượu thóc mà nghe chuyện về những “thang vàng” trên núi trong giọng kể sệt đặc chất Mông của người người già.

Những hạt vàng kết tinh sự cần mẫn và sáng tạo của người Mông còn là nguyên liệu quý để làm ra rượu thóc - một đặc sản riêng có của La Pán Tẩn. Người Mông có bí quyết để làm men rượu trở nên đặc biệt. Thóc trên núi được đem về nấu chín, men đưa vào ủ đủ ngày rồi đem vào nấu trong chõ bằng gỗ trên chảo gang to.

Rượu thóc La Pán Tẩn có vị thơm của thóc, vị ngọt của nước nguồn. Tôi nhấp môi bát rượu thóc nấu đầu mùa mà Giàng Chứ Ly đưa thấy như đủ vị của đất trời.

La Pán Tẩn - với tôi, muôn sự cầu kỳ trong thiên hạ, sáng tạo của con người quyết không thể thiếu sự cầu kỳ và sáng tạo của người Mông kiến tạo những đồng vàng đưa cây lúa nước lên ngang trời trổ hạt! La Pán Tẩn bây giờ, núi đang màu thay áo. Những thảm vàng như nhung lụa trải ra giữa tháng Mười giờ đang nhường chỗ cho những mầm non mới của một mùa xuân no ấm.

 Quốc Khánh

Các tin khác
Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Xã Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên và duy nhất của huyện Lục Yên (Yên Bái) thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến.

Cô gái Mường Lò trước giờ biểu diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách.

Chiều Tây Bắc nắng nghiêng nghiêng, chếnh choáng như say, như mơ. Tôi đã vốc đầy tay ngụm nước ngọt suối Thia và chạm chân vào đất của xứ Mường Lò. Chợt nhớ câu hát xa xưa: "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Nhiều thanh niên xã Tân Lĩnh có thêm thu nhập bằng nghề chế tác đá. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Tính đến tháng 6 năm 2010, có 38 công ty đã và đang tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lục Yên (Yên Bái) với tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ đồng.

Quầy giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để biến tiềm năng thành hiện thực, những năm qua đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng Yên Bái đã bám sát địa bàn, bám từng hộ dân, thẩm định, cho vay và bảo toàn nguồn vốn, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục