Những cô giáo "cắm bản" ở An Lương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/12/2010 | 2:25:48 PM

YBĐT - Tôi tình cờ đọc được ở đâu đó bài thơ “Cô giáo vùng cao” của nhà thơ Đỗ Khắc Dũng để rồi cứ ám ảnh mãi bởi vừa thương, vừa cảm phục các nữ giáo viên ở vùng cao.

Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi với những cô giáo “cắm bản”.
Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi với những cô giáo “cắm bản”.

Những ý thơ như lời tỏ tình nhưng lại chất chứa nhiều thương cảm đối với cuộc sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của các cô giáo “cắm bản”.

Lời thơ thật mộc mạc mà sâu sắc...“Học trò chỉ có mươi em/ Ghép cả lớp ba, lớp bốn”. “Lớp học chìm trong sương sớm/ Bước trên mây núi bồng bềnh/ Tiếng ai nói cười thấp thoáng/ Lung linh tia nắng bình minh”... và tôi tự nhủ lòng, sẽ một lần đến thăm các cô giáo ở những nơi như thế để tìm hiểu về cuộc sống, công việc, tâm tư tình cảm của các cô - những giáo viên "cắm bản" ở vùng cao.

Con đường Quốc lộ 32 nối dài theo trục dọc của  thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải, một đường nhánh rẽ ngang về phía bên phải Thị trấn Nông trường Liên Sơn - đây chính là lối dẫn vào địa phận xã An Lương (Văn Chấn) - nơi chúng tôi quyết định ghé thăm trong chuyến công tác dài ngày.

Bỏ lại sau lưng con đường xa ngái lổn nhổn đá hộc, đá cạnh cùng những ngọn núi, đồi, đèo dốc nối tiếp nhau, sau vài ba lần phải xuống khênh xe vì sập gầm đá tảng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trụ sở UBND xã An Lương.

Học sinh điểm Trường Sài Lương 2 trên đường tới lớp.

Quả thực, có đến nơi mới hiểu hết được vì sao An Lương lại được xem là một trong những cơ sở xã nghèo và khó khăn nhất huyện Văn Chấn. Dù tính theo công tơ mét, đoạn đường từ Quốc lộ vào trung tâm xã chỉ trên dưới 20km, nhưng khó đi, yếu tố giao thông không thuận tiện đã lấy đi của An Lương quá nhiều cơ hội phát triển. Điện lưới chưa có, phương tiện vận chuyển khó khăn, đời sống người dân vẫn đang tự cung tự cấp là chủ yếu, thương mại - công nghiệp gần như vắng bóng...

Tuy đã được thông tin trước về ý định của chúng tôi, nhưng khi đón tiếp, đồng chí Hà Đình Sân - Phó bí thư Thường trực Đảng bộ xã vẫn không giấu nổi nét băn khoăn: “Trong xã có nhiều điểm trường lẻ nhưng để nói đến xa và đi lại khó khăn vất vả nhất thì phải là điểm trường Sài Lương 2 của Trường tiểu học An Lương, nằm cách đây gần chục cây số đường mòn". Khi thấy được quyết tâm của chúng tôi là phải đến bằng được nơi xa xôi đó, đồng chí Sân đã sẵn sàng làm người dẫn đường...

Phải mất hơn một giờ tiếp tục đánh vật với bùn đất và những vũng lầy, chúng tôi mới đến được điểm trường Sài Lương 2 - nơi có 5 nữ giáo viên đang “cắm bản” để dạy chữ cho hơn 140 học sinh là con em đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Tày... trên địa bàn.

Mặc dù biết trước những khó khăn, vất vả của những giáo viên đang bám trụ ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, nhưng khi được tận mắt chứng kiến “sự học” của cô và trò nơi đây chúng tôi không khỏi chạnh lòng, thương cảm. Các cô giáo tuổi đời đều còn rất trẻ, chỉ ngoài 20, người nhiều tuổi nhất cũng 30 là cùng và đa số đều chưa lập gia đình.

Lớp học của học sinh tại điểm trường Sài Lương 2.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng được gọi là vững chắc hơn cả, nhưng cũng chỉ là nhà gỗ, lợp lá cọ, xung quanh được ghép bằng ván gỗ mỏng, cô giáo Đinh Thị Hồng - người đã 2 năm dạy học ở đây tâm sự: “Lương giáo viên hợp đồng mấy trăm ngàn một tháng tuy không đủ trang trải toàn bộ cho cuộc sống hàng ngày nhưng vẫn cố gắng khắc phục được. Chỉ thương các em học sinh học bán trú (điểm trường này có khoảng 50 em), các em không có chỗ ngủ, cơm ăn không đủ no, có nhiều khi mấy em phải chung nhau một gói mỳ tôm, quần áo mùa rét cũng như mùa nóng, phong phanh một chiếc áo cánh mỏng”. Điểm trường Sài Lương 2 có khoảng 4 - 5 phòng học tạm với vách lửng và mái che đơn giản, trống huếch, trống hoác chúng tôi chỉ còn biết nhìn nhau thở dài.

Cô giáo Hà Thị Thơm ngậm ngùi: “Chẳng riêng gì điểm trường Sài Lương 2, các điểm trường lẻ ở vùng cao đều có những khó khăn giống nhau anh ạ! Mọi phương tiện hỗ trợ giảng dạy đều thiếu, đường sá đi lại xa xôi, điện nước không đủ, và đặc biệt hơn nữa là thiếu thốn tình cảm, nhiều lúc nhớ nhà chỉ muốn bỏ về ngay, nhưng rồi nghĩ lại thương các em học sinh, tuy nghèo khó nhưng sống tình cảm lắm”.

Những ngày gió bấc, mưa phùn, cái lạnh như được dịp thổi tung từ bốn phía. Cô trò với nhau ở trong lớp cứ lo có gió mạnh là các bức vách hoặc mái lá lại bị cuốn đi. Trời tối, điện lưới không có, mấy cái bóng thắp sáng bằng điện nước cứ lập loè như đom đóm.

Để đến được điểm trường Sài Lương 2 này, các cô giáo phải mất đến gần 3 giờ đồng hồ đi bộ vì đường dốc cheo leo, hiểm trở. Cô giáo Hồng cho biết thêm: “Trung bình mỗi lớp có từ 20 - 30 học sinh đều là dân tộc Mông, Dao, Tày... nhà cách trường học xa lắm, có em đi bộ từ nhà đến lớp chừng 5 - 7 cây số, đặc biệt có nhiều em như em Giàng A Sinh ở bản Đồng Đuốc, Dao Gié phải đi bộ tới trường mất hơn 10 cây số. Hôm nào trời mưa, lớp học lại vắng teo. Mùa đông đến, nhiều em lấm lem, không giầy, không tất đến lớp khiến các cô ai cũng phải động lòng. Có hôm mưa lũ, hoặc ốm đau, bản thân giáo viên cũng không dám nghỉ dạy bởi nếu cô không lên lớp thì hôm sau các trò cũng sẽ nghỉ hết. Lúc đó lại phải đi từng gia đình vận động cho các em đến trường rất khó khăn”. Thêm một cái khó nữa vì các em là người dân tộc nên việc tiếp thu bài giảng rất chậm.

Cô Hồng kể tiếp: “Khi mới đến điểm trường Sài Lương 2, tôi không biết tiếng dân tộc, các em lại không hiểu tiếng phổ thông nên cô trò chỉ nhìn nhau cười và ra hiệu bằng... tay. Tôi phải mầy mò học tiếng từ chính học sinh của mình. Bây giờ trở thành người biết nhiều ngôn ngữ. Được cái, những học sinh người dân tộc thiểu số đều ham học hỏi và rất hiền lành.

Kết quả học tập được đánh giá là các em biết viết, biết đọc đã rất thành công. Lúc đầu còn thấy vất vả, sau cũng quen dần”. Bữa cơm chiều chỉ có rau dớn nấu canh, thêm ít cá khô và lạc rang muối mà thật ấm lòng. Các cô giáo trêu đùa nhau trong bữa ăn, tiếng cười trong trẻo hồn nhiên như xoá tan đi cái giá lạnh mùa đông và sự vắng vẻ khi các trò về bản nghỉ cuối tuần.

Đêm xuống, sương mù giăng giăng khắp nẻo, vầng trăng trên cao đang bước vào mùa khuyết, sắc lẹm như chiếc lưỡi liềm gặt lúa của đồng bào dân tộc Mông. Các cô giáo quây quần bên nhau trong căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông, tâm sự mãi tới tận đêm khuya. Từ chuyện gia đình, chuyện bạn bè đến chuyện bếp núc...

Sau đó mỗi cô lại quay sang góc riêng của mình ngồi soạn giáo án để rồi sáng mai lên lớp với những bài giảng mới và chắp cánh cho những niềm tin từ ánh mắt xoe tròn của các học trò người Mông, người Tày, người Dao nơi vùng cao còn nhiều gian khó.

 An Lương  11/2010
Thiên Cầm - Trần Ngọc

Các tin khác
Vợ chồng Dung - Tiến thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet.

YBĐT - Đôi chân đã trở nên vô dụng, phải vất vả cử động đôi tay điều khiển chiếc xe lăn để di chuyển quanh nhà, Bùi Thị Kiều Dung - giáo viên cũ của Trường THCS Đồng Khê chưa thực sự hồi phục sau cơn đột biến của căn bệnh quái ác - viêm màng não tuỷ mà Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã kết luận...

La Pán Tẩn đang vào vụ thu hoạch Ảnh MQ

YBĐT - La Pán Tẩn - một trong ba “viên ngọc quý” của Mù Cang Chải - nơi nổi tiếng vùng Tây Bắc với lớp lớp, tầng tầng ruộng bậc thang đã xếp hạng danh thắng quốc gia của Việt Nam. Ở nơi lúa cấy ngang trời

Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Xã Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên và duy nhất của huyện Lục Yên (Yên Bái) thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến.

Cô gái Mường Lò trước giờ biểu diễn điệu múa truyền thống phục vụ du khách.

Chiều Tây Bắc nắng nghiêng nghiêng, chếnh choáng như say, như mơ. Tôi đã vốc đầy tay ngụm nước ngọt suối Thia và chạm chân vào đất của xứ Mường Lò. Chợt nhớ câu hát xa xưa: "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục