Làng ven ngòi Thia

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/1/2011 | 10:17:41 AM

YBĐT - Theo dòng chảy thời gian, ngòi Thia đã bồi đắp nên những ruộng lúa, bãi ngô xanh mướt và những thôn, làng mang nét văn hóa đậm bản sắc riêng. Thôn Ao Luông 1, xã Sơn A (Văn Chấn) là một làng văn hóa như thế!

Ngô đông xanh đồng Ao Luông 1.
Ngô đông xanh đồng Ao Luông 1.

Như các cụ cao tuổi ở đây kể lại thì làng có từ lâu lắm rồi. Đó là vào những năm cuối thế kỷ XIX, người Mường chủ yếu ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập… tỉnh Phú Thọ di cư lên và lập thành những bản, làng nằm dọc theo ngòi Thia. Rồi thôn Ao Luông 1 cũng như những làng khác có thêm các dân tộc cùng tới đây quần tụ, tạo nên các làng văn hóa đa sắc tộc. Làng văn hóa cấp tỉnh Ao Luông 1 có 106 hộ với 491 nhân khẩu, trong đó trên 93% là dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh, Thái.

Dẫn tôi ra ngắm ngòi Thia, đi qua một chiếc ao lớn trong làng, bắt gặp đàn vịt bầu trắng đang bơi lội, ông Hoàng Đình Thìn - nguyên Bí thư Đảng ủy xã cũng là người làng này giải thích: "Ao Luông theo tiếng Thái có nghĩa là ao to. Chính từ chiếc ao rộng tới 1,6 ha đặt tên làng này, gia đình anh Nguyễn Quốc Huy đang nuôi 1.000 con vịt đẻ, kết hợp thả cá và làm dịch vụ đám cưới cho thu nhập rất cao đấy!". Lúc này, tôi mới vỡ lẽ tên làng Ao Luông có từ đây.

Đứng trên chiếc cầu treo đẹp bắc qua dòng Thia, phóng tầm mắt xuống mặt nước còn lảng bảng sương sớm, tôi bắt gặp những lũy tre làng qua bao đời cha ông đã trồng ven ngòi Thia vẫn vươn mình vững chãi để phòng lũ, giữ đất, giữ làng. Tôi chợt nhớ chuyện người làng nhắc lại ngày trước, trên ngòi Thia này, đi lấy cá như đi lấy rau rừng. Cá sỉnh nơi đây nhiều vô kể. Còn cá đống - một loại cá sống ở nước sâu nhưng đẻ ở những nơi nước cạn dưới đầu gối và mắt cá chân về đẻ chồng, đẻ đống, có con to từ 4 đến 5 cân, nhỏ cũng phải 5 đến 6 lạng, có đêm úp được tới 40 con.

Có một thời, ngòi Thia này ban tặng cho dân làng một cuộc sống như thế. Anh Nguyễn Đức Đoàn - Trưởng thôn Ao Luông 1 cho biết: "Người dân Ao Luông 1 chủ yếu vẫn làm nông nghiệp và phát triển chăn nuôi nhưng với bản tính chịu thương, chịu khó nên bà con các dân tộc nơi đây có cuộc sống sung túc hơn nhiều thôn, làng khác trong xã.

Toàn thôn có 35,7 ha, trong đó chỉ có trên 21 ha ruộng, còn lại là đất thổ cư và đất khác. Diện tích ruộng đều được đầu tư thâm canh tăng năng suất, 100% các hộ đều trồng ngô đông. Thôn đang có đàn trâu, bò 67 con, đàn lợn 346 con và đàn gia cầm trên 27 nghìn con. Giờ đây, Ao Luông 1 chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 6% và còn lại đều có mức sống từ trung bình khá trở lên".

Ngòi Thia hôm nay không còn giữ nguyên cái vẻ tĩnh lặng, ngày ngày rộn vang tiếng máy khai thác cát. Cát xây dựng, nguồn vật liệu trời ban đã được dân làng khai thác. Chỉ riêng thôn Ao Luông 1 đã có 8 máy hút cát, tạo việc làm cho hàng chục lao động lúc nông nhàn. Bình quân mỗi máy cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Đi trên những con đường làng được bê tông hóa sạch sẽ, qua những ruộng ngô xanh ngút tầm mắt, bắt gặp những ngôi nhà sàn đẹp, trong tôi trào dâng cảm nhận về một làng văn hóa đang thực sự khởi sắc.

Người dân tự giác khi thôn huy động nạo vét kênh mương bảo đảm cho tưới tiêu, phục vụ sản xuất hay đóng góp ngày công tu sửa đường làng, ngõ xóm... trở thành chuyện thường ngày. Khi có công trình giao thông do Nhà nước đầu tư ở thôn, người dân nhiệt tình hiến cây, hiến đất, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng để thi công xây dựng. Con đường từ đầu làng đến khu trung tâm trường mầm non và tiểu học của xã dài trên 400 m, trị giá 450 triệu đồng đã được thi công và hoàn thành vào cuối năm nay.

Với phương châm Nhà nước đầu tư 70%, nhân dân đóng góp 30%, mỗi khẩu trong làng đã tự nguyện đóng góp gần 300.000 đồng để làm đường. Chất lượng giáo dục được nâng cao. Công tác vệ sinh, phòng dịch thực hiện đạt hiệu quả. Làng có một đội bóng chuyền, một đội văn nghệ nữ thường xuyên tổ chức giao lưu vào các ngày lễ lớn và gắn với nâng cao chất lượng làng văn hóa. Năm 2010, thôn có 84/106 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 11 hộ đạt danh hiệu gia đình tiêu biểu xuất sắc.

 

Người dân Ao Luông 1 khai thác cát trên ngòi Thia.

Về với Làng văn hóa Ao Luông 1 những ngày cuối năm, tôi không chỉ được chứng kiến cuộc sống đang từng ngày đổi thay mà còn được đắm mình, trò chuyện với các bậc cao niên người Mường. Đó là cụ Hoàng Văn Thái, 82 tuổi, thời trai trẻ yêu văn nghệ dân tộc, giờ vẫn giữ lại các nhạc cụ như đàn tính tẩu, kèn Lào, pí thiu; ông Hà Chiến Đễ, 75 tuổi, người luôn đau đáu giữ gìn điệu múa "Mơi" để tìm hiểu về đang Mường (hát của người Mường), đặc biệt là múa "Mơi" đặc sắc của người Mường trong ngày tết với mong muốn truyền lại những tinh hoa văn hóa đặc sắc cho muôn đời sau.

Những phút cuối bịn rịn cũng là lúc anh Đinh Văn Thuyên - Chủ tịch UBND xã Sơn A khoe với tôi: "Sơn A có 10 thôn thì có tới 5 thôn được công nhận làng văn hóa, trong đó thôn Ao Luông 1 tiêu biểu nhất được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh, còn lại 4 thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Có một điều lạ là các làng văn hóa ở Sơn A đều nằm dọc hai bên ngòi Thia". Tôi nắm chặt tay các anh với lời cảm ơn đã được ghé thăm Ao Luông 1 - làng văn hóa tiêu biểu nhất ở Sơn A. Mong sao, ngày trở lại, tôi sẽ gặp nhiều hơn những làng văn hóa như nơi đây.

Tôi rời làng trong văng vẳng câu hát đối của điệu múa "Mơi" dân tộc Mường:

"Tháng Giêng ta chửa chơi xuân
Ở đây có đám thành quân ta vào".

Làm hết sức, sống hết mình, mộc mạc, sáng trong như dòng Thia ngàn đời vẫn chảy, người dân Ao Luông 1 đang làm đẹp thêm cuộc sống của một làng văn hóa bên ngòi Thia hiền hòa...

Minh Đức

Các tin khác
Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi với những cô giáo “cắm bản”.

YBĐT - Tôi tình cờ đọc được ở đâu đó bài thơ “Cô giáo vùng cao” của nhà thơ Đỗ Khắc Dũng để rồi cứ ám ảnh mãi bởi vừa thương, vừa cảm phục các nữ giáo viên ở vùng cao.

Vợ chồng Dung - Tiến thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet.

YBĐT - Đôi chân đã trở nên vô dụng, phải vất vả cử động đôi tay điều khiển chiếc xe lăn để di chuyển quanh nhà, Bùi Thị Kiều Dung - giáo viên cũ của Trường THCS Đồng Khê chưa thực sự hồi phục sau cơn đột biến của căn bệnh quái ác - viêm màng não tuỷ mà Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã kết luận...

La Pán Tẩn đang vào vụ thu hoạch Ảnh MQ

YBĐT - La Pán Tẩn - một trong ba “viên ngọc quý” của Mù Cang Chải - nơi nổi tiếng vùng Tây Bắc với lớp lớp, tầng tầng ruộng bậc thang đã xếp hạng danh thắng quốc gia của Việt Nam. Ở nơi lúa cấy ngang trời

Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Xã Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, là địa phương đầu tiên và duy nhất của huyện Lục Yên (Yên Bái) thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn trong thời kỳ kháng chiến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục