"Tâm điểm" Nậm Có
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2011 | 10:07:14 AM
YBĐT - Các xưởng chế biến gỗ pơ mu "mọc" lên ở Nậm Có (Mù Cang Chải) hơn một năm trở lại đây đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho chính quyền địa phương.
Gỗ Pơ mu ở một xưởng chế biến ở Nậm Có.
|
Một bộ phận người dân - trong đó có lao động các huyện, thị lân cận bỏ việc lên rừng khai thác, vận chuyển gỗ; sự cạnh tranh giữa các xưởng chế biến gỗ gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn, phức tạp trong quản lý và bảo vệ rừng, tạo dư luận không tốt trong nhân dân…
Giấy phép một đằng, hành nghề một nẻo
Lúa, ngô chưa thu hoạch, vùng cao đang độ giáp hạt. Từ quốc lộ 32, người ta dễ bắt gặp những toán người lưng gùi lương thực, mang theo dao, búa vào Nậm Có, qua trung tâm xã để lên rừng. Chủ tịch UBND xã Hàng A Sa cho biết họ đi kiếm gỗ pơ mu tận thu để bán cho các xưởng chế biến thảm hạt.
Hơn một năm trở lại đây, các xưởng sản xuất thảm hạt pơ mu ở Mù Cang Chải “mọc” lên như nấm, Nậm Có là “tâm điểm”. Nói chung, rừng Nậm Có cơ bản không còn gỗ pơ mu. Đá Đen, Làng Giàng là nơi những người đi rừng có thể kiếm được cành, ngọn và gốc pơ mu còn sót lại.
Theo UBND xã Nậm Có, trên địa bàn có 5 xưởng sản xuất thảm hạt ở các bản: Có Thái, Làng Giàng, Tà Ghênh, Đá Đen. Tìm hiểu thực tế và qua nguồn tin riêng, các xưởng này đã hoạt động hơn một năm nay với quy mô 66 máy dập hạt, gần chục máy cưa và máy phát các loại.
Qua tìm hiểu tính hợp pháp của các xưởng sản xuất thảm hạt pơ mu, chỉ 3/5 xưởng có giấy phép kinh doanh (do Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND huyện Mù Cang Chải cấp), là: Công ty TNHH Duyên Thuận, Xưởng chế biến Hợp tác xã Đoàn Kết, Xưởng chế biến bản Đá Đen. Hãy gạt những xưởng không có giấy phép hành nghề sang một bên, người dân quan tâm là các xưởng sản xuất có giấy phép đã hành nghề đúng đăng ký chưa? Qua tìm hiểu và theo nguồn tin riêng, các xưởng đã có giấy phép đều “đăng ký một đằng, hành nghề một nẻo”.
Xưởng sản xuất thảm hạt pơ mu ở bản Có Thái của Công ty TNHH Duyên Thuận, gỗ đưa vào sản xuất 9.068 kg từ Công ty cổ phần Xây dựng M&T (Púng Luông, Mù Cang Chải) có đủ thủ tục giấy tờ; mua của Công ty tư nhân Xuân Bắc (phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ) 9.800 kg và 3,363 m3 gỗ pơ mu ván sàn (?).
Từ nguồn gỗ này, xưởng sản xuất 1.200 kg hạt pơ mu, tương đương 6.000 kg gỗ cành ngọn, hiện còn 6.000 kg gỗ pơ, trong đó 2.200 kg không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Xưởng sản xuất ở bản Làng Giàng, hiện có khoảng 10.000 kg gỗ pơ mu cành ngọn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Xưởng sản xuất giáp ranh bản Đá Đen với xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) gỗ pơ mu mua vào cành, ngọn, gốc, là trên 50.000 kg, sản phẩm hạt pơ mu 100 kg, không có giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc gỗ.
Người dân vận chuyển gỗ “tận thu” cho các đầu nậu.
Trở lại câu chuyện “giấy phép một đằng, hành nghề một nẻo”, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (gọi tắt là giấy phép) do Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái cấp cho Công ty TNHH Duyên Thuận ghi rõ ngành nghề “sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ vườn trồng và gỗ có nguồn gốc hợp pháp”.
Tới ngày 15.4.2011, xưởng chế biến tại bản Có Thái của công ty này có 2.200 kg gỗ pơ mu không có giấy tờ chứng minh hợp pháp. Xưởng sản xuất ở bản Làng Giàng hiện có 10.000 kg gỗ pơ mu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Xưởng sản xuất giáp ranh bản Đá Đen với xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) có 50.000 kg gỗ và 100 kg hạt pơ mu không có giấy tờ chứng minh hợp pháp…
Điều dễ nhận thấy, là hầu hết các chủ kinh doanh đã lợi dụng giấy phép hành nghề để sản xuất không đúng mục đích, nguồn gỗ đưa vào chế biến hầu hết là bất hợp pháp. Vì thế, 74 lao động mà các xưởng chế biến sử dụng đều không được bảo đảm một quyền lợi gì theo quy định của pháp luật ngoài những đồng tiền công ít ỏi…
Nậm Có được gì?
Việc di chuyển số lượng lớn các trang thiết bị chế biến vào địa bàn xã và lắp đặt máy móc không diễn ra trong một sớm một chiều, kéo theo đó là trên 74 lao động tại xưởng (chủ yếu là người từ nơi khác kéo vào địa bàn xã). Người dân đặt câu hỏi: Chính quyền xã đã nắm bắt thấu tình hình và thực hiện hết chức năng quản lý địa phương theo quy định hay không? Câu hỏi dường như khó trả lời với chính quyền địa phương. |
Một “cuộc chiến” nguyên liệu đã diễn ra giữa các xưởng sản xuất. Các xưởng ở gần rừng thu mua được nhiều hơn các xưởng vùng thấp, do vậy họ đã thi nhau giành giật nguyên liệu. Người dân ở một số bản của Nậm Có đã sao nhãng sản xuất, đi rừng lấy gỗ pơ mu. Tại bản Làng Giàng, nhiều người bỏ bê sản xuất nông nghiệp lên rừng khai thác gỗ bán cho xưởng chế biến của ông Lê Văn Thức.
Thông tin từ nhân dân và qua báo cáo riêng của cơ quan chức năng, chủ xưởng còn chuẩn bị đầu tư xe máy cho những hộ “trung thành” và cùng một số người có “vai vế” trong bản vận động nhân dân lấy gỗ bán cho xưởng để độc quyền thu mua nguyên liệu đầu nguồn. Khi chúng tôi có mặt tại Làng Giàng đã chứng kiến hình ảnh người dân tập kết, vận chuyển gỗ pơ mu đã xẻ thành quy cách ra khỏi địa bàn.
Tình hình khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản ở Nậm Có diễn biến phức tạp như vậy khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm và hiệu lực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Gỗ pơmu được đưa lên xe máy vận chuyển ra khỏi bản Làng Giàng.
Một ví dụ về sự phức tạp tới mức nghiêm trọng: ngày 13.4.2011, tại khu vực đầu cầu trung tâm xã, đối tượng dùng xe máy vận chuyển gỗ bất hợp pháp bị phát hiện đã bị tạm giữ phương tiện và gỗ tại trụ sở UBND xã. Ngay chiều đó, những người vận chuyển tổ chức cướp lại gỗ và phương tiện, cán bộ kiểm lâm phải nổ súng cảnh cáo nhưng vô hiệu…
Động thái của chính quyền và cơ quan chức năng?
Bí thư Huyện ủy Ngô Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Giàng A Tông cho biết quan điểm và chỉ đạo là cương quyết đình chỉ và tháo dỡ máy móc của các xưởng chế biến gỗ pơ mu ở Nậm Có và trên địa bàn huyện. Thông tin mới nhất, huyện đã kiểm tra, giám sát, tiến hành tháo dỡ toàn bộ máy móc của 6 xưởng sản xuất gỗ pơ mu ở Nậm Có và Nậm Khắt, lập biên bản chờ xử lý theo quy định của pháp luật 33.000 kg gỗ pơ mu không rõ nguồn gốc.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải - ông Vàng A Lử cho biết, cơ quan kiểm lâm thực hiện nghiêm Công văn số 56 của UBND huyện, trong đó Trạm Kiểm lâm Cao Phạ có trách nhiệm giúp chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xung quanh những phức tạp ở Nậm Có, dư luận khá quan tâm tới một số người đứng sau các xưởng chế biến, ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã tiến hành kiểm tra toàn diện, nắm bắt tình hình. Vấn đề này, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xác minh để làm rõ.
Nhóm PVNC
Các tin khác
YBĐT - Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, diện mạo thành phố Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong kiến trúc đô thị.
YBĐT - Đến giờ ở Đại Minh, không còn đất để mở rộng diện tích trồng bưởi. Trên địa bàn có tới 500/780 hộ dân trồng bưởi và ở Yên Bái chưa có nơi nào có vườn bưởi rộng như ở đây, trên tám chục hécta.
YBĐT - Từ đầu năm học 2010 - 2011 đến nay, nhà trường có 14 học sinh nghỉ học vì lý do lấy vợ, lấy chồng và các nguyên nhân khác (khối lớp 10 là 7 em, lớp 11 là 3 em và khối 12 là 4 em).
YBĐT - Nhìn vào bảng thành tích học tập và những giải thưởng mà em Lê Ngọc Tân - học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất thành đã gặt hái được từ những mùa vàng kiến thức quả là rất đáng nể.