Thành phố Yên Bái: Cần những “khoảng nghỉ” trong quy hoạch dài hơi

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2011 | 2:34:49 PM

YBĐT - Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, diện mạo thành phố Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong kiến trúc đô thị.

Khu trung tâm Km5, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)
Khu trung tâm Km5, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)

Đường phố và những khu vực tập trung các hoạt động kinh tế, nơi được coi là trung tâm chính trị - xã hội được xây dựng đàng hoàng, to đẹp. Tuy nhiên, việc dành sự đầu tư cho các công trình vui chơi, giải trí, nơi hoạt động chung trong cộng đồng còn không ít hạn chế.

Nơi cần thì không có!

Đây là nhận xét của một cán bộ của Phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái, cho dù ở đây không đưa ra được số liệu cụ thể về các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn thành phố, ý nói rằng, một số khu phố, tổ dân phố của các phường xã trên địa bàn có nhu cầu xây dựng một nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng nhưng không thể tìm được mảnh đất nào.

Quả thật, đất đô thị giờ khó còn chỗ trống, mà “tấc đất” thành phố bằng mấy “tấc vàng” nên càng khó để có thể tạo ra một vài trăm mét vuông cho một công trình công cộng nào đó. Cấp chính quyền nào có sớm nghĩ ra việc dành đất cho một sân chơi thể thao, một nhà văn hóa thì lại phải chịu áp lực của kế hoạch thu ngân sách nên phải thực hiện dự án “ĐĐB” (đổ đất bán) để có nguồn thu từ giao đất.

Phường Hồng Hà rộng 1,1 km vuông, đây được hiểu là nơi khai sinh thị xã Yên Bái cũ, giờ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại lớn của thành phố. Đất chật người đông lại có tới gần 70 cơ quan, trường học và việc bố trí đất đai giờ đã cơ bản ổn định. Cả phường có 4/9 khu dân cư đã xây dựng được nhà văn hóa, số còn lại hoặc chưa bố trí được đất, riêng phố Hồng Tân không còn chỗ để quy hoạch.

Ông Ngô Kim Ngọc - Phó chủ tịch UBND phường giãi bày: “Quỹ đất chưa sử dụng gần như đã hết, chúng tôi  đang đề nghị tỉnh chuyển đổi một số diện tích chỉ để xây dựng nhà văn hóa, việc tạo các sân chơi thì hết sức khó khăn và gần như không thể”. Ở Hồng Hà có một sân vận động, một nhà thi đấu thể thao, một rạp hát nhưng chủ yếu để tổ chức những sự kiện có quy mô lớn của cả phường, của thành phố hoặc cấp tỉnh.

Sân chơi thể thao trong các cơ quan, đơn vị cũng rất hạn chế và chủ yếu để dành cho cán bộ, công chức của đơn vị. Điều được coi là “may mắn” và đặc biệt nhất ở Hồng Hà cũng như toàn thành phố là một khu sân chơi quý giá ở tổ 50 có diện tích 200 m2 dành cho người dân.

Thuận lợi hơn Hồng Hà, phường Minh Tân đã 6/9 phố đã có nhà văn hóa. Trong đó 2 phố Tân Trung 1 và Tân Trung 2 xây dựng chung một nhà văn hóa nên dành được quỹ đất làm sân chơi cầu lông và sân bóng đá mini trong khuôn viên nhà văn hóa.

Hay như nhà văn hóa phố Tân Hiếu I cũng đã trở thành nơi sinh hoạt khá hiệu quả. Đối với hai phố còn lại là Tân Dân 2, Tân Thành 2 thì phường cũng đang tính toán để bố trí đất và tình hình có vẻ thuận lợi. Tuy nhiên, ngoài sân chơi chung ở trụ sở UBND phường và nhà văn hóa nói trên, ở Minh Tân cũng chưa có một sân chơi nhỏ nào trong các cụm dân cư, nơi bố trí được cũng chỉ đủ để làm vừa diện tích nhà văn hóa. Và tất nhiên hành lang, vỉa hè cũng như những đoạn đường vắng sẽ trở thành nơi đánh cầu, đá bóng của trẻ em.

 

Ở thành phố hiện rất hiếm những nơi có khoảng đất rộng rãi cho các hoạt động công cộng như trước cửa rạp Yên Ninh, phường Yên Thịnh.

Chỗ có thì chưa cần!

Thực tế là chưa cần ở một số nơi, nhất là địa bàn nông thôn. Người dân ở các xã ven thành phố như: Nam Cường, Hợp Minh, Tân Thịnh, Minh Bảo, Tuy Lộc còn nhiều khó khăn, chẳng đến mức đầu tắt mặt tối bám ruộng, bám rừng, nhưng khi rảnh thì quanh việc nhà rồi đến giờ xem truyền hình cũng hết ngày còn lúc nào để vui chơi giải trí. Người dân ít lui tới, tình trạng nhà văn hóa thôn chẳng mấy khi mở cửa, không phát huy được hiệu quả được nhắc đến ở đây đó bên cạnh một số nhà văn hóa, tuy chưa thường xuyên nhưng đã trở thành tụ điểm hội họp khá hiệu quả, nhất là các hoạt động trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.

Nhu cầu chưa cao nhưng người dân đã rất nhiệt tình trong phong trào xây dựng nhà văn hóa. Ngay như ở Tân Thịnh, xã thuần nông nhưng các thôn trong xã đều nhà văn hóa. Theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có nơi người dân cũng đóng góp tới bảy, tám mươi triệu xây dựng nhà văn hóa.

Ở các xã, việc bố trí quỹ đất chẳng có gì khó khăn, vì nếu có chuyển đổi một vài trăm mét vuông đất nông lâm nghiệp, đất vườn tạp phục vụ lợi ích của cộng đồng sẽ được mọi người hưởng ứng. Có xã còn xảy ra chuyện “trả” lại đất quy hoạch làm nhà văn hóa với lý do 2 nhà văn hóa ở quá gần nhau.

Và tính dài hạn trong quy hoạch sử dụng đất

Thành phố Yên Bái đang xúc tiến các hoạt động để quy hoạch điều chỉnh chung đến năm 2020. Với tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”, việc đảm bảo sự cân bằng dân số - quỹ đất là bài toán không hề đơn giản đối với địa hình thành phố miền núi phải chấp nhận có nhiều tầng bậc. Tuy nhiên, ngoài các công trình công cộng cấp tỉnh đang có ở các phường Hồng Hà, Đồng Tâm, Yên Thịnh, trong quy hoạch chi tiết cần dành đất cho các công trình phúc lợi công cộng bên cạnh các khu dân cư.

Chỉ khoảng vài ba trăm mét vuông để làm một vườn hoa nhỏ, một sân chơi thể thao mini, hoặc ban ngày là sân chơi, tối trở thành bãi đỗ xe hiệu quả. Những quỹ đất như thế sẽ tạo ra những “khoảng nghỉ” trong cái chật hẹp của thành phố và tạo ra không gian cho các sinh hoạt văn hóa thể thao lý tưởng ở đô thị văn minh.

Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái cho biết: Trong quy hoạch chi tiết các xã Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc, các kiến trúc sư đã quan tâm đến vấn đề này.

Trong đó ưu tiên đất mặt đường cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ và các cơ quan có nhiều tiếp xúc với người dân. Cơ quan quản lý nhà nước lui dần vào bên trong, dành những cho có thể đi lại thuận lợi cho các công trình công cộng, nhà văn hóa, bãi đỗ xe… Các cơ quan, đơn vị sẽ dành diện tích rộng để đáp ứng yêu cầu phát triển của phương tiện giao thông.

Tuy vậy, những người làm quy hoạch vẫn phải có cái nhìn cho 20, 30 năm tới hoặc xa hơn nữa. Rồi triển khai quy hoạch, thiết kế đô thị, kiểm tra - giám sát việc thực hiện quy hoạch như thế nào để không gian thành phố đạt được các tiêu chí, đồng thời đáp ứng sự phát triển của nhu cầu nhân dân. Làm sao phải khắc phục triệt để tình trạng “đến khi cần thì không thể có” trong quy hoạch mở rộng thành phố sang hữu ngạn sông Hồng trong tương lai.

* Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch UBND phường Minh Tân: “Rất khó khăn để tìm được quỹ đất cho các công trình phúc lợi công cộng. Có tìm được thì việc đầu tư san gạt với địa bàn như thành phố Yên Bái cũng không đơn giản. Khi tạo mặt bằng không cho rằng lợi ích văn hóa, xã hội là quan trọng mà chỉ coi hiệu quả kinh tế là trên hết thì rất khó. Tôi chắc chắn rằng, việc quy hoạch phải rút kinh nghiệm nhiều và đổi mới hơn nữa mới có thể làm tốt được”.

* Ông Ngô Kim Ngọc - Phó chủ tịch UBND phường Hồng Hà: “Hiện giờ cách làm của chúng ta là đang chạy đuổi theo quy hoạch cũ nên tôi cho rằng, trong quy hoạch phải nghiên cứu xây dựng các công trình phụ trợ, tỉnh và thành phố cần dành quỹ đất để xây dựng các cơ sở văn hóa công cộng. Hiện giờ cách làm của chúng ta là đang chạy đuổi theo quy hoạch cũ nên với Hồng Hà nhìn lại những diện tích còn lại là không đơn giản, cho dù người dân có nóng lòng đóng góp xây dựng”.

Minh Quang

Các tin khác

YBĐT - Đến giờ ở Đại Minh, không còn đất để mở rộng diện tích trồng bưởi. Trên địa bàn có tới 500/780 hộ dân trồng bưởi và ở Yên Bái chưa có nơi nào có vườn bưởi rộng như ở đây, trên tám chục hécta.

Ông Nông Văn Chiến - Phụ huynh học sinh Nông Thị Lạnh lớp 11 A6 hứa với thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường sẽ cho con đi học sau khi kết hôn.

YBĐT - Từ đầu năm học 2010 - 2011 đến nay, nhà trường có 14 học sinh nghỉ học vì lý do lấy vợ, lấy chồng và các nguyên nhân khác (khối lớp 10 là 7 em, lớp 11 là 3 em và khối 12 là 4 em).

Lê Ngọc Tân luôn tự giác trong học tập.

YBĐT - Nhìn vào bảng thành tích học tập và những giải thưởng mà em Lê Ngọc Tân - học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất thành đã gặt hái được từ những mùa vàng kiến thức quả là rất đáng nể.

Đào Thanh Hải (thứ hai từ phải sang) và nhóm bạn nhận giải thưởng tại Manila (Philipin) ngày 17/3/2011.

YBĐT - Có một điều đặc biệt ít người biết là trưởng nhóm, phụ trách đồ án đạt giải nhất lại là một cậu sinh viên trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương Yên Bái. Đó là Đào Thanh Hải, sinh năm 1989, trú tại tổ 12, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục