Nước mắt tảo hôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/5/2011 | 2:59:38 PM

YBĐT - Sự vào cuộc không đồng bộ, công tác tuyên truyền, vận động yếu kém của các cơ quan chức năng địa phương cùng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống khó khăn của người dân... đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay vẫn còn tồn tại ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.

Chị Đinh Thị Hường - cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Gia Hội trao đổi với phụ huynh của em Lò Thị Công về tác hại của nạn tảo hôn.
Chị Đinh Thị Hường - cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Gia Hội trao đổi với phụ huynh của em Lò Thị Công về tác hại của nạn tảo hôn.

Ngoài 3 trường hợp là em Công có thai 3 tháng, Bình 6 tháng, Trúc 5 tháng vừa bị sảy thì có lẽ trường hợp của em Lò Thị Huệ sinh năm 1993 ở bản Van - một trong những trường hợp tảo hôn năm 2010 của xã là đáng xót xa hơn cả. Không có kiến thức về hạnh phúc gia đình hay cách làm cha, làm mẹ, sự vô tâm, vô tư của đôi vợ chồng trẻ đã vô tình dẫn đến cái chết của đứa con thơ chưa đầy 3 ngày tuổi.

Sự vào cuộc không đồng bộ, công tác tuyên truyền, vận động yếu kém của các cơ quan chức năng địa phương cùng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống khó khăn của người dân... đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay vẫn còn tồn tại  ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.

Nước mắt tảo hôn

Theo chân chị Đinh Thị Hường - Cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Gia Hội, chúng tôi đến gia đình em Lò Thị Công, sinh năm 1995 ở thôn Minh Nội khi đồng hồ điểm 11 giờ trưa. Trong căn nhà lụp xụp, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang lúi húi thổi cơm - chị là Lò Thị Hửa, mẹ của Công. Chị Hửa có 5 người con, Công là con thứ 3 trong gia đình vừa học hết lớp 9 hiện nay nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ.

Chị Hửa tâm sự: “Công đang đi lấy cây tế, phải hơn 12 giờ mới về! Việc của cháu, tôi cũng đã nhiều lần khuyên ngăn, nhưng cháu không nghe và đến tháng 12/2010 gia đình buộc phải tổ chức ăn hỏi vì đã mang bầu 3 tháng. Một đến hai tháng nữa gia đình sẽ tổ chức cưới...”.

Gia đình chị Hửa thuộc diện hộ nghèo của xã chỉ có 900 m2 ruộng cấy lúa nước, con cái lại đông, chồng đi làm thuê mãi dưới Hà Nội. Chuẩn bị cưới xin cho cô con gái mới 16 tuổi không khác nào làm việc cực chẳng đã, khuôn mặt người mẹ vốn đã khắc khổ nay lại hằn thêm nét lo âu, trăn trở. Chị Hửa chia sẻ: “Thời của mình thì cha me đặt đâu con ngồi đó, còn bây giờ con cái đặt đâu là mình phải nghe theo đó, khổ thế đấy! Mà phong tục đồng bào nơi đây vẫn vậy, những gia đình có con gái 14 đến 15 tuổi chưa chàng trai nào để ý cũng lo lắm”.

Ngân Thị Trúc sau khi đã sảy thai 5 tháng và đang chờ kết hôn.

Trường hợp em Ngân Thị Trúc, sinh năm 1994 cũng ở thôn Minh Nội, ngay sát gia đình nhà em Công cũng tương tự như vậy. Thay vì sự nhanh nhẹn của tuổi trẻ là những bước đi nặng nề, đôi mắt quầng thâm, giọng nói hụt hơi, mệt mỏi của Trúc khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Trúc sinh năm 1994 là bạn thân và học cùng với Lò Thị Công, Ngân Thị Bình sinh năm 1995. Cả ba cô gái chỉ học hết lớp 9 là nghỉ học và đều đang chuẩn bị kết hôn. Bạn trai của Trúc là Ngân Văn Tới ở bản Van, gia đình hai bên cũng mới tổ chức ăn hỏi và cũng đang chuẩn bị tổ chức lễ cưới. Nhưng thật không may cho Trúc vì em có thai được 5 tháng thì sảy do bị ngã trong lúc bê nồi cám cho lợn ăn.

- Em không biết khi mang bầu là không được làm những công việc nặng à? Tôi hỏi Trúc.

- Không, ngày nào em cũng làm như vậy! Ngoài ra em còn đi cấy, lên rừng kiếm củi, đi lấy tế. Con gái ở đây ai chẳng vậy, có riêng gì em - Trúc hồn nhiên trả lời.

- Vậy em có biết kết hôn như thế là không đúng pháp luật?

- Không, bạn bè em ai cũng vậy cả!

Những lời nói ngây thơ đến ngô nghê của Trúc làm tôi không khỏi giật mình xót xa. Với em mọi chuyện đều rất đỗi bình thường, giản đơn đến thế sao? Chị Hường - cán bộ chuyên trách dân số tiếp lời: “Ngay như việc cả ba em Trúc, Công, Bình khi biết mình có thai còn không dám nói cho ai biết vì xấu hổ, chúng tôi cũng đến tận gia đình vận động, nói cho các em hiểu kết hôn sớm khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Song cũng phải đến 2, 3 lần vận động nhiều khi còn dọa các em nếu không đi kiểm tra sau này sinh con sẽ không có thuốc... thì các em mới chịu đến trạm y tế”.

Ngoài 3 trường hợp là em Công có thai 3 tháng, Bình 6 tháng, Trúc 5 tháng vừa bị sảy thì có lẽ trường hợp của em Lò Thị Huệ sinh năm 1993 ở bản Van - một trong những trường hợp tảo hôn năm 2010 của xã là đáng xót xa hơn cả. Không có kiến thức về hạnh phúc gia đình hay cách làm cha, làm mẹ, sự vô tâm, vô tư của đôi vợ chồng trẻ đã vô tình dẫn đến cái chết của đứa con thơ chưa đầy 3 ngày tuổi.

Khi có thai, Huệ cũng không đi kiểm tra định kỳ tại trạm y tế, khi đến ngày sinh nở cũng không đến trạm xá mà sinh ngay tại nhà. Việc đứa trẻ nặng 3,1kg bị nhiễm trùng uốn ván dây rốn bị chết là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với gia đình Huệ cũng như các cặp vợ chồng tảo hôn ở đây.

Bố mẹ là “thủ phạm”

Đáng buồn là các bậc phụ huynh lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc tảo hôn ở các em trẻ bởi những phong tục, tập quán, suy nghĩ lạc hậu khi cho rằng con gái 14 đến 15 tuổi mà chưa có chàng trai nào để ý, cầu hôn thì coi như bị ế chồng và họ chính là “thủ phạm” thúc giục, dạm hỏi và tìm chốn nương thân cho con gái mình. Ngoài sức ép phải lấy chồng sớm từ gia đình, những cô gái chập chững tuổi lớn ở Gia Hội đều có chung hoàn cảnh là cuộc sống khó khăn, vất vả như: gia đình đông anh em, đất đai canh tác ít, ngoài giờ lên lớp phải tranh thủ phụ giúp gia đình việc đồng áng, lên nương làm rẫy...

Em Ngân Thị Trúc cho biết: “ Em cũng xem trên ti vi thấy nhiều anh, chị dân tộc mình làm phát thanh viên, em cũng mơ ước được học lên cao và đi làm nhưng gia đình khó khăn mà em học cũng không tốt, nên học hết lớp 9 là nghỉ ở nhà thôi”...

Trước thực trạng tảo hôn tại xã Gia Hội, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh sau khi khảo sát đã quyết định xây dựng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với xã Gia Hội từ cuối năm 2009. Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cùng với Đảng uỷ, chính quyền địa phương, Ban DS - KHHGĐ xã đã triển khai mô hình bằng các việc làm cụ thể như: thành lập các nhóm xuống các thôn tuyên truyền về Luật Hôn nhân, gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Năm 2007, xã Gia Hội có 18 trường hợp sinh con dưới 18 tuổi, năm 2008 con số này giảm xuống còn 6 trường hợp, năm 2009 vẫn còn 3 trường hợp và năm 2010 có 19 cặp đăng ký kết hôn trong đó có một cặp tảo hôn. '

Theo số liệu của Ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) xã thì có tới 23 cặp kết hôn. Đây cũng chỉ là số bề nổi có cưới xin đàng hoàng, còn nhiều trường hợp hai gia đình tự cho con cái về ăn ở với nhau thì rất khó kiểm soát. Hậu quả của tảo hôn là những giọt nước mắt muộn màng của các bà mẹ khi tuổi đời mới 14, 15.

Sau một năm triển khai mô hình đã thành lập được 4 nhóm gồm: nhóm các bậc phụ huynh; nhóm thanh niên, vị thành niên; nhóm người có uy tín trong cộng đồng, mỗi tháng các nhóm tiến hành họp các hội viên một lần để tuyên truyền.

Các ban, ngành, đoàn thể của xã có trách nhiệm tuyên truyền đến các cán bộ, công nhân viên chức, các hội viên về nâng cao ý thức giảm tối đa nạn tảo hôn; thành lập các điểm tư vấn tại trạm y tế xã về CSSKSS/KHHGĐ; tư vấn về Luật Hôn nhân gia đình và đăng ký kết hôn; tăng cường mỗi thôn 1 công tác viên tự nguyện để tuyên truyền về vấn đề này... Mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã góp phần quan trọng vào việc giảm tình trạng tảo hôn nơi đây.

Chị Hường cho biết: “Mô hình đã và đang dần được người dân nơi đây tiếp cận và chấp nhận. Song thời gian xây dựng mô hình lại quá ngắn, nếu chỉ một năm thì tình trạng này không thể giải quyết ngay được...”. Đến nay, mô hình giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Gia Hội đã kết thúc nên việc hoạt động của các nhóm, các tổ chức theo đó cũng giảm sút rõ rệt. Đội ngũ cộng tác viên y tế, dân số thôn bản tuy đã được lồng ghép qua đào tạo và có bằng cấp nhưng kinh nghiệm tuyên truyền vận động chưa thực sự hiệu quả. Sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể chưa mạnh mẽ, quyết liệt nên tình trạng tảo hôn vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Giải pháp

Nghiên cứu của ngành y tế đã khẳng định: tảo hôn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của chất lượng dân số, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người mẹ và tính mạng của trẻ sơ sinh. Nhanh chóng đưa ra các giải pháp cho tình trạng này là việc làm cấp bách đối với xã Gia Hội, Văn Chấn. Chị Đinh Thị Hường cho biết: “Việc thành lập được 4 nhóm đối tượng mà mô hình vừa triển khai là rất cần thiết.

Thời gian tới, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác dân số, sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trong tuyên truyền vận động thì việc gây dựng, củng cố lại các nhóm này là đặc biệt quan trọng...”.

Ngoài ra, việc thu hút, tập hợp các đối tượng thanh thiếu niên vào các phong trào, tạo việc làm thường xuyên cho các đối tượng này cũng rất cần thiết. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác DS - KHHGĐ nơi đây, từ cán bộ chuyên trách đến cộng tác viên phải thường xuyên, trực tiếp đến các hộ gia đình vận động, tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, chăm sóc SKSS/KHHGĐ; tập trung vào các đối tượng giữ vai trò quan trọng trong gia đình, dòng họ và có những biện pháp kỷ luật mạnh đối với những gia đình cố tình bắt các em kết hôn sớm; phải làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là các em trai, gái tuổi mới lớn trong các mối quan hệ của mình...

An Nguyên

Các tin khác
Gỗ Pơ mu ở một xưởng chế biến ở Nậm Có.

YBĐT - Các xưởng chế biến gỗ pơ mu "mọc" lên ở Nậm Có (Mù Cang Chải) hơn một năm trở lại đây đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho chính quyền địa phương.

Khu trung tâm Km5, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, diện mạo thành phố Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong kiến trúc đô thị.

YBĐT - Đến giờ ở Đại Minh, không còn đất để mở rộng diện tích trồng bưởi. Trên địa bàn có tới 500/780 hộ dân trồng bưởi và ở Yên Bái chưa có nơi nào có vườn bưởi rộng như ở đây, trên tám chục hécta.

Ông Nông Văn Chiến - Phụ huynh học sinh Nông Thị Lạnh lớp 11 A6 hứa với thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường sẽ cho con đi học sau khi kết hôn.

YBĐT - Từ đầu năm học 2010 - 2011 đến nay, nhà trường có 14 học sinh nghỉ học vì lý do lấy vợ, lấy chồng và các nguyên nhân khác (khối lớp 10 là 7 em, lớp 11 là 3 em và khối 12 là 4 em).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục