Cây đại thụ trên đỉnh Xéo Mả Pán
- Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2011 | 9:31:00 AM
YBĐT - Đất nước độc lập, già làng Giàng Nủ Vàng lại cùng với bà con dân bản xây dựng bản làng. Cái bụng của già tốt, lại am hiểu nhiều điều nên dân bản thấy ưng cái bụng và coi già như linh hồn của bản làng.
Bằng sự vận động của già làng Giàng Nủ Vàng, nhiều thửa ruộng bậc thang ở bản Xéo Mả Pán đã được người người dân khai hoang cấy lúa nước.
|
Cũng như nhiều người con khác của dân tộc Mông, thời chiến tranh, già làng Giàng Nủ Vàng sớm theo bộ đội đánh giặc Pháp, giữ cái rừng cái núi của ông cha, thời chống Mỹ, già là trung đội trưởng cơ động dân quân xã đánh phỉ trừ gian. Đất nước độc lập, già làng Giàng Nủ Vàng lại cùng với bà con dân bản xây dựng bản làng. Cái bụng của già tốt, lại am hiểu nhiều điều nên dân bản thấy ưng cái bụng và coi già như linh hồn của bản làng.
Theo chân bộ đội Cụ Hồ
Chúng tôi tìm đến nhà già làng Giàng Nủ Vàng vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 5. Từ trụ sở UBND xã Khao Mang (Mù Cang Chải) đến bản Xéo Mả Pán cũng chỉ 5 km, con đường đang được thi công mở rộng và đêm hôm trước có trận mưa lớn nên xe máy không đi được, do vậy để đến được nhà già không có cách nào khác ngoài “đi bộ”, sau khi làm công tác dân vận được đôi dép quai hậu chúng tôi quyết định ngược núi. Đường lên bản Xéo Mả Pán tương đối hiểm trở, một bên là triền núi hoa mua tím biếc tô điểm cho khung cảnh thơ mộng của buổi bình minh vùng núi cao, một bên là vực sâu của con suối BLaSang đổ nước xuống dòng Mường Kim.
Trong ký ức của già, tuy thời gian “làm bộ đội Cụ Hồ” ngắn và đến nay đã qua khá lâu, nhưng những ngày tháng đó mãi không phai mờ, được đi bộ đội thì thích rồi, vì được đánh giặc, được học cái chữ”. Tuy hoạt động trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn nhưng già vẫn tranh thủ nhờ các “đồng chí người Kinh” dạy cho mình cái chữ: “Lúc đầu viết trên đất, trên đá, sau có người cho quyển vở và cây bút chì mình quý lắm. Sợ nó bị ướt, mình đã làm một ống nứa to nhét vở vào đó rồi giấu vào vách đá”. Nhờ cái chữ, già làng Giàng Nủ Vàng đã được mở mang kiến thức, biết thêm nhiều điều để sau này giúp bản làng. |
Đến nhà, ngồi đợi một lúc, anh Giàng A Lả - con trai út của già cho biết: “Chuẩn bị đến mùa làm ruộng nước nên bố anh cùng gần 20 người ở 18 hộ có ruộng bậc thang ở Tà Tê đi sửa kênh dẫn nước rồi”. Khoảng một giờ sau, già làng Giàng Nủ Vàng cùng con trai trở về. Vừa gặp chúng tôi, già đã bảo: “Cán bộ đến nhà chơi thì phải ở lâu lâu mới về nhé”.
Chúng tôi hỏi: “Sao già không để mấy anh em trai tráng đi làm, già nên nghỉ ngơi cho đỡ mệt?” Già cười rất hiền: “Nó dẫn nước tưới cho cây lúa của mình nên mình phải đi thôi. Để bọn trẻ làm mình không yên tâm, xi măng và ống nước đã được Nhà nước đầu tư cho rồi mình chỉ mất công thôi”. Câu chuyện dần trở nên thân mật, chúng tôi hỏi già về thời trai trẻ. Già kể; “Thời đó dân mình đói khổ lắm, cái ăn không mặn miệng, súng đạn giặc bắn phá, càn quét nát cả cây rừng…Nhưng dù khổ đến mấy, dân bản mình vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”.
Qua câu chuyện già kể, chúng tôi được biết, trước đây, nhà bố mẹ già từng nuôi cán bộ. Chính việc làm của cha mẹ đã sớm ảnh hưởng đến suy nghĩ của già. Già bảo: “Ngày đó, chỉ thích đi với bộ đội thôi, nhưng vì nhỏ tuổi nên các anh chưa cho theo. Mình phải khai thêm cho đủ 17 tuổi để được đi bộ đội”.
Về địa phương, già lại tham gia và hoạt động trong đội du kích xã. Năm 1965, già được bầu làm Trung đội trưởng dân quân xã. Già đã cùng với anh em động viên bà con tăng gia sản xuất; tham gia tiễu phỉ trừ gian. Trong suốt quãng thời gian khó khăn mà hào hùng đó, biết bao sự kiện đi qua và để lại dấu ấn không phai mờ trong tâm trí già. Già nhớ nhất là cái trận phục kích phỉ ở khu vực xã Hồ Bốn. Trong trận đó, già đã cùng 12 anh em theo dõi hoạt động của phỉ ở khu vực huyện Than Uyên sang, khi phỉ vào nhà dân cướp bóc đã bị tập kích, gây tổn thất lớn cho phỉ nhưng anh em du kích không ai bị thương.
Già làng của người Mông
Già làng Giàng Nủ Vàng chăm sóc đàn lợn.
Sau ngày đất nước độc lập, già làng Giàng Nủ Vàng tham gia công tác chính quyền xã Khao Mang. Nhiều năm liền, già làm uỷ viên thư ký xã, Phó chủ tịch, trưởng Ban công an xã, Chủ tịch UBND xã…ở cương vị nào, già cũng luôn cố gắng để không phụ lòng bà con. “Bà con tin thì mới giao cho mình làm người đại diện. Mình phải cố gắng thôi, không được để bà con buồn” - với tâm niệm đó, những lời nói, việc làm của già đều được bà con ủng hộ và nghe theo.
Bản Xéo Mả Pán bây giờ đã có đầy đủ các chức danh trưởng thôn, bí thư chi bộ, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Nhưng trong rất nhiều sự việc, những lời nói của già làng Nủ Vàng đều đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi đơn giản, già đến với bà con, khuyên nhủ bà con bằng cái tình và sự cảm thông của một người anh em thân thiết. Lời già nói vừa có cái lý, cái tình của người Mông nhưng đúng với chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Già bảo: “Mình nói đúng tâm tư nguyện vọng của bà con thì sẽ được nhiều người ủng hộ mà thôi”. Chính vì tiếng nói của già có sức ảnh hưởng lớn đối với dân làng nên hễ trong làng xảy ra vụ việc gì, già đều đứng ra hoà giải. Có những chuyện tưởng chừng rất nhỏ như vợ chồng cãi nhau, đòi bỏ nhau, già làng Giàng Nủ Vàng đã đứng ra nói cho hai vợ chồng hiểu: “Cha mẹ bỏ nhau thì con cái sẽ không được chăm lo đầy đủ, chúng sẽ buồn lắm đấy. Cha mẹ mình có bỏ mình đâu mà giờ mình lại nỡ bỏ con cái. Phải hoà thuận thôi”.
Rồi đến những vụ tranh chấp đất cát hay thực hiện nếp sống văn hoá mới ở bản trong việc cưới việc tang, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong trong dòng họ... cũng phải nhờ cậy đến lời nói của già. Già làng Giàng Nủ Vàng cho biết: “Ngày trước, luật tục của người Mông nghiêm lắm. Nếu người nào vi phạm, già làng có quyền ra lệnh phạt.
Người bị phạt phải nộp một can rượu đầy, 1 con lợn to từ 2 tay đến 3 tay (khoảng 20 - 30 kg) để cho cả bản ăn phạt. Bây giờ, có pháp luật rồi, mình phải phải giải quyết theo pháp luật thôi”. Với uy tín và ý thức trách nhiệm của mình, già làng Nủ Vàng đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phong tục tập quán cho nhiều người dân trong bản và thắt chặt tình đoàn kết giữa những người anh em Mông với nhau, cũng như giữa người Mông với các dân tộc khác.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế hộ gia đình, gia đình già làng Giàng Nủ Vàng là một điển hình cho bà con học tập, noi theo. Hiện nay, tổng diện tích đất canh tác của gia đình già có 6 ha, trong đó, 2 ha đất rừng trồng cây lâu năm; 2 ha đất trồng ngô, sắn và gần 2 ha ruộng bậc thang. Hàng năm gieo cấy hết diện tích bằng giống lúa mới, thu hoạch trên 8 tấn thóc, trồng được 0,5 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi 6 con trâu bò. Ngoài ra, già còn đào ao thả cá, chăn nuôi 10 con lợn và hàng chục con gà, vịt...
Chia tay già làng Giàng Nủ Vàng, trong buổi chiều nắng vàng rực rỡ, văng vẳng bên tai chúng tôi điệu khèn dìu dặt được phát ra từ chiếc điện thoại cầm tay của những thanh niên nam nữ người Mông đang be bờ ngăn nước làm ruộng. Gió vẫn thổi trên đỉnh Xéo Mả Pán mang theo câu chuyện về người già làng mẫu mực của bà con người Mông, một cây đại thụ - biểu tượng cho niềm tin, tình đoàn kết dân tộc trong lòng bà con dân bản.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Cho mãi đến tháng 3.2011, UBND thị xã Nghĩa Lộ mới lập tờ trình gửi UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng về việc điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Pú Trạng thành Khu phát triển thương mại, dịch vụ, văn hóa và quỹ đất dân cư.
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Yên Bái, diện mạo vùng cao Trạm Tấu có nhiều đổi thay rõ rệt. Song, đồng bào vùng cao ấn tượng nhất, bất ngờ và vui nhất lại là những con đường giao thông liên thôn bản.
YBĐT - việc đào tạo và tìm kiếm việc làm của hầu hết lao động nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Đại đa số là lao động ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn không có điều kiện để theo học chuyên nghiệp và các lớp đào tạo nghề ở các tỉnh, thành phố lớn.
YBĐT - Những cô cậu học trò sớm chấp nhận xa gia đình đi về trọ học ở thành phố cũng không ngoài mục đích được học tập tốt hơn. Nhưng nếu không tự giác học tập thì sự trọ học xa nhà ấy phỏng có ích gì?