Còn lại nỗi đau

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2011 | 2:48:54 PM

YBĐT - Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ không có cha chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em đâu biết rằng mẹ của các em sức khỏe ngày một yếu đi và không biết sẽ còn sống với các em bao lâu nữa. Các em vẫn mơ được như bao người khác.

Ba mẹ con chị Tố bên ngôi nhà rách nát.
Ba mẹ con chị Tố bên ngôi nhà rách nát.

Lục Yên một thời lừng danh về đá đỏ. Đá đỏ “sôi lên” kéo theo dòng người lũ lượt lên núi kiếm tìm giấc mơ đổi đời. Ghê gớm hơn cả cái chết đó là căn bệnh thế kỷ mà những người đàn ông đã mang từ các bãi đá đỏ về truyền vào vợ, con. Chồng chết những người phụ nữ bất hạnh đó phải vừa làm mẹ vừa làm cha của những đứa trẻ vô tội.

Những cái chết trắng
 
Những năm 1990, cả mảnh đất Lục Yên như “sôi lên” bởi cơn sốt đá đỏ. Lúc đó ở đâu cũng nghe thấy người ta xì xào rằng người nọ, người kia vừa đào được viên đá rubi trị giá cả tỷ đồng. Thế là sức hút vô biên của đồng tiền đã kéo từng đoàn, từng đoàn người tay xà beng, cuốc, xẻng, tay sàng… gùi balô lên núi, dựng lán, đào, đãi tìm đá đỏ”. Bác Hoàng Văn Cánh, một người dân sống gần những bãi đá đỏ nhớ lại.

Những cánh rừng trước đây vốn bình yên bỗng chốc trở nên huyên náo bởi người từ khắp các nơi đổ về bãi tìm đá. Giữa cảnh sống hỗn độn đó, ranh giới cái tốt và xấu quá mong manh nên không biết bao người đã sa vào con đường nghiện ngập, cả những người đàn ông xưa nay vốn chỉ biết “ăn cơm nhà”, để rồi chuốc lấy căn bệnh thế kỷ HIV.

Chúng tôi đến thăm nhà chị Hà Thị Tố, thôn 11, xã Liễu Đô (Lục Yên) vào một trưa hè oi ả. Người phụ nữ gầy guộc đang làm cỏ trong vườn, đôi tay yếu ớt của chị không đủ để xới lên một mảng cỏ dù chỉ bằng bàn tay. Thấy khách, chị vội ngưng tay, kéo vạt áo lau những giọt mồ hôi trên gò má, chị nói: “Mệt lắm không có sức nữa đâu nhưng phải cố làm ít cỏ để trồng mấy cây sắn, đến ngày đói 3 mẹ con còn có cái mà ăn”.

Trong căn nhà trống huơ, trống hoác chị đã kể cho chúng tôi nghe về bi kịch gia đình. Cuộc sống quá nghèo đói, lại thêm 2 đứa con nhỏ, ruộng nương không có.

Thường ngày vẫn nghe người ta nói làm đá đỏ được nhiều tiền nên chồng chị đã quyết định đeo balô lên núi mong kiếm một khoản tiền lớn. Ở nhà 3 mẹ con chị vẫn luôn ngóng trông chồng về nhưng trái với sự mong đợi, anh trở về chỉ với hai bàn tay trắng, cùng với tấm thân gầy còm. Vẫn chưa biết mình nhiễm HIV, vì mưu sinh, hai vợ chồng chị lại phiêu dạt vào Nam kiếm kế sinh nhai.

Bỏ lại quê nhà 2 đứa trẻ nhỏ, đứa lớn mới 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Vào Nam chưa được bao lâu thì chồng chị bị ốm, khi đó chị mới hay chồng mình đã bị nhiễm HIV. Lấy hết can đảm, chị đến bệnh viện xét nghiệm để rồi trở về cùng bản án “tử hình” trên tay. Không còn khả năng lao động cả hai vợ chồng liền bị các công ty cho nghỉ việc. Không có tiền, chị phải đi vay mượn, thậm chí xin từng đồng của anh em đồng hương để hai vợ chồng trở về quê. “Nếu có chết thì chết ở quê còn có đất mà chôn” lời nói đó phát ra từ chị khiến chúng tôi xót xa. Ngôi nhà nay chỉ còn lại 3 mẹ con, sức khỏe đang ngày một yếu đi, không biết chị Tố sẽ còn ở lại bên các con bao ngày.

Cũng giống như gia đình chị Tố, gia đình chị Hoàng Thị Loan, thôn 1 Hin Trạng, xã Tân Lĩnh do hoàn cảnh khó khăn và những lời đồn thổi về đá đỏ khiến anh chồng và con trai cả đã hòa mình vào dòng người, kéo nhau lên núi với giấc mộng giàu sang. Trong một lần mưa gió cậu con trai cả về nhà để mang gạo, rau… lên bãi phục vụ cho một chuyến cắm bãi dài ngày của 2 bố con. Đang trên đường lên núi, người con trai đã trượt chân rơi xuống vách đá và vĩnh viễn ra đi.

Nỗi đau vẫn chưa dừng lại với chị Loan khi người con gái thứ hai không may bị lũ cuốn trôi và chết ngay sau đó. Đau đớn trước cái chết của hai con, chồng chị cũng từ bỏ bãi đá đỏ trở về. Không bao lâu anh cũng bị ốm và mới hay mình đã nhiễm HIV. Sau khi người chồng trút hơi thở cuối cùng, chị Loan đã quyết định đến Trung tâm y tế huyện để xét nghiệm mới biết mình đã bị lây bệnh từ chồng. Ngôi nhà rách nát nay chỉ còn lại chị với đứa con gái út mới 5 tuổi và không ai biết chị sẽ rời bỏ đứa con tội nghiệp đó ra đi khi nào. 

 

Chị Loan không biết sẽ còn chăm sóc cho đứa con gái được bao lâu.

Nhìn cảnh 3 người thân của gia đình anh Hoàng Văn Tường, thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô hạnh phúc bên ngôi nhà nhỏ ít người biết rằng người đàn ông mới 34 tuổi đó đang mang trong mình căn bệnh HIV. Cũng như chồng chị Tố, chị Loan, anh Tường đã một thời lên bãi để đào đãi đá đỏ, mong có nhà lầu, vợ đẹp như bao người rồi sau một phút không kiềm chế được mình anh đã nghe theo  lời bạn bè và thử chích một lần để tận hưởng cảm giác say mê của ma túy. Cứ như vậy, hết lần này đến lần khác, anh nghiện ngập lúc nào không hay.

 “Khi biết mình đã nghiện, tôi nghĩ rằng mình không thể sống mãi với ma túy và tôi biết nếu cứ như vậy giấc mộng của tôi sẽ mãi chẳng thành. Tôi đã rời bãi đá đỏ trở về và đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy”, anh Tường nói. Hạnh phúc tưởng chừng đã mỉm cười khi anh tìm được một người vợ thảo hiền và sinh cho anh một cô công chúa bé bỏng, xinh xắn. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau một cơn lâm bệnh anh mới hay mình đã mắc phải căn bệnh HIV. Giờ đây tuy 3 con người đó đang cố gắng làm tất cả để níu kéo hạnh phúc nhưng liệu họ sẽ còn cố được bao lâu khi thời gian vẫn cứ trôi đi và sự sống của anh Tường đang từng ngày bị căn bệnh kéo ngắn lại.

 

Tai họa vẫn đang rình rập trong ngôi nhà hạnh phúc của vợ chồng anh Tường.

Giấc mơ của những đứa trẻ tội nghiệp

Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ không có cha chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em đâu biết rằng mẹ của các em sức khỏe ngày một yếu đi và không biết sẽ còn sống với các em bao lâu nữa. Các em vẫn mơ được như bao người khác.

“Chiếc xe đạp của nhà tôi cũ lắm rồi, thằng Thắng và thằng Sóng chúng nó cứ mơ có được cái xe đạp mới để hai anh em đèo nhau đi học. Nhưng giờ miếng ăn còn không đủ lấy tiền đâu mà mua xe. Rồi một ngày tôi chết đi ai sẽ nuôi chúng ăn học? Chúng thích được đi học”, chị Tố vội quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt đang chực trào ra dưới đôi mắt thâm quầng. “Không biết anh Tường còn sống được bao lâu, còn tôi không biết ra sao nữa. Nghĩ thương cái Yến” chị Thúy tâm sự trong nghẹn ngào. 

Còn hàng chục gia đình khác cũng đang phải gánh chịu hậu quả của căn bệnh HIV mà “mầm bệnh” bắt nguồn từ đá đỏ, chúng tôi không thể đề cập hết trong bài viết. Họ rất cần được cộng đồng chung tay giúp đỡ, đặc biệt đối với các em nhỏ. Hậu quả về HIV/AIDS là quá lớn, vì vậy để hạn chế và đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mỗi gia đình và toàn xã hội cùng chung sức, chung vai đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, tích cực thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.

    Tiến Minh

Các tin khác
Khó có thể kiểm soát những quầy thực phẩm di động như thế này.

YBĐT - Hiện nay nỗi lo “bệnh vào từ miệng” luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi thực phẩm là nguồn truyền bệnh nguy hiểm nếu không được bảo đảm an toàn và vệ sinh.

Đường vào Thôn Than Dẹt bị chia cắt bởi nhiều con suối.

YBĐT - Đã nhiều năm nay 97 hộ dân ở thôn Than Dẹt xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên phải sống trong cảnh không điện, không đường, không thông tin liên lạc...

Thiếu sân chơi, trẻ em đá bóng ngay trên đường phố gây mất ATGT.

YBĐT - Việc tìm kiếm được những hình thức vui chơi, giải trí bổ ích, an toàn kết hợp với học tập trong dịp hè luôn là ước muốn của hầu hết các em thiếu niên, nhi đồng và các bậc phụ huynh.

Bằng sự vận động của già làng Giàng Nủ Vàng, nhiều thửa ruộng bậc thang ở bản Xéo Mả Pán đã được người người dân khai hoang cấy lúa nước.

YBĐT - Đất nước độc lập, già làng Giàng Nủ Vàng lại cùng với bà con dân bản xây dựng bản làng. Cái bụng của già tốt, lại am hiểu nhiều điều nên dân bản thấy ưng cái bụng và coi già như linh hồn của bản làng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục