Sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn: “Dưới đói, trên đau”
- Cập nhật: Thứ ba, 5/7/2011 | 2:56:06 PM
YBĐT - Với diện tích trên 3.800 ha chè kinh doanh, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh và chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh Yên Bái.
Với trên 3.800 ha chè kinh doanh Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Thanh Phúc)
|
Với diện tích trên 3.800 ha chè kinh doanh, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh và chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Những năm qua, mặc dù Văn Chấn đã chú trọng đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng và quy mô chế biến chè.
Song việc quy hoạch, quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến chè còn hạn chế cùng ý thức của người làm chè chưa cao đã khiến chất lượng, giá trị sản phẩm chè đạt thấp, đời sống của người làm chè gặp không ít khó khăn.
Thực trạng sản xuất kinh doanh chè.
Những ngày tháng 6, khi chè ở Văn Chấn bước vào vụ thu hoạch chính thì hầu hết các cơ sở sản xuất chế biến chè ở các xã khu vực vùng ngoài của huyện lại lâm vào tình trạng quá tải nguyên liệu. Tình trạng này đã từng xảy ra rất nhiều lần trong các vụ sản xuất trước khi mà người dân dùng máy, hoặc dùng liềm để thu hoạch chè.
Với tâm lý để chè già mới thu hoạch cho sản lượng lớn, lại đỡ tốn công cắt và giảm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây chè nên hầu hết các hộ dân đều chờ cho đến khi búp chè khá dài mới thu hoạch. Thời gian thu hoạch tập trung, với mỗi máy hái trung bình 1 tấn/ngày thì việc nguyên liệu đầu vào vượt quá công suất của các cơ sở chế biến là điều tất yếu. Chè nhiều, doanh nghiệp được thể ép giá. Chè già, giá thấp nhưng doanh nghiệp cũng không muốn mua, người dân thiệt đơn thiệt kép.
Ông Lê Ngọc Cường - Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Anh - Tân Thịnh cho biết: “Việc quá tải cục bộ nguyên liệu chè gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc bảo quản nguyên liệu, điều chỉnh vốn và điều hòa hoạt động của các cơ sở. Thông thường nguyên liệu chỉ tập trung trong 10 ngày, sau đó phải tới 45 - 60 ngày sau mới có lứa thu hoạch mới. Thời gian này, Nhà máy đành cho nhân công nghỉ, nhưng khi tìm lại lao động rất khó. Để đảm bảo sản xuất, cơ sở chỉ giữ lại một số công nhân chính để sơ chế, bảo dưỡng máy móc chờ đợt sản xuất sau”.
Là huyện có truyền thống phát triển sản xuất, kinh doanh chè, cây chè được người dân Văn Chấn trồng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trước đây, chè Văn Chấn nổi tiếng ở 3 nông trường lớn là Nông trường chè Nghĩa Lộ, Nông trường chè Trần Phú và Nông trường chè Liên Sơn. Đây là những vùng nguyên liệu chính phục vụ sản xuất chế biến chè của các nhà máy chè Nghĩa Lộ, Trần Phú và Liên Sơn.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh chè, cùng với việc nâng cao công suất của các nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu, nhiều cơ sở sản xuất tư nhân, hợp tác xã đã được xây dựng mới và đưa vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện Văn Chấn đã có trên 50 cơ sở chế biến chè với tổng công suất trên 750 tấn/ngày, đó là chưa kể đến bom chè sao, sấy thủ công trong các hộ gia đình.
Nguyên nhân của những bất cập
Thực trạng và những bất cập trong sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn nói chung là do việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè còn hạn chế, người làm chè và các doanh nghiệp còn chạy theo lợi ích trước mắt. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chè chưa đảm bảo các điều kiện về vùng nguyên liệu, điều kiện đất đai, con người và các yếu tố về vệ sinh môi trường…
Vì cái lợi trước mắt, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng, đầu tư một số máy móc sản xuất thô sơ, mượn tạm một số đất đồi bãi làm nhà xưởng cốt sao có thể làm khô nguyên liệu chè búp tươi để bán sản phẩm sơ chế. Vốn thu hồi nhanh, đầu tư ít, vậy là những cơ sở chế biến “mọc lên như nấm sau mưa”. Việc làm này của một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến khiến mọi hậu quả đều đổ lên đầu người làm chè.
Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng khác là ý thức của nhiều người dân đối với cây chè và sản phẩm chè vẫn còn rất kém. Công tác tuyên truyền, giải thích và can thiệp của chính quyền một số xã đối với việc thu hái chè chất lượng và can thiệp để điều tiết thời điểm, lượng chè thu hoạch chưa mấy hiệu quả.
Thực tế, khi đưa máy cắt vào thu hoạch chè búp tươi, mỗi máy hái có công suất trung bình bằng 10 - 12 nhân công, thì để thu hoạch 1/ha chỉ cần vài ba ngày. Điều này chứng tỏ người dân hoàn toàn có thể chủ động thời điểm để thu hoạch chè. Nếu trước mỗi lứa hái người dân chủ động hái đảo những búp cao, búp trội rồi thu hái đúng lứa, đúng phẩm cấp thì việc quá tải nguyên liệu chắc chắn đã không xảy ra.
Ông Phan Văn An Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: “Để có được sản phẩm chè sau chế biến tốt thì chất lượng nguyên liệu đầu vào là yếu tố quyết định. Có nghĩa, để cải thiện được chất lượng chè trước hết cần cải tạo ý thức người làm chè trong việc đầu tư thâm canh, cải tạo các giống chè chất lượng và áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật.
Để chuyển đổi nhận thức của người dân các cơ quan quản lý Nhà nước phải là trọng tâm đứng ra liên kết nhà doanh nghiệp, Nhà nước và nhà nông để làm sao chúng ta có một tiếng nói chung, thống nhất mục đích chung là nâng cao chất lượng sản phẩm chè”.
Cây chè Văn Chấn ở trong cảnh “dưới đói, trên đau” bởi những máy cắt chè như thế này.
Giải pháp tháo gỡ.
Trước những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh chè, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Cùng với việc rà soát, sắp xếp tổ chức lại các cơ sở chế biến, huyện đã tổ chức và chỉ đạo một số xã tổ chức hội nghị giữa các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng để thống nhất chủ trương bàn biện pháp nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh chè.
Tuy nhiên mâu thuẫn lợi ích giữa các doanh nghiệp, việc thống nhất tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu đầu vào, việc cạnh tranh vùng nguyên liệu vẫn gây nên những bất đồng giữa các doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp lớn đổ lỗi cho doanh nghiệp nhỏ thu mua chè kém phẩm cấp, doanh nghiệp nhỏ lại đổ lỗi cho người dân, ý thức kém...
Việc thu hoạch, sản xuất, kinh doanh chè kém chất lượng, người dân, doanh nghiệp những tưởng mình được lợi, khi thu hoạch được khối lượng nhiều, ít tốn công lại đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất. Với ngành chè nói chung và việc sản xuất kinh doanh chè ở Văn Chấn nói riêng, việc làm này rất nguy hiểm, trước tiên là chất lượng sản phẩm chè, giá trị của cây chè ngày càng giảm sút, sau là thương hiệu, thị trường của các sản phẩm chè ngày càng bị thu hẹp. Tệ hơn cả là khi giá chè giảm, người dân không chú trọng đầu tư chăm sóc, cây chè "dưới đói, trên đau" vùng nguyên liệu bao năm phát triển nay có nguy cơ mất dần. |
Qua tham khảo ý kiến người làm chè, hầu hết chẳng ai thấy vui khi được nhiều khối lượng chè như hiện nay. Nếu áp dụng tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo giá thành búp chè tươi người dân sẵn sàng đáp ứng, dù là dùng tay, dùng máy hay dùng liềm.
Trong khi chờ thống nhất các tiêu chí về điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn nguyên liệu chè búp tươi và chế tài xử lý các cơ sở vi phạm, huyện Văn Chấn đang xúc tiến xây dựng Hiệp hội các doanh nghiệp chè trên địa bàn, đồng thời triển khai các biện pháp quyết liệt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Huyện Văn Chấn đã tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, chuẩn hóa lại các quy trình thâm canh chăm sóc, mở rộng vùng nguyên liệu có chất lượng.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá lại thực trạng của các cơ sở chế biến, huyện đã có những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đồng thời áp dụng các quy định yêu cầu các cơ sở sản xuất chế biến đảm bảo các điều kiện sản xuất. Huyện sẽ hạn chế cấp phép cho các cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh chè và đề nghị tỉnh, Nhà nước có những tác động vào vùng nguyên liệu, quy hoạch lại các cơ sở chế biến và có chế tài xử lý để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh chè vào khuôn khổ”.
Thực tế cho thấy cây chè vốn đã gắn bó bao đời với người nông dân từ vùng thấp đến vùng cao của Văn Chấn thì nay lại đang bị chính những người dân Văn Chấn quay lưng lại, thậm chí đã có không ít người đang hủy hoại cây chè, hạ thấp giá trị sản phẩm chè. Vì thế, hơn bao giờ hết, việc bắt tay giữa người trồng chè, các cơ sở sản xuất, chế biến chè và các nhà quản lý là điều kiện quan trọng để Văn Chấn từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ không có cha chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em đâu biết rằng mẹ của các em sức khỏe ngày một yếu đi và không biết sẽ còn sống với các em bao lâu nữa. Các em vẫn mơ được như bao người khác.
YBĐT - Hiện nay nỗi lo “bệnh vào từ miệng” luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi thực phẩm là nguồn truyền bệnh nguy hiểm nếu không được bảo đảm an toàn và vệ sinh.
YBĐT - Đã nhiều năm nay 97 hộ dân ở thôn Than Dẹt xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên phải sống trong cảnh không điện, không đường, không thông tin liên lạc...
YBĐT - Việc tìm kiếm được những hình thức vui chơi, giải trí bổ ích, an toàn kết hợp với học tập trong dịp hè luôn là ước muốn của hầu hết các em thiếu niên, nhi đồng và các bậc phụ huynh.