Chòng chành trên mảng đến trường
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2011 | 2:22:06 PM
YBĐT - Dòng Hút cắt ngang 5 thôn của xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên) trong đó có thôn 3, thôn 6 và thôn 7 là những thôn cách xa cầu trung tâm khiến nơi đây trở thành một ốc đảo.
Các em học sinh thôn 6 đi học đều phải qua chiếc mảng tre này
|
Việc đi lại của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến mảng và những cây cầu do chính người dân, các gia đình trong thôn bản tự làm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt đi lại cho con em mình đến trường được thuận tiện hơn. Tuy nhiên điều đáng nói là những chuyến mảng qua suối không được đảm bảo an toàn ẩn chứa những tai họa khó lường trong những mùa mưa bão.
Kéo mảng vượt suối...
Vượt hơn 10 km từ trung tâm xã Phong Dụ Thượng, chúng tôi tìm đến thôn 6 khi mặt trời đã đứng bóng. Trên đường đi được chứng kiến rất nhiều chiếc cầu tạm, mảng bắc qua dòng suối Hút - nơi hàng ngày học sinh đi đến trường và người dân trong các thôn đi lại. 5 thôn của xã bị biệt lập và chia cắt bởi dòng suối Hút khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tất cả những thôn bên kia suối được may mắn có chung chiếc cầu treo đi lại. Đây là chiếc cầu nằm trên địa bàn thôn 5, các thôn còn lại trong xã muốn đi qua cầu cũng phải mất đoạn đường từ 2 đến 5km.
“Nếu mà không có những chiếc cầu tạm, mảng qua suối thì việc học hành và đi lại của người dân rất khó khăn. Muốn lên trung tâm xã mà không đi qua mảng hoặc cầu tạm, người dân ở thôn 3, thôn 7 mà xuôi xuống cầu treo ở thôn 5 lại ngược lên thì đoạn đường đi xã sẽ dài gấp đôi. Đáng lẽ lên xã chỉ đến 5 km thôi nhưng nếu đi qua cầu cho an toàn thì đoạn đường lên đến 10 km. Mà đa phần người dân và các em học sinh ở đây là đi bộ đến trường”, anh Hoàng Trung Hiếu, Trưởng thôn 3 cho biết.
Trước mắt chúng tôi là chiếc mảng được làm bằng những cây vầu, nứa xếp và buộc lại, bên trên đặt mấy tấm ván mỏng để dành chỗ cho xe máy. Đó chính là phương tiện để hàng ngày ông Đặng Phúc Châu và hai thành viên khác trong gia đình thay phiên nhau đưa khách qua suối. Mỗi ngày phải có đến hàng trăm lượt khách đi qua đoạn đường này. Chủ yếu là học sinh đi học và người dân trong vùng cùng với những lái buôn qua lại.
Phút giải lao của anh Châu
Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, em Đặng Thị Liều, học sinh lớp 4c, điểm trường thôn Khe Mạ hồn nhiên nói: “Bọn em đi học vất vả lắm, hàng ngày chúng em vẫn phải thường xuyên đi thế này”. Nhìn chiếc mảng mỏng manh đang cố gồng mình chở các em ra giữa dòng nước biếc, tim tôi như thắt lại khi nghĩ tới những trận lũ quét, lũ ống bất ngờ ở vùng cao.
Ẩn họa luôn rình rập
Không áo phao và không có bất kì một thiết bị bảo vệ nào để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em, đó là những gì mà chúng tôi được “mục sở thị”. Cô Lương Thị Dung, giáo viên điểm trường Khe Mạ tâm sự: “Những khi vào mùa mưa lũ thì hầu hết các em ở thôn 6 bị cách trở không qua suối đi học được nên các thầy cô phải thường xuyên dạy bù, tăng thời gian, đến vận động học sinh học thêm cả chiều và những ngày nghỉ. Dù vẫn biết là không an toàn nhưng chẳng có cách nào khác, chẳng lẽ lại nghỉ học?”.
Ở lại Dụ Thượng hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi được chứng kiến sự bận rộn của ông Châu, chủ chiếc mảng cứ tất bật ngược xuôi để đưa đón khách qua suối.
Biết được ý định của chúng tôi về tìm hiểu về công việc làm chủ kéo mảng, anh Đặng Tòn Siết, con trai và cũng là thành viên thường xuyên giúp bố kéo mảng cho biết: “Hàng ngày tôi phải dậy sớm và có mặt tại bến lúc 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Có hôm không có ai thay thì có người đem cơm đến ăn và nghỉ ngơi luôn tại chỗ. Công việc vất vả nên đòi hỏi người kéo mảng phải có sức khỏe. Làm liên tục cùng lắm cũng chỉ 2 ngày là phải thay phiên, nhìn vậy thôi nhưng kéo khó lắm”.
Cầu tạm bắc qua suối Hút thôn 3, xã Phong Dụ Thượng
Chúng tôi tìm đến nhà ông Triệu Phúc Bảo, Trưởng thôn 6, ông Bảo cho biết: “Trong thôn thì giao thông đi lại còn nhiều khó khăn bởi do cách trở của suối Hút chia thôn ra làm hai nửa riêng biệt. Đa phần người dân phải đi qua mảng, cầu phao, cầu gỗ tự làm. Mỗi mùa mưa đến lũ lại cuốn trôi hết để trơ lại mấy chiếc cọc".
"Nhiều lần như vậy, người dân nghĩ ra giải pháp là đi mảng, mục đích phục vụ nhân dân trong vùng là chủ yếu. Các chủ kinh doanh thương lái đi xe máy qua chỉ thu 5.000 đồng/lượt đi và về. Có người thấy thương cũng cho được 10.000 đến 15.000 đồng. Mỗi lượt đi chỉ được qua một xe máy để đảm bảo an toàn” - Ông Bảo nói.
Chia tay ông Bảo, chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi chiếc mảng chòng chành ấy bởi thực tế đã có biết bao vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên những chuyến đò chỉ vì sự thiếu trách nhiệm hoặc một chút bất cẩn, vô ý của chủ phương tiện.
Văn Thông - Xuân Tiên
Các tin khác
YBĐT - Với diện tích trên 3.800 ha chè kinh doanh, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh và chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của những đứa trẻ không có cha chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Các em đâu biết rằng mẹ của các em sức khỏe ngày một yếu đi và không biết sẽ còn sống với các em bao lâu nữa. Các em vẫn mơ được như bao người khác.
YBĐT - Hiện nay nỗi lo “bệnh vào từ miệng” luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi thực phẩm là nguồn truyền bệnh nguy hiểm nếu không được bảo đảm an toàn và vệ sinh.
YBĐT - Đã nhiều năm nay 97 hộ dân ở thôn Than Dẹt xã Phong Dụ Thượng huyện Văn Yên phải sống trong cảnh không điện, không đường, không thông tin liên lạc...