Cần xem xét giải quyết đất sản xuất cho dân
- Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2011 | 2:57:51 PM
YBĐT - Chúng tôi về thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) vào những ngày hè oi bức. Nhiều hộ dân đang nóng lòng được giãi bày về việc đất họ khai hoang và canh tác nhiều năm nay mà sao vẫn nằm trong đất của Lâm trường và vẫn phải nộp thuế đất lâm nghiệp?
Nhiều diện tích cam của các hộ dân Thiên Tuế bỏ công sức khai hoang từ gần 20 năm trước nhưng vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất.
|
Trước đây, Lâm trường Ngòi Lao (Văn Chấn) nay là Công ty Lâm nghiệp Ngòi Lao có chủ trương cho các gia đình công nhân Lâm trường mượn đất sản xuất phát triển kinh tế. Hơn chục ha đất lâm nghiệp đã được người dân khai hoang và sản xuất ổn định gần 20 năm. Thế nhưng, năm 2007 khi Nhà nước có chủ trương hợp thức hóa thì người dân lại không được hưởng quyền lợi chính đáng và giờ đây khi đã về nghỉ hưu hoặc nghỉ mất sức họ vẫn phải chịu cảnh sống nhờ trên đất của Lâm trường…
Bức xúc từ cơ sở
Chúng tôi về thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) vào những ngày hè oi bức. Nhiều hộ dân đang nóng lòng được giãi bày về việc đất họ khai hoang và canh tác nhiều năm nay mà sao vẫn nằm trong đất của Lâm trường và vẫn phải nộp thuế đất lâm nghiệp? Tại nhà bà Vũ Thị Lợi, Bí thư chi bộ thôn Thiên Tuế đã tề tựu hơn chục hộ dân khi nghe nói có nhà báo đến. Và rồi câu chuyện về đất sản xuất đã dần dần chứng tỏ những bất cập.
Gần 30 hộ dân trước đây nguyên là cán bộ công nhân Lâm trường Ngòi Lao, gần 20 năm trước, để khắc phục tình trạng đời sống vật chất của cán bộ công nhân cơ quan khó khăn, lãnh đạo Lâm trường đã có chủ trương cho cán bộ nhân viên khai hoang các bãi cỏ tranh, bụi rậm mà Lâm trường không dùng để tăng gia sản xuất.
Từ năm 2008 trở về đây, Công ty Ngòi Lao đã thu tiền thuê đất của các hộ dân với giá 375.000 đồng/ha. Và theo các hộ dân thì nếu không nộp, Lâm trường sẽ thu hồi đất. Tuy nhiên, cũng trong dải đất đó chỉ có hai hộ được tách ra đó là những cán bộ hiện đang công tác tại Công ty Lâm nghiệp Ngòi Lao. Chính vì lý do này UBND xã Thượng Bằng La không có cơ sở để giải thích cho người dân, nên mới dẫn đến việc mấy chục hộ dân (đã có thời gian dài cùng chung tay gắn bó với Lâm trường) rất bức xúc và đòi đâm đơn khiếu kiện. |
Nhiều năm nay, họ đã sống nhờ vào diện tích canh tác này và xây dựng nên vùng cam của thôn Thiên Tuế. Nhờ hiệu quả kinh tế cây cam mang lại mà nhiều hộ dân trong thôn đã có cuộc sống khá giả hơn. Tuy nhiên, diện tích đất trên lại chưa được cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân mà vẫn là đất của Lâm trường, do đó, họ không thể yên tâm sản xuất cũng như vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Ông Bùi Văn Đông, một hộ dân cho biết: “Diện tích trên 10.000m2 đất của gia đình tôi ở hiện nay là đất do gia đình khai phá đã gần 20 năm nay. Gia đình đã làm nhà ở và trồng cây ăn quả ổn định. Tuy nhiên, đến nay số đất này vẫn thuộc Lâm trường quản lý, do đó, chúng tôi không thể yên tâm sản xuất”.
Ông Nguyễn Văn Bản, 52 tuổi, giãi bày: “Gia đình tôi đã sống và công tác tại Lâm trường Ngòi Lao từ năm 1978, đến nay đã về nghỉ hưu ở địa phương sống nhưng vẫn phải ở trên phần đất do Lâm trường Ngòi Lao quản lý.
Trong thời gian còn đang công tác tại Lâm trường, do tình hình khó khăn chung lúc bấy giờ con cái con nhỏ, lương của hai vợ chồng không đủ ăn và nuôi các cháu ăn học, để đảm bảo cuộc sống gia đình chúng tôi đã tranh thủ tận dụng những chỗ đất mà Lâm trường không sử dụng đến để trồng cây ăn quả, cây chè và cây lâu năm. Hiện cây đang phát triển tốt và mang lại thu nhập cao cho gia đình. Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền cấp cho chúng tôi quyền sử dụng đất lâu dài để tạo điều kiện cho gia đình kinh doanh, yên tâm đầu tư sản xuất và được hưởng những chế độ ưu đãi như những hộ gia đình khác đang sống trên địa bàn dân cư”.
Nhiều hộ dân Thiên Tuế mong mỏi được cấp quyền sử dụng đất lâu dài trên diện tích họ đã khai hoang và canh tác ổn định.
Tiếng nói của người trong cuộc
Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, năm 2007, Nhà nước có chủ trương quy hoạch lại diện tích đất cho Lâm trường Ngòi Lao. Những diện tích đất xung quanh nhà dân, người dân đã trồng cây lâu năm thì giao về xã quản lý và cấp quyền sử dụng đất cho các hộ, để phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 2010, nhiều hộ dân thôn Thiên Tuế đã làm đơn lên UBND xã Thượng Bằng La đề nghị để xin quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nhưng trớ trêu thay số đất trên vẫn chưa được tách ra khỏi đất Lâm trường mà vẫn giao cho Công ty Lâm nghiệp Ngòi Lao quản lý.
Ông Đỗ Văn Mộc, 72 tuổi trước đây là Đội trưởng đội lâm nghiệp của Lâm trường Ngòi Lao đặt câu hỏi: “Trước kia, 72 công nhân ở đây đã khai phá đất hoang từ năm 90 để trồng sắn, trồng cây lương thực rồi chuyển sang trồng quế, trồng cam để đảm bảo đời sống cho gia đình. Đến nay, số gia đình công nhân đã nghỉ hưu con em thì không được nhận vào Lâm trường, nếu Lâm trường thu đất thì không hiểu những công nhân đã từng gắn bó lâu năm với lâm trường và con cháu chúng tôi sẽ sống nhờ vào đâu? Lấy gì để sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình?”.
Giải pháp có khả thi?
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hữu Nhất, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: “Nguyện vọng có đất để sản xuất là nguyện vọng hết sức chính đáng của người dân. Đối với địa phương rất ủng hộ nguyện vọng đó của người dân. Diện tích người dân trồng cây ăn quả đang kinh doanh có hiệu quả, người dân phải được quyền sử dụng lâu dài để họ đầu tư thâm canh và vay vốn mở rộng sản xuất. Vẫn biết diện tích đất đó là do Lâm trường quản lý nhưng Lâm trường không sản xuất kinh doanh mà để hoang hóa trong khi người dân không có đất sản xuất thì đó là nghịch lý. Xã đã có công văn mời Ban giám đốc Lâm trường đến giải quyết nguyện vọng của người dân nhưng Ban giám đốc không đến để cùng bàn bạc giải quyết. Việc nhiều hộ dân yêu cầu được cấp quyền sử dụng đất vượt quá thẩm quyền của UBND xã, chúng tôi mong mỏi và chờ cấp trên xem xét giúp người dân có đất canh tác và yên tâm sản xuất”. |
Quả thực với bất kỳ một hộ dân nào thì đất sản xuất vẫn là tài sản chủ yếu, là nguồn vốn quan trọng để tạo ra sản phẩm hàng hóa nuôi sống gia đình. Vì vậy, thiếu đất sản xuất cũng đồng nghĩa với đói nghèo, lạc hậu và đương nhiên là phải nhận các khoản trợ cấp của Nhà nước. Là đơn vị trồng rừng có kinh nghiệm như Công ty Ngòi Lao mà đưa ra câu trả lời như vậy trước đời sống cơm áo hàng ngày của chính bản thân những công nhân của mình thử hỏi liệu có nên không? Việc lo “người dân sẽ không cho Công ty khai thác và không có đường vận chuyển gỗ” liệu có khách quan không? Và như vậy thử hỏi có người công nhân nào thấy giải pháp mà công ty đưa ra là thỏa đáng và mang tính khả thi để mà đồng tình?
Thiết nghĩ, những mong mỏi hết sức chính đáng của người dân thôn Thiên Tuế cần sớm được các cấp, các ngành có liên quan xem xét và giải quyết sớm để ổn định sản xuất và cuộc sống của nhân dân; đồng thời xem xét tính hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty hiện nay.
Văn Thông - Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay đang rộ lên thú chơi chim. Thú chơi ấy đang đứng trước nguy cơ tận diệt các loài chim, bởi xuất hiện lối săn bắt chim mang tính “càn quét”.
YBĐT - Qua số liệu xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái, từ năm 2001 đến nay, đã xét xử trên 4.000 vụ ly hôn, trong đó, có trên 55% số vụ liên quan đến BLGĐ và người gây bạo lực chủ yếu vẫn là nam giới.
YBĐT - Bãi Cổng Trời là tên địa danh do người dân địa phương tự đặt, thuộc địa phận thôn Sắc Phất, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên. Sau thời hoàng kim của đá đỏ, hiện nay chỉ bãi ở Cổng Trời mới có thể tìm được những viên Rubi bạc tỷ.
YBĐT - Đưa chú muồm muỗm đã được chế biến công phu, ánh màu vàng rộm lên miệng, lập tức thấy ngay được cái giòn tan như cơm cháy Ninh Bình, vừa có vị béo ngậy như lớp da gà Đông Cảo, lại vừa có vị thơm nồng tựa hương lúa nếp Mường Lò...