Công trình đầu tư của nhà nước phải được bảo vệ

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/6/2012 | 3:24:25 PM

YBĐT - Nếu như không kịp thời có biện pháp chủ động trước những tác động của hoạt động KTKS của hai công ty trong khu vực này thì ảnh hưởng tới nguồn nước và hoạt động sản xuất của nhân dân tới đây là rất lớn. Thực tế đã xảy ra. << Công trình đầu tư của Nhà nước phải được bảo vệ

Bùn đất tràn xuống lòng khe và đập thủy lợi do tác động của việc Công ty Tây Bắc mở đường vào điểm mỏ.
Bùn đất tràn xuống lòng khe và đập thủy lợi do tác động của việc Công ty Tây Bắc mở đường vào điểm mỏ.

Vòng vo trách nhiệm, “tiền hậu bất nhất”

Đối với công trình đập thủy lợi Khe Bát ở Lương Thịnh, sau nhiều kiến nghị của thôn và chính quyền xã, Công ty Hòa Yên đã đứng ra nhận trách nhiệm và có hướng khắc phục: mỗi khi mưa lũ ảnh hưởng đến mương dẫn nước thì Công ty sẽ cho công nhân xuống nạo vét để đảm bảo nước sản xuất cho bà con. Tất nhiên, đó chỉ là “giải pháp” tình thế và đại diện chính quyền địa phương cũng như nhân dân các thôn không đồng tình.

Với công trình nước sinh hoạt ở Kim Bình, đến nay chính quyền địa phương vẫn khẳng định hoạt động của hai công ty trên địa bàn thôn Kim Bình là Hoà Yên và Tây Bắc ảnh hưởng trực tiếp tới công trình cấp nước sinh hoạt cho đồng bào ở thôn Kim Bình. Bởi vậy, xã đã tổ chức cuộc họp với đại diện 2 công ty và có đơn đề nghị 2 công ty có trách nhiệm khắc phục và hoàn trả lại công trình của Nhà nước phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, chỉ có Công ty Tây Bắc đã có công văn gửi chính quyền địa phương nhận trách nhiệm và sẵn sàng khắc phục công trình. Công ty Hòa Yên thì có công văn trả lời không chấp nhận đề nghị của địa phương. Hòa Yên cho rằng họ không phải là nguyên nhân khiến công trình này hư hỏng đến không sử dụng được như thực tại.

Bể chứa bây giờ bỏ hoang.

Đầu năm 2010, khi có kiến nghị của nhân dân và chính quyền địa phương, huyện Trấn Yên đã có cuộc làm việc với địa phương và đại diện Công ty Hòa Yên. Đồng chí Bí thư Huyện ủy khi đó sau khi đi kiểm tra đã kết luận: Nguồn nước có nhưng không chảy vào được bể do bùn đất vùi lấp, phê bình xã thiếu trách nhiệm trong quản lý công trình; người dân thờ ơ trong bảo vệ nguồn nước, còn buộc lãm trâu bò quanh khu vực gây mất vệ sinh; đề nghị Công ty Hoà Yên có kế hoạch tu sửa, vệ sinh bùn đất đảm bảo nguồn nước lâu dài…

Mới đây nhất, tháng 5/2012 trong một cuộc làm việc với xã, lại có ý kiến của một đồng chí lãnh đạo huyện kết luận: Công trình hỏng là do khảo sát không kỹ, đầu tư dân không sử dụng; công trình đã không sử dụng được khi công ty Hòa Yên chưa vào khai thác… Các kết luận này không nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Lương Thịnh Đinh Khắc Huyên

Giải pháp của Công ty đưa ra là không phù hợp, bởi nếu mương tắc nước đúng thời điểm ruộng lúa đang cần nước thì làm sao dân chúng tôi chờ đợi được người Công ty tận đâu về nên trước mắt để khắc phục chúng tôi đề nghị Công ty có đội chuyên trách ứng trực khơi thông đảm bảo nguồn nước sản xuất cho nhân dân.

Thuận lợi hơn cả là Công ty hợp đồng trực tiếp với nhân dân nạo vét mương, có thể là chi trả thù lao cho Ban quản lý thủy nông của thôn để họ đảm nhận luôn.

Còn về lâu dài, Công ty cần nạo vét lòng đập, trả lại nguyên trạng cho đập thủy lợi và trong quá trình khai thác cần có các biện pháp xây đê chắn bãi thải, các hệ thống hồ chứa, hồ lắng… không cho bùn đất chảy tràn về suối đầu nguồn. Nếu tiếp tục để bùn đất chảy tràn như hiện tại thì tương lai nó sẽ lấp cả con đập là chuyện không tránh khỏi và nước nguồn cũng sẽ cạn kiệt.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh Nguyễn Quang Hồng

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở Kim Bình là công trình đầu tư của Nhà nước, sau khi đầu tư nhân dân vẫn sử dụng bình thường. Sau này có hoạt động KTKS ở trên, mỗi trận mưa bùn đất lại đổ về gây ô nhiễm nguồn nước, keo lắng trong đập đầu mối và bể chứa dẫn đến không sử dụng được.

Quan điểm của địa phương yêu cầu Công ty Hòa Yên và Công ty Tây Bắc là hai doanh nghiệp có điểm mỏ khai thác trong khu vực này phải có trách nhiệm cải tạo khắc phục hoàn trả lại công trình cho nhân dân, không khắc phục được thì phải đầu tư hoàn trả công trình khác.

Theo bà con, đây là công trình thiết thực đối với đời sống sinh hoạt, thời gian sử dụng mới chỉ tính được bằng tháng thì dù có không bảo vệ cũng chưa thể hỏng nhanh đến thế. Và nếu có chuyện buộc trâu, bò thì cũng chỉ làm mất vệ sinh, làm bẩn nguồn nước là cùng. Còn nói là công trình đã hỏng trước khi doanh nghiệp vào khai thác thì thật vô lý bởi thực tế nếu như không có hoạt động KTKS thì ở đâu ra bùn đất nhiều đến thế đổ vào nguồn nước làm công trình có thể ngừng hoạt động. Còn người dân, họ chẳng làm gì động đến đầu nguồn nước. Mà giả sử có thì dù người dân có lội lên đầu nguồn, trâu bò có qua lại hàng ngày đi chăng nữa thì cũng chẳng lấy đâu ra nhiều bùn đất đổ vào đập, vào bể gây tắc nước.

Nhưng sự không nhận trách nhiệm đó của Công ty Hòa Yên dường như lại mâu thuẫn với thực tế. Bởi thực tế là ngay từ những ngày đầu công trình cấp nước sinh hoạt ngưng hoạt động khi đại diện thôn và chính quyền địa phương có ý kiến, Công ty Hòa Yên đã từng nhận trách nhiệm và đứng ra khắc phục. Cụ thể: đã 4 lần Công ty thuê người dân trong thôn thau rửa bùn đất trong đập đầu mối cũng như các bể chứa để nước có thể chảy được.

Cũng đã có lần chính người của Công ty xuống thau rửa bể rồi đào đường mương nhánh nhằm để bùn đất chảy theo hướng khác, không chảy vào đập đầu mối… nhưng mọi khắc phục đó đều không đạt kết quả. Để rồi, Công ty lại tìm biện pháp khác là thuê cán bộ làm tư vấn thiết kế thủy lợi ở tỉnh và người địa phương trong đó có trưởng thôn Hà Văn Thơ đi phát tuyến khảo sát nguồn nước khác để tìm trả nguồn nước sinh hoạt khác cho dân. Tuy nhiên, việc khảo sát này cũng không khả thi do khu vực quanh đó dù có nguồn nước thì hoạt động khai thác của Công ty vẫn ở trên cao và sẽ ảnh hưởng đến.

Cuối cùng, năm 2010 Công ty đã đạt được một thỏa thuận với nhân dân là hỗ trợ mỗi hộ dân trong thôn 800 nghìn đồng để tự khắc phục nước sinh hoạt… Những điều đó minh chứng rằng: Công ty Hòa Yên đã đứng ra nhận trách nhiệm và có các biện pháp khắc phục tạm thời nên không thể nói công trình hỏng không phải do Công ty và hiện tại Công ty này lại không nhận trách nhiệm thì thật là khó hiểu?

Mặt khác, địa bàn thôn Kim Bình chỉ có một con khe và đó cũng là nguồn nước chảy về công trình cấp nước sinh hoạt. Mùa mưa năm 2010, sau một cơn lũ lớn bùn đất từ khu vực đang khai thác của Công ty theo khe nước đầu nguồn đổ về vùi lấp ruộng đang canh tác của nhân dân. Công ty Hòa Yên đã đứng ra hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho 25 hộ dân có diện tích ruộng bị vùi lấp. Sau đó năm 2011, kịch bản cũ tiếp tục lặp lại.

Sau một cơn mưa to, lũ lớn, bùn đất lại đổ về vùi lấp ruộng. Lần này thì nặng nề hơn, bởi từ đầu năm 2011 Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc đã vào địa bàn và bước đầu tiến hành mở đường vào điểm mỏ thì bùn đất đổ về càng nhiều hơn. Có 87 hộ dân với diện tích canh tác trên 5ha ở cả 3 thôn Kim Bình, Quang Vinh, Trực Khang của xã bị bùn đất vùi lấp. Trong đó riêng thôn Kim Bình thiệt hại trên 3ha, số tiền đền bù là trên 40 triệu đồng. Đó có phải là vòng vo “tiền hậu bất nhất”?

Lời kết

Nếu như không kịp thời có biện pháp chủ động trước những tác động của hoạt động KTKS của hai công ty trong khu vực này thì ảnh hưởng tới nguồn nước và hoạt động sản xuất của nhân dân tới đây là rất lớn. Thực tế đã xảy ra.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh Vũ Thị Hằng Nga lo ngại: “Lũ bùn về, vùi lấp hết ruộng nhìn xót xa lắm. Nếu như không có biện pháp gì kịp thời, tới đây thêm cả Công ty Tây Bắc tiến hành hoạt động khai thác trong khu vực này thì không hiểu tác động sẽ đến thế nào nữa”.

Trước khi vào địa bàn, các công ty khai khoáng bao giờ cũng có bản cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai: đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không để ảnh hưởng, tác động tới môi trường, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.

Song thực tế, hoạt động của các công ty đến thời điểm này chưa có biện pháp gì hữu hiệu nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường như cam kết và việc tác động tới môi trường, ảnh hưởng tới người dân quanh khu vực khai thác đã quá rõ ràng. Điều này, có trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc quản lý, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết cũng như hình thức xử lý khi vi phạm.

Riêng đối với hai công trình đầu tư của Nhà nước là không thể phủ nhận trách nhiệm. Chính quyền các cấp và ngành chức năng cần vào cuộc xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp có hoạt động KTKS trong khu vực có tác động ảnh hưởng đến công trình, sớm khắc phục hoàn trả lại công trình đầu tư của Nhà nước đảm bảo phục vụ lợi ích của nhân dân.

Ngày 25/4/2012, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn trong cuộc giám sát về công tác quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản tại huyện Trấn Yên khi về làm việc tại xã Hưng Thịnh (thành phần gồm các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên, các xã Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Hưng Khánh, Việt Cường và đại diện một số doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn trong đó có Công ty Hòa Yên), khi nghe các địa phương báo cáo về ảnh hưởng của 2 công trình này, đồng chí đã có kết luận yêu cầu doanh nghiệp có hoạt động KTKS trên địa bàn khẩn trương khắc phục hoàn trả lại công trình đầu tư của Nhà nước phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Song từ đó đến nay, chưa hề có biện pháp gì để khắc phục.

Ngọc Tú

Các tin khác
Bùn đất bồi đầy đập thủy lợi Khe Bát, trước đó là đập nước sâu mà giờ có thể đi lại dễ dàng thế này.

YBĐT - Khai thác khoáng sản (KTKS) và những hệ luỵ của nó đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền và nhân dân ở một số địa phương.

Các bé Trường Mầm non Thực hành tỉnh trong giờ tập vẽ.

YBĐT - Cuối tháng 5, đầu tháng 6 - đây là thời điểm các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Yên Bái bắt đầu mùa tuyển sinh cho năm học mới. Trong thời gian này, cùng với sự đôn đáo của nhiều bậc phụ huynh cố gắng tìm cho con mình một chỗ ở trường mầm non công lập, một số phụ huynh khác lại lo lắng tình trạng quá tải sẽ tiếp diễn...

Công an Văn Chấn triển khai phương án tấn công tội phạm.

YBĐT - Sau hơn 3 tháng thực hiện đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm về ma túy (từ tháng 2 đến hết tháng 5/2012), Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã bắt giữ 16 vụ 20 đối tượng, thu giữ một khối lượng lớn hêrôin, thuốc phiện và thân, rễ, quả cây thuốc.

Cán bộ đơn vị cung ứng giống ngô trao đổi về giống AG59 đang trồng thực nghiệm tại Trạm Tấu.

YBĐT - Nhiều nhà như ông Thào A Giao, Thào A Chảy... đã biết trồng ngô theo hướng thâm canh nên dù đất ít hơn so với nhiều nhà khác nhưng mỗi hộ vẫn thu từ 4 đến 5 tấn ngô hạt/năm. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì một năm họ sắm được 2 chiếc xe máy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục